"Có phải em là mùa thu Hà Nội" được nhạc sĩ Trần Quang Lộc viết qua tưởng tượng

(PLVN) - “Có phải em mùa thu Hà Nội” - ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội cũng là một trong những ca khúc thành công nhất của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Ca khúc ra đời khi nhạc sĩ còn rất trẻ và phải mất hàng chục năm mới "có tên tuổi". Đặc biệt, nhạc sĩ tài hoa này đã sáng tác ca khúc khi chưa được đặt chân đến Hà Nội.
"Có phải em là mùa thu Hà Nội" được nhạc sĩ Trần Quang Lộc viết qua tưởng tượng

Hà Nội - thơ và nhạc qua tưởng tượng

Sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư bàng quang, trái tim nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã ngừng đập lúc 17h40 ngày 7/6 tại nhà riêng ở phường Long Toàn (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hưởng thọ 75 tuổi.

Phát hiện bệnh ung thư bàng quang cách đây 6 năm, đến nay nhạc sĩ Trần Quang Lộc phải trải qua 4 lần phẫu thuật. Lần cuối cùng cắt bỏ hẳn bàng quang thì lại được bác sĩ chẩn đoán là có khối u di căn. Dù đã dự báo trước nhưng sự ra đi của ông thật sự là một mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam và khán giả.

Trong sự nghiệp của mình, người nhạc sĩ tài hoa Trần Quang Lộc đã sáng tác nên khoảng 600 ca khúc. Những bài hát của ông mang đậm tình người, tình quê và rất được công chúng yêu thích. “Về đây nghe em”, “Em còn nhớ Huế không”, “Chợt nghe em hát”... là những bài hát đã ở lại trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Đặc biệt, ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”, phổ từ thơ của Tô Như Châu (1934 - 2002) là ca khúc nổi tiếng nhất.  

Nói về ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”, lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng kể, thời còn đi học, khi nghe giọng nói của người Hà Nội, ông bị chinh phục và luôn mơ về Hà Nội, bởi khi đó đất nước còn hai miền bị chia cắt. Mộng về một Thăng Long - Hà Nội với một mùa thu đẹp và dịu dàng trong những tà áo dài thanh lịch, không ít lần ông lén mở Đài Tiếng nói Việt Nam ngày ấy để nghe phát thanh viên, người Hà Nội đọc truyện đêm khuya. Một âm thanh vang lên ngọt ngào trong trẻo làm xao xuyến tâm hồn ông.

Và thật tình cờ vào năm 1972, khi sinh hoạt trong nhóm Hàn Giang ở TP Đà Nẵng, nhạc sĩ trẻ Trần Quang Lộc đã gặp nhà thơ Tô Như Châu. Khi ấy, nhà thơ Tô Như Châu đã đưa cho nhạc sĩ bài thơ “Có phải em là mùa thu Hà Nội” của mình. Bài thơ dài khoảng gần 100 câu, nhưng nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã nắm bắt được mạch cảm xúc cô đọng nhất, ở những khổ thơ hay về Hà Nội.

Những vần thơ giàu chất trữ tình, phong lưu như: “Ngày sang thu anh lót lá em nằm/ Bên trời xa sương tóc bay…” khiến chàng nhạc sĩ trẻ xao xuyến. Chỉ trong một đêm, trào dâng cảm xúc như một giấc mơ, nhạc sĩ đã hoàn thành sáng tác của mình. Ca khúc cùng tên bài thơ đã ra đời trong một đêm mộng như vậy.

Nói thêm rằng, khi sáng tác ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cả nhà thơ và nhạc sĩ đều chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội. Nhà thơ Tô Như Châu sinh sống và làm thơ ở một xóm nhỏ cạnh bến đò An Hải (Sơn Trà, Đà Nẵng). Còn nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), có thời gian ở tại Đà Nẵng.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc
 Nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Người đầu tiên thu âm nhạc phẩm này là danh ca Thái Thanh. Tuy nhiên, dù được danh ca Thái Thanh với chất giọng cao vút, thánh thót chấp thêm đôi cánh để bay cao hơn, nhưng “Có phải em là mùa thu Hà Nội” lại gặp số phận không may.

Chuyện là sau khi nhạc phẩm lên sóng phát thanh khoảng hai tháng, chính quyền Sài Gòn cũ ngày đó đã ra lệnh cấm và thu hồi tác phẩm. Họ cho là nhạc sĩ đã có hơi hướng tuyên truyền cho cách mạng tháng Tám, với những câu như: “Tháng Tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm” hay “Nghe đâu đây lá úa và mi xanh/ Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông hát”. Nghĩa là câu nào nhà cầm quyền cũng vin cớ nhạc sĩ có chiều hướng “thân cộng”. 

Chưa hết, tác giả cũng bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn cũ gọi lên chỉnh đốn và đe dọa. Thậm chí tấm căn cước của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng bị in số màu đen để ghi dấu phần tử cần chú ý, khác hẳn những số thẻ căn cước của mọi người có màu đỏ. Từ đó, bài hát rơi vào quên lãng.

Mãi tới 20 năm sau, khoảng đầu thập kỷ 90, ca sĩ Hồng Nhung là người có công đưa bài hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” trở lại với công chúng yêu âm nhạc, trong album “Chợt nghe em hát”, với một cảm xúc mới lạ. 

Thành công của “Có phải em mùa thu Hà Nội” chưa dừng lại ở đó, mà liên tiếp sau đó là các ca sĩ Thu Phương, Lam Trường, Thanh Lam… đều dàn dựng bài hát này, với những sáng tạo mới và gây dấu ấn đặc biệt với người yêu âm nhạc. 

Đặc biệt, ca sĩ Thu Phương đã được lĩnh không ít giải thưởng khi hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” qua album “Ngủ ngoan nhé ngày xưa” như giải Video hay nhất, Người hát hay nhất…

“Ca sĩ Thu Phương được giải thưởng bài hát này đứng đầu Top Ten trong chương trình nhạc Top Ten ở Sài Gòn, được giải nhất kéo dài trong một năm. Bài này cũng được giải thưởng ca khúc viết hay nhất trong năm của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải cho tôi”, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng kể.

Từ đôi bạn “mày - tao” đến người bạn đời son sắt

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng kể: “Đời tôi sáng tác nhiều bài hát, có nhiều bóng hồng, nhưng ngoài đời, bóng hồng của tôi chỉ có duy nhất”. 

Đó là bà Nguyễn Thị Thuận, người vợ đã gắn bó với nhạc sĩ Trần Quang Lộc 43 năm, từ lúc cưới nhau cho đến lúc ông qua đời. Mấy năm nay, khi ông đổ bệnh, bà bên cạnh chăm ông, theo ông mỗi tuần đi bệnh viện ở Sài Gòn để khám và điều trị ung thư… cho đến khi ông ra đi.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc gặp bà Thuận khi ấy còn là nữ sinh người Huế. Bà từng học Trường Quốc gia Âm nhạc Huế cùng với ông, nhưng nghỉ ngang vì bố mẹ không đồng ý.

Hai người ban đầu là bạn bè thường xưng “mày - tao” vì bằng tuổi. Ông và bà có nhóm bạn chung, thường tụ tập đi chơi cùng nhau, lang thang dọc bờ biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Bà Thuận ấn tượng vì ông lúc nào cũng có cây guitar bên mình, có thể hát từ sáng đến trưa không chán. Ông vừa sáng tác vừa nghêu ngao hát, nhưng lại không chủ đích ghi chép, lưu giữ. 

“Có người từng nói với bố tôi: “Con Thuận nhà anh xinh thế mà đi theo đám bạn này không biết sẽ ra sao”. Nhưng rút cuộc, chuyện tình yêu của chúng tôi vẫn được bố mẹ đồng ý. Cả hai làm đám cưới năm 32 tuổi. Chỉ có điều, tôi được quán triệt rằng lấy người chồng như vậy, sau này có cực thì ráng chịu, không về nhà kêu ca”, bà Thuận kể. 

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Lộc
 Vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Hai người nên duyên muộn và có 4 người con. Hiện tại, 3 người con của nhạc sĩ Trần Quang Lộc định cư ở Mỹ, còn người con trai Trần Quang Phương Nam ở lại Việt Nam sống cùng bố mẹ. 

Trong căn nhà cấp 4 ở phường Long Toàn, những tháng cuối đời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc được vợ chăm sóc bón cho từng muỗng cháo, muỗng sữa. Điều này khiến nhiều đồng nghiệp nể phục và yêu quý tình vợ chồng gắn bó của họ.

Vào những năm tháng cuối đời, niềm mong ước duy nhất của nhạc sĩ tài hoa Trần Quang Lộc là tổ chức được một show diễn cho riêng mình, hội ngộ đầy đủ những ca sĩ từng hát các ca khúc của ông như: Ý Lan, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Tuấn Ngọc, Thái Châu, Thu Phương, Quang Lê… để có dịp tri ân họ và gặp lại người thân, khán giả yêu mến mình, nhưng cuối cùng ông vẫn lỗi hẹn vì bệnh tiến triển quá nhanh.

Sinh lão bệnh tử, dù biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã phải đương đầu với những ngày bệnh tật đớn đau và nay đã vĩnh biệt cõi trần, nhưng những người yêu nhạc của ông vẫn không khỏi bùi ngùi, tiếc nuối, bởi ước mơ tổ chức đêm nhạc cho riêng mình của ông sẽ dở dang mãi mãi.

Đọc thêm