Cô thợ may giúp ông trùm bến bãi nghiện ngập đổi đời

(PLO) -  Kỳ tích đã đến với người đàn ông nghiện ngập lâu năm. Đó là khi chị sinh đứa con đầu lòng vào năm 2006. Lần đầu tiên người đàn ông từng một thời ngang dọc thấy mình “bất tài vô dụng” khi đứa con khóc lả vì đói ăn, không có tiền mua thuốc, trong khi vợ phải chạy đi vay từng hào mua thuốc về cho chồng thỏa cơn nghiện...
Anh Trần Thế Khương.
Anh Trần Thế Khương.

Thời trẻ, Thế Khương từng bỏ nhà, một mình ngược lên huyện biên giới xứ Nghệ kiếm sống. Với bản tính lì lợm có sẵn, Khương nhanh chóng trở thành ông trùm bến bãi của các đầu mối khai thác cát sỏi và là tay buôn gỗ lậu sành sỏi.

Có tiền, Khương lao vào ăn chơi, rồi dính vào ma túy suốt 12 năm. Cuộc đời Khương chỉ thay đổi khi được vợ giúp cai nghiện, hoàn lương. Chính người vợ tần tảo đã kéo chồng ra khỏi vũng bùn, làm lại cuộc đời. Giờ đây, ông trùm bến bãi ngày nào đã trở thành ông chủ sản xuất gạch nổi tiếng một vùng.

Một thời “dọc ngang”

Bố mẹ mất sớm, cuộc sống nghèo đói nên từ nhỏ hai anh em Trần Thế Khương (SN 1971, ngụ xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tự nuôi nhau. Khi người anh lập gia đình và có con, Khương suy nghĩ không thể mãi ăn bám anh, phải tìm cho mình một cuộc sống riêng.

Mang theo hoài bão lớn, chàng trai 18 tuổi quyết định bỏ nhà, ngược lên thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn, một nơi cực tây của tỉnh Nghệ An, giáp ranh biên giới nước Lào tìm vận may cho mình. 

Lúc bấy giờ, đây đang là vùng đất hoang sơ, các công trình xây dựng, thủy điện bắt đầu được xây dựng. Do vậy, việc buôn bán diễn ra khá dễ dàng, kể cả việc tìm mua ma túy cũng đơn giản. Nắm bắt được nhu cầu đó, Khương đã lập bản doanh, kêu gọi thêm mấy người cùng quê lên dồn sức làm ăn. 

Với bản tính liều lĩnh từ nhỏ, Khương chọn cách đánh nhau để phô trương thanh thế, từ đó độc chiếm lãnh địa là các đầu mối, công trường khai thác cát sỏi ven sông cũng như việc giành quyền khai thác, thu mua gỗ từ trong rừng về. Chỉ một thời gian ngắn, tên tuổi Thế Khương được các đối thủ kính nể. Đó được xem là thời kỳ “huy hoàng” nhất trong những năm tháng Khương làm ông trùm ở miền Tây xứ Nghệ.

Khi tiền kiếm được dễ dàng, Khương tiêu xài thoải mái. Không những dùng để ăn chơi, nhậu nhẹt, Khương còn nướng tiền vào ma túy, cờ bạc, nuôi đàn em và nhanh chóng thua bạc.

“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, Khương lúc ấy trắng tay, chiến hữu một thời quay lưng, chỉ có vợ chồng người anh ở quê vẫn tha thiết gọi em về. Năm 2001, sau nhiều đêm trằn trọc, Khương quyết định trở về quê sau hơn 10 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người. Dẫu cũng bắt đầu tu chí ngày ngày giúp anh chị kế sinh nhai, nhưng Khương vẫn không bỏ được ma túy.

Trở lại quê nhà, Khương gặp cô thợ may hiền lành nết na trong làng là Nguyễn Thị Phượng (SN 1978). Kể về người phụ nữ đặc biệt của cuộc đời mình, người đàn ông này không ngần ngại thổ lộ:

“Vì là người trong làng nên chúng tôi biết nhau từ nhỏ. Nhưng lúc đó chưa có ấn tượng gì nhiều. Vậy mà sau thời gian xa quê, về gặp lại, tôi thấy người ta khác hẳn. Gặp lần đầu tiên là tôi thấy “không ổn” rồi. Đêm về không ngủ được vì nhớ. Vật vã vài tháng mới dám làm quen”, anh Khương bật cười nhớ lại. 

Để đến được với nhau, cả hai cũng phải trải qua rất nhiều gian nan. Chị Phượng tâm sự: “Phía anh ấy thì không gặp vấn đề gì. Nhưng cái khó là gia đình tôi. Mọi người ngăn cấm khi thấy quá khứ “nát như tương” của anh, gia cảnh lại nghèo đói. Nhưng vì mình đã quyết nên người thân đành nhắm mắt xuôi theo”,.

Chị Phượng xúc động nhớ lại những ngày cùng chồng cai nghiện ma túy
Chị Phượng xúc động nhớ lại những ngày cùng chồng cai nghiện ma túy

Xích chân tự cai nghiện

Chị cho hay, lúc lấy nhau về, bản thân không hề biết chồng mình là người nghiện ma túy. Bởi, do có thuốc dùng điều độ nên anh Khương vẫn béo khỏe. Chỉ một thời gian sau, chị mới bất ngờ khi vô tình bắt gặp chồng đang chích thuốc. 

“Thời điểm đó, tôi suy sụp hoàn toàn. Đã nhiều lần tôi định khăn gói ra đi, nhưng nhìn anh ấy vật vã với cơn nghiện thì lòng lại không đành. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi hạ quyết tâm ở lại…”, chị kể. 

Không những động viên chồng thay đổi để làm lại cuộc đời, chị Phượng còn tìm hiểu cách cắt cơn nghiện cho chồng. Nhưng, mọi nỗ lực của chị cũng không được đền đáp. 

“Có lần anh ấy lên cơn nghiện, bắt tôi bán nhà, bán đất chia đôi, mỗi người một ngã. Nhưng tôi kiên quyết phản đối, bảo rằng: “Đã là vợ chồng thì sống chết cũng có nhau”. Điều đó đã ít nhiều thức tỉnh suy nghĩ của anh ấy”, chị Phượng nhớ lại.

Một thời gian dài sau, nhờ sự kiên trì của người vợ, kỳ tích đã đến với người đàn ông nghiện ngập lâu năm. Đó là khi chị sinh đứa con đầu lòng vào năm 2006. Lần đầu tiên người đàn ông từng một thời ngang dọc thấy mình “bất tài vô dụng” khi đứa con khóc lả vì đói ăn, không có tiền mua thuốc, trong khi vợ phải chạy đi vay từng hào mua thuốc về cho chồng thỏa cơn nghiện. 

Bị ám ảnh bởi cảnh vợ con nheo nhóc, Khương quyết định sẽ “chơi” ma túy một lần cho đã rồi tự tay xích mình vào cột nhà, bẻ chìa khóa vứt đi, quyết tâm tự cai. Hơn nửa tháng vật vã với cơn đói thuốc và những căn bệnh phát ra trong quá trình tự cai, trải qua hơn 10 lần cắt cơn, cuối cùng Khương đã làm được.

“Đó thực sự là một việc vô cùng khó khăn, khi biết chắc mình đã dứt hẳn cơn đói thuốc, tôi bảo người nhà cưa xích sắt. Bản thân không thể đứng dậy nổi và đôi mắt mờ hẳn sau quá trình chống lại cám dỗ của ma túy”, anh nhớ lại. 

Làm lại cuộc đời

Đầu năm 2008, khi đã đoạn tuyệt với nàng tiên nâu cũng là lúc kinh tế gia đình anh quyệt quệ. Với sự động viên của người thân và chính quyền địa phương,vợ chồng anh quyết định vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng để khởi nghiệp bằng nghề đóng gạch táp lô.

Anh giải thích quyết định chọn nghề này khi nhìn thấy được nhu cầu thực tiễn, nhu cầu về vật liệu xây dựng đang nở rộ mà “nhìn trước ngó sau” chưa ai làm. Dự định của anh được vợ ủng hộ nên càng có quyết tâm thực hiện. 

Những ngày đầu, với một chiếc máy dập rẻ tiền, hai vợ chồng cắm cúi làm việc thâu ngày thâu đêm. Chồng đi chở từng xe cát dưới sông Lam, mua từng bao xi măng trong khi vợ tự tay trộn hồ để đóng từng viên gạch. Cứ cần mẫn như vậy, sau hai năm, anh chị trả được nợ ngân hàng và khoảng 5 năm tiếp theo sau đó, hai vợ chồng gây dựng được thương hiệu. 

Đến nay, thu nhập bình quân hàng năm của hai vợ chồng, trừ các khoản chi phí cũng hơn trăm triệu. Tích cóp đến năm 2010, vợ chồng anh chị đã dựng được căn nhà hai tầng khang trang.

Cửa hàng vật liệu xây dựng Khương Phượng
 Cửa hàng vật liệu xây dựng Khương Phượng 

Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, vợ chồng anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nghèo, đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, cùng cực. Ban đầu anh chị chỉ nhận vài người theo nhu cầu lao động tại cơ sở sản xuất gạch của mình.

Song về sau thấy nhiều người có hoàn cảnh đáng thương đến xin được làm việc, anh Khương bàn với vợ nhận thêm người vào làm để giúp họ kiếm thêm đồng ra đồng vào, nuôi con ăn học. Hiện nay, tại cơ sở sản xuất lúc nào cũng có chừng 3,4 người làm việc. 

Vài năm trở lại đây, cơ sở kinh doanh của gia đình anh Phương còn buôn bán thêm các vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép… Vợ chồng anh còn sắm luôn chiếc xe tải vận chuyển hàng, giảm bớt chi phí. Mỗi khi cần mua, bán hàng, đích thân anh Khương đánh xe đi. 

Không chỉ mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh thường xuyên được huyện, tỉnh biểu dương mà bản thân anh được những người xung quanh xem là tấm gương điển hình tiên tiến, người được công an địa phương tin tưởng, thông qua để giáo dục những trường hợp chậm tiến, hư hỏng, nghiện ngập trên địa bàn.

Nói về nghị lực của vợ chồng anh Khương, ông Phan Hồng Sơn, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận xã Xuân Hải cho biết: “Tôi là người chứng kiến quá trình cai nghiện của Khương. Phải nói rằng ngoài quyết tâm lớn thì cái may mắn nhất của cậu ấy là có người vợ rất tuyệt vời. Thế nên, khi biết Khương cai nghiện thành công, tôi đã tin chắc cậu này rồi sẽ làm được “cái gì đấy”.

Quả như vậy, cửa hàng vật liệu xây dựng và xưởng đóng gạch táp lô của cậu ấy là cơ sở kinh doanh sản xuất lớn nhất tại xã nghèo này lâu nay, không những cho thu nhập tốt mà còn  giải quyết được việc làm cho nhiều người trong xóm”.

Đọc thêm