Có nên bỏ quy định thẩm định tính khả thi của văn bản?

Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chỉ là một nhiệm vụ trong số rất nhiều trọng trách mà Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đây là một công việc phức tạp và còn không ít tồn tại.

Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chỉ là một nhiệm vụ trong số rất nhiều trọng trách mà Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đây là một công việc phức tạp và còn không ít tồn tại.

Nhiều VBQPPL bị dư luận than phiền vì thiếu tính khả thi.

Công tác thẩm định VBQPPL hiện được quy định trong 3 văn bản là Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 5/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL và Quyết định số 1048/QĐ-BTP ngày 8/4/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL.

Triển khai các văn bản này, đặc biệt là qua việc áp dụng cơ chế Hội đồng thẩm định và cuộc họp tư vấn thẩm định theo Quyết định số 1048/QĐ-BTP, công tác thẩm định đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng của các văn bản do các cơ quan Nhà nước ban hành.

Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn đây đó những bất cập như chưa khẳng định rõ giá trị pháp lý của văn bản thẩm định; chưa có chế tài trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan/đơn vị chủ trì soạn thảo trong trường hợp chậm nộp hoặc nộp thiếu hồ sơ; đặc biệt là, một số nội dung cần thẩm định thiếu thực tế, khó đáp ứng (chẳng hạn, tính khả thi của văn bản).

Không những thế, theo quy định hiện hành, nội dung cần thẩm định được áp dụng đồng nhất đối với tất cả các loại dự thảo VBQPPL, không phân biệt đó là dự thảo luật, pháp lệnh hay thông tư. Đấy là chưa kể thời gian, nhân lực tập trung cho công tác thẩm định VBQPPL chưa tương xứng với khối lượng và tính chất phức tạp của công tác này, nhất là số công chức có kiến thức pháp luật sâu, am hiểu về nhiều lĩnh vực khác nhau còn rất hạn chế - như lời thừa nhận của một vị lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.

Vì vậy, đã có chuyên gia kiến nghị rằng cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hợp nhất hai Luật Ban hành VBQPPL, trong đó nghiên cứu những nội dung cần thẩm định để bổ sung các nội dung mà Bộ Tư pháp cần tập trung thẩm định như chính sách pháp luật, sự phù hợp với Hiến pháp, quyền con người, tác động đến thẩm quyền xét xử của tòa án, ảnh hưởng đến cam kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời, bỏ những nội dung thiếu thực tế như thẩm định tính khả thi của văn bản mà chúng tôi vừa đề cập ở trên.

Ngoài ra, cần khẳng định giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và quy trách nhiệm cụ thể đối với những cơ quan/đơn vị không tuân thủ đúng yêu cầu về thời hạn nộp, số lượng hồ sơ phải nộp cho cơ quan/đơn vị chủ trì thẩm định. Bên cạnh đó, mặc dù cơ chế Hội đồng thẩm định và cuộc họp tư vấn thẩm định đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng để thực sự chuyên môn hóa công tác thẩm định thì nên chăng nên nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định VBQPPL thuộc Bộ Tư pháp.

Thục Quyên

Đọc thêm