Nhọc nhằn cõi tạm
Chợ Long Biên ra đời trở thành cứu cánh cho hàng vạn người khốn khó ngoại tỉnh đến mưu sinh, cũng từ đó mà nhà trọ thi nhau mọc lên.
10 giờ trưa một ngày thu nắng vàng như mật ong, trời hanh khô khó chịu, phía sau chợ Long Biên, những xóm trọ của người lao động nghèo thuộc địa phận phường Phúc Xá văng vẳng tiếng nói cười, tiếng í ới gọi nhau. Theo tiếng nói cười ấy, chúng tôi tìm đến một xóm trọ nằm sát bờ sông Hồng.
Xóm trọ có khoảng 10 phòng, mỗi phòng rộng chừng 6 – 7m2, bốn bức tường là những hàng gạch còn lộ nguyên đường vữa nham nhở, nền lát xi măng, mái lợp xi măng amiăng nên mùa nóng vào phòng như chui vào lò thiêu, mùa đông thì lạnh cắt da thịt. Phòng chỉ đủ kê một chiếc giường ọp ẹp, kế đó nào là quần áo vắt tứ tung, bát đũa xoong nồi, quang gánh bộn bề…
Một chị tên Hạnh, vừa bước sang tuổi 30, quê Ninh Bình, cho biết: “Ở đây đa số là các cặp vợ chồng ở quê nghèo dắt díu nhau bám vào chợ mà sống thôi. Không nghề nghiệp, ruộng vườn thì làm mãi cũng chẳng đủ ăn nên phải kéo nhau lên thành phố làm thuê làm mướn. Vợ chồng em đến đây ở được chục năm rồi. Em đi chợ hoa quả, còn ông xã ra chợ, người ta thuê gì làm nấy. Mỗi ngày, hai vợ chồng cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn để trang trải tiền nhà trọ, ăn uống và cho con đi học. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chí ít cũng khá hơn ở quê”.
Phòng trọ quanh khu chợ Long Biên này chỉ tập trung ở ven bờ sông Hồng, nơi người dân địa phương quen gọi là “xóm liều” với đầy đủ thành phần, từ người lao động “chân chỉ hạt bột” đến “phường” trộm cắp, gái mại dâm… Giá thuê mỗi phòng một tháng thường 800 ngàn đồng.
Phòng trọ không bằng lều canh lúa ở quê với giá 500-800 ngàn đồng/tháng. |
Sống chung với “lũ”
Dãy trọ gần dãy chị Hạnh thuê khung cảnh có phần tồi tệ hơn, tập trung chủ yếu là người Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Dãy này có 30 phòng nhưng chỉ có 3 nhà tắm và nhà vệ sinh. Ngày này qua ngày khác lặp lại cảnh mọi người lũ lượt xếp hàng chờ đến lượt tắm vào chiều tối. Nhiều khi muốn đi vệ sinh, không đợi được, người ta đành… phóng uế luôn ra ngoài. Cũng vì thế, mùi hôi hám cứ phảng phất, nhưng vì không có tiền thuê chỗ khác, họ chấp nhận bám trụ ở đây.
Bởi vậy, đôi chân của chị Năm (ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) bị ghẻ lở mấy tháng nay vẫn chưa khỏi, mà “chắc cũng chẳng khỏi được nếu cứ sống trong môi trường như thế này” như lời của chị Năm chia sẻ.
Khốn khổ là thế nhưng dãy nhà trọ của ông Điệp lúc nào cũng nườm nượp người đến đăng ký thuê. Giá mỗi phòng ở đây được cho là “mềm” nhất, với 500 – 600 ngàn đồng/tháng. Dù được cảnh báo trước là nước lũ có thể tràn về gây sạt lở, sập nhà, ảnh hưởng tới tính mạng, nhưng những người đi thuê tự trấn an chuyện đó chắc gì đã xảy ra, hoặc chưa biết bao giờ mới xảy ra… Điều quan trọng với họ là thuê được căn phòng giá rẻ nhất có thể để nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc.
Kế dãy trọ nhà ông Điệp, trên sông Hồng đang dâng nước là chục hộ gia đình tạm trú dài hạn. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, tự đóng bè, đóng thuyền rồi đưa cả gia đình xuống ở cho khỏi mất tiền thuê phòng. Sinh hoạt có phần khổ hơn trên đất liền như mỗi ngày phải mất ít nhất 4.000 đồng để mua nước ngọt, hoặc không có điện thắp sáng nhưng “cái ăn” lại đỡ hơn vì được các tổ chức đoàn thể “ưu ái” hơn, thi thoảng được các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Vì thế mà dù bị giải tỏa bao lần, dù chính quyền có “mạnh tay” đến cỡ nào, họ vẫn nhất quyết bám víu khúc sông này. Họ ở trên sông mà không hành nghề đánh bắt cá, họ chỉ mò cua bắt ốc và làm cửu vạn trong chợ Long Biên. Họ ở trên sông để chờ cứu trợ.
Sống trên sông cho khỏi tốn tiền nhà và chờ cứu trợ. |
Tình người nơi khốn khó
Phải dùng đến từ “xóm liều”, “khu ổ chuột” để miêu tả cảnh sống người lao động thuê trọ ven sông Hồng, mới lột tả hết sự khốn khó, tù túng của họ. Những cụm từ ấy không liên quan đến bản chất và tâm hồn người lao động.
Trong vai một cử nhân sư phạm thất nghiệp tìm việc làm, chúng tôi đã nhận được những lời động viên ân cần và sự giúp đỡ thiết thực. Không hứa hẹn to tát, bóng gió hay một lời giúp đỡ “suông”, những người lao động ấy đã “vạch” giúp “cử nhân sư phạm thất nghiệp” một kế hoạch rõ ràng.
Đó là: “Hiện tại nhà bà Cải đang còn một phòng cho thuê với giá 600 ngàn đồng. An ninh ở đó cũng tương đối tốt. Em là cử nhân sư phạm, em cứ kiếm suất đi dạy gia sư tuần vài buổi kiếm thêm đã. Nhu cầu gia sư ở đây chắc chắn không ít đâu. Thời gian còn lại em sang bên chợ Đồng Xuân bán hàng cho người ta, tháng cũng được 3 – 4 triệu đồng. Bọn chị khi mới lên cũng bán hàng bên đó, giờ chồng con rồi nên thời gian cần linh động. Em đừng lo, các chị sẽ dẫn em sang tận đó xin việc cho em…”.
Các bà, các anh, các chị khu nhà trọ ấy thi nhau “lên kế sách” giúp những người mới bỡ ngỡ “vào đời” là chúng tôi, khiến cả xóm trọ rộn rã hẳn. Sau mỗi lần hiến kế, mọi người lại kể một kỉ niệm ít nhiều liên quan, phần nhiều là những khó khăn, tình huống “dở cười, dở mếu” ban đầu của người lao động nghèo ngoại tỉnh nhưng được chuyển thành chuyện hài hước làm cả xóm trọ vang lên những trận cười giòn giã. Có lẽ, đây chính là tiếng cười mà chúng tôi nghe được lúc ban đầu đến xóm trọ.
Cuộc sống của họ vất vả, chật hẹp y như căn phòng tồi tàn mà họ đang sống. Nhưng những người luôn nhọc nhằn, lo toan mưu sinh ấy vẫn toát lên tình yêu thương ấm áp, sự đùm bọc, sẻ chia khi sống gần nhau, ngồi cạnh nhau và trò chuyện với nhau. Tình yêu thương, sự đùm bọc ấy trở nên ân cần đặc biệt hơn với những người đồng cảnh khổ, chân ướt chân ráo bước vào xóm trọ...