Có nên tiếp tục một kì thi quốc gia?

(PLO) - Ngày 28/10, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo như có nên tiếp tục kì thi quốc gia hay tách riêng hai kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Hiệu ứng đám đông 2015 có tái diễn? (Ảnh minh họa)
Hiệu ứng đám đông 2015 có tái diễn? (Ảnh minh họa)
Không đủ điểm sàn thì... du học
Nói về kỳ thi quốc gia năm nay, GS. Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH)  Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bày tỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức một kỳ là hợp lý, đỡ tốn kém, đạt được 2 mục đích: tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ). 
Bên cạnh đồng tình với việc nên tiếp tục một kỳ thi, GS Phương đề nghị không cần 100 cụm thi mà giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức kì thi, Bộ chỉ chịu trách nhiệm thiết kế đề thi. Đề nghị thứ hai của GS.Phương là Bộ cho phép các trường tuyển 2 đợt/năm. Còn như hiện nay, kỳ tuyển sinh kéo dài, gây lãng phí cho xã hội. 
GS Phương đặt câu hỏi, năm nay chuyên gia của Bộ tính toán thế nào để có 530.000 thí sinh trên điểm sàn, thế nhưng các trường tuyển đến gần hết tháng 10 vẫn thiếu học sinh. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đến giờ mới tuyển được 2600/4500 chỉ tiêu. 
Cũng theo GS. Phương thì đã đến lúc xét lại điểm sàn. Vì có thật rằng có điểm sàn mới học tốt được hay không? Hàng năm có mấy nghìn học sinh của Việt Nam ra nước ngoài học vì không đủ điểm sàn, trong khi đó các trường trong nước thì thiếu thí sinh. 
“Lâu nay Bộ chỉ quan tâm đầu vào mà buông lỏng đầu ra. Nhưng tôi cho rằng đào tạo ĐH quan trọng nhất là đầu ra. Đầu ra ĐH ít nhất là phải trải qua 60 kỳ thi mới tốt nghiệp. Tôi nghĩ vấn đề này Bộ cần phải bổ khuyết. Chương trình ĐH là 130 tín chỉ - giống Mỹ - nhưng người Việt Nam bằng này tín chỉ chưa thành nghề. Vì người Mỹ không cần học tiếng Anh. Cho nên 130 tín chỉ thì lấy thời gian đâu mà dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin, đại cương, chưa nói đến thể chất, quốc phòng. Nên tôi nghĩ 130 tín chỉ, không đủ. Về điểm đạt môn học thì phải từ điểm 6 trở lên. Quy định hiện tại của Bộ là không ổn” – GS. Phương nêu một loạt vấn đề.
Có nên tách riêng?
Ở góc độ khác, PGS Văn Như Cương đánh giá  kỳ thi vừa qua có 3 mặt chưa được, đó là không giảm được căng thẳng, không giảm được tài chính và không chọn đúng năng lực thí sinh. “Tôi cho rằng, chúng ta làm không được vì Bộ ôm mọi khâu từ A đến Z.  Trong khi ở mầm non, phổ thông, Bộ ôm cái Z, ở ĐH Bộ nắm lấy cái A” – ông Cương ví von.
Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương thì việc thi ĐH nên giao quyền tự chủ cho các trường, các trường có quyền lựa chọn mô hình phù hợp. Nên tách hai kỳ thi ra, kỳ thi tốt nghiệp rất gọn nhẹ, xem như kỳ thi của học kỳ 2 cũng được, còn thi ĐH giao cho các trường tự chủ. 
Cùng quan điểm trên, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng thi tốt nghiệp nên để cho Sở GD-ĐT lo vì “Bộ có ôm cũng không chuẩn hóa được cả nước”. Còn tuyển sinh ĐH để các trường tự chủ, không cần điểm sàn, điểm của kỳ thi do các trường tự quyết. 
Gay gắt hơn, GS Võ Thế Phương - Hiệu trưởng ĐH Đông Đô cho rằng, việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như vừa rồi là một ý tưởng sai lầm vì mục đích của 2 kỳ thi khác nhau. Một bên ghi nhận kết quả tốt nghiệp, một bên tuyển sinh xét đầu vào. Do đó, với việc thi 2 trong 1 chẳng khác gì ép duyên với nhau. 
Hơn nữa, việc tổ chức kỳ thi không hợp lý, khi mà các trường ĐH phải đi lo tốt nghiệp cho các sở. Bên cạnh đó, việc kỳ thi kéo dài đúng 1 tuần là không hợp lý,  ảnh hưởng tới sự sinh hoạt của mỗi gia đình, xã hội. 
“Không những thế, việc cấu trúc để thi không hợp lý nên đánh giá học sinh không chính xác dẫn đến chất lượng xét ĐH năm nay giảm 40%.  Cùng với đó, việc đưa môn tự chọn vào thi tốt nghiệp, hiện nay chúng ta đang dạy 13 môn bắt buộc trong phổ thông. Tự chọn như vậy dẫn đến tình trạng chọn ngay từ trước những môn để thi, dẫn đến học sinh học lệch. 
Do đó, nếu tiếp tục thi 2 trong 1 thì phải điều chỉnh những bất cập của kỳ thi vừa qua. Còn nếu tách tốt nghiệp và tuyển sinh thành hai việc độc lập thì phần tốt nghiệp nên giao cho địa phương” - GS Võ Thế Phương đề nghị. 
Gọi kỳ thi 2 trong 1 là không chính xác?
Đại diện Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Các thầy nói kì thi 2 trong 1 là không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi quốc gia nhưng bản chất là hết 12 năm học sinh phải có cái thang để xem các cháu đứng ở đâu. Từ thang đó có 2 mục đích tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh. Do đó nó không phải kỳ thi tốt nghiệp và không phải kỳ thi tuyển sinh nên không phải là 2 trong 1. Kỳ thi tuyển sinh của các trường, Bộ đã giao cho các trường tự chủ. Bộ không ép buộc các trường phải lấy kết quả chung của Bộ”. 

Đọc thêm