Định mệnh nghiệt ngã
Mỗi ngày, nhìn mẹ đan từng chiếc áo len, đi xin từng hộp cơm từ thiện, Nghĩa không kìm được nước mắt. Nhiều năm nay, em phải nằm một chỗ. Vùng da ở lưng bị lở loét do nằm một chỗ quá lâu dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên lên cơn sốt.
Mẹ Nghĩa là cô Lê Thị Thu Đông (55 tuổi) phải vất vả bươn chải đủ nghề mới kiếm đủ tiền lo thuốc cho con. Nghĩ mình là gánh nặng khiến gia đình lâm cảnh nợ nần phải bán cả rẫy cà phê của nhà để để trang trải Nghĩa vô cùng buồn bã, chán nản, có lần muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát.
Thế nhưng, chính tình thương của mẹ em là động lực giúp em tiếp tục sống để nuôi hy vọng chữa lành thương tật báo hiếu mẹ.
Nghĩa là con út trong gia đình nghèo có bốn anh em trai. Gia cảnh khó khăn nhưng bố mẹ Nghĩa không ngại khó, ngại khổ vừa chăm rẫy cà phê của gia đình vừa làm thuê làm mướn lo cho các con lần lượt vào đại học, cao đẳng.
Năm 2004, bố Nghĩa qua đời đột ngột vì tai nạn giao thông trên đường đi chở hàng thuê khiến gia cảnh đã khó khăn lại càng thêm khốn khó. Gạt nước mắt, mẹ Nghĩa vẫn tiếp tục tảo tần để các con không bị gián đoạn việc học.
Năm 2009, Nghĩa khăn gói xuống TP.Hồ Chí Minh thi đại học nhưng không đỗ nên xin xét tuyển và vào học trường Cao đẳng Nghề Bách Việt. Vốn tính tự lập, lại siêng năng chịu khó nên Nghĩa vừa đi học, vừa đi bán hoa giả ở các công viên để kiếm tiền đóng học phí, tự trang trải cuộc sống.
Khát vọng ra trường sẽ tìm được một việc làm ổn định để đỡ đần cho mẹ ở quê nhưng đáng tiếc, hoài bão ấy vẫn còn ấp ủ thì vụ tai nạn giao thông bất ngờ đã cướp đi tất cả.
Khoảng 23h đêm ngày 21/3/2011, trên đường đi bán hoa giả về nhà, Nghĩa bị một chiếc xe tải chạy lấn tuyến ép ngã văng xuống đường bất tỉnh. Nhờ một người đi đường tốt bụng thuê xe ôm đưa vào Bệnh viện Gia Định cấp cứu nên em mới may mắn giữ được tính mạng.
Thế nhưng xương ống chân, xương khớp háng đều bị gãy, sọ não chấn thương nặng khiến Nghĩa hôn mê suốt 29 ngày mới tỉnh lại, mất 80% sức lao động, phải nằm liệt trên giường suốt 5 năm qua.
Sau khi điều khiển xe gây tai nạn, tài xế lái xe bỏ trốn. Không có đền bù, gia đình Nghĩa phải bán hết tài sản, rồi vay mượn họ hàng trả tiền thuốc men viện phí. Sau bốn tháng nằm viện, các bác sĩ cho biết Nghĩa sẽ phải sống đời thực vật và khuyên gia đình nên chuẩn bị tâm lý.
Mọi người không đưa Nghĩa về quê mà ở lại Sài Gòn để tiếp tục điều trị ở phòng trọ. Các anh trai bỏ cả việc làm luân phiên cùng mẹ chăm sóc em, mọi người rất buồn vì Nghĩa cứ mãi sống trong vô thức, chẳng có dấu hiệu gì khả quan.
Thế rồi, một ngày nọ, khi các anh than thở về tương lai của mình: “Nó bị thế này nếu có tỉnh lại cũng chả làm gì được nữa. Không biết sau này ai sẽ làm để nuôi mẹ và nuôi nó đây?”, Nghĩa bắt đầu có phản ứng, nước mắt em trải dài, rồi thều thào gọi mẹ và các anh, bàn tay phải của em chỉ vào người mình, các ngón tay xòe ra nắm lại.
Lúc này mẹ Nghĩa vui mừng không kìm được nước mắt hỏi: “Sau này con đi bán vé số nuôi mẹ phải không?”. Nghĩa chớp mắt lia lịa đồng ý. Biết con mình có dấu hiệu hồi phục, cô Đông vui mừng khôn xiết. Hằng ngày, cô đưa Nghĩa đến các cơ sở tập vật lý trị liệu tư nhân điều trị nhưng thương tật của em không có dấu hiệu tiến triển, ngược lại tay chân ngày càng teo tóp.
Cô Đông tranh thủ đan nốt chiếc mũ lúc Nghĩa nghỉ ngơi |
Ước mơ hồi phục để báo hiếu mẹ
Suốt 5 năm qua, mẹ Nghĩa luôn ở bên cạnh con trai. Hoa lợi từ rẫy cà phê ở quê không còn, cũng không thể vay mượn họ hàng được nữa nên ở thành phố, hai mẹ con sống chủ yếu nhờ vào khoản tiền đan áo len và làm thuê của cô Đông.
Tranh thủ lúc chờ con vào phòng vật lý trị liệu, cô đi lau nhà, rửa bát, giặt quần áo thuê cho bà con trong khu phố để kiếm thêm thu nhập, mỗi giờ được trả 40 ngàn đồng. Những lúc Nghĩa ngủ, cô lại ráng thức dán những hộp quà tặng hoặc đan áo len, mũ len kiếm thêm tiền.
Tận tụy từng mũi len, dán từng tấm giấy nhưng mỗi tháng, cô cũng chỉ kiếm được vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng. Con số này chẳng thấm vào đâu so với chi phí thuốc men điều trị của con trai. Rồi những tháng nắng oi ức, sản phẩm làm ra chẳng ai mua. Để có tiền, cô còn kiêm luôn cả nghề nuôi bệnh thuê trong bệnh viện.
Với số tiền vất vả kiếm được này, hai mẹ con Nghĩa cũng tạm thời trang trải chi phí sinh hoạt và tiền thuốc lay lắt qua ngày. Thu nhập quá bấp bênh nên mỗi bữa ăn của mẹ con họ chỉ là những hộp cơm chay từ thiện. Dẫu khó nhọc nhưng trong lòng người mẹ này vẫn luôn vững tin chờ ngày con mình hồi phục học hành thành tài, có việc làm ổn định bởi tuổi đời của Nghĩa còn quá trẻ.
Cô Đông tâm sự: “Nghĩa nó còn quá trẻ nên tôi luôn hy vọng cháu nó sẽ có ngày hồi phục để làm lại cuộc đời. Vì con, vất vả thế nào tôi cũng không ngại, tình thương của mẹ sẽ là động lực giúp cháu nó vượt qua những bất hạnh của cuộc đời.
Tôi xúc động nhất là trong lúc bệnh tật mà nó còn nghĩ đến mẹ, nghĩ đến việc hồi phục sẽ đi bán vé số để nuôi mẹ sau này. Tôi sẽ gắng lo cho con đến khi nào kiệt sức mới thôi!”.
Đáp lại tình thương của mẹ, Nghĩa không còn bi quan nữa, em luôn cố gắng sống tốt và siêng năng tập vật lý trị liệu nên thương tật đã thuyên giảm đi nhiều. Nghĩa đã dần hồi phục trí nhớ, nhận ra người thân, bạn bè, nói năng lưu loát và nhớ những kiến thức đã học.
Em cũng thường đọc những sách viết về những tấm gương vượt khó để tự khích lệ mình không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh. Thậm chí, Nghĩa còn hay tìm đến bắt chuyện, làm quen động viên, an ủi những bệnh nhân cùng cảnh ngộ, giúp họ lấy lại tinh thần, tin yêu vào cuộc sống.
Nghĩa tâm sự: “Hồi trước, em học luôn khá giỏi, em tự đi làm thêm lo cái ăn, học phí cho bản thân, định ngày ra trường tìm việc làm lương kha khá rồi lo cho mẹ. Nào ngờ, số phận lại bất hạnh quá. Mấy năm nay, nhờ sự tận tâm cứu chữa của các bác sĩ và sự chăm sóc chu đáo của mẹ mà sức khỏe em đã hồi phục rất nhiều. Khỏe hơn tí nữa, em sẽ tự lăn xe đi bán vé số, học lại thiết kế đồ họa để đỡ đần mẹ”.
Nghị lực sống vượt khó phi thường của mẹ con Nghĩa thật đáng khâm phục, hy vọng rằng trong tương lai họ sẽ thực hiện được những hoài bão đời mình. “Giờ em nhận ra rằng, đứng trước nghịch cảnh mà mình càng trốn tránh nó, càng buồn tủi thì càng gần sự tuyệt vọng. Phải sống thật tốt và sống có ích để mẹ em có được niềm vui, được hy vọng về em ở tương lai”, Nghĩa tâm sự.