Cố tình đăng ký vốn điều lệ “ảo” để “đánh bóng tên tuổi”: Cần tăng nặng mức xử phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, thêm một DN không tên tuổi tại Hà Nội công bố tăng vốn điều lệ lên tới hơn 127.900 tỷ đồng (5,5 tỷ USD). Theo chuyên gia pháp lý, cần tính toán giải pháp khắc phục tình trạng DN cố tình “đánh bóng” tên tuổi bằng vốn “trên trời”.

Bất thường, nhưng không bất hợp pháp

DN trên là Cty T.C được thành lập ngày 9/11/2018, ban đầu có vốn điều lệ 132 tỷ. Tháng 6/2019, Cty này đăng ký tăng vốn lên 5,5 tỷ USD và duy trì đến thời điểm hiện tại. Trong đó, 40% CP, tương ứng 51.161 tỷ đồng là “vốn nước ngoài được góp bởi một cá nhân quốc tịch Mỹ”.

Với vốn điều lệ lên tới gần 128.000 tỷ, Cty này là một trong những DN có vốn cao nhất cả nước, chỉ kém Samsung Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Vingroup. Tuy nhiên, điều đáng nói là Cty này gần như không có hoạt động gì nổi bật trong thời gian qua. Thị trường cũng hầu như chưa biết đến sự tồn tại của DN này.

Vài năm qua, Việt Nam liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của những “siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ rất lớn. Gần nhất là 2 Cty đăng ký vốn thành lập lần lượt 500.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng, dù chưa chứng minh được vốn góp. Hay hồi đầu năm 2020 là một DN đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là… “ghi nhầm”.

LS Nguyễn Văn Tuấn, GĐ Cty Luật TNHH TGS (Đoàn LS Hà Nội) nhận xét, các DN này đăng ký với số vốn lớn như vậy thì quả là một điều bất thường, nhưng không bất hợp pháp. Bất thường ở chỗ số vốn của Cty này cao gấp nhiều lần so với một số tập đoàn lớn như Hòa Phát, Vinamilk, Thaco… Nhưng không hề bất hợp pháp bởi pháp luật hiện không quy định DN phải đăng ký bao nhiêu vốn tối thiểu và tối đa, trừ DN kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu như ngân hàng, bảo hiểm…. “Nghĩa là họ không vi phạm Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành khi thành lập DN”, LS Tuấn nói.

Liệu có kẽ hở nào khi thực tế đã có những đối tượng lợi dụng đăng ký vốn điều lệ cao để lừa đảo? LS Tuấn phân tích: Các quy định pháp luật về DN khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai thông tin về vốn điều lệ khi làm hồ sơ đăng ký DN, thay vì trước đây Nhà nước phải kiểm tra, xác minh DN có đủ số tiền đăng ký hay không mới cho thành lập.

Đây là điểm mới của Luật Doanh nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước không phải xác minh DN có bao nhiêu tiền, mà nghĩa vụ của DN phải kê khai đúng, Nhà nước áp dụng phương thức “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm” (Luật Doanh nghiệp quy định thời gian để thành viên góp vốn đủ cho Cty là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN). Bởi lẽ, các cổ đông hay thành viên góp vốn vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã đăng ký với cơ quan Nhà nước. Nếu các cổ đông, thành viên đăng ký góp vốn điều lệ cao hơn so với thực tế thì trách nhiệm bằng tài sản mà họ phải chịu cũng cao hơn.

Trong trường hợp DN chỉ dùng thông tin đăng ký vốn “khủng” để tạo tiếng vang mà không gây thiệt hại cho ai thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu có hành vi lừa đảo thì sẽ bị xử lý, thậm chí là xử lý hình sự. Nếu trước đây khó phát hiện DN khai khống vốn điều lệ, thì hiện nay, với hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến sẽ phân loại được các trường hợp bất thường. Về mặt quản lý theo rủi ro, đây là DN có nguy cơ rủi ro cao và trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải giám sát, thanh kiểm tra chặt hơn.

LS Tuấn cho rằng, đây được coi là vụ việc điển hình để nắm rõ bản chất của vốn cam kết góp khi đứng ra thành lập DN. Cơ quan quản lý nếu nhận thấy sự bất thường, thì DN sẽ bị giám sát chặt hơn. “Nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến nghị để mọi người hiểu vốn điều lệ là cam kết nên cần cân nhắc và thận trọng. Trong quá trình hợp tác, ký kết hợp đồng, cần tìm hiểu rõ lịch sử, uy tín của đối tác, không dựa trên đơn thuần thông tin về vốn điều lệ”, LS nói.

Tìm giải pháp khắc phục

Theo LS Tuấn, có nên bỏ quy định về vốn điều lệ hay không là vấn đề cơ quan lập pháp cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, với những quy định pháp luật còn vướng mắc, trước hết chúng ta nên tìm cách sửa đổi, bổ sung, khắc phục thay vì xóa bỏ hẳn quy định về vốn điều lệ như một số ý kiến từng nêu.

Để hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo, LS Tuấn đề xuất cơ quan quản lý cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong quản lý, giám sát với DN sau đăng ký thành lập. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ là đầu mối để sàng lọc, phát hiện các DN có kê khai vốn điều lệ cao bất thường, từ đấy phối hợp để có biện pháp theo dõi, thanh, kiểm tra các DN này sau đăng ký thành lập. Trên cơ sở đó, có cơ chế cảnh báo, phát hiện và ngăn chặn kịp thời sai phạm của DN.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của người dân, DN, nêu ra những hệ lụy, hậu quả của hành vi kê khai vốn ảo là rất lớn với nền kinh tế chung cũng như chính DN đó để răn đe, định hướng hành vi.

Cơ quan chức năng cũng cần xem xét tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ, kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN. Bởi với mức phạt như hiện nay, DN có các hành vi sai phạm này cũng chỉ phải chịu phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Mức xử phạt này khá nhẹ, không “thấm” gì so với “hiệu quả PR” và các ý đồ khác mà nó đem lại với các DN khai khống vốn điều lệ, dẫn đến tình trạng có DN sẵn sàng chịu phạt nhằm đạt được mục đích của mình. “Cần nâng mức xử phạt với hành vi kê khai khống vốn điều lệ”, LS Tuấn kiến nghị

Đọc thêm