Chí Linh - Hải Dương: Dân chết mòn... vì ô nhiễm

(PLO) - Do chưa quản lí chặt được khu xử lí chất thải tập trung nên nhiều năm qua Cty TNHH Nhôm Đông Á (Cty Đông Á) ở Cụm công nghiệp Tân Dân luôn “chìm” trong tình trạng ô nhiễm.
Nước thải của Cty Đông Á
Nước thải của Cty Đông Á
Phải sơ tán vì ô nhiễm?
Năm 2009, Cty Đông Á (xã Tân Dân, huyện Chí Linh) có quy mô 6ha đi vào sản xuất, cũng từ đó người dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, không khí… nghiêm trọng do nhà máy gây ra.
Một người dân địa phương cho biết, tại khu vực gần Cty Đông Á nước có màu vàng đục phân biệt rất rõ, bốc mùi rất tanh, chảy từ đường ống của Cty ra thẳng kênh mương thôn Kỹ Sơn. Xung quanh Cty được xây tường bao kiên cố, mọi thứ được xử lí bên trong, những gì nhìn thấy chỉ là những đường nước thải màu vàng, có mùi khét như mùi dây điện cháy... Theo quan sát của chúng tôi, nước thải có biểu hiện chưa qua xử lí chủ yếu xả thẳng ra kênh mương giáp với khu đồng ruộng và ao thả cá của người dân thôn Kỹ Sơn Dưới. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoa màu mất mùa, cá chết hàng loạt mà bấy lâu nay người dân không để ý đến.
Bà Nguyễn Thị Nga, một hộ dân có cá bị chết bức xúc: “Trước đây nhà máy nhôm chưa về đóng trên địa bàn thì cá nhà chúng tôi phát triển rất khỏe mạnh, hiệu quả kinh tế rất ổn định, nhưng khi có nhà máy ở đây, xả nước thải ngấm vào ao làm cá chết nhiều, rất khó để nuôi tiếp. Tôi thấy việc xả nước thải như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng của những hộ dân như chúng tôi”. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Bí thư Chi bộ thôn Kỹ Sơn Dưới cho rằng: “Không chỉ ảnh hưởng bởi nước thải mà lượng khí thải từ nhà máy nhôm cũng rất khó chịu, nhà tôi ở ngay sau nhà máy phải đóng cửa cả ngày, cả nhà phải di chuyển vào trong làng ở tạm, buổi tối chỉ có mình tôi dám về ngủ”.
Để chứng kiến, chúng tôi đã đến khu vực phía sau Cty Đông Á, đây là nơi có hệ thống kênh mương thoát nước thải từ nhà máy. Hiện Cty đã cho xây dựng bể chứa nước thải để xử lí, tuy nhiên theo quan sát, bể chứa nước đó luôn bị rò rỉ và thấm ra ngoài, thêm nữa là hàng loạt đường ống nước nhỏ được xây nối từ phía trong nhà máy ra phục vụ việc xả nước thải. Ông Lê Văn Thành, Trưởng thôn Kỹ Sơn Dưới cho biết thêm:“Khi dân bơm nước lên ruộng tưới tiêu thì thấy nước có lượng bọt màu vàng cao hơn 1m. Vào ban ngày rất lạ là khói chỉ bay nhẹ và rất ít nước thải chảy ra mương”. Trước đó, năm 2010 Cty Đông Á xả nước thải ra ngoài môi trường đã bị nhân dân và cơ quan chức năng yêu cầu lấp cống xả. Những năm gần đây, Cty lại liên tục xả thải khoảng từ 9 đến 10 giờ đêm và 3 đến 4 giờ sáng. Lượng khí và nước thải ra rất lớn, khói thải bao phủ trọn cả thôn, dày đặc như sương mù, nước thải ra thì có màu vàng và rất tanh, ông Thành cho biết.
Đến thời điểm này, Cty Đông Á vẫn chưa hề có biện pháp xử lý triệt để đối với khí thải, nước thải. Không chỉ vậy, vào ban đêm tại nhà máy còn phát ra tiếng ồn rất to từ việc sản xuất nhôm khiến người dân nơi đây, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên mất ngủ. 
Cơ quan chức năng ở đâu?
Trước tình trạnh ô nhiễm nghiêm trọng mà Cty Đông Á gây ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết năm 2010 Cty này đã bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường 112 triệu đồng, bị Cảnh sát Môi trường tỉnh Hải Dương “tuýt còi” và ra quyết định xử phạt, nhưng Cty vẫn thường xuyên xả trộm nước thải, khí thải ra ngoài môi trường.
Ông Trần Trường - Phó Chủ tịch xã Tân Dân cho biết: Việc Cty Đông Á gây ô nhiễm môi trường là có thật. Đã nhiều lần Sở Tài nguyên và Môi trường về thanh, kiểm tra nhưng không hiểu vì sao đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn. “Mặc dù Cty Đông Á nằm trên địa bàn xã nhưng việc Quản lý lại thuộc Ban quản lí Khu công nghiệp Tân Dân. Nếu người dân có đơn phản ánh, chúng tôi phải xin ý kiến của cấp tỉnh, đặt lịch với Cty, khi họ đồng ý cho kiểm tra mới kiểm tra được. Nhiều lần chúng tôi có xuống, nhưng phía Cty đều nói lãnh đạo đi vắng mà từ chối không cho vào, chúng tôi cũng đành chịu”, ông Trường phân trần. Trả lời về trách nhiệm quản lí việc xả thải ra môi trường của Cty Đông Á, ông Phó Chủ tịch xã chỉ nói: “Xã chúng tôi chỉ có trách nhiệm cung cấp mặt bằng cho Cty và không có thẩm quyền giải quyết ô nhiễm mà phải đợi quyết định của cấp trên”.
Việc người dân thôn Kỹ Sơn Dưới ngày ngày phải sống trong ô nhiễm đã thành thói quen. Trong các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, cán bộ thôn, xã đành chọn phương án xoa dịu người dân “sống chung với lũ” vì biết rằng khó có thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm này. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần sớm vào cuộc để xử lý nghiêm đối với việc xả thải ra môi trường của Cty Đông Á làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nơi đây.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi cũng phát hiện một khối lượng lớn nước thải màu trắng đục do Nhà máy gạch Passion Mosai của Cty CP Bông Sen xả thải trực tiếp ra gần 2ha ruộng của người dân. Nguồn nước xả khiến đất ruộng bị biến chất, người dân không thể cày bừa trồng hoa màu. Không chỉ vậy, theo phản ánh của ông Trưởng thôn Kỹ Sơn Dưới, năm 2012 khói nhà máy gạch này thải ra làm cháy khô gần hết cánh đồng lúa của người dân trong thôn. Dưới áp lực của chính quyền, Cty đã xem xét và bồi thường cho hộ dân bị thiệt hại.  

Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com