Cộng đồng Starup trẻ Việt Nam (Bài 2): Rikkeisoft và khát vọng trở thành công ty IT toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 9 năm thành lập và phát triển, doanh nhân trẻ Tạ Sơn Tùng, Bùi Quang Huy cùng các cộng sự với niềm khao khát nâng tầm giá trị Việt tại Rikkeisoft đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội.
Rikkeisoft xuất sắc giành giải thưởng Top 10 tại hạng mục Doanh nghiệp Xuất khẩu phần mềm.
Rikkeisoft xuất sắc giành giải thưởng Top 10 tại hạng mục Doanh nghiệp Xuất khẩu phần mềm.

LTS: Startup trẻ Việt Nam – họ không “cùng sân” với những doanh nhân, tỷ phú tầm cỡ, không có trong tay khối tài sản kếch xù. Đơn giản, họ chỉ là những người trẻ đam mê khởi nghiệp, đam mê kinh doanh với nhiệt huyết cao độ, mong muốn gây dựng được cơ nghiệp cho bản thân và có thể cống hiến cho sự phát triển chung cho đất nước.

Câu chuyện khởi nghiệp của 6 chàng trai Bách khoa

Trong đội ngũ đồng sáng lập ra Công ty Cổ phần Rikkeisoft, Tạ Sơn Tùng và Bùi Quang Huy đã từng được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách những nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi.

6 chàng trai sáng lập ra Rikkeisoft có điểm chung đều là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm họ vào trường cũng là năm Đại học Bách Khoa bắt đầu có chương trình liên kết Việt - Nhật với vốn ODA của Nhật Bản. Họ là khóa đầu của chương trình đào tạo liên kết Việt - Nhật. Chương trình này đào tạo 120, sau đó chọn ra 20 người đầu bảng để đi du học ở 2 trường tại Nhật Bản năm 2009. Các thành viên sáng lập của Rikkeisoft đều tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng ở Nhật là Đại học Ritsumeikan và Đại học Keio.

Bởi vậy, Bùi Quang Huy chia sẻ, tên công ty Rikkeisoft cũng là cách ghép chữ của 2 trường đại học này. Những ngày còn cùng nhau học tập trên đất nước mặt trời mọc, các nhà sáng lập của Rikkeisoft đã luôn có ước mơ sau này làm gì đó cùng nhau và khi đi ra nước ngoài mới thấy Việt Nam còn có rất nhiều việc cần làm. “Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản thế thôi chứ không nghĩ sau này mình làm công ty quy mô hàng trăm người gì cả”, Quang Huy giãi bày.

Dường như số phận đã gắn kết những người sáng lập Rikkeisoft với nhau, năm 2011, họ về nước và cùng đầu quân cho FPT Software. Sau khoảng 1 năm làm việc, họ cùng nhau nghỉ làm, ra ngoài và quyết định thành lập Rikkeisoft vào ngày 6/4/2012.

Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng

Chủ tịch Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng

Đến bây giờ, sau 9 năm Rikkeisoft đã vươn mình trở thành một doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Việt Nam. Rikkeisoft chủ yếu làm xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật. Lý do Rikkeisoft chọn thị trường Nhật vì tất cả những người sáng lập đều đi du học ở đây nên am hiểu văn hóa, cách làm việc với thị trường Nhật Bản.

Rikkeisoft đã được dựng lên từ 100% vốn của những chàng trai công nghệ thông tin tự góp với số tiền ít ỏi ban đầu. Thế nhưng, phần mềm là lĩnh vực không cần đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều, quan trọng nhất vẫn là con người. Rikkeisoft may mắn khi ở giai đoạn đầu tập hợp được nhiều bạn trẻ, rất tài năng và nhiệt huyết. Ban đầu, Quang Huy cùng đồng đội sang tìm khách hàng ở Nhật thực sự là những ngày tháng hết sức khó khăn.

Bởi kinh phí eo hẹp nên những ngày đầu thành lập, Quang Huy cùng các cộng sự mỗi lần sang Nhật Bản công tác đều phải chọn loại vé rẻ nhất transit qua Thái Lan. Sau khi sang Nhật họ chỉ tìm chỗ ở nhờ chứ không có tiền để thuê nhà hay khách sạn. Những ngày đó, Quang Huy nói rằng, sự may mắn của họ là luôn nhận được sự hỗ trợ của anh em, bạn bè bên Nhật cho ở miễn phí trong thời gian tìm kiếm khách hàng.

Những ngày đó, khi cần sử dụng mạng Internet, họ đều phải chạy lại gần các cửa hàng tiện lợi, đứng bên ngoài để “câu” Wifi, dù thời tiết Nhật vào mùa đông khá lạnh. Để tiết kiệm chi phí, họ sẽ mua vé bus đêm từ Tokyo đến Osaka. Một nhà sáng lập của Rikkeisoft từng phải ngủ ở nhà ga xe điện của Nhật vì không bắt được chuyến cuối cùng trong ngày, sáng hôm sau lại tiếp tục đi gặp gỡ khách hàng. Chuỗi ngày tháng gian khó đó đã làm cho những người Rikkeisoft mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Các doanh nghiệp ban đầu cũng qua kênh bạn bè giới thiệu tới các doanh nghiệp Nhật Bản, hoặc qua những kênh quảng bá, giao lưu xúc tiến hợp tác của Hiệp hội Phần mềm Việt Nam VINASA, qua đó Rikkeisoft có được các đối tác khách hàng ban đầu. Thời gian đầu, Rikkeisoft còn hết sức non trẻ, với vài nhân viên, văn phòng hết sức sơ sài nhưng họ đã bắt đầu với mảng phát triển ứng dụng mobile, vốn có quy mô dự án phù hợp các quy mô công ty nhỏ, với đội ngũ co-founder, CTO và các thành viên ban đầu giỏi và chuyên sâu về mảng này. Với năng lực cùng sự nhiệt huyết Rikkeisoft dần dần chinh phục được các khách hàng Nhật Bản.

CEO Bùi Quang Huy.

CEO Bùi Quang Huy.

“Các doanh nghiệp Nhật, đặc biệt là các bác Chủ tịch, Giám đốc các tập đoàn lớn đã nhìn thấy ở chúng tôi khát vọng, tầm nhìn, thấy lại được hình ảnh của chính họ cách đây 30 - 40 năm, họ rất quý Rikkeisoft, truyền đạt cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, cũng giới thiệu thêm rất nhiều doanh nghiệp Nhật khách hàng tiềm năng.

Theo thời gian và quy mô phát triển, được sự ghi nhận và đánh giá cao từ phía khách hàng, chúng tôi mở rộng ra các mảng việc mới, từ các hệ thống Website, lưu trữ đám mây, đến hệ thống nghiệp vụ quy mô lớn, các hệ thống quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, ngân hàng, các hệ thống IoT, gần đây có thêm các dự án dùng công nghệ mới như AI, Blockchain…”, Bùi Quang Huy nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy gian khó.

Thành công và khát vọng của Rikkeisoft

Từ một công ty non trẻ, sau hơn 9 năm phát triển, hiện tại Rikkeisoft đã đạt đến quy mô hơn 1.200 người, là một trong những doanh nghiệp IT hàng đầu Việt Nam, được bình chọn vào TOP 50 doanh nghiệp IT hàng đầu Việt Nam hàng năm từ năm 2014 đến nay, tức là ngay sau 2 năm công ty thành lập. Rikkeisoft cũng vinh dự được nhận danh hiệu Sao Khuê 4 năm liên tiếp. Hiện tại, chúng tôi đã làm việc với hơn 100 đối tác khách hàng Nhật Bản, với trên 750 dự án đã thành công. Hiện tại, Rikkeisoft có 05 văn phòng làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản cùng 2 công ty thành viên là Rikkei.AI, Rikkei Robotics.

Không chỉ được các doanh nghiệp Nhật biết đến, Rikkeisoft còn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản. Hiện tại, Rikkeisoft có khoảng hơn 50 nhân viên sinh sống dài hạn tại Nhật Bản. Chiến lược của công ty là mở rộng và phát triển công ty tại Nhật Bản với đội ngũ kỹ sư giỏi, hùng mạnh để đạt được công ty có đẳng cấp quốc tế.

Theo chia sẻ của Quang Huy, lý do đem lại thành công cho Rikkeisoft như ngày hôm nay là do họ luôn chú trọng vào chất lượng làm việc với khách hàng. Bên cạnh các hình thức đảm bảo chất lượng truyền thống, Rikkeisoft đã đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất lượng online của riêng mình, cho phép theo dõi chất lượng, tiến độ, chi phí, độ hài lòng của khách hàng một cách trực quan, ngay lập tức và hoàn toàn tự động. Do đó các vấn đề phát sinh được phát hiện và giải quyết gần như ngay lập tức, chứ không phải chờ đến hết dự án.

Mặt khác tại Rikkeisoft cũng rất chú trọng vào việc đầu tư con người, mỗi nhân viên khi gia nhập Rikkeisoft đều có cơ hội tự nâng cao năng lực của bản thân qua các khóa đào tạo, các lớp học tiếng Nhật miễn phí. Tại Rikkeisoft có các chế độ đánh giá nhân viên không phải hàng quý, mà là hàng tháng, qua hệ thống đánh giá tự động, giúp tạo môi trường công bằng, đồng thời khuyến khích nhân viên không ngừng phát triển bản thân.

Điều thứ ba, theo Quang Huy là ở Rikkeisoft, họ luôn coi trọng việc giữ liên hệ, kết nối thường xuyên với khách hàng, nhất là đối với các khách hàng nước ngoài. Theo Quang Huy đây là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến sự thành bại của dự án. Chính vì vậy, tại Rikkeisoft các vị trí làm việc với khách hàng bắt buộc không chỉ giỏi về ngoại ngữ và giao tiếp, mà nội dung giao tiếp, các kiến thức chuyên ngành IT cũng phải hết sức chuyên sâu. Như vậy mới hiểu rõ yêu cầu của khách hàng cũng như chủ động đề xuất các giải pháp, giúp giải quyết các vấn đề mà đội dự án gặp phải.

Đội ngũ lãnh đạo của Rikkeisoft luôn coi trọng và tạo điều kiện để mỗi cá nhân nâng cao năng lực bản thân, qua đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Đồng thời, luôn tạo ra môi trường công bằng, sáng tạo, để mỗi cá nhân có thể phát huy hết các khả năng của mình và tìm tòi, phát triển các phương pháp làm việc mới, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả hơn.

Đội ngũ lãnh đạo của Rikkeisoft, Nhật Bản là một môi trường làm việc rất tốt. Quang Huy nhận định, khi ngồi làm việc tại Nhật thì hiệu suất luôn gấp rưỡi hoặc gấp đôi khi ngồi làm việc tại Việt Nam, trong cùng một điều kiện công việc, dự án, đồng nghiệp. Đó cũng là lý do mà Rikkeisoft luôn luôn khuyến khích và động viên nhân viên sang Nhật làm việc, thậm chí nếu có cơ hội công ty sẵn sàng cho các nhân viên mới biết tiếng Nhật hoặc không biết tiếng Nhật sang Nhật để học hỏi. “Và sau khi được học hỏi về tác phong làm việc, các báo cáo, cách giải quyết vấn đề thì với năng lực và sự nhạy bén vốn có của người Việt Nam, các bạn tiến rất nhanh”, Quang Huy cho hay.

Cũng theo thông tin từ Quang Huy, Rikkeisoft tập trung chính cho thị trường Nhật Bản, nhưng gần đây bắt đầu mở rộng ra một số thị trường, như Mỹ và đã có khách hàng tương đối lớn ở thị trường này. Trong tương lai, Rikkeisoft vẫn tập trung vào thế mạnh của mình là Nhật Bản, tuy nhiên sẽ mở rộng thêm các thị trường khác như Mỹ hay Việt Nam.

“Rikkeisoft hiện tại đã bước vào tuổi thứ 9 và xây dựng được uy tín cũng như tên tuổi trong ngành xuất khẩu phần mềm, đặc biệt thị trường Nhật. Từ những kinh nghiệm có được, và quan trọng là sức trẻ của Rikkeisoft, trong tương lai. Rikkeisoft không muốn chỉ dừng lại ở mục tiêu xuất khẩu phần mềm quy mô hàng nghìn người, mà chúng tôi còn muốn chinh phục các thị trường mới, các lĩnh vực kinh doanh mới, ứng dụng Công nghệ thông tin để làm ra các dịch vụ chất lượng cao, công nghệ mới mà tôi tin là người Việt hoàn toàn có thể làm chủ”, Bùi Quang Huy nói về tham vọng của mình cùng các cộng sự.

Xây dựng con người luôn là yếu tố cốt lõi của Rikkeisoft.

Xây dựng con người luôn là yếu tố cốt lõi của Rikkeisoft.

Hiện tại, Rikkeisoft không ngừng mở rộng nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực đòi hỏi năng lực cao hơn, đặc biệt là tư vấn Chuyển đổi số, và có những sự tăng trưởng đáng chú ý. Trong giai đoạn giãn cách, nhận thấy nhu cầu Chuyển đổi số tăng mạnh trong ngành Bán lẻ và Thương mại điện tử, Rikkeisoft đã tập trung nguồn lực để đáp ứng cho những dự án trong ngành này. Khách hàng của Rikkeisoft đều là những đại siêu thị hay những chuỗi bán lẻ đầu của Nhật Bản. Doanh thu cho riêng ngành này của công ty đạt tới 3 triệu USD trong 3 quý đầu năm 2021.

Đặc biệt, các mảng công nghệ cao như AI & Blockchain của Rikkeisoft cũng thu về được những thành công rực rỡ. Năm 2021, Rikkeisoft chính thức thành lập quỹ đầu tư Rikkei Alumni với quy mô lên đến 120 tỷ VNĐ nhằm hỗ trợ cho các dự án trẻ của đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam, đặc biệt là các dự án về Blockchain, AI, IoT.

Rikkei Alumni Funds ra đời sẽ phần nào hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ tiến xa hơn trên con đường khởi nghiệp, giải quyết một trong số những bài toán khó khăn về vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, Rikkei Alumni Funds đã đầu tư cho hơn 10 start-up như Oraichain, GameFi, Icetea Labs, Polka Foundry, Trava, Rikkei Finance, … Các dự án do công ty đầu tư và phát triển cũng đã huy động được gần 12 triệu USD từ các quỹ nước ngoài, và tổng định giá hơn 100 triệu USD.

Có “nghề” mới có “nghiệp”

Từng chia sẻ tại diễn đàn “Khởi nghiệp quốc gia: Ngày sáng tạo” năm 2015, Tạ Sơn Tùng khuyên các bạn trẻ nên đi làm trước, bởi “vốn dĩ trong từ nghề nghiệp, cần có nghề mới có nghiệp”. Tạ Sơn Tùng là minh chứng cho luận điểm “có nghề mới có nghiệp”. Bởi như đã nói, sau khi tốt nghiệp đại học, Tạ Sơn Tùng đã cùng những người bạn của mình cùng làm tại FPT 1 năm sau đó mới khởi nghiệp với Rikkeisoft.

“Vừa ra trường khởi nghiệp ngay rất khó. Mình khuyên các bạn hãy ứng tuyển vào 1 công ty để làm thuê, và nên làm ở các công ty lớn”, anh Tùng khuyên.

Theo Sơn Tùng, FPT là môi trường sáng tạo lý tưởng để anh học hỏi và trưởng thành. Trong thời gian làm việc ở đó, anh đã nhận ra bản thân có thể làm tốt hơn, khiến khao khát và quyết định thành lập Công ty của riêng mình càng trở nên to lớn.

Tạ Sơn Tùng cũng cho biết mục tiêu ban đầu khi khởi nghiệp của anh là xây dựng và phát triển một công ty thành công hơn cả FPT. Tuy nhiên, sau quá trình tiếp xúc và hợp tác với nhiều đối tác lớn, giờ đây tham vọng của CEO 32 tuổi này không chỉ dừng lại ở việc vượt qua FPT mà xa hơn nữa là đưa Rikkeisoft trở thành một công ty có tên tuổi trên thế giới.

Cùng với Rikkeisoft, anh mong muốn thay đổi tư duy về ngành outsourcing tại Việt Nam. Mục tiêu quan trọng đầu tiên của anh là nâng tầm giá trị sản phẩm do người Việt tạo ra bằng cách quy tụ được nhiều kỹ sư tài năng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, anh vẫn luôn mang ước mơ “nông dân cũng có thể code được”, mở thêm chi nhánh ở các vùng xa, phổ cập công nghệ thông tin và tạo ra nhiều việc làm, nhiều giá trị cho xã hội.

Và trong tương lai anh hi vọng rằng hàng “Made in Vietnam” sẽ có ở khắp mọi nơi, thay đổi tư duy của người Việt Nam thích hàng made in Japan hơn là made in Vietnam. Anh muốn phổ cập tầm cao kiến thức về chất lượng sản phẩm và công việc của người Nhật được thâm nhập vào thị Việt Nam.

Và mới đây, khi tham dự hội thảo Forbes Vietnam Live với chủ đề “Đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam thời đại dịch”, Tạ Sơn Tùng đã chia sẻ quan điểm: “Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng phục vụ cho thị trường thế giới”.

Trong suốt các phiên thảo luận, anh Tùng đã cùng các khách mời chia sẻ, nhìn nhận về xu hướng và cơ hội đầu tư cho các startup sau đại dịch. Với kinh nghiệm của mình, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin, chủ tịch Tạ Sơn Tùng có niềm tin mạnh mẽ rằng các sản phẩm “Made in Vietnam” chắc chắn sẽ chinh phục được thị trường thế giới, ngoài ra, anh cũng cho rằng xây dựng một hệ sinh thái bền vững sẽ là nền tảng cho các startup ra đời.

Khi làn sóng Covid đầu tiên ập đến, Nhật Bản chịu tác động mạnh mẽ thì Rikkei Japan cũng chịu ảnh hưởng khá lớn. Đến năm 2021, khi Nhật Bản đang phục hồi nhanh chóng thì Rikkeisoft ở Việt Nam tiếp tục chống chọi với cơn bão COVID - 19. Khi được hỏi Rikkeisoft đã ứng biến như thế nào để mạnh mẽ vượt qua những khó khăn đó, Tạ Sơn Tùng cho rằng, ngành Công nghệ thông tin là một trong số ngành ít ảnh hưởng bởi COVID-19 nhất.

Tuy nhiên các khách hàng của chúng tôi tại Nhật, đặc biệt trong một số lĩnh vực như hàng không, khách sạn đều gặp khó khăn khi đại dịch xảy ra. Các ngành khác như thương mại điện tử hoặc E-learning trở thành xu hướng tại Nhật, Rikkeisoft đã nắm bắt cơ hội và khai thác thị trường các ngành này, do đó năm 2020, dù đại dịch tác động nhưng Rikkeisoft vẫn có thể tăng trưởng đều đặn.

Song song với đó, ngay từ khi COVID-19 ập vào, Ban lãnh đạo Rikkeisoft đã rất nhanh chóng và triệt để triển khai hoạt động làm việc ở nhà đối với toàn bộ Nhân viên của Công ty. Dù ở bất cứ đâu, cán bộ nhân viên cũng có thể làm việc, đảm bảo được năng suất, chất lượng, đảm bảo tiến độ công việc.

Trong thời gian du học ở Đại học Ritsumeikan, vì không kịp xin Visa nên Tạ Sơn Tùng đã không thể tham dự buổi hội thảo về học tập tổ chức tại Anh. Chính vì vậy anh luôn mong mỏi phát triển nền kinh tế Việt Nam tới mức con cháu mình không cần Visa cũng có thể xuất ngoại. Anh Tùng muốn xây dựng một đất nước được thế giới tôn kính và thừa nhận giống như Nhật Bản. Suy nghĩ đấy chính là động lực thúc đẩy hàng đêm của anh Tùng. Mục tiêu của anh là cho đến năm 2025, toàn công ty sẽ có khoảng 10.000 nhân viên và mức doanh thu vượt qua con số 250 triệu đô.

Đọc thêm