Kết quả của thái độ ứng xử công tâm đó là bản án mà tất cả mọi người đều “tâm phục, khẩu phục”, kể cả người phạm tội. Và, cũng từ những bản án được xét xử công tâm này mà pháp luật được tôn trọng, ý thức pháp luật được nâng cao và sức mạnh thuyết phục của các cơ quan tư pháp thực sự được tăng cường.
Mới đây có một bản án làm xôn xao dư luận. Đó là vụ án xử người đàn bà 3 con tội cố ý gây thương tích cho hàng xóm vì một mâu thuẫn trước đó xảy ra xô xát. Bản án cấp sơ thẩm tuyên chị 9 tháng tù giam nhưng vì có con nhỏ nên vẫn tại ngoại. Bản án phúc thẩm lần này tuyên chị 4 năm tù giam, nghĩa là gấp gần 5 lần án sơ thẩm.
Không những thế, em trai của chị cũng bị khởi tố ngay tại tòa vì cũng gây thương tích 4% cho bị hại. Người đàn bà 3 con, ly thân chồng đã khóc nức nở ngay tại tòa vì không biết con mình ai sẽ nuôi đây khi phải chấp hành án (nội dung vụ án chị Mai Thị Ngọc Vân, quận Tân Bình, TP HCM mà Báo PLVN có bài phản ánh ngày 11/8/2016).
Đáng chú ý là trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra, người phụ nữ này đã tố cáo nữ thư ký tòa án đã gợi ý hối lộ “chạy án”. Công an đã bắt quả tang vụ việc khi chồng của nữ thư ký này nhận 85 triệu từ chị Vân. Có phải chị bị trả thù không mà bản án chị kháng cáo lại không được giảm mà tăng lên đến gần 5 lần? Một sự tăng hiếm thấy, rất hy hữu từ trước đến nay.
Giới luật sư lập tức vào cuộc, tỏ ý kiến của họ trên các trang mạng cá nhân. Họ phân tích từng chi tiết của vụ cố ý gây thương tích này, dẫn chiếu các điều khoản pháp luật quy định, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, dựng lại diễn biến của từng giai đoạn tố tụng,... để đi đến một nhận định là bản án tuyên quá nặng đối với người phụ nữ này.
Cuộc chiến pháp lý có thể sẽ nổ ra ở một vài diễn đàn. Dù sao bản án đã được tuyên và có hiệu lực tức thì, trong bài viết rất ngắn này chỉ đề cập lĩnh vực văn hóa ứng xử, theo cảm quan trực giác của nhiều người thì rõ ràng đây là một sự trả đũa, “dằn mặt” người tố cáo tham nhũng của ngành Tòa án!
Quả là, không thể không đặt một dấu hỏi về sự công tâm của thẩm phán xét xử vụ án này. Chỉ biết một điều rằng, dư luận xã hội đang đứng hoàn toàn về phía người đàn bà phạm tội kia, thế thì, cái mục đích của Tòa án là giữ sự công bằng cho xã hội, “biểu tượng của công lý” có đạt được không? Có ai thấu hiểu vụ án này mà chấp nhận được không? Chắc chắn rằng, Tòa tuyên án như vậy chưa phải là xong, các phiên tòa của dư luận, đạo đức và lương tâm sẽ được mở ra và có những phán quyết của mình!