Tắm bùn để đuổi “ma rừng”
Theo già làng A Khi, từ bao đời nay, làng Kon K’riêng vẫn tồn tại lễ X’trăng (đâm trâu) cúng Yàng Sơri (thần Lúa), Yàng Đắk (thần Nước), Yàng Kông (thần Núi), cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhiều sức khỏe. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người làng. Trong dịp lễ này, người dân trong làng phải ra suối tắm để thần Nước làm phép, thần sẽ đem lại may mắn cho từng người.
“Trước khi nhảy xuống suối tắm, mình phải múc bùn dưới ruộng lúa và phân trâu đổ vào ổ con trâu thường nằm để tắm, bôi lên người. Mình phải làm con ma rừng, ma rừng bẩn lắm, nên xuống suối tắm để thần suối tẩy cái bẩn đi, con ma rừng sẽ ra khỏi người, cả năm mình sẽ khỏe mạnh”, già A Khi cho biết.
Trong lễ X’trăng, già làng sẽ yêu cầu những người trong làng dắt con trâu trước đó đã nuôi béo tốt mang ra trước sân nhà rông để mổ lấy gan dâng lên. Mỗi năm tổ chức một lần nên việc làm lễ dâng gan cho thần được chuẩn bị chu đáo, con vật dùng để mổ phải là con đực, toàn thân phải đen trùi trũi. Nếu mổ gà thì gà phải to, nhưng riêng thần Lúa thì mổ gà con, vì bà con cho rằng thần thích ăn gan gà con.
Con trâu đang được cột dưới gốc Gong (cây tre chôn xuống đất), bên cạnh là ống lồ ô đựng rượu, một cái tô để đựng gan. “Trâu dâng thần không quá già, quá non. Sừng trâu không dài quá hai gang tay. Lúc dâng gan trâu thì còn kèm theo gan gà, gan heo nữa”, ông Đinh Ka - Trưởng làng Kon K’riêng cho biết.
Sau khi đâm trâu lấy gan xong, già làng sẽ làm lễ mời các vị thần theo cây Gong xuống hưởng lễ. Cây Gong được các nghệ nhân Bana làm rất khéo, trên đỉnh có nhiều vòng tròn, trong mỗi vòng tròn đều có dây thả thòng xuống đất, nếu thần nào không men theo thân cây xuống thì nắm dây tuột xuống.
Sau đó, bên bếp lửa bập bùng, những chàng trai cô gái Bana ở tuổi đôi mươi khoác mặc trang phục truyền thống đủ màu sắc. Họ nắm tay ca hát suốt đêm, tiếng cồng chiêng ngân vang trong tiếng reo hò. Lúc này, trong nhà rông lớn, đàn ông, phụ nữ tuổi trung niên trở lên sẽ ngồi uống rượu cần, thưởng thức thịt trâu, thịt gà nướng.
“Người làng chúng tôi rất mến khách, nên trong các lễ hội nếu có khách đến, chủ nhà mời khách thức ăn và rượu thì phải nếm trước để cho khách biết trong đồ ăn, thức uống không có độc. Ở đây, từ đứa trẻ đến thiếu nữ, người lớn tuổi, tất cả đều có thể uống rượu được”, ông Đinh Ka cho biết.
Hy vọng con chữ sẽ giúp những đứa trẻ nơi đây thay đổi nhận thức về hôn nhân cận huyết |
Hủ tục hôn nhân cận huyết
Ở đây, chúng tôi được người dân kể rất nhiều câu chuyện vợ chồng có quan hệ cận huyết. Nhiều cặp mới cưới nhau, nhiều cặp đã bước sang tuổi ông, tuổi bà. Trước giờ ở đây con của anh, em trai không được lấy nhau. Con của chị, em gái cũng thế. Nhưng con của anh, em trai thì được lấy được con của chị, em gái và ngược lại.
“Ở đây, con của hai anh em trai và con của chị em gái thì không được lấy nhau. Nhưng con của anh em trai với chị em gái và ngược lại thì có thể lấy nhau. Đó là tập tục đã có từ lâu, bây giờ già muốn bỏ lắm, nhưng người làng không chịu. Như cặp vợ chồng trẻ Đinh Ka và Đinh H’Lét, mẹ Đinh H’Lét là chị gái của bố Đinh Ka, hai đứa mới lấy nhau và vừa có đứa con đầu lòng”, già làng A Khi cho biết.
“Trai làng cũng biết lấy vợ trong làng, có họ hàng là không tốt, cán bộ xã nói nhiều rồi. Nhưng phải đến làng khác, xa lắm mới lấy được vợ. Trai làng khác cũng không thích mình đưa con gái đẹp trong làng họ đi xa đâu”, Đinh Nai (20 tuổi) cho biết.
Ông Trương Văn Tư - Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne thở dài khi trò chuyện với chúng tôi về hủ tục kết hôn cận huyết trên địa bàn.
“Hôn nhân cận huyết là một trong những hình thức của tục nối dây đã có ở làng Kon K’riêng từ thời xửa thời xưa. Đến ngày nay, bà con không hiểu biết về khoa học nên cứ mãi đắm chìm trong cơn mê đằng đẵng của hủ tục”, ông Tư nói.
Ông Tư kể, ngày trước, để thực hiện tập tục hôn nhân cận huyết, cha mẹ thường ép con cái lấy con cô con cậu làm vợ làm chồng. Nhiều người lớn cũng bị cha mẹ ép kết hôn theo hình thức này bởi vì việc dựng vợ gả chồng cho thế hệ sau ngày đó chỉ vì vật chất, không phải vì tình yêu.
Hiện nay, việc kết hôn theo hình thức này hầu hết không phải do cha mẹ ép buộc nữa mà do sự tự nguyện của đôi trẻ. Mà đôi trẻ đã yêu nhau thì dù cha mẹ không muốn cũng không tài nào ngăn cản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở làng Kon K’riêng xảy ra hôn nhân cận huyết không chỉ là phong tục lạc hậu mà còn do môi trường sống ở nơi hẻo lánh, biệt lập; do quan hệ đời sống anh em gần gũi nhau trong công việc, sinh hoạt và xuất phát từ một tổ tiên chung nên thường kết hôn gần. Việc này do trình độ, hiểu biết của người dân còn thấp.
Do vậy, hướng giải quyết trước mắt là ngành chức năng cùng chính quyền đia phương phải chú trọng phát triển kinh tế, đời sống, nâng cao trình độ, nhận thức, phổ biến kiến thức cho người dân. Ngoài ra, cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể về các cuộc hôn nhân cận huyết để có phương pháp giải quyết và công bố rộng rãi kết quả cho người dân biết.