Con trăn “vật chết người” 11 năm luẩn quẩn trong nghĩa địa

(PLO) - Mười một năm trước đây, con trăn khi đó mới bé xíu, không rõ “gốc gác” ở đâu, được một công ty sản xuất mì tôm đưa về “dự” lễ động thổ công ty này, sau đó phóng sinh. Hiện con trăn ngày càng to lớn, được người dân "tôn thần tôn thánh", với những câu chuyện đồn đại hãi hùng.
Sau một ngày mắc kẹt, người làng đành phá mộ đưa trăn ra
Sau một ngày mắc kẹt, người làng đành phá mộ đưa trăn ra
Con trăn bò vào nghĩa địa “định cư”, cả đời chẳng ai cho ăn, nhưng vẫn lớn nhanh như thổi. Dài nửa mét, nặng hàng cân; rồi cả mét, nặng chục cân. Sợ hãi thả trăn, “vận đen” vẫn chưa buông tha người đàn ông bắt trăn phóng sinh. Anh chết tức tưởi khi tự gây tai nạn giao thông cho mình.

Những người tham lam tìm cách bắt trăn sau đó cũng đều gặp những chuyện đen đủi trùng hợp. Người lăn ra ốm. Người đã bán trăn cho cửa hàng “đặc sản”, cũng phải sợ hãi quay lại trả tiền chuộc trăn. 

Con trăn từ ấy cứ luẩn quẩn trong khu nghĩa địa thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), vẫn lớn nhanh như thổi, nay đã dài 3m, nặng 40kg, thường dịp Tết mới “tái xuất giang hồ”. 

Đến ngày 25/1/2016 vừa qua, trăn chui vào một ngôi mộ, bị mắc kẹt. Sự việc “kinh thiên động địa” khiến người địa phương phải đập mộ đưa trăn ra ngoài, tôn kính gọi con trăn bằng “cụ”, bảo vệ, thắp hương, sì sụp quỳ lạy làm lễ trước “cụ” trăn.

Trắng đêm “chăm sóc” trăn bị mắc kẹt
Sự việc bắt đầu từ khoảng 14h30 ngày 25/1, ông Đỗ Văn Phiêu (54 tuổi, ngụ thôn Trai Trang) phát hiện con trăn đang cố chui vào ngôi mộ tại nghĩa trang. Người đàn ông hốt hoảng rút điện thoại báo tin cho nhiều người dân trong thôn biết. Hàng chục người kéo đến, làm nhiều cách để kéo con trăn ra nhưng bất thành.
Ông Phiêu kể lại: “Tôi là thợ chuyên xây mương, xây cống. Hôm đó tôi đang đi làm gần nghĩa trang, phát hiện có vật gì đó động đậy ở ngôi mộ phía trước. Thấy lạ tôi mới chạy tới xem, thấy con trăn lớn đang chui xuống mộ được nửa thân mình. Tôi đứng đó quan sát một lúc, biết con trăn này đang cố thoát ra nhưng bị mắc kẹt. Tôi không biết làm cách nào để giúp, nên gọi điện cho một số người ở cạnh nghĩa trang hợp lực cùng nhau bàn cách giải cứu”.

Dân làng kéo đến càng lúc càng đông. Anh Nguyễn Bảo Thanh (38 tuổi) vốn khỏe mạnh, được nhiều người đánh giá “có nhiều mưu mẹo”, nên làng cử anh trực tiếp “cứu hộ”. 

Anh Thanh kể lại: “Có thể do thời tiết đợt này quá giá rét nên trăn không chịu được ở tổ cũ, phải bò ra ngoài đi tìm nơi trú mới rồi bị mắc kẹt.Tôi biết “cụ” trăn này lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, chui sâu vào không được, ra ngoài cũng không xong. Thế là tôi đánh liều vác phần thân sau của trăn kéo ra, nhưng kéo mấy cũng không được”. 

Bất lực, người làng tìm chủ ngôi mộ, xin phá phần trên để đưa trăn ra ngoài. Thân nhân người dưới mộ không chịu vì sợ “động mồ động mả”. Đêm hôm đó dân làng che tấm bạ, đắp chăn sưởi ấm cho trăn, có người không ngủ, thức cả đêm ngoài nghĩa trang xem động tĩnh của trăn như thế nào.
Sì sụp cúng vái “trăn thần, trăn thánh” 
Sự việc “dẫm chân tại chỗ” cho đến trưa ngày 26/1. Được sự đồng ý của gia đình chủ ngôi mộ, mọi người thắp hương cầu khấn trước khi phá phần trên ngôi mộ, quyết đưa trăn ra bằng được. Được đưa ra bên ngoài, con trăn khi ấy vẫn không có chút gì tỏ ra yếu sức. Người ta đo đếm, thấy trăn dài gần 3m, nặng gần 40 kg. 
Hàng trăm người làng người hào hứng, người tò mò, người thành kính quan sát con trăn, trong khi ông Nguyễn Bảo Hiển (63 tuổi, ngụ thôn Trai Trang, thân nhân người nằm dưới ngôi mộ) xuýt xoa bên mộ bố: “Ngôi mộ mà “cụ” trăn chui vào là của bố đẻ tôi chôn từ năm 1969. Do mộ xây đã lâu, ở dưới nhiều cát, đồng thời phần “cụ” trăn chui xuống là nơi trước đây để bát nhang nên toáng khí”. 
Ông Hiển: ““Cụ” bỗng nhiên chui vào mồ mả bố tôi, không biết nên buồn hay nên vui”
 Ông Hiển: ““Cụ” bỗng nhiên chui vào mồ mả bố tôi, không biết nên buồn hay nên vui”
Theo ông Hiển: “Khoảng 3h chiều ngày 25/1, cả chục người ở làng báo tin mộ bố tôi bị trăn bò xuống. Nghe điều này tôi liền thốc tháo chạy lên nghĩa trang xem tình hình. Người làng bắt tôi phải phá bỏ phần trên ngôi mộ, nhưng tôi không chịu, hi vọng cứ để “cụ” trăn vậy, biết đâu “cụ” tự bò được ra”. 
Ông Hiển than thở tiếp: “Đến trưa hôm sau, dân làng gây sức ép lớn quá, tôi chấp nhận làm lễ, cúng vái xin bố cho mọi người phá mộ. Giấy tiền, vàng mã, trái cây dân làng mang tới rất nhiều, cầu may mắn từ “cụ” trăn. Đến chiều 27/1, gia đình tôi tiếp tục làm lễ và sửa lại nơi an nghỉ của bố”. 
Ông nói vẻ buồn rầu: “Phong tục làng tôi từ xưa đến nay, cuối năm không có ai sửa chữa mồ mả, nhưng gia đình chúng tôi vì “cụ” trăn nên phải bất đắc dĩ làm điều này. “Cụ” bỗng nhiên chui vào mồ mả bố tôi, không biết nên buồn hay nên vui; nhưng trước mắt tiền để làm lễ cúng, tiền sửa chữa mộ đã tốn khá nhiều”.
Sau khi giải cứu, mọi người đưa trăn vào nhà tang lễ ở trước nghĩa trang để “hồi sức”. Có người tìm mọi cách giữ ấm cho trăn, có người còn tới cúng vái sì sụp vì cho rằng đó là “trăn thần, trăn thánh”. Thậm chí tối 26/1, một nhóm các bà còn làm lễ, thắp nhang, cúng trái cây mong trăn khỏe mạnh, đồng thời “tạ tội, cầu may” cho gia đình mình. 
Người bắt trăn tự gây tai nạn tử vong?
Người làng sợ “cụ” trăn là có nguyên cớ. Người ta biết con trăn này sinh sống tại nghĩa trang đã lâu, nhưng cứ “lờ” đi. Nghĩa trang này nhiều năm qua không có người hung táng, chỉ có những ngôi mộ cải táng từ lâu, thế nên vắng vẻ, từ ngày có chú trăn đến “định cư” thì lại càng vắng vẻ hơn. 
Không ai biết nguồn gốc chú trăn là từ đâu, chỉ biết cách đây 11 năm, một công ty sản xuất mì tôm cách nghĩa địa chừng 15km đặt móng xây dựng xưởng, mang chú trăn khi nhỏ ấy còn nhỏ xíu tới “dự lễ”, sau lễ thả phóng sinh. 

Một thanh niên ở thôn Trai Trang sinh năm 1986 khi đó biết chuyện nên táo tợn tìm kiếm, bắt chú trăn đó về nhốt, “vỗ béo” đợi lớn sẽ bán. 

Nhưng từ ngày có chú trăn về nhà, tình cờ gia đình anh này gặp nhiều bất trắc, bản thân anh ốm đau quặt quẹo phát sốt phát rét nhiều ngày. Thế là người thanh niên phải thả chú trăn ra khu nghĩa trang gần nhà. Con trăn  chỉ luẩn quẩn bò quanh nghĩa trang, không ai cho ăn, vẫn lớn nhanh như thổi. 

Đã thả trăn, nhưng vận đen vẫn đeo bám người bắt trăn phóng sinh. Khoảng đầu năm 2015, anh này tự gây tai nạn giao thông cho mình rồi tử vong, để lại hai đứa con nhỏ cùng người vợ trẻ. 
Trước đây, một số người mê tín ở địa phương đã gọi con trăn là “cụ”, đến lúc anh thanh niên kia chết một cách đột ngột, người ta có thêm những lời đồn thổi ma mị xung quanh con trăn “vật chết người”.

Người địa phương cho biết chú trăn này bình quân mỗi năm xuất hiện một lần vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, còn quanh năm chỉ luẩn quẩn trong các hốc đất, bụi cỏ, chưa khi nào chui vào mộ. 

Bà Trần Thị Lượt (68 tuổi) cho rằng: “Tôi ở cạnh nghĩa trang đã lâu, hiện đang giữ chìa khóa của nhà tang lễ nơi “cụ” ở tạm thời. Cả làng này ai cũng bảo vệ, không ai dám giết “cụ”. Nhiều lời đồn đại rằng “cụ” tai ương, nhưng “cụ” hiền lắm, không tấn công ai bao giờ. 

Năm ngoái, vào 30 Tết âm lịch, “cụ” xuất hiện ở nghĩa trang, có anh thanh niên SN 1976 bắt được, anh ta còn hôn, chụp ảnh “cụ” rồi thả ra. Theo quan sát của tôi, so với năm ngoái thì năm nay “cụ” to hơn rất nhiều, đẹp hơn”. 

Bà Lượt bên “cụ” trăn
  Bà Lượt bên “cụ” trăn
Con trăn “thành tinh” nhiều tai ương?
Bà lão cũng cho rằng: ““Cụ” hiền vậy nhưng rất “thiêng”, tôi đã chứng kiến bốn trường hợp có người bắt “cụ” đi với ý định bán hoặc làm thịt nhưng không thành”. 

Bà lão liệt kê ra một số trường hợp phải “trả giá” vì định bắt “cụ trăn” như sau: Ngoài người thanh niên đã nói ở trên, trường hợp thứ hai là một thanh niên người làng Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ) đi đánh cá, bắt được “cụ” ở gần miếu Thiên Đế.

Người này định mang đi bán nhưng ngay đêm hôm đó anh ta bất ngờ lăn ra ốm, phải nhang khói sì sụp quỳ lạy thả trăn đi. 

Ở làng Trai Trang, theo bà lão, có hai trường hợp đi chăn vịt, bắt được “cụ”, và sau đó cũng có những hành động bất thường, phải thả trăn. 

Trường hợp thứ năm bắt trăn hôm trước, hôm sau cả nhà ốm, không ăn không thở được, phải ôm trăn ra nghĩa địa, về nhà đi cúng lễ mới khỏi. 

Rồi năm 2013, cặp vợ chồng ở làng Hào Xuyên (xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ) đi đánh cá bắt được “cụ”, đã bán cho nhà hàng 700 nghìn định “xẻ thụ”. Thế nhưng không hiểu sao chỉ hôm sau vợ chồng này quay lại nhà hàng mua lại “cụ” rồi đem ra nghĩa trang thả. 

Cho đến khi xảy ra cái chết của người đàn ông vào đầu năm 2015, chẳng ai còn dám có ý nghĩ “mạo phạm” nữa.

Nếu đó là trăn gấm, dân không được nuôi
Ông Nguyễn Trần Sơn (Trưởng thôn Trai Trang) nói cụ thể hơn: “Nhiều người nói đó là dòng trăn gấm. Nghe thông tin, tôi đã báo sự việc lên Chủ tịch UBND thị trấn. Có một số người dân vì mê tín xem đó là “trăn thần” nên mang vàng mã, nhang ra cúng vái. Biết được điều này nên chúng tôi đã có mặt để giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời khuyên mọi người bình tĩnh giải quyết”. 

Hỏi chuyện thông tin người bắt trăn gặp “vận đen” mất mạng có đúng hay không, vị trưởng thôn cho hay chuyện này khó có thể kiểm chứng. 

Ông chỉ có thể nói trên địa bàn thị trấn Yên Mỹ không có người dân nào nuôi, buôn bán động vật hoang dã, nên khó có chuyện con trăn bị sổng chuồng ra nghĩa trang, mà “khả năng con trăn này trú ngụ ở đây khá lâu rồi. Còn việc con trăn này từng có người bắt được định mổ thịt hoặc bán nhưng đều gặp bất trắc phải thả lại, tôi cũng có nghe. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.  

Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho hay: 
Trăn cộc, trăn đất, trăn gấm thuộc Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm II B được quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Theo đó, đối với loài động vật này, Nhà nước nghiêm cấm người dân: Săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu. Nhà nước chỉ cho phép khai thác loài trăn vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nuôi sinh sản), quan hệ hợp tác quốc tế.
“Theo Điều 21 Nghị định 157/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi, nhốt, giết, lấy dẫn xuất từ trăn gấm sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm, đồng thời bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 500 triệu đồng tùy theo giá trị tang vật”./.

Đọc thêm