Cơ hàn xóm “mông má” giày

(PLO) - Cuộc sống của người sửa chữa giày cũng giống như cái dáng người lúc nào cũng phải cúi đầu, lầm lũi...
Hồi sinh những đôi giày cũ
Hồi sinh những đôi giày cũ
Lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng phố Đông Quan (Cầu Giấy, Hà Nội), xóm “mông má” giày dường như cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Đây được coi là xóm giày cũ lớn nhất Hà Nội với gần trăm người theo “nghiệp”. Có bước chân vào đây mới tận mắt chứng kiến cảnh sống nghèo khổ, cơ hàn của họ.
Nhìn tay, biết nghề!
Con đường nhỏ dẫn vào ngóc ngách của khu xóm như một lằn ranh phân cách. Một bên là những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ, luôn kín cổng cao tường. Còn một bên là dãy nhà cấp 4 lụp xụp, tối tăm với những người lầm lụi cắm mặt vào giày cũ. Giày hiện diện ở khắp xóm, từ ngoài sân, trên trần nhà, trong nhà, trên gác xép… la liệt những đôi giày cũ. 
Bầu không khí ở đây đặc quánh bụi xi, mùi keo dính và chất tẩy rửa. Anh Đỗ Quanh Vinh (SN 1984, quê Xuân Trường, Nam Định) cho biết đã có hơn chục năm thâm niên với nghề “lên đời” giày. Làng quê nghèo khó không đủ sức níu chân, 13 tuổi anh Vinh đã lên Hà Nội theo nghề đánh giày. 
Vốn làm việc cẩn thận, anh hay được các vị khách gọi đánh giày và hẹn tới nhà cho những đôi giày cũ. Về nhà, anh khâu lại cẩn thận, đánh xi khiến những đôi giày cũ trở nên sáng bóng. Một mình không thể đi hết chỗ giày ấy, anh Vinh nảy ra ý định bán lại giá rẻ cho những người ở gần xóm trọ. Lúc đó, giá một đôi chỉ từ 20-30 nghìn đồng. Giày đẹp, chất liệu da tốt, giá lại rẻ như cho không, nhiều người trong xóm trọ nghèo rủ nhau vào mua. 
Chục đôi giày hết veo trong 1 giờ. Cầm số tiền 200-300 nghìn đồng, anh Vinh mừng rơn và nung nấu ý định “hồi sinh” những đôi giày cũ. Từ biệt “nghề” đánh giày, anh lấy tiền dành dụm hơn một năm để mua hàng. Địa điểm anh nhắm tới là những nơi thu mua đồng nát ở Cầu Giấy, Hoàng Cầu, Kim Liên, Long Biên… Làm nhiều thành quen, tay nghề “độ” giày của anh nâng lên đáng kể.
Theo anh Vinh, hầu hết những người “hồi sinh” giày đều xuất phát từ nghề đánh giày. Sẵn có kỹ thuật đánh giày, có chút hiểu biết về chủng loại, dễ tìm nguồn “hàng”, họ không khó bắt tay vào công việc này. Trong xóm trọ này có tới gần trăm con người theo “nghiệp”. Họ đến từ các vùng quê Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam… 
Để làm “sống lại” đôi giày cũ, người làm nghề phải qua nhiều công đoạn. Bắt đầu từ việc tìm mua giày, sau đó mang về giặt giũ bằng nước tẩy chuyên dụng để khử bẩn và mùi hôi của giày. Giày phơi khô, phân loại giày nam, nữ, trẻ em. Giày nào còn “ngon” thì độ lại, số còn lại tận dụng lấy phụ tùng như đế, quai, gót… Có khi 3 đôi  cũ mới “chế” được một đôi giày mới. Đôi bàn tay của người sửa giày luôn đen kịt màu si. Anh Vinh cười: “Mọi người chỉ cần nhìn tay là “đọc vị” ngay chúng tôi làm nghề gì!”.
“Thót tim” khi bán những đôi giày thấm đẫm công sức
Cặm cụi làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya mà cuộc sống bao năm của người làm nghề này vẫn tạm bợ. Căn phòng của vợ chồng anh Vinh rộng chưa đầy 10 m2, chỉ độc chiếc giường cũ. Chẳng có tủ, quần áo treo thành hàng trên dây. Tài sản quý giá của gia đình anh là những đôi giày cũ hỏng. Giày chất  đống ở góc nhà. 
Tận dụng diện tích, anh còn quây thêm ít gỗ tạp làm gác xép để hàng. Lâu lắm, vợ chồng anh chẳng biết xem ti vi là gì. “Chúng tôi muốn xem lắm mà chẳng có thời gian. Thôi tiền mua ti vi cũ để dành cho các con ăn học”- anh bùi ngùi.
Hầu hết các gia đình xóm “mông má” giày đều ngập trong gánh nặng cơm áo. Cô Trang (SN 1960, quê Thái Bình) theo chồng học nghề “độ” giày hơn 5 năm nay. Cả gia đình chồng hơn chục người đều làm nghề này. Chồng cô (SN 1958) cũng là “cao thủ” sửa giày trong xóm. Do hít nhiều si và keo dán, chồng cô bị bệnh hen phải về quê trị bệnh. Cô Trang đành làm việc thay chồng, bao nhiêu tiền đều dồn về quê cho chồng mua thuốc. Bàn tay cô bị mất một đốt ở ngón cái do tai nạn chạm vào máy mài đế giày. 
Cuộc sống của người sửa chữa giày cũng giống như cái dáng người lúc nào cũng phải cúi đầu, lầm lũi.  Cũng vì cuộc sống vất vả và ô nhiễm nên hầu hết những người làm nghề “độ” giày đều gửi con ở quê nhờ ông bà, họ hàng nuôi nấng và chăm lo việc học hành giúp. 
Một đôi giày cũ mua về giá 20-100 nghìn đồng, bỏ công sức “mông má”, nếu bán được thu về 70-200  nghìn đồng tùy loại. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng họ gửi về quê 1-2 triệu đồng. Mối lo lớn nhất của họ là tìm chỗ bán hàng. Họ không có vốn, không thể thuê cửa hàng, kiốt nên đành phải bán ở vỉa hè, lòng đường. 
“Do vi phạm hành lang giao thông, chúng tôi luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo ngay ngáy” – anh Vinh cho biết.  Ước ao được thuê mặt bằng giá rẻ để không còn phải “thót tim” khi bán những đôi giày thấm đẫm công sức cũng quá đỗi xa vời với họ.
Mỗi ngày làm việc của họ bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 1 giờ đêm. 5 giờ sáng, họ tới những bãi rác ven đường quanh thành phố tìm giày cũ; chiều, họ tất bật sửa chữa giày cũ, tối mang sản phẩm ra vỉa hè để bán… Đến khoảng nửa đêm, cả người lẫn hàng lại “chạy sô” tới những nơi thu mua đồng nát để mua hàng. Phải hơn 1 giờ sáng, những người theo nghề “mông má” giày mới về đến nhà, ngả mình ngủ mê mệt. “Thời gian biểu” ấy cứ lặp đi lặp lại. Một giấc ngủ đủ 8 tiếng quá đỗi xa xỉ đối với họ.

Đọc thêm