Mái ấm ra đời từ tấm lòng người phụ nữ
Có đến Bản Lác xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình mới hiểu vì sao bà con nơi đây lại gọi chị Vi Thị Thuận, người phụ nữ dân tộc Thái sinh ra và lớn lên tại bản Lác là “cô tiên”.
Năm 1986, cái tin Mai Châu “nổi” vàng đã kéo nhiều người vào cơn xoáy tìm vàng. Bản làng chẳng còn lách cách tiếng thoi đưa, nghề dệt thổ cẩm cũng dần mai một. Về phần mình, những ngày còn rong ruổi bán hàng tại những bản làng vùng cao, chị Thuận đã gặp không ít người khuyết tật, hầu hết gia đình họ đều rất nghèo và bản thân họ lại không thể tự chăm sóc cho mình chứ đừng nói đến chuyện giúp gia đình. Lưu luyến và mong muốn giữ lại nghề dệt thổ cẩm cho người dân nơi đây cùng suy nghĩ giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự nuôi sống mình, chị Vi Thị Thuận đã quyết định xây dựng một ngôi nhà chung cho những người khuyết tật. Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa được thành lập vào ngày 1/5/2008.
Thời gian đầu, chị Thuận vô cùng nản, bởi với người bình thường việc dạy nghề đã khó thì đối với những người khuyết tật, công việc này còn khó khăn gấp nhiều lần. Bản thân chị cũng không có kinh nghiệm, chỉ có suy nghĩ, quyết tâm và lòng nhiệt tình bắt tay vào làm, nên nhiều khi không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Thế rồi những sản phẩm dệt, thêu đầu tiên gắn với hoa văn của núi rừng Tây Bắc, gắn với truyền thống của người Thái ra đời. Chị Thuận tự mình mang sản phẩm đi chào hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác và niềm vui vỡ òa khi sản phẩm của cơ sở được khách du lịch trong và ngoài nước đón nhận…
Thấm thoắt đã gần 10 năm qua, “cô tiên” Vi Thị Thuận vẫn miệt mài, tâm huyết, yêu thương chăm lo cho những chị em có hoàn cảnh đơn thân, khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đã có hàng trăm hội viên phụ nữ khó khăn và người khuyết tật đến với Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa. Hàng trăm mảnh đời ấy đã có được một nghề, một công việc ổn định để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Hiện nay, cơ sở của chị Thuận đang có 35 chị em (trong đó, 100% là người dân tộc thiểu số và 11 người khuyết tật) đang làm việc, có thu nhập ổn định từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Chị Thuận chia sẻ: “Năm 2016, sau bao thăng trầm, cơ sở đã có một khu xưởng kiên cố, phòng ở riêng dành cho 20 chị em, một shop trưng bày sản phẩm, hai nhà sàn để phục vụ du lịch home stay, sân rộng để cắm trại và trưng bày các vật dụng của đồng bào dân tộc Thái... Còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng gia đình vẫn đang thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh các sản phẩm thủ công thuần Việt, mang đậm vẻ đẹp, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”. Bên cạnh đó chị Thuận cũng chia sẻ thêm kế hoạch về khu vườn trồng nhiều loại hoa của Tây Bắc, một không gian đậm nét văn hóa của người Thái Mai Châu.
Chị Vi Thị Thuận được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dệt thổ cẩm” liên tục từ năm 2010 đến năm 2013 và được Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tuyên dương tại hội nghị tuyên dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi.
Hai vợ chồng chị Lê Thị Phương. |
Chuyện tình cổ tích được viết bằng trái tim dũng cảm
Là 1 trong 100 phụ nữ tiêu biểu được tôn vinh tại chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” năm 2017, chuyện tình của chị Lê Thị Phương - Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Giải Uấn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều người rưng rưng nước mắt cảm động.
Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị Lê Thị Phương nhập ngũ và phục vụ tại Trung đoàn an dưỡng 580 Quân khu Hữu Ngạn. Đến năm 1976, người nữ quân nhân ấy trở về công tác tại địa phương. Nổi tiếng xinh đẹp, lại là cán bộ dân yêu, dân quý, chị có rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai, hạnh phúc đời mình, nhưng chị lại không ưng một đám nào. Đến một ngày, cả gia đình, bạn bè người thân giật mình khi chị tuyên bố tình yêu với người quân nhân thương binh bị liệt tỷ lệ thương tật 81% Lê Hồng Cư có vợ mất sớm để lại đàn con còn thơ dại.
Không lâu sau ngày cưới, chị phải nghỉ công việc ở xã để chăm chồng liệt, con thơ và cả mẹ chồng cũng bị tai biến mạch máu não, nằm bất động. Vì chồng không thể tự ngồi dậy, di chuyển nên khi làm vợ chị Lê Thị Phương thiệt thòi không thể trở thành mẹ. “Không được làm mẹ, tôi cũng rất buồn! Nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được, nhưng rồi tôi nghĩ, con riêng của chồng cũng như con của mình. Chúng nó không còn mẹ đã là một mất mát quá lớn. Nếu bây giờ sinh thêm con thì chúng cũng khổ!”.
Hơn 20 năm qua, chưa một giây phút nào chị Phương hối hận vì quyết định của mình. Các con chồng được sự nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ của chị, đến nay cháu đầu đã tốt nghiệp đại học Khoa Công nghệ thông tin, cháu thứ 2 đã tốt nghiệp trung cấp du lịch; Các cháu đều đã đi làm và có công việc ổn định. Kinh tế gia đình cũng dần được nâng lên.
Mặc dù sức khỏe yếu nhưng chị Phương vẫn nhận cấy khoán ba sào ruộng, nuôi 25-30 con gà mái đẻ và đào ao thả cá. Ngoài ra, chị còn tích cực tăng gia trồng rau để phục vụ nhu cầu gia đình. Bình quân thu nhập mỗi năm từ 50-60 triệu đồng. Bên cạnh công việc gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động công tác Hội và hoạt động của địa phương. Dù cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn nhưng chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo do Hội triển khai như “Mái ấm tình thương”, “Túi tiền tiết kiệm” hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống…