Ngư dân kéo đến trụ sở Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh yêu cầu giải quyết vấn đề |
Trước đây, Báo PLVN đã có bài về vấn đề đơn thư của người dân thôn 5 Đông Dũng, xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đề nghị làm rõ việc gần 30 hộ dân bị “chèn ép” trong cuộc sống mưu sinh, bằng nghề đánh bắt cá trên hồ thủy lợi Bình Hà. Sở NN&PTNT Hà Tĩnh sau đó đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) xem xét, giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, nhưng chỉ đạo này vẫn chưa được công ty này thực hiện.
Như bài viết trước đó chúng tôi đã đề cập, vào tháng 9/2015, với tư cách là chủ quản lý của các công trình thủy lợi, trong đó có hồ Bình Hà, Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (địa chỉ tại số 176, đường Trần Phú, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã ký một hợp đồng kinh tế với ông Đào Quốc Phong đấu thầu sử dụng mặt nước hồ Bình Hà, chẳng khác nào đẩy người dân vào đường cùng vì mất kế mưu sinh trong 7 tháng qua.
Mất kế mưu sinh, người dân thôn Đông Dũng đã tiếp tục liên hệ nhờ Báo PLVN làm rõ vấn đề trên, cũng như tìm lại công bằng và mong muốn sớm trở lại nghề đánh bắt cá.
Phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Phúc (Phó giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) về khiếu nại của người dân. Ông Phúc lý giải: “Chúng tôi sẽ giải thích cho dân hiểu, hoặc chấm dứt hợp đồng với tổ hợp đồng kinh tế. Trước mắt, mời tổ hợp đồng kinh tế bằng văn bản để họp bàn cùng tìm chung tiếng nói với người dân, nếu không được sẽ phá bỏ hợp đồng này và ra tòa án kinh tế khi không đạt được thỏa thuận như mong muốn”.
Bên cạnh đó, ông Phúc còn cung cấp văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh số 809, ngày 10/5/2016 về việc trả lời đơn kiến nghị của người dân, nêu rõ: Ngày 8/4/2016, Sở nhận được đơn kiến nghị của tập thể các hộ dân thôn Đông Dũng về việc ông Đào Quốc Phong (người được Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ký hợp đồng cho thuê mặt nước hồ Bình Hà) không cho người dân địa phương đánh bắt cá tự nhiên. Trong khi, đây là nghề truyền thống của người dân địa phương từ trước tới nay.
Nội dung đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của công ty, Sở đề nghị công ty xem xét, giải quyết dứt điểm, tránh để đơn thư vượt cấp, tạo điểm nóng; đồng thời, báo cáo kết quả giải quyết bằng văn bản gửi về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trước ngày 15/05/2016.
Sau buổi làm việc với ông Phúc vào thời gian trên, hôm qua (ngày 6/6/2016), phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Trần Quốc Hùng (Giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh). Ông Hùng cho biết: “Công ty đã có văn bản báo cáo lên Sở NN&PTNT cũng như UBND tỉnh Hà Tĩnh với nội dung báo cáo triển khai thanh lý hợp đồng, nhưng chưa thể giải quyết được ngay”.
Như vậy, việc người dân phản ánh đến nay Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cũng không có một chính sách nào giải quyết thỏa đáng cho người dân. Hơn nữa, Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chưa làm đúng theo văn bản chỉ đạo, yêu cầu của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, bởi lẽ sự việc phải được giải quyết dứt điểm trước ngày 15/5 và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh để tránh đơn thư vượt cấp, cũng như tạo điểm nóng.
Ông Phạm Thế Anh (người dân thôn Đông Dũng) than thở: “Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo, nhưng Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện? Chúng tôi mong rằng, Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có chỉ đạo mạnh tay hơn, đừng để phía Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh coi thường chỉ đạo... Có như vậy mới giải quyết dứt điểm khiếu nại của dân chúng tôi”.
Phóng viên tiếp tục điện thoại cho giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh,hỏi vì sao phía công ty chưa thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT? Vị này giải thích ngắn gọn: “Do bận việc hiếu, nên xin lùi lại”?
Trình bày với phóng viên, anh Phan Nhật Lệ (SN1984, người dân thôn Đông Dũng), cho hay: “Mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại, không nên kéo dài thời gian, chứ chúng tôi đã mất kế mưu sinh hơn 7 tháng qua, trong khi từ trước tới nay cuộc sống đều phụ thuộc vào việc đánh bắt cá. Người dân chúng tôi phải chịu nhiều sức ép từ phía ông Đào Quốc Phong, bởi lẽ những người này đưa ra “yêu sách” nếu người dân nào muốn đánh bắt cá trên hồ thủy lợi Bình Hà thì phải đóng 45 triệu đồng mới được tiếp tục đánh bắt, khiến nhiều hộ dân bức xúc”.