Con như chiếc lá giữa sóng gió gia đình

(PLVN) - Trong cuộc sống đời thường cũng như trong chế định pháp luật, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đầu tiên và cơ bản nhất là sự thương yêu. Ngay từ khi người mẹ mang thai đứa con của mình, cội nguồn của tình yêu thương ấy đã được nảy nở và lớn dần theo năm tháng.
 Lần tự tử hụt đó mãi mãi là vết thương trong tuổi thơ của bé gái 13 tuổi.
Lần tự tử hụt đó mãi mãi là vết thương trong tuổi thơ của bé gái 13 tuổi.

Thế nhưng, cũng theo thời gian, dưới áp lực của cuộc sống mưu sinh, của xung đột vợ chồng mà tình yêu thương ấy dần nhường chỗ cho những cơn sóng gió trong gia đình. Và khi ấy, chính đứa trẻ được yêu thương ngày nào sẽ trở thành chiếc lá mỏng manh, quay cuồng trong sóng dữ.

Nước mắt, thuốc diệt cỏ và nỗi buồn tuổi thơ

Cuối tháng 8/2020, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp bé gái 13 tuổi, trú tại Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ Paraquat. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó, bé gái đã sống trong bức tranh tâm lý khá u ám của tuổi mới lớn.

Ở trường thường xuyên em bị các bạn bắt nạt, chê đen, chọc ghẹo. Ở nhà, do gia cảnh khó khăn, em phải phụ giúp nhà nhiều việc nặng quá sức, hằng ngày em còn kéo máy cày phụ cha. Tối ngày 24/8/2020, sau khi cãi nhau với mẹ, em đã không kiềm chế được bản thân nên đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử.

Hoàn cảnh gia đình tuy không như bé gái nói trên, nhưng Minh Thư, cô bé 9 tuổi có vẻ ngoài đáng yêu tham gia chương trình “Điều con muốn nói” cũng có tâm sự riêng của mình và tâm sự đó thật sự day dứt em. 

Theo Minh Thư, nhà em có một xưởng may nhỏ ở Tiền Giang để khách đặt hàng quần áo. Trước đây, mẹ em từng làm quản lý cho một công ty may nhưng để chăm sóc Minh Thư và anh trai, mẹ xin nghỉ việc và lập tổ hợp may với 10 công nhân. Công việc tại gia giúp mẹ thuận tiện đưa đón con đi học, theo dõi việc học của anh trai Minh Thư đang chuẩn bị bước vào đại học.

Tuy nhiên, mẹ Minh Thư bận rộn, quần quật làm hết mọi việc trong xưởng như kiểm hàng, giao hàng, nấu cơm cho công nhân và các việc nội trợ trong nhà, đưa rước cô bé đi học. Mẹ làm việc đến tận khuya, có hôm phải thức đến tận sáng để có sẵn đồ giao cho khách.

Trong khi đó, người cha trong mắt Minh Thư là một người đàn ông thường bỏ đi nhậu. Thương mẹ vất vả, em khuyên nhưng cha chỉ im lặng. Cha mẹ em cũng thường cãi nhau trước mặt các con.

Chính vì thế, Minh Thư đã viết một tấm thiệp đặt trong “Chiếc hộp bí mật” khi tham gia chương trình có nội dung: “Con mong cha bớt đi nhậu, phụ mẹ trông xưởng may và đưa rước con đi học. Với mẹ, con mong mẹ có nhiều sức khoẻ để bên cạnh con suốt cuộc đời. Con muốn mẹ luôn luôn trẻ đẹp, không bệnh tật. Mẹ là mái ấm của cả gia đình, con yêu mẹ!”.

Giải thích về hoàn cảnh gia đình mình, mẹ Minh Thư kể rằng  vì chăm sóc, giám sát việc học các con, chị quyết định nghỉ việc ở công ty may. Cha Minh Thư khi ấy là Phó Giám đốc công ty và cũng là sếp của chị. Sau đó, anh xin nghỉ việc, dần dần ít quan tâm gia đình, con cái.

“Tôi thường nói với chồng dành ngày thứ Bảy đưa con đi chơi, quan tâm con nhiều hơn thay vì nhậu nhẹt nhưng anh không thay đổi. Trước đây, anh là thần tượng của con gái nhưng khi cha thay đổi, con cũng dần trầm lắng mà chuyển sang gần gũi với mẹ”. Chị nhiều lần khuyên chồng bỏ bia rượu nhưng anh có nhiều chuyện, không muốn giãi bày. Chị bật khóc: “Vì các con, tôi cố gắng gìn giữ mái ấm nhỏ nhưng không biết trong lương lai có cố gắng được hay không?”.

Đừng để tình trạng hôn nhân của cha mẹ là nỗi ám ảnh của con

Đó là một trong những điểm nhấn mạnh của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành với mục tiêu giúp các thành viên trong gia đình biết cách gìn giữ hạnh phúc mái ấm. 

Theo Bộ tiêu chí, trong gia đình, cha mẹ không được phân biệt đối xử với con theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ và “muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một công dân chân chính, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo.

Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả gấp trăm ngàn lần”. 

Đây cũng là quan điểm của TS. Tâm lý học Tô Nhi A. khi lắng nghe câu chuyện của cô bé Minh Thư. Theo TS. Tô Nhi A, Minh Thư thương mẹ và cảm thấy bất an về gia đình. Vì cô bé nhạy cảm, dễ tổn thương, một sự việc nhỏ cũng khiến em căng thẳng. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất chính là hoàn cảnh, không khí gia đình khiến con khó khăn giãi bày. 

“Cô bé 9 tuổi đang đối mặt nhiều vấn đề quá sức so với độ tuổi. Việc chuyển trọng tâm tình cảm từ cha sang mẹ, đó là một chấn thương tâm lý. Cha Minh Thư đang gặp vấn đề cần tháo gỡ. Người lớn thường mặc định, con nít sẽ không biết gì mà cố gồng lên nhưng thực tế con trẻ mẫn cảm, cảm nhận được tình cảm cha mẹ đang rạn nứt. Cha và mẹ khôi phục mối quan hệ thì mới mang lại sự an tâm cho con nhưng gỡ được nút thắt này sẽ là thử thách rất lớn đối với mẹ của bé”, TS. Tô Nhi A nhận định.

Hành động nông nổi của bé gái 13 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi cãi nhau với mẹ mình cũng cho thấy, cha mẹ nghiêm khắc với những hành vi sai trái của con là cần thiết, nhưng nếu thái quá, cực đoan sẽ gây ra hậu quả xấu.

Theo Bộ tiêu chí, nghiêm khắc rất cần thiết nhưng cần kết hợp với lòng khoan dung độ lượng, không nên cố chấp, áp đặt con. Tác hại đầu tiên của việc đánh chửi thô bạo là dẫn đến quan hệ giữa cha mẹ và con xa cách dần, tình cảm gắn bó bị suy giảm. Một đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh chửi thô bạo sẽ khiến trẻ phải sống trong uất ức, bi quan, sợ hãi. 

“Bên cạnh đó, một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, nhiều gia đình đã bắt trẻ tham gia lao động cực nhọc ở tuổi thiếu niên nhi đồng. Trẻ lao động nặng quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể đang phát triển, trẻ dễ bị chấn thương cột sống, bị giảm sút về sức khỏe, trí lực... Khi phải làm việc nặng nhọc, trẻ thường mỏi mệt, không còn hứng thú học bài. Trong gia đình, trẻ cần được tham gia lao động, nhưng phải vừa sức, phù hợp với từng độ tuổi đang phát triển” – Bộ tiêu chí nhấn mạnh. 

Đây cũng là vấn đề lo ngại của các bác sĩ khai thác bệnh sử khi họ biết rằng bé gái 13 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ tự tử hàng ngày có cuộc sống khá vất vả vì việc nhà quá sức, thêm vào đó thường xuyên bị cha mẹ la mắng. Hoàn cảnh sống buồn bã, nhiều ức chế cộng thêm vào là sự bồng bột của tuổi mới lớn đã khiến em dẫn đến hành vi dại dột nói trên.

Đọc thêm