Đường mòn hoạt động ra sao?
Có các phân khu phụ trách dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, người ta gọi là “binh trạm”. Chỉ huy binh trạm chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm đối với phân khu của mình. Trách nhiệm ở đây bao gồm sửa chữa đường, phá mìn và bom chưa nổ, phòng vệ trước các cuộc không kích và tấn công mặt đất, vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị qua phân khu...
Chiều dài mỗi tuyến đường trực thuộc một binh trạm tùy thuộc địa hình. Thông thường mỗi phân khu trải dài không quá 200km, với các cơ sở phục vụ cho hoạt động như kho lương thực, đạn dược, thiết bị sửa chữa xe cộ, đơn vị công binh, đơn vị phòng không, bệnh viện chiến trường...
Trong giai đoạn đầu tiên khi xe có thể lưu thông trên Đường mòn, phương thức thông thường là xe của các binh trạm sẽ chịu trách nhiệm vận tải trong khu vực binh trạm mình quản lý. Cách thức này rất tốn thời gian. Người chỉ huy ra lệnh cho xe nhận hàng từ một nơi an toàn ở điểm cực Bắc trong khu vực binh trạm phụ trách.
Từ đấy, đoàn xe đi tới điểm an toàn ở cực Nam binh trạm. Tại đây, sau khi đổ hàng, đoàn sẽ nhận hàng mới – thường là thương binh, tù binh hoặc người ra Hà Nội công tác – rồi trở lại nơi an toàn ở phía Bắc. Cùng lúc, số hàng vừa dỡ xuống sẽ được đoàn xe của binh trạm kế tiếp chuyển đi. Cứ như thế, hàng được chuyển từ binh trạm này tới binh trạm kia cho đến khi hành trình vận chuyển dọc Đường mòn kết thúc.
Đường mòn có rất nhiều điểm an toàn được xây dựng để tạo nơi trú ẩn tạm thời cho hàng hóa và xe cộ. Ở những nơi đường mòn chạy men theo sườn núi thì chốt an toàn được khoét vào sườn núi. Đây thực sự là những nhà kho ngầm. Một số hầm có thể chứa toàn bộ đoàn xe – thường từ 50 đến 100 chiếc, nhưng chủ trương được đưa ra là phải phân tán nguy cơ.
Vì thế, khu vực an toàn thường bao gồm một loạt hầm nhỏ nằm rải rác trên phạm vi vài trăm mét. Mỗi một hầm chỉ chứa vài xe cùng lúc. Giữa các xe là tường chắn làm bằng khung gỗ và bao cát. Hệ thống này giúp xe tránh được mảnh bom hoặc bị bắt lửa khi xe khác bị bốc cháy.
Một số chỗ người ta tận dụng hang động tự nhiên. Nhiều khi những hang này chứa xe và hàng hóa, thậm chí trong trường hợp địa điểm đó rất khó tiếp cận từ đường lớn, người ta sẽ dùng để làm nơi trú ẩn cho quân nhân.
Những nơi Đường mòn đi trên đất bằng, người ta buộc phải đào hầm sâu xuống lòng đất để làm chốt an toàn. Hầm trú ẩn được thiết kế để có thể chứa một vài chiếc xe. Hầm đào sâu xuống đất bốn mét, trần dày hai mét và có lối ra vào dễ dàng. Loại hầm này có thể giúp xe tránh được mảnh bom nhưng không chịu được khi bom dội trúng.
Phần lớn các địa điểm an toàn không cần phải xây dựng; đó chỉ là những nơi giúp cho việc bốc dỡ hàng không bị quân địch trông thấy nhưng lại không có gì che chắn bảo vệ. Ở những nơi này, người ta chỉ tận dụng cây cối để che mắt địch mà thôi.
Những cánh rừng trơ trụi vì bom và chất độc hóa học Mỹ |
Trong một vài trường hợp, cành cây được chặt xuống để ngụy trang cho xe cộ và hàng hóa vì ở đấy cây cối không đủ để che phủ. Phương pháp này tỏ ra hữu hiệu nhưng rốt cuộc người ta đã từ bỏ nó sau khi nhiều đoàn xe bị trúng bom – và bộ đội hiểu rõ tại sao. Cành cây sau khi được chặt xuống sẽ nhanh chóng khô héo.
Máy bay do thám Mỹ sử dụng thiết bị hồng ngoại từ trên trời có thể phát hiện được nhiệt lượng do lá cây phân hủy tạo ra. Khi nhiệt lượng đó tăng tới một mức khác thường (có thể là do lá cây tạo ra khi che một đoạn đường hoặc một căn cứ an toàn), quân Mỹ sẽ gia tăng nghi ngờ rằng lá cây phân hủy này là do con người gây ra chứ không phải nguyên nhân tự nhiên.
Kết quả là những nơi khả nghi này được liệt vào danh sách dội bom của B-52. Sau này, thay vì chặt cành cây, bộ đội đã đào nguyên gốc cây đem đến trồng ở chỗ mới để che phủ các điểm tập kết an toàn; phương cách này tránh được sự phát hiện.
Vũ khí quái ác của quân Mỹ
Khi một phần đường bị phá hủy, lính công binh sẽ lao vào nhiệm vụ. Không có thiết bị hạng nặng như máy ủi, họ phải làm việc bằng tay, khỏa lấp những hố bom, dọn cây gãy đổ, tháo gỡ bom chưa nổ... Nếu có một khúc đường bị phá quá nặng, lính công binh sẽ lập một đường khác gần đó để thay thế.
Mọi tài sản đều được huy động để đảm bảo công tác sửa chữa, dọn đường hoàn tất kịp cho đoàn xe kế tiếp đi qua. Công việc sửa chữa hiếm khi kéo dài quá một ngày. Lính công binh luôn ý thức về đảm bảo tiến độ - vì họ biết rằng sự sống của đồng đội ở miền Nam phụ thuộc nhiều vào các đoàn xe chạy ban đêm.
Khối lượng vũ khí khổng lồ mà Mỹ rải xuống khiến lực lượng công binh luôn bận rộn. “Ban đầu chúng tôi tổn thất khá nhiều sinh mạng khi cố dùng xẻng để dọn mìn (mìn chống tăng và mìn sát thương được thả từ máy bay)”, một cựu binh cho biết. Những người lính công binh không biết rằng lưỡi xẻng bằng sắt đã kích hoạt mìn từ tính. Khi nhận ra được điều này, lính công binh lột hết áo quần khi gỡ mìn. Yếu tố sinh tồn đã tạo động lực cho người ta nhanh chóng học hỏi những kỹ thuật mới để đối phó với mìn.
Một trong những kỹ thuật được áp dụng đầu tiên đó là đào mìn lên và kích nổ ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cách làm này thường gây hư hỏng đường sá, dẫn tới việc trì hoãn các đoàn xe trong thời gian sửa đường. Sau khi biết rõ cấu tạo của mìn, lính công binh mới nghiên cứu cách vô hiệu hóa. Mỗi khi phát hiện ra quả mìn được thả từ máy bay xuống, người ta liền cắm một lá cờ ngay vị trí của nó. Tiếp đó, đội tháo gỡ của các binh trạm sẽ được điều đến để làm nhiệm vụ.
Sự tinh vi trong kỹ thuật tháo gỡ bom mìn của bộ đội ngày càng tăng và quân Mỹ cũng không ngừng cải tiến vũ khí. Sự khéo léo của bộ đội luôn giúp họ biến cái tiêu cực thành tích cực. Theo một cựu binh, đó là nguyên nhân tại sao “chúng tôi muốn tháo gỡ chứ không kích nổ, bởi khi tháo ra chúng tôi có thể tận dụng các bộ phận của mìn – chẳng hạn như mạch điện – cho mục đích khác”.
Mỗi binh trạm sử dụng các phương cách khác nhau để dọn dẹp bom mìn. Trong khi đơn vị này tập trung tháo gỡ, những nhóm khác lại ưa kích nổ ngay tại trận. Một cựu binh kể: “Mỗi khi đường bị ném bom, một tổ sẽ được điều đi sửa chữa… Họ có thể kích nổ tại chỗ hoặc tháo ngòi bom mìn. Mỹ dùng rất nhiều loại bom mìn khác nhau. Họ thả mìn từ trường và bom thông thường… Nhiệm vụ chính của đơn vị là phá hủy những thứ này nên chúng tôi ít khi tháo gỡ”.
Một hố bom trên đường Hồ Chí Minh |
Dù sử dụng phương pháp nào thì bước đòi hỏi đầu tiên vẫn là xác định vị trí của quả mìn. Đôi khi nhiệm vụ này khó khăn hơn nhiều so với những bước còn lại. Như lời giải thích: “Thời điểm khó khăn nhất là lúc mìn vừa được rải xuống. Chúng tôi không biết có bao nhiêu quả hoặc loại mìn gì được thả. Bùn đất che phủ khiến cho mắt thường không thể thấy được các quả mìn được thả xuống đường.
Tôi cùng với đồng đội chịu trách nhiệm dọn mìn trong một đoạn đường dài từ năm tới sáu cây số trên đèo Bà Nhạ vào tháng 10/1969… Để dọn mìn, chúng tôi quyết định sử dụng một chiếc xe “thử” chạy trên đường để xem có quả mìn từ trường nào không. Tôi xung phong ngồi bên cạnh người lái xe tải; anh này cũng là người xung phong. Khi bước lên xe, hai chúng tôi tin rằng mình sẽ chết vào ngày đó – và cả hai đều chuẩn bị tinh thần để hy sinh”.
“Tài xế cho xe chạy chậm. Được một đoạn chừng 150m. Đột nhiên, có một tiếng nổ rất lớn. Chiếc xe cán phải mìn. Nó rung lên nhưng không bị lật. Mọi người đứng xem tưởng chúng tôi đã chết khi thấy một phần chiếc xe bị phá hủy. Nhưng may mắn thay, quả mìn nằm khá sâu dưới đất nên sức công phá bị giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến quả mìn bị vùi sâu.
Thứ nhất, khi rơi xuống đất, chân thăng bằng của quả mìn không bung ra khiến nó cắm sâu vào lòng đất. Thứ hai, nước mưa đã đẩy bùn đất lấp quả mìn. Thứ ba, bom nổ xung quanh đã xới đất bồi lấp lên phía trên quả mìn”.
“Sau này, chúng tôi sử dụng một nhóm sáu lính công binh – ba người bên trái và ba người bên phải – để dò mìn”, ông kể tiếp. “Mọi người dùng tay để dọn mìn… Một vài lần, chúng tôi quyết định mở đường mới”.
Ông và đồng đội không có thiết bị công nghệ cao để định vị mìn. Họ chỉ dựa vào bản năng, lòng dũng cảm, sự khéo léo và vận may.
Dùng phuy dầu kích nổ mìn từ trường
Ông cho biết còn có một cách dọn mìn khác nữa, đơn giản nhất là “lấy những thùng phuy dầu trống rồi cho chúng lăn từ trên dốc xuống để kích hoạt mìn từ trường”.
Một nhân chứng khác cho biết cụ thể hơn: “Khi xác định được vị trí quả mìn, người ta sẽ sử dụng một chiếc xe tải được trang bị lớp bảo vệ đặc biệt để kích nổ. Những thanh gỗ lớn được gắn hai bên thành, dưới khung gầm và xung quanh máy xe.
Lái xe và lái phụ ngồi vào buồng lái, cả hai đều mang áo phòng không và mũ bảo hiểm Liên Xô. Một sợi dây rất dài – đến 500m – được buộc phía sau để xe kéo đi. Khi khúc đường cần dọn dẹp không được thẳng thì người ta có thể điều chỉnh sợi dây cho phù hợp.
Hình ảnh máy bay Mỹ chụp sau khi đánh phá đường mòn |
Sợi dây phía sau – là một giải pháp an toàn cho chiếc xe – được gắn với một thùng phuy dầu thật nặng để kích nổ mìn. Thùng phuy này phải nặng tới một mức độ nào đó mới có thể kích nổ mìn được. Công binh nghiên cứu rất kỹ các loại mìn và biết rõ cần phải có thùng phuy nặng bao nhiêu. Sau đó người ta sẽ chất vật nặng vào thùng phuy – thường là kim loại vụn – chẳng hạn vành bánh xe, bộ phận máy móc – một phần trong số này được lấy từ những chiếc xe bị phá hủy dọc đường.
Thùng phuy khi đè lên quả mìn sẽ khiến nó phát nổ. Nếu sử dụng dây ngắn hơn khi đoạn đường thẳng cần dọn dẹp rất ngắn, tài xế cần phải tăng tốc để kịp tránh xa nơi phát nổ một khoảng cách an toàn. Khoảng cách an toàn phải lớn hơn 50m. Đôi khi tài xế không thoát khỏi vụ nổ - nhưng cách này thành công tới 90%”.
Một biến thể khác của kỹ thuật phá mìn là lấy người thay thế xe tải. Bốn hoặc năm binh sĩ tình nguyện sẽ đào một hầm cá nhân ngay bên ngoài phạm vi công phá của chất nổ. Thùng phuy nặng lúc này được đặt phía bên kia của quả mìn. Rồi người ta lấy một sợi dây nối từ thùng phuy dẫn tới hầm cá nhân. Sau đó những người tình nguyện sẽ chui vào hầm cá nhân rồi kéo sợi dây, khi thùng phuy cán lên quả mìn sẽ khiến nó phát nổ.
Có một kỹ thuật khác được lính công binh Đường mòn áp dụng; đó là sử dụng một chiếc xe bọc thép. Có khoảng 30 chiếc xe kiểu này đã được chế tạo. Người ta dùng xe này để dẫn đầu đoàn xe. Nó được thiết kế để có thể kích nổ mìn từ trường từ cự ly khoảng 10m. Sau một trận ném bom, các đơn vị công binh sẽ kiểm tra hiện trường để xác định những quả chưa nổ.
Sau đó xe bọc thép từ trường sẽ được huy động để kích nổ chúng. Loại xe này hoạt động rất hiệu quả, hiếm khi bị phá hủy, ngoại trừ khi nó cán lên quả mìn ngay lúc mìn phát nổ. Thường có một hoặc hai chiếc xe dự phòng, đặc biệt là ở các điểm nóng.
Hiểm họa muôn hình vạn trạng
Hiểm họa bom mìn dọc Đường mòn có muôn hình vạn trạng. Mìn từ trường gây hiểm nguy nghiêm trọng cho xe cộ nhưng không đe dọa người lính đi bộ bởi loại vũ khí này chỉ phát nổ khi tiếp xúc với kim loại và vật nặng như xe ô tô. Tuy nhiên, binh lính đi bộ cũng không hề được an toàn bởi rất nhiều mìn sát thương đã được thả xuống dọc Đường mòn, gây nên bao khó khăn gian khổ cho tất cả những người đi lại trên con đường ấy.
Bất chấp bom đạn Mỹ, đường Trường Sơn vẫn là mạch máu chi viện cho chiến trường miền Nam |
Loại mìn sát thương mà người ta sợ nhất là “mìn râu tôm”. Khi rơi từ máy bay xuống đất, quả mìn bắn dây ra theo nhiều hướng khác nhau, mỗi sợi dài chừng tám mét. Các cợi dây trở thành bẫy treo – một khi đụng vào dây sẽ kích nổ quả mìn, làm bắn ra hàng trăm mảnh nhỏ. Binh sĩ ít kinh nghiệm và không hiểu rõ loại mìn này, khi phát hiện một sợi dây liền đổi hướng đi, nhưng sẽ lại vấp phải sợi dây khác và kích nổ mìn.
Một loại mìn sát thương khác mà người ta thường gặp là “mìn lá”, gọi theo hình dáng bên ngoài của nó. Tuy nhiên loại mìn này chỉ có hiệu quả trong một giai đoạn ngắn ban đầu khi mới được thả dọc Đường mòn. Lính công binh sau đó dùng xe xích cày xới khu vực mìn được thả xuống.
Khi xe cán phải, mìn nổ nghe như tiếng pháo ngày tết. Bộ đội chọn cách xử lý mìn lá như thế thay vì tháo gỡ vì tháo gỡ rất mất thời gian và nguy hiểm hơn. Trên đường Trường Sơn thì mỗi phút giây đều quý giá.
Nhưng hoạt động rà phá bom mìn dọc Đường mòn không phải lúc nào cũng kết thúc mỹ mãn. Một cựu binh kể lại kỷ niệm về chuyến đi giữa năm 1972: “Đoàn chúng tôi gồm bốn chiếc xe. Một chiếc chở lính công binh đi trước để dọn chướng ngại vật. Chiếc xe jeep chở tôi đi tiếp theo, tiếp đó là chiếc jeep nữa và một xe tải chở hành lý cùng đồ tiếp tế. Bấy giờ là ban đêm.
Khoảng cách giữa xe công binh và xe jeep của tôi là một trăm mét. Đây là ngày thứ ba của hành trình và chúng tôi mới vượt qua vĩ tuyến 17 chưa đầy hai mươi cây số. Đột nhiên một tiếng nổ lớn vang lên, chiếc xe trước mặt tôi bốc cháy. Nó cán trúng một quả mìn từ trường”.
Tất cả mười binh sĩ công binh và lái xe thiệt mạng ngay tại chỗ. Để tránh gặp nguy hiểm, nhóm “quyết định bỏ xe jeep lại và đi bộ tới nơi tập kết”. Chuyến đi bộ mất hết ba tuần. Họ đi cả ngày lẫn đêm (nếu di chuyển bằng xe thì chỉ thực hiện vào ban đêm).
Phút nghỉ ngơi của một chiến sĩ trên đường hành quân |
Đôi khi phải lần xuống những triền đồi hoặc bờ sông để ẩn náu trong lùm cây bụi. Cuộc hành quân của cả nhóm đầy khó khăn và khá chậm. Nhưng hình ảnh về chiếc xe tải bị phá hủy vào hôm trước luôn nhắc nhở mọi người đặt sự thận trọng lên trên tốc độ.
(Còn tiếp)
Một trong những hang động rất lớn gần Đường mòn được tận dụng làm nơi trú quân là Cha Lo. Hang nằm bên phía Việt Nam của đèo Mụ Giạ, gần biên giới Lào, thuộc tỉnh Quảng Bình, gần đường 12. (Đường 12 là một phần của hệ thống Đường mòn Hồ Chí Minh, trải dài từ Nam Hà Tĩnh, ở phía Bắc Quảng Bình, tới Ba Na Phau ở Lào). Nơi đây đặt một căn cứ chỉ huy và với kích thước khổng lồ, nó cũng được sử dụng làm trung tâm giải trí cho binh lính.
Một nhân chứng từng sống một tháng ròng tại Cha Lo, miêu tả: “Hang nằm bên đèo Mụ Giạ. Gần đấy là tàn tích của một đường xe cáp điện do người Đức xây dựng sau Thế chiến thứ I để bồi thường cho quân Pháp nhưng sau Thế chiến thứ II thì không được sử dụng nữa. Hiện các cột trụ của đường dây cáp vẫn còn.
Con đường (Đường 12) được sửa chữa vào năm 1953 nhưng mãi tới năm 1965 mới được sử dụng làm một phần Đường Trường Sơn. Cửa hầm quá cao so với mặt đường nên khi mang theo đồ tiếp tế, tôi phải trèo gần hai giờ mới tới. Hang động rất lớn, có thể chứa một ngàn quân. Hang sâu hàng trăm mét vào trong lòng núi. Nó lớn đến nỗi chúng tôi thường gọi là “nhà hát nhạc kịch”.
Do hang nằm sâu trong núi nên không bom đạn nào của Mỹ có thể xuyên thủng, rất an toàn. Trong lòng hang, công binh đã dùng chất nổ để mở rộng một số nơi, nâng sức chứa lên. Ở đây người ta dùng đèn dầu để thắp sáng. Dù có máy phát điện nhưng chúng tôi chỉ dùng trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn khi có diễn văn công”.
Một số người lính làm việc thường xuyên ở Cha Lo rất ít khi thấy được thế giới bên ngoài trong suốt thời gian phục vụ dài kỳ của mình.