Cồn cào những tết xa quê

(PLO) - “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi...” – những giai điệu đó cồn cào trong lòng mỗi người con Việt xa xứ, khi bài ca Xuân vang vang trong không gian, khi đào mai rộn ràng trên mỗi chương trình truyền hình, và khi tâm tưởng lại nhớ về những chiều đoàn viên bên mẹ già, quanh bếp lửa, nơi cố hương...
Cồn cào những tết xa quê
Tết về, và thế là một năm với biết bao buồn vui, toan tính cũng sắp sửa qua đi. Xa quê gần 30 năm, đã coi nước Đức như quê hương thứ hai của mình rồi nhưng khi nhắc đến tết, lòng chúng tôi lúc nào cũng canh cánh hai tiếng “Quê mẹ”. 

30 năm là cả một quãng đời dài, bao vật lộn, lo toan lôi chúng tôi đi mỗi ngày, vậy mà mỗi khi năm sắp cùng, tháng sắp tận để bước vào một năm mới, tôi lại thấy nhớ quê nhà da diết, nhớ về những cái tết khi tôi vẫn còn ở Việt Nam trong thời kỳ khốn khó nhất của đất nước. Thời bao cấp khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp tình cảm của gia đình, bè bạn. 

Cuộc sống mưu sinh lôi chúng tôi đi, gần 30 năm rồi, bao lần tôi định về quê ăn tết sum họp với ông bà, họ hàng mà chưa thực hiện được. Khi bố mẹ thu xếp được thì các con tôi lại không thể bỏ trường, bỏ lớp để theo bố mẹ. Là bởi ở Đức người dân “ăn tết” Giáng sinh và Dương lịch chứ không ăn tết Âm lịch như ở quê mình nên những ngày đó mọi người không được nghỉ. 

 

Nhớ quê, nhớ hương vị tết Việt nên mỗi khi tết đến, người Việt Nam ở Đức cũng tổ chức gói bánh chưng. Hồi mới sang đây, có nguyên liệu gói bánh là việc vô cùng công phu, vất cả, nhất là việc kiếm lá chuối hoặc lá dong. Để có bánh chưng trong ngày tết, chúng tôi phải dùng giấy bạc mà gói. Cũng may trong những năm gần đây giao thương phát triển, trên thị trường cũng có sẵn nguyên vật liệu để gói bánh chưng. 

Còn cành đào – loại hoa không thể thiếu trong những ngày tết – thì đành phải tự tạo. Chúng tôi vào rừng tìm những cành cây tương đối giống cành đào, mang về cắm vào chỗ trang trọng nhất trong nhà rồi lấy những cánh hoa đào nhựa dùng keo gắn lên. Vậy là có không khí tết, là thấy cả gia đình ấm cúng làm sao khi quây quần bên nhau thưởng tết. 

Bố mẹ nhớ về những kỷ niệm thời thanh niên, những cái tết khốn khó và ấm áp nơi quê nhà với cha mẹ và các bạn thiếu thời, còn con cái được nghe kể kỹ càng hơn về truyền thống dân tộc, về những tình cảm gia tộc rất Việt, để nuôi dưỡng phẩm chất người Việt trong lòng. Rất may cho tôi là hai con tôi đều sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng các cháu nói và viết tiếng Việt rất tốt – đây là thành quả sau nhiều nỗ lực của vợ chồng tôi, cũng là niềm tự hào mà chỉ người Việt mới cảm nhận được. 

Một bữa tối đầy đủ thành viên với các món ăn Việt và tiếng Việt ấm nồng là thời gian quý báu trong ngày mà mỗi thành viên gia đình tôi vô cùng nâng niu, trân trọng. Đó là khoảnh khắc chia sẻ, gắn kết, cũng là cơ hội để các con tôi cảm nhận sâu sắc hơn về “chất Việt” và trách nhiệm giữ gìn bản sắc Việt với những yêu thương gắn bó hết sức quý giá trong mỗi gia đình.

Đọc thêm