Cơ quan tư pháp “lép vế” cơ quan hành chính trong giải quyết tranh chấp

Người dân lại đánh giá cao vai trò của trưởng thôn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai và rất ít người tin các cơ quan tư pháp có thể hỗ trợ họ giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai. Điều đáng buồn là chỉ 1/9 người có tranh chấp hài lòng với kết quả giải quyết. Đây là một dấu hiệu báo động đối với hệ thống cơ quan tư pháp khi số lượng các vụ tranh chấp đất đai ngày càng tăng mà hệ thống giải quyết mà không hiệu quả sẽ khiến nguy cơ về mất ổn định xã hội càng tăng theo...

Kết quả cuộc khảo sát (thí điểm) đánh giá của người dân đối với công tác tư pháp địa phương (các cơ quan tố tụng ở địa phương - PV)  do Hội Luật gia và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UBDP) tiến hành tại Vĩnh Long, Huế và Phú Thọ từ quý IV/2010 đến tháng 9/2011 vừa được công bố tại Hà Nội.

Hình minh họa
Hình minh họa

Chỉ 1/9 người có tranh chấp hài lòng

Khi cần giải quyết tranh chấp đất đai, một bộ phận người được hỏi vẫn từ chối tìm kiếm bất kỳ hình thức trợ giúp nào, nhưng không rõ nguyên nhân là do qui mô tranh chấp quá nhỏ để “làm to chuyện” bằng kiện tụng hay vì người dân thiếu tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp.

Gần như những người có tranh chấp đất đai tại 3 tỉnh này đều tiếp cận các cơ quan hành chính và tổ chức tại thôn, xã, hoặc sử dụng cả hai kênh này để yêu cầu giải quyết. Nhưng cũng có đến hơn 50% số người này bày tỏ sẽ sử dụng các kênh tư pháp khi cần thiết. Song đáng lưu ý là những vụ kiện ra tòa đều không sử dụng luật sư để trợ giúp pháp lý. Quá trình giải quyết tranh chấp đất đai cũng có một số trường hợp phải bằng cách hối lộ, tận dụng các mối quan hệ xã hội, đe dọa bên tranh chấp.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp đai đai qua khảo sát ở các địa phương này cho thấy, dù người hòa giải và UBND cấp xã thường xuyên được “nhờ cậy”, nhưng hầu như lại không đóng vai trò trong việc làm “hài lòng” các bên. Thậm chí còn khiến người dân “bất bình” hoặc “không hài lòng lắm” với kết quả giải quyết tranh chấp.

Ngược lại, người dân lại đánh giá cao vai trò của trưởng thôn trong việc hòa giải tranh chấp đất đai và rất ít người tin các cơ quan tư pháp có thể hỗ trợ họ giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai. Điều đáng buồn là chỉ 1/9 người có tranh chấp hài lòng với kết quả giải quyết. Đây là một dấu hiệu báo động đối với hệ thống cơ quan tư pháp khi số lượng các vụ tranh chấp đất đai ngày càng tăng mà hệ thống giải quyết mà không hiệu quả sẽ khiến nguy cơ về mất ổn định xã hội càng tăng theo.

Thiếu tin tưởng cơ quan tư pháp giải quyết tranh chấp môi trường

Ngay cả vấn đề môi trường, khi cần giải quyết tranh chấp, người dân 3 tỉnh có xu hướng lựa chọn kênh hành chính và chính trị hơn là thông qua các cơ quan pháp lý chính thống. Có đến 80% người được hỏi ở Phú Thọ và Huế chọn Sở TN&MT (ngay từ ban đầu). Các cơ quan chính trị cấp xã (HĐND, UBND, Đảng ủy, MTTQ) cũng được tin tưởng để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Tại Phú Thọ và Vĩnh Long, khoảng 40% người được khảo sát khẳng định sẽ theo đuổi những vụ kiện cá nhân, còn ở Huế là đến 80%. Tuy nhiên, rất ít người nói rằng, họ sẽ cần đến luật sư và trợ giúp pháp lý. Phương án thương lượng trực tiếp với đối tượng gây ô nhiễm hay thông qua các cơ quan truyền thông được nhiều người lựa chọn hơn so với những kênh pháp lý chính thống khác.

Theo đánh giá, việc giải quyết các tranh chấp môi trường của cơ quan hành chính và chính trị hiệu quả hơn so với các cơ quan tư pháp. Thậm chí, người dân bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào các cơ quan tư pháp. 21,5% người được khảo sát ở Huế, 10% ở Phú Thọ cho rằng, các vụ kiện cá nhân là cách kém hiệu quả nhất để giải quyết tranh cãi về môi trường.

LS.Nguyễn Hưng Quang (thành viên nhóm nghiên cứu): “Dự kiến năm 2012, hoạt động khảo sát này sẽ được mở rộng trên toàn quốc và khai thác thêm các vấn đề như gia đình, hợp đồng lao động, khiếu nại tố cáo, nhà ở, khiếu kiện hành chính… dựa trên bộ chỉ số đánh giá. Kết quả khảo sát sẽ phục vụ cho cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách để tăng chỉ số cạnh tranh cho các địa phương cũng như quyền tiếp cận công lý của người dân”.

Huy Anh

Đọc thêm