Chùa Am là một danh lam giữa phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, lưng dựa vào núi Am, trước mặt là núi Trà Sơn, lấy sông Ngàn Sâu làm minh đường.
Nơi tu hành của 3 vị nữ chúa
Theo “Tiền triều phả hệ ngữ lục” do Trần Cao Vân dịch, được trích chép trong Địa dư Hà Tĩnh 1938, hoàng hậu Bạch Ngọc có tên là Trần Thị Ngọc Hoà, con gái ông Trần Công Thiệu, quê làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Bà được vua Trần Duệ Tông lập làm hoàng hậu. Năm vua 41 tuổi, trong một chuyến đem quân chinh phạt Chiêm Thành, vua không may bị tử trận tại thành Đồ Bàn. Chẳng bao lâu Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, đất nước lâm vào biến loạn.
Bà và con gái là Trần Thị Ngọc Hiên (công chúa Huy Chân) cải trang thành người xuất gia cùng 572 gia nhân khác rời khỏi kinh thành lánh về quê cha. Cuộc hành trình gần 50 ngày đêm đầy gian khổ, nhiều người chết rơi rớt dọc đường. Khi đến nơi chỉ còn lại 172 người, trong đó có hai gia thần và hai cung nhân rất mực trung thành.
Cổng chính chùa Am. |
Bà cho dựng trại trên núi Vua (tên núi do nhân dân đặt về sau để tỏ lòng ghi ơn bà), một vùng thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trà sơn, một vùng thâm sơn nước độc. bà chiêu mộ được gần 3.000 người nghèo khổ rồi cùng họ tiến hành công cuộc phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất…
Khai hoang đến đâu, bà cho lập làng đến đó. Kết quả có 45 xã thôn, trang ấp được thiết lập trên địa bàn 6 tổng của 4 huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc (Hà Tĩnh) với 3.965 mẫu ruộng cùng nhiều kho lẫm dự trữ lương thực.
Cũng trên vùng đất này, bà đã cho dựng hai chùa Diên Quang (chùa Am) và Tiên Lữ (chùa Lã). Ngày nay những tên đất, tên làng còn đó như núi Vua, Trà Sơn, Am Sơn, Lâm Thao, Nhân Thi, Cận Kỵ, Thượng Bồng, Hạ Bồng, Thường Nga, Lai Thạch… hầu hết các làng này đều lập đền thờ bà. Trong số đó, có hai ngôi đền tiêu biểu là đền Ngũ Long ở núi Vua (xã Đức Lạc) và đền Cả nằm trước bàu Mỹ Xuyên (xã Đức Lập).
Năm Ất Tỵ (1425), khi nghĩa quân Lam Sơn từ Nghệ An tiến vào vùng đất này, biết bà đang khai hoang ở đây, Lê Lợi đã cho đón tiếp bà theo nghi lễ của một bà hoàng. Sau lần gặp gỡ ấy, bà xin hiến lương thực, thực phẩm đã dự trữ bấy lâu cùng nhiều ruộng đất vào công cuộc kháng chiến chống quân Minh đang trong giai đoạn kết và gả công chúa Huy Chân cho Bình Định vương.
Lán trại của bà trên núi Vua được nghĩa quân xây dựng thành điện Ngũ Long. Dưới chân núi Phượng, lầu Phượng Hoàng cũng được cất lên cho công chúa Huy Chân ở. Huy Chân đã sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Trang Từ.
Sau khi hoà bình lập lại, hoàng hậu Bạch Ngọc vào chùa Am xuất gia tu tập. Ít lâu sau công chúa Huy Chân cũng về đây tu hành với mẹ. Còn Trang Từ, khi lớn lên được vua Lê Thái Tổ gả cho Bùi Ban, con trai của tướng Bùi Bị.
Nét trầm tích văn hóa trên mái chùa Am. |
Về sau Bùi Ban hy sinh trong trận chiến với quân Chiêm Thành, Trang từ tái giá với Khôi quận công Trần Hồng được 5 năm rồi cũng xin về chùa Am tu với mẹ và bà ngoại.
Hiện sử sách chỉ cho biết ngày mất của hoàng hậu Bạch Ngọc là 22-6 âm lịch; công chúa Huy Chân là 22-3 âm lịch, năm mất không rõ, nhưng có lẽ đều vào khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497). Trang Từ công chúa mất vào ngày 05 tháng 2 âm lịch, niên hiệu Cảnh Thống (1497-1504).
Địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh đặc biệt
Trải qua hơn 600 năm lịch sử, qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Am vẫn còn giữ được kiểu kiến trúc xưa theo lối chữ “Công” với sườn bằng gỗ, tường xây, mái ngói lợp âm dương - kiểu kiến trúc đặc thù của vùng Thanh - Nghệ vào cuối thế kỷ XIX.
Chùa được thiết kế gồm 7 gian chính và 2 gian hồi, có tất cả 60 cột gỗ mít. Cấu trúc chùa gồm 12 mái theo kiểu Lượng Long Triều Nguyệt.
Trong khu chùa, các công trình kiến trúc cổ như hệ thống am tháp, điện thờ Mẫu, nhà thờ Tổ… vẫn giữ nguyên vẹn nằm dưới tán lá của rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Bên phải điện thờ các vị thổ thần và bên trái thờ hoàng hậu Bạch Ngọc - người sáng lập ngôi chùa. |
Nhìn tổng thể, kết cấu toàn bộ khung gỗ và hệ thống mái của ngôi chùa gây cảm giác vừa đồ sộ, thoáng rộng vừa vững chắc kiên cố mà uyển chuyển, mềm mại. Các công trình phụ trợ của ngoại thất cũng góp phần tăng thêm giá trị kiến trúc công trình này, đó là dãy hành lang và sân chùa được khép kín với dãy lan can tường bao xây ô thấp, đắp hình hoa thị đồng nhất với các họa tiết trang trí ở các cửa thông thoáng của ngôi chùa.
Nếu nhìn từ hai bên tả hữu hoặc đằng sau, các mái ngói của chính điện được lợp thành nhiều tầng, với mái xếp chồng diêm của các ngôi chùa cổ miền Bắc, kiến trúc của chính điện chùa Am là con thuyền Bát nhã.
Nền chùa được lót bằng đá Thanh. Chính điện thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát khác. Phía trước có toà cửu long được chạm trổ rất công phu. Bên phải thờ các vị thổ thần và bên trái thờ hoàng hậu Bạch Ngọc.
Khu mộ tháp trong khuôn viên chùa ẩn mình dưới những tàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. |
Từ tam quan đến chính điện chùa, du khách đi qua nhiều tầng bậc cấp trải dài thoai thoải theo triền dốc. Người đến chùa lần lượt đi qua khu tháp mộ, một am thờ thổ thần và một dãy nhà ở bên phải. Cứ qua vài chục bậc cấp thì đến một khoảnh sân rộng làm điểm dừng nghỉ để tinh thần được lắng dịu trước khi vào lễ Phật.
Phía sau chính điện, một con đường mòn dẫn lên núi có nhiều phiến đá giống hình người đang lạy nên được người dân ở đây gọi là “Bái Phật tảng” hay “Đá thần đồng”. Vườn chùa còn có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi quanh năm cho bóng mát.
Từ trên núi Am, đứng giữa rừng thông xanh bạt ngàn, dưới bóng cổ tự bên sông Ngàn Sâu non nước hữu tình, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga giữa thinh không, bạn sẽ thấy lòng mình thanh tịnh, buông bỏ sau lưng hết mọi buồn phiền...