Cộng đồng Starup trẻ Việt Nam (Bài 4): Hành trình khởi nghiệp của Tôn Nữ Xuân Quyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã từng gặp thất bại nhưng Tôn Nữ Xuân Quyên – CEO BLUSaigon chưa bao giờ cho phép mình nản chí và dừng lại.
Cộng đồng Starup trẻ Việt Nam (Bài 4): Hành trình khởi nghiệp của Tôn Nữ Xuân Quyên

Bố là một người có tiếng trên thương trường, nắm trong tay quyền thừa kế công ty triệu đô, nhưng Tôn Nữ Xuân Quyên vẫn quyết chọn cho mình một con đường riêng. Đã từng gặp thất bại nhưng Xuân Quyên – CEO BLUSaigon chưa bao giờ cho phép mình nản chí và dừng lại. Bởi khát vọng của cô là xây dựng được một sản phẩm quà tặng mang tầm văn hóa quốc gia Việt Nam.

Tập 4 của Shark Tank – “Thương vụ bạc tỷ” mùa 4 phát sóng vào tháng 5/2021, đã thu hút khán giả bằng màn gọi vốn của startup Tôn Nữ Xuân Quyên đến từ công ty BLUSaigon, kinh doanh bút ngọc trai, ốc tường, các sản phẩm về vỏ sò, ốc, ngọc trai... với mong muốn tạo ra sản phẩm của người Việt Nam, có thương hiệu trên thương trường. Kết quả, Shark Nguyễn Thanh Việt (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Intracom) đã quyết định đầu tư cho Xuân Quyên với 4 tỷ đồng đổi lại 32% cổ phần BLUSaigon.

Bài học kinh doanh từ người cha “Vua cúc áo”

Trong phần gọi vốn của mình tại Shark Tank, Tôn Nữ Xuân Quyên đã được bố là ông Tông Thạch Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn tới cổ vũ. Góp mặt trong màn gọi vốn của Xuân Quyên, ông bố đại gia có phần hơi xúc động, ông chia sẻ “Đưa con gái đi gọi vốn mà tâm trạng bây giờ cũng giống như hơn 10 năm trước khi gả con, đưa con đi kết hôn”.

Ông Tôn Thạch Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Ông tốt nghiệp ngành Thủy lợi Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ông Nghĩa từng có một thời niên thiếu nghèo khó, vì vậy khao khát làm giàu luôn được nuôi dưỡng trong ông.

Từ bỏ công việc nhà nước, ông Nghĩa làm việc cho một Công ty Nhật Bản. Bốn năm sau, năm 1997, sau khi phục vụ các ông chủ Nhật, được họ yêu mến và đã tiếp nhận được công nghệ từ họ, ông Nghĩa bắt đầu tự làm ông chủ. Ông nghĩa bắt đầu khởi nghiệp trên chiếc gác xép chật chội trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) với một tổ sản xuất có 6 người.

Trong thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, công ty ông Nghĩa sản xuất ra những chiếc nút áo chất lượng không tốt, ông bỏ đi làm lại và có những lúc tưởng chừng như phá sản. Dần dần, ông tự nhận sai rồi sửa bằng cách khách hàng chê chỗ nào thì sửa chỗ đó.

Xuân Quyên và ba, ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng Giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Ảnh: Shark Tank).Xuân Quyên và ba, ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng Giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Ảnh: Shark Tank).

Cho đến ngày nay, vượt qua biết bao trở ngại chông gai, Công ty Tôn Văn đã là một nhà máy sản xuất trên mặt bằng hơn 10.000 m2 với 150 công nhân. Doanh thu thì tính bằng số triệu USD, gấp mấy lần công ty của ông chủ cũ. Ông Tôn Thạnh Nghĩa đã giúp thương hiệu nút áo Tôn Văn chinh phục được những hãng may mặc thời trang khó tính nhất thế giới, như: Hugo Boss, Dior, adidas, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren...

Đặc biệt, trong những show diễn thời trang lớn nhất ở Paris, New York, Milan, Tokyo, Tôn Văn là một sản phẩm Việt duy nhất được gắn trên những bộ trang phục lịch lãm và rất đắt tiền. Ngoài xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nghĩa cũng chinh phục thị trường trong nước với sản phẩm nút áo với giá thành rẻ hơn từ 5 – 7 lần so với sản phẩm nhập từ nước ngoài.

Bởi vậy, khi được Shark Liên hỏi về Xuân Quyên, ông khẳng định mình rất tự hào và kỳ vọng vào con, đồng thời cũng mong muốn sau này “con hơn cha là nhà có phước”. Nhân cơ hội lên sóng Shark Tank, ông Tôn Thạnh Nghĩa cũng dùng câu chuyện cuộc đời mình để nhắn nhủ con gái nên “làm việc vì đam mê, nếu chung chạ phải chân thật, tự ái đúng nơi”.

Lời dặn dò “tự ái đúng nơi” có lẽ là lời nói giảm nói tránh mà ông Tôn Thạch Nghĩa nói trên truyền hình, bởi Xuân Quyên chia sẻ rằng, điều mà cô học được nhiều nhất từ bố trong việc khởi nghiệp là “không biết nhục”. Ông hay nhắc đi nhắc lại cụm từ này với cô rất nhiều lần.

Xuân Quyên từng chia sẻ rằng, năm nay cô 32 nhưng công ty của bố đã có 25 tuổi. Cô lớn lên cùng với những năm tháng Starup khó khăn của bố. Khi chứng kiến lúc bố khởi nghiệp vỏn vẹn chỉ có 20 triệu, cùng vài nhân viên trên căn gác nhỏ. Năm năm sau đó bố cô mới mua được chiếc xe, rồi dần dần từng bước làm nên cả một cơ ngơi như bây giờ. “Sự nỗ lực, tinh thần xông pha của ba đã cho tôi sức mạnh để tự mình khởi nghiệp bằng chính đôi tay của mình”, Xuân Quyên chia sẻ.

Xuân Quyên tự nhận có thể cô giống bố nhất là ở khoản không biết ngại, không sợ bị khách hàng từ chối, cũng không sợ khi thử một cái mới hay bị người khác chê. Xuân Quyên cũng có quãng thời gian làm phiên dịch cho người Nhật, sự ảnh hưởng của ba mà văn hóa Nhật cũng dần ngấm vào cô. Đó là văn hóa luôn cầu tiến, không sợ bị chỉ trích, không sợ thất bại... Với tất cả những điều đó, Xuân Quyên đã quyết định tham gia Shark Tank, sẵn sàng lắng nghe những đóng góp từ những người thành công để có được những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp.

Mỗi một vân ốc trên cây bút BLUSaigon là độc bản nên tất cả sản phẩm đều khác nhau và là duy nhất.Mỗi một vân ốc trên cây bút BLUSaigon là độc bản nên tất cả sản phẩm đều khác nhau và là duy nhất.

Thất bại không phải là điều đáng xấu hổ

Bản thân Xuân Quyên chơi chân thành với bạn bè nhưng không để họ tác động tới mình, không ngại khi nghe nhận xét tiêu cực, nếu người khác nhận xét về mình là cơ hội để phát triển. Thế nên bản thân cô không hề ngại ngần khi chia sẻ về 2 lần startup thất bại. Đối với cô đó cũng chỉ là thử thách và trải nghiệm trong cuộc đời mà thôi.

Xuân Quyên là lứa học sinh đầu tiên của trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) năm 2000. Sau khi học xong cấp 2 tại ngôi trường nức tiếng này, cô tiếp tục theo học cấp 3 tại trường chuyên Lê Hồng Phong - ngôi trường mệnh danh là dành cho nhân tài tại TP.HCM.

Tốt nghiệp cấp 3, cô sang Mỹ du học tại trường Đại học Brigham Young theo diện trao đổi văn hóa. 4 năm học Đại học, dù có học bổng 100% và là tiểu thư nhưng Xuân Quyên vẫn cố gắng tự làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt.

“1-2 năm đầu, tôi phải đi làm thêm trong tiệm burger, cuối tuần xin đi rửa chén, mùa hè tới thì bán vé cho các trận bóng bầu dục ở Mỹ để tự kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Đến năm 3 năm 4 tôi may mắn được làm thư ký tài chính, nhân sự trong văn phòng trường”, Xuân Quyên chia sẻ.

Đây cũng là quãng thời gian Xuân Quyên khởi nghiệp công ty đầu tiên. Tuy nhiên, công ty chỉ tồn tại 8 tháng thì phải dừng lại.

Vất vả vừa học vừa làm trên đất khách là thế, ngày tốt nghiệp Xuân Quyên vẫn cầm tấm bằng loại ưu chuyên ngành tài chính. Đầu năm 2021, cô rời Mỹ trở về Việt Nam. Công việc đầu tiên của cô làm sau khi về nước là kiểm toán, 8 tháng sau đó cô chính thức kết hôn.

Kết hôn xong, chỉ 2 tháng sau đó, tức 11/2011 Xuân Quyên và chồng quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Dù tài giỏi, được đào tạo bài bản nhưng “lần đầu tiên” của Xuân Quyên trên con đường khởi nghiệp không mấy suôn sẻ.

Trong 7 tháng sau khi khởi nghiệp, công ty của Xuân Quyên liên tục thua lỗ. Nhắc lại thời gian ấy, cô không khỏi choáng váng vì làm đủ mọi cách cứu vớt Startup, trong khi kinh nghiệm “thực chiến” của bản thân mà cô đánh giá chỉ là con số 0.

Gồng gánh mãi đến năm 2018, cô đành phải bán công ty đi và tiếp tục “khởi nghiệp” lần hai.

Nhắc lại về lần Startup lần 2 đó, Xuân Quyên chưa bao giờ hối tiếc: “Chắc mình là người chịu lỗ giỏi nhất nhì vì công ty thứ 2 lỗ đến 7 năm nhưng đi đâu cũng thấy sản phẩm (sân bay, siêu thị, cửa hàng tiện dụng…) nên mình ko thấy tiếc “tuổi thanh xuân” vì đã hết sức hết lòng.

Và mình học được quá nhiều điều như phải luôn tìm giải pháp mới, lạc quan và không được bỏ cuộc. Sau đó mình cũng vui vì đã bán được công ty mà vẫn còn giá trị với người khác dù lỗ”.

Nhờ 7 năm trui rèn đó, Xuân Quyên đã khởi đầu rất thuận lợi với startup thứ 3 BLUSaigon - một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh bút, trang sức, ốp tường khảm trai, vỏ ốc. Với BLUSaigon, cô nhận xét mình đã sáng suốt hơn lần đầu, dù phân khúc khách hàng khác nhau.

Mỗi chiếc bút ngọc trai của BLUSaigon phải trải qua 24 – 72 giờ chế tác.

Mỗi chiếc bút ngọc trai của BLUSaigon phải trải qua 24 – 72 giờ chế tác.

Từ những thất bại đầu tiên, Xuân Quyên đã biết: “Để tăng xác suất khởi nghiệp thành công, tôi phải đi tìm điểm chung của 3 vòng tròn. Thứ nhất là cái xã hội cần, bút thì ai cũng cần, nó còn là mặt hàng mà ai cũng biết dùng. Thứ 2 là điểm mạnh của mình, khảm trai là công việc ba mẹ tôi đã làm 25 năm rồi, máy móc có, nguồn cung vỏ trai ốc có, nhân sự có, tôi còn được đào tạo về kinh doanh nữa. Thứ 3 là cái mình thích, lớn lên với sự đẹp đẽ lấp lánh của các loại vỏ ốc, ngọc trai, quan sát mô hình kinh doanh của ba mẹ hơn 2 thập kỷ từ bé đến lớn, chuyện tôi thích chúng là không còn bàn cãi”.

Từ việc tìm ra điểm chung nhất, BLUSaigon ra đời mang theo rất nhiều kỳ vọng của Xuân Quyên. Trong 2 năm đầu, cô tập trung hoàn thiện sản phẩm, cuối năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch, tiến độ cô đưa các sản phẩm bút khảm trai của mình ra thị trường gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2011, cô quyết định tìm thêm người đồng hành với mình bằng việc đăng ký tham gia “Thương vụ bạc tỷ”, may mắn, cô đã được lựa chọn vào vòng gọi vốn.

Khát vọng đưa bút ngọc trai thành quà tặng văn hóa quốc gia

Thực tế, từ lợi thế sẵn có từ việc chế tác vỏ ốc, các loại bút từ vỏ sò, vỏ ốc, ngọc trai là quá trình nghiên cứu 10 năm của ông Nghĩa và con gái. Sau đó, ông Nghĩa đã chuyển giao việc chế tác và giới thiệu sản phẩm này cho con gái để cô độc lập sản xuất. Xuân Quyên bước vào con đường khởi nghiệp với giấc mơ đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ những tinh hoa của dân tộc trở thành quà tặng “đặc sản” của Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Đồng thời là một kỷ vật có thể để lại cho con cháu.

Xuân Quyên cho biết, với mọi người, cây bút ngọc trai có thể chỉ là một chiếc bút đẹp, nhưng với cô là sự bảo tồn nghệ thuật khảm trai hàng nghìn năm tuổi của Việt Nam, được làm bằng tay hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên. “Mỗi một vân ốc trên cây bút là độc bản nên tất cả sản phẩm đều khác nhau và là duy nhất”, Xuân Quyên nói.

Những chiếc bút BLUSaigon tinh xảo mang ý nghĩa đặc biệt.

Những chiếc bút BLUSaigon tinh xảo mang ý nghĩa đặc biệt.

Nói về khát vọng biến bút khảm ngọc trai trở thành món quà tặng quốc gia, Xuân Quyên tin điều này có thể trở thành hiện thực. Bởi Việt Nam có đường bờ biển đẹp và dài. Các sản vật từ biển rất nhiều. Lịch sử văn hóa Việt Nam trải qua hàng ngàn năm, trong đó có nghệ thuật khảm trai cả 1.000 năm tuổi.

Xuân Quyên cho biết, trung bình mỗi nghệ nhân dành từ 24 – 72 tiếng để làm ra một chiếc bút. Hiện tại, các loại máy mài, máy cắt, máy làm khuôn, máy đánh bóng... của BLUSaigon không hoạt động thành dây chuyền mà hoạt động độc lập tại từng công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có thể coi như đó là những công đoạn bán thủ công. Bút của BLUSaigon có khoảng 50% là thực hiện thủ công hoàn toàn, 50% là bán thủ công.

Mỗi sản phẩm bút ngọc trai của BLUSaigon có tính cá nhân hóa cao vì mỗi vỏ trai là độc bản với những vân sóng, màu sắc khác nhau. Sản phẩm vừa có giá trị sử dụng trong đời sống, vừa là sản phẩm thời trang đẹp đẽ. Xuân Quyên cho biết, BLUSaigon cũng sẽ làm thêm dịch vụ khắc tên lên bút, gắn logo lên bút, đầu tư thiết kế để ra phom bút đặc biệt, để mỗi sản phẩm là độc bản, đẳng cấp và duy nhất.

Trong lịch sử, người Pháp từng về đây để học nghệ thuật này từ người Việt và xuất các sản phẩm khảm trai của Việt Nam sang Pháp. Vì vậy cây bút khảm trai sẽ thể hiện được lịch sử và văn hóa của Việt Nam.

Cây bút thể hiện cho tinh thần hiếu học của Việt Nam. Việc tặng một cây bút sẽ cho bạn bè quốc tế thấy tình yêu tri thức của người Việt. Sản phẩm giúp nâng tầm nghệ thuật thủ công của Việt Nam, mang đến việc làm cho rất nhiều nghệ nhân và người Việt Nam nói chung.

Cùng với đó, ở Việt Nam chưa có cây bút siêu cao cấp như Montblanc (Thương hiệu bút nổi tiếng của Đức), sản phẩm hướng tới là quà tặng tầm nhìn quốc gia cũng là thị trường đang bị bỏ ngỏ tại Việt Nam.

Doanh nhân, nhà quản lý, các “tín đồ” thời trang là nhóm khách hàng mục tiêu của BLUSaigon, khi họ có khả năng chi trả vài triệu đồng cho một chiếc bút mang dấu ấn riêng (có thể khắc tên theo yêu cầu), sử dụng 10 - 20 năm (hoặc khi hết mực có thể tiếp tục bơm thêm); hay từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng cho các sản phẩm trang sức như vòng tay, dây chuyền, bông tai…

Thông qua các sản phẩm mang thương hiệu BLUSaigon, ngoài việc bảo tồn nghề khảm trai cả nghìn năm tuổi, Xuân Quyên còn kỳ vọng có thể thực hiện 2 sứ mệnh vì cộng đồng có khác là: Bảo tồn môi trường biển qua hoạt động tìm kiếm những chiếc vỏ ốc đẹp nhất từ những “ngư dân” BLUSaigon, đồng thời lấy rác thải biển, bắt sao biển gai (sinh vật ăn san hô, phá hoại môi trường cá), tạo nhà nhân tạo cho cá bằng san hô bê tông… Và thông qua hoạt động của BLUSaigon, Quyên mong muốn có thể truyền cảm hứng về ý thức giảm thiểu rác thải nhựa, không chỉ túi hay cốc nhựa, mà còn với cả bút bi nhựa - với khoảng 1,6 tỷ chiếc được thải ra môi trường mỗi năm.

Hiện tại, dù có thể nói BLUSaigon đã bước sang thêm một chương mới nữa nhưng Xuân Quyên cho biết chặng đường phải đi của cô còn rất dài. BLUSaigon đã có đại lý ở Mỹ, Canada, thị trường tại Úc cũng đang rất hứng thú, kênh bán hàng qua Amazon cũng tấp nập khách. Cô hy vọng, trong tương lai, sẽ thực hiện được giấc mơ biến các mặt hàng của BLUSaigon, đặc biệt là bút khảm trai, vỏ ốc trở thành mặt hàng quốc gia, mang đậm dấu ấn Việt Nam.

“Tôi tự tin 100% khách hàng đều đánh giá tốt bút của BLUSaigon về cả thẩm mỹ lẫn chất lượng. Nhiều khách hàng chỉ đi ngang qua showroom thôi đã tò mò vào xem xong thích thú mua bút. Có khách ở nước ngoài sẵn sàng chờ đợi trong 6 tháng để có được cây bút của BLUSaigon trong tay. Thậm chí có khách thích qua mua luôn 1 bộ 8 cây với giá thành vài chục triệu đồng”, Xuân Quyên hào hứng.

Đọc thêm