Cơ ngơi hàng chục tỷ đồng của cựu chiến binh chuyên nghề 'xay xát'

(PLO) -Sau gần 10 năm phục vụ quân ngũ, ông Nguyễn Đôn Nhu (SN 1957, ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) trở về địa phương và tìm cách phát triển kinh tế. Nhờ đi đúng hướng với nghề xay xát và buôn bán lúa gạo, đến nay ông Nhu đã có trong tay cơ ngơi hàng chục tỷ đồng.
 

 

Vợ chồng ông Nhu là gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.
Vợ chồng ông Nhu là gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương.

Gian nan khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), học hết lớp 9, chàng trai Nguyễn Đôn Nhu nghỉ học lo mưu sinh kiếm sống. Năm 1983, ông tham gia chiến trường K (Campuchia). Năm 1990, trong một lần về thăm nhà, ông quen và cưới cô gái ở xã bên.

Xuất ngũ với số vốn vỏn vẹn 1 cây vàng, cùng với việc người thân cho mảnh đất nhỏ ở thị trấn Bình Dương, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ tìm cách phát triển kinh tế, vợ chồng ông Nhu quyết định vay mượn thêm tiền bạc xây một căn nhà nhỏ tại đây để lập nghiệp.

“Hồi đó nghèo khổ lắm, cha mẹ động viên cố gắng làm ăn. Sau đó, vợ chồng tôi mua đồ nấu rượu bán, lấy phụ phẩm nuôi lợn. Hồi ấy, mới bắt đầu nuôi chưa có kinh nghiệm nên 2 năm đầu, vợ chồng tôi không có một đồng lợi nhuận nào”, ông Nhu cho biết.

Đến năm thứ 3, nhờ cần cù, chịu khó, việc nuôi lợn bắt đầu cho lãi, phấn khởi, vợ chồng ông Nhu tiếp tục đầu tư mở rộng số lượng nuôi. “Nhìn những đàn lợn phát triển khỏe mạnh, xuất bán có giá, vợ chồng tôi vui lắm. Hồi ấy, cả thị trấn chỉ leo veo vài ba hộ nuôi lợn với số lượng lớn nên khi xuất bán cũng có trong tay số vốn cứng cỏi”, bà Thái (vợ ông Nhu) thổ lộ.

Đến cuối năm 1995, nhận thấy thị trường gạo tại địa phương vẫn còn bỏ ngỏ, vợ chồng ông Nhu quyết định dùng số vốn tích cóp được, vay mượn thêm 80 triệu đồng đầu tư mua máy xay xát gạo loại nhỏ, vừa làm dịch vụ, vừa thu mua lúa của bà con, xay ra gạo đem bán, cám thì dùng nuôi heo. Bởi làm ăn uy tín, bạn hàng gạo của vợ chồng ông Nhu ngày càng nhiều, việc mua bán ổn định và phát triển.

Đến năm 1998, khi đã có của ăn của để, vợ chồng ông Nhu quyết định mua đất ở khu vực xung quanh nhà để mở rộng diện tích. Hiện nay, ngôi nhà mới sắp xây xong của ông Nhu đặt trên mảnh đất này trị giá gần 5 tỷ đồng. Nhiều người bảo, đây là ngôi nhà thuộc hàng nhất nhì thị trấn Bình Dương hiện nay.

Ông Nhu đầu tư máy móc hiện đại để phát triển thương hiệu gạo Thái Bình Dương.
Ông Nhu đầu tư máy móc hiện đại để phát triển thương hiệu gạo Thái Bình Dương.

Thành công nhờ nắm bắt “gu” của khách hàng

Dẫn chúng tôi đến xưởng xay xát gạo Thái Bình Dương nằm trong cụm công nghiệp Bình Dương, ông Nhu bảo, năm 2006, khi cụm công nghiệp Bình Dương hình thành, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ông thuê 3.000m2 đất trong 50 năm để mở rộng, phát triển nghề xay xát gạo. 

Ông Nhu cho biết: “Vợ chồng tôi đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhà kho, sân phơi, sắm 2 xe tải trung chuyển, mở rộng và phát triển thương hiệu gạo Thái Bình Dương ra thị trường. Những năm sau, khi công việc làm ăn ở xưởng đã dần đi vào ổn định, từ máy nhỏ, tôi mua máy lớn, rồi máy lớn hơn, hiện đại hơn”. 

Có thương hiệu, việc kinh doanh của cơ sở xay xát gạo ngày càng phát triển. Bình quân mỗi ngày nhà máy của ông Nhu xay và xuất ra thị trường 8 tấn gạo. Từ đôi bàn tay trắng, đến nay gia đình ông Nhu đã có khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/năm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thương hiệu gạo Thái Bình Dương được đóng gói, bài trí bắt mắt, khách hàng đến mua dù là ký gạo rẻ hay đắt tiền, cũng đều được nhân viên niềm nở tiếp đón, tư vấn cặn kẽ về đặc tính của từng loại gạo và cách nấu nồi cơm ngon nhất. 

Kể chuyện làm ăn, ông Nhu vui vẻ cho biết: “Ở nông thôn, thường sử dụng hạt gạo được xay chà bằng những nhà máy có công suất nhỏ, với công nghệ lạc hậu, nên khó cho hạt gạo nguyên, trắng, đẹp; trong khi thương hiệu gạo Thái Bình Dương được tuyển lựa và chế biến công phu, vì vậy, mà gạo Thái Bình Dương thâm nhập ở vùng nông thôn dễ dàng”.

“Tôi chú trọng chữ tín với khách hàng nên lượng bạn hàng luôn ổn định. Hiện thị trường của thương hiệu gạo Thái Bình Dương rộng khắp cả nước. Các bạn hàng lớn ở tỉnh Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng đều đặn mỗi nơi lấy 5 - 10 tấn gạo/phiên chợ (1 phiên là 5 ngày)”, ông Nhu cho biết thêm.

Ông Nhu cho rằng, hạt lúa từ đồng ruộng đến khi trở thành hạt gạo trong bữa ăn của mỗi gia đình phải trải qua nhiều công đoạn, với nhiều chi phí phát sinh, việc giao nhận và thu hồi nợ lẻ mẻ ở từng khách hàng vừa khó, vừa tốn công, nên ít doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là khoảng trống mênh mông trên thị trường, nhưng để khai thác khoảng trống này, phải có kế hoạch thu mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến, cung ứng đúng thời gian, hiểu được tâm lý của từng khách hàng. 

“Từng loại gạo với các đặc tính xốp, mềm, dẻo, thơm…đều được tôi đối chiếu với “gu” của từng nhóm khách hàng để lên kế hoạch cung ứng phù hợp, vì vậy mà chất lượng nồi cơm của khách hàng không thay đổi”, ông Nhu chia sẻ.

Ông Nhu bảo, kinh doanh phải có trước, có sau với khách hàng. Tuy ông không giải thích “trước và sau”, nhưng chúng tôi hiểu trong triết lý kinh doanh của ông, chính là ân nghĩa, là tầm nhìn dài hơi cho thương hiệu gạo Thái Bình Dương.

Lao động làm việc tại xưởng xay xát gạo của ông Nhu.
Lao động làm việc tại xưởng xay xát gạo của ông Nhu.

Sẻ chia

Tuy hai vợ chồng bận rộn cả ngày với công việc, nhưng điều làm ông Nhu cảm thấy hạnh phúc là, người thân của mình có công ăn việc làm ổn định và họ luôn sẵn sàng gánh vác, chia sẻ công việc. Đứa con gái lớn của ông cũng đã có gia đình riêng, công ăn việc làm ổn định. Cậu con trai út đang học đại học, nhưng mỗi khi về nhà là xắn tay vào phụ giúp, để cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi.

“Được cái, con cái đều ngoan hiền. Đứa nào cũng ham học. Mỗi lần thằng út về là vợ chồng tôi khỏe ru. Từ quản lý sổ sách, tiếp xúc khách hàng, đến vận chuyển, thu mua… vậy nên vợ chồng tâm cũng yên tâm về sau”, bà Thái bộc bạch.

Ngoài ra, điều mà vợ chồng ông Nhu cảm thấy ấm lòng nữa là đội ngũ  lao động hơn 10 người đều xông xáo, làm việc tích cực. Trong đó, hơn một nửa là cựu chiến binh, cựu quân nhân, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ chế độ đãi ngộ cao, người lao động đều gắn bó lâu dài với cơ sở.

Ông Đặng Nhân (46 tuổi, ở xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ), lao động đang làm việc tại cơ sở của ông Nhu, cho biết: “Vợ chồng ông Nhu biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi nên đã tạo điều kiện cho tôi làm việc tại xưởng. Ngoài thu nhập, lao động ở đây còn được 2 bữa ăn chính nên tôi rất yên tâm làm việc. Nhờ số tiền làm việc hàng tháng, tôi có thể lo cho con cái ăn học”.

Chính những cộng sự đắc lực này đã giúp cho ông Nhu có niềm tin vững chắc vào khả năng cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp và thị trường đang ngày một mở rộng, đó còn là tài sản quý mà ông Nhu đã chắt chiu, gầy dựng trong nhiều năm qua. Ông bảo phải chuẩn bị cho một hướng đi bền vững của nghề cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp, mà thị trường nội địa vẫn còn khoảng trống phía trước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kinh doanh phát triển, có điều kiện, vợ chồng ông Nhu nhiệt tình tham gia đóng góp vào các quỹ hội ở địa phương, nhất là giúp đỡ các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu, bệnh tật. 

“Mình may mắn làm ăn ổn định, có của ăn của để, nên việc giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn cũng giống như góp thêm một chút gì đó cho xã hội, để xã hội trở nên ấm áp hơn, nghĩa tình hơn”, ông Nhu tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phù Mỹ, cho biết: “Cựu chiến binh Nguyễn Đôn Nhu là một trong những cựu chiến binh tiêu biểu của huyện Phù Mỹ trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Ông Nhu luôn chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng, nhiều năm liền được tặng giấy khen của Hội Cựu chiến binh huyện, Cựu chiến binh tỉnh”.

Đọc thêm