Có nên coi chồng như… con trai?

(PLO) - Nên hay không nên, xin những người phụ nữ và cả những người đàn ông hạ hồi hãy phân giải, sau khi đọc hết bài này. 

Hãy xử sự với chồng như mẹ xử sự với con trai 
David Devin - một nhà ngoại giao, tác giả cuốn sách “Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương” đã khuyên những người phụ nữ Việt Nam như vậy. Theo ông, nhiều phụ nữ Việt thường tôn vinh đàn ông Tây, hạ thấp đàn ông Việt, còn trong con mắt của ông – một người đàn ông Mỹ hẳn hoi thì “tất cả đàn ông trên thế giới đều giống nhau và chỉ có một loại thôi” hay nói cách khác “đàn ông Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ… đều như nhau hết”.
Kể câu chuyện của mình, David Devin – người tự nhận là “bác sĩ hôn nhân” cho người Việt bởi đã có hàng chục năm sống ở Việt Nam có bạn gái người Việt nói rằng khi tư vấn cho những bà vợ Việt Nam để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, ông không bao giờ khuyên họ ly hôn chồng. Bởi không chắc gì người đàn ông sau đó đã tốt hơn. 
Vậy những người vợ phải làm gì để duy trì hạnh phúc gia đình thay vì đi tìm một người đàn ông mới mà chắc gì đã ổn hơn? Theo David Devin: “Bình đẳng tuyệt đối trong gia đình sẽ chỉ dẫn đến xung đột, buộc phải có người lãnh đạo. Tất cả các ông chồng đều ghét nghe vợ phàn nàn nhưng may mắn cho các chị em, tất cả đàn ông đều có mẹ. Mẹ thì không phàn nàn, bà ấy đề ra luật. Nếu đàn ông phá luật của mẹ thì sẽ bị phạt”. 
Lời khuyên của Devin là những người vợ hãy xử sự với chồng như mẹ xử sự với con trai. “Lỗi lầm lớn nhất của phụ nữ Việt Nam là khi tức giận thì cứ mắng mỏ và ném đồ đạc lung tung. Khi đó chúng ta cũng không trưởng thành. Chúng ta phải trưởng thành trước đã và hãy xử sự với chồng như với con trai mình. Đó là phạt khi phạm lỗi và âu yếm sau đó để làm hòa”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nên hay không nên?
Dạy chồng tốt vì một thế giới tốt đẹp hơn - đó là tuyên bố của một người phụ nữ đã dày công dạy chồng. Theo kinh nghiệm của người phụ nữ này, chồng cô cũng như không ít những người đàn ông khác, khi đi “cưa” thì rất “đỉnh” trên mọi phương diện, nhưng đã lấy được vợ về rồi “chiếc mặt nạ” được gỡ bỏ để “hiện nguyên hình” mê game và bài bạc, “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”, lơ là chăm sóc con cái, hời hợt yêu vợ, không có mục tiêu phấn đấu công việc, đàn đúm bạn bè…, cũng may là chưa ngoại tình cho đủ “bộ” thói hư tật xấu. 
Xác định mình không thể là “người vợ - người hầu” cho chồng, cô lên kế hoạch dạy chồng. Theo lời kể của cô, có lần buổi tối cô đang vừa tranh thủ lau dọn nhà cửa vừa cho con học thì chồng vừa chơi game vừa sai vợ “nấu cho anh bát mỳ”, trong khi đó anh chỉ mới rời bữa ăn tối cách đó 2 tiếng. Cô kiên quyết không nấu mặc cho chồng la hét, giận dỗi. 
Nói chán rồi anh ta cũng tự mình đi ra nấu mỳ và có vẻ như từ lần đó đã tự nhận ra rằng vợ không phải là osin mà muốn sai lúc nào cũng được và đàn ông cũng không phải là một sinh vật khuyết tật yếu ớt lệ thuộc đến mức không tự lo được những nhu cầu cá nhân của mình. 
Lần khác, đức ông chồng của cô đổ thói mê cờ bạc. Khuyên can nhiều nhưng không được, cô quyết định đến chiếu bạc và xin chơi một tay cùng chồng. Cả buổi hôm đó chồng cô thua liểng xiểng vì mải ấm ức với sự có mặt của vợ. Về đến nhà anh ta lôi vợ ra chửi bới, những tưởng vợ mình nói lại thì sẽ cãi nhau một trận ra trò cho đã. 
Nhưng nào ngờ cô vợ chỉ cười khẩy và nói đúng một câu: “Trụ đã mục còn cố giữ nhà khỏi sập”. Sau lần đó, anh chồng không những tiệt hẳn thói bài bạc mà còn nghiệm ra rằng muốn có tư cách làm chồng trong mắt vợ thì bản thân cần phải gương mẫu. Chồng muốn có vợ đảm, con khôn thì trước tiên phải là người chồng có trách nhiệm, người cha có đạo đức. 
Khác với cô vợ trên, một cô vợ khác tuy rất quan tâm đến chồng nhưng vẫn thường xuyên bị chồng mắng vì… đã quá quan tâm. Sáng chồng đi làm vợ tìm cặp táp, chìa khóa để sẵn, chọn bộ quần áo để chồng mặc mỗi ngày. Chồng đến cơ quan, vợ gọi điện nhắc nhớ uống nước không khô miệng, chồng tắm vợ đứng ngoài nhắc “anh nhớ xả hết xà phòng không mắc bệnh ngoài da”… Ông chồng lúc đầu cũng khoái vì tuột khỏi tay mẹ là có ngay vợ chăm bẵm. Nhưng dần dà lại thấy khó chịu với kiểu chăm chồng như con này. 
“Việc gì anh tự giác làm thì còn cảm thấy sung sướng, còn việc gì em nhắc đi nhắc lại, anh bực không muốn làm. Em càng ngày càng giống mẹ anh hơn là vợ” – rồi cũng đến ngày anh ta đã nổi quạu với vợ như thế làm chị vợ nức nở chẳng hiểu mình sai chỗ nào khi yêu chồng như thế…

Đọc thêm