Trường hợp phản ánh của bà Thu Hường (quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) không phải là ngoại lệ. Bà Thu Hường phản ánh: Cơ quan tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự trang trải 100% chi phí. Được thành lập tháng 12/2012, trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị truyền thông trực thuộc Bộ (gọi là đơn vị A và B). Trước khi bàn giao tài sản, đơn vị A bàn giao khoản nợ 635 triệu đồng (lấy số tròn); đơn vị B bàn giao sang khoản dư 2.329 triệu đồng (lấy số tròn).
Nhưng tại biên bản xét duyệt quyết toán ngân sách năm 2013 chỉ thấy cơ quan mới ghi khoản âm 635 triệu đồng vào mục Năm trước chuyển sang, còn khoản dương 2.329 triệu đồng không thấy. Sự việc bị bại lộ, anh chị em trong cơ quan (những người trước ở đơn vị B) chất vấn thì được kế toán trưởng cơ quan mới (và cũng là kế toán trưởng đơn vị B) trả lời, khi thì nói là đã chi hết hoa hồng cho người đi làm quảng cáo trong năm, lúc lại nói số tiền này vẫn đang trên đường vận động nên không ghi vào sổ sách.
Xin hỏi Quý Báo, cách ghi và trả lời của kế toán trưởng có đúng quy định của pháp luật? Nếu không đúng thì đây là hành vi vi phạm gì? Chế tài xử lý của pháp luật hiện hành là thế nào?
Phản ánh của bà Thu Hường, Luật gia Vũ Xuân Tiền (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia TP.Hà Nội) giải đáp như sau:
1. Đơn vị của bà được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai đơn vị cùng loại đều là các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự trang trải 100% chi phí. Theo Luật Kế toán được Quốc hội thông qua năm 2003 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004, hai đơn vị được hợp nhất và đơn vị thành lập sau hợp nhất đều là những đơn vị kế toán, do đó thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Kế toán.
2.Về vấn đề tài chính - kế toán khi hợp nhất các đơn vị kế toán, tại Điều 44 Luật Kế toán quy định: Công việc kế toán trong trường hợp hợp nhất các đơn vị kế toán. 1. Các đơn vị kế toán hợp nhất thành đơn vị kế toán mới thì từng đơn vị kế toán bị hợp nhất phải thực hiện các công việc như: a) Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính; b) Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao; c) Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán hợp nhất. 2. Đơn vị kế toán hợp nhất phải thực hiện các công việc sau đây: a) Căn cứ vào các biên bản bàn giao, mở sổ kế toán và ghi sổ kế toán; b) Tổng hợp báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán bị hợp nhất thành báo cáo tài chính của đơn vị kế toán hợp nhất.
Theo quy định trên, tại thời điểm hợp nhất, các đơn vị bị hợp nhất phải thực hiện việc kiểm kê tài sản và lập Báo cáo tài chính (BCTC). Đơn vị thành lập sau hợp nhất phải căn cứ vào BCTC của những đơn vị bị hợp nhất để lập BCTC của đơn vị mới tại thời điểm chính thức hoạt động (theo ngày ký quyết định thành lập). Nguyên tắc cơ bản của việc lập BCTC tại thời điểm hoạt động của đơn vị mới thành lập là cộng tương ứng giá trị từng tài khoản kế toán của hai đơn vị bị hợp nhất thành giá trị của tài khoản đó trong BCTC của đơn vị mới thành lập. Ví dụ: Tiền mặt tồn quỹ của đơn vị A khi bị hợp nhất là 500 triệu đồng, của đơn vị B là 500 triệu đồng, thì hai đơn vị lập Biên bản bàn giao số tiền trên cho đơn vị mới thành lập và trên sổ quỹ tiền mặt của đơn vị mới thành lập ghi số dư tiền mặt là 1 tỷ đồng...
3. Nếu BCTC của đơn vị hợp nhất không ghi nhận hoặc ghi nhận không hết số tiền được bàn giao thì có thể do một trong hai nguyên nhân: i) Hai đơn vị bị hợp nhất không bàn giao hoặc bàn giao không đủ; ii) Đơn vị mới thành lập cố tình để ngoài sổ sách kế toán số tiền nhận bàn giao. Việc đơn vị bà không ghi nhận số tiền 2.329 triệu đồng khi hợp nhất do đơn vị B bàn giao, cách giải thích của Kế toán trưởng như bà cho biết là không đúng. Vì nguyên tắc là phải ghi nhận số liệu mới được bàn giao, sau đó mới chi các khoản như hoa hồng, tiền công và các chi phí khác từ đơn vị mới. Giải thích rằng đó là số tiền “đang trên đường vận động” lại càng không thể chấp nhận nếu số tiền đó đã thể hiện trên BCTC của đơn vị B bàn giao khi hợp nhất.
- Hành vi nêu trên vi phạm Khoản 3 Điều 14 Luật Kế toán về những hành vi bị cấm, cụ thể như sau: Điều 14. Các hành vi bị nghiêm cấm: “3. Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán”. Hành vi nêu trên có thể quy vào tội “Lập quỹ trái phép” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể như sau: Điều 175. Tội lập quỹ trái phép. - Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép và sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. a) Dùng thủ đoạn xảo quyệt để trốn tránh việc kiểm soát; b) Để thực hiện tội phạm khác hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tất nhiên, để Toà án phán quyết khung hình phạt quy định tại Điều 175 nêu trên, phải có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra trên cơ sở kết luận của cơ quan thanh tra hoặc đơn tố cáo của công dân với những bằng chứng xác thực.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com