Công ty Vietcom bỏ mặc lao động giúp việc cực khổ ở Ả rập Xê Út

(PLO) - Giám đốc công ty Vietcom yêu cầu người nhà lao động nộp 40 triệu đồng vào tài khoản cá nhân, hứa sẽ “giải cứu” lao động về nước song đã 6 tháng trôi qua vẫn để người lao động làm việc như “nô lệ” ở xứ người. Quá lo lắng và bức xúc, người nhà lao động đã gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng và báo chí.
Người nhà lao động gửi đơn cầu cứu khắp nơi, mòn mỏi chờ con về
Người nhà lao động gửi đơn cầu cứu khắp nơi, mòn mỏi chờ con về

“Đi dễ, khó về”?

Theo đơn phản ảnh của ông Nguyễn Văn Huấn trú tại Tiều khu Lân 1, Thị trấn Đu, Phú Lương, Thái Nguyên, tháng 9/2015 con dâu của ông là chị Mai Thị Xoan được công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại Vietcom đưa đi làm giúp việc gia đình ở Ả Rập Xê Út. 
Theo hợp đồng số 03/HĐ- Vietcom – Human ký với chị Xoan thì thời gian làm việc của chị không quá 12 giờ/ ngày, tiền lương 1300 SR/ tháng. Thế nhưng thực tế, chị Xoan gọi điện về nhà phản ảnh luôn bị chủ sử dụng bắt phải làm việc quá 12 giờ/ ngày, công việc vất vả và điều kiện ăn ở “như nô lệ”, chủ sử dụng thường xuyên nợ lương.

Ông Huấn cho biết, chị Xoan được "cò mồi" tên là Sự dẫn tới công ty Vietcom và công ty này tuyển dụng và đưa chị Xoan đi làm nghề giúp việc nhà ở nước ngoài một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, vì "đi trong chớp mắt" nên khi sang tới nhà chủ, chị Xoan đã gặp "cú sốc" lớn.

“Con dâu tôi không được tham gia đầy đủ khoá đào tạo nghề giúp việc gia đình trước khi xuất cảnh. Cũng không được học đầy đủ khoá học tiếng Anh do công ty Vietcom không tổ chức nên khi sang nước bạn làm việc bất đồng ngôn ngữ, bất đồng phong tục tập quán, không thể chịu đựng nổi, ngày nào cũng gọi điện về nhà xin được về nước trước hạn”, ông Huấn cho biết.

Chồng của chị Xoan, anh Nguyễn Văn Hậu, phần vì thương vợ, phần vì bỗng nhiên bị bệnh hiểm nghèo nên cũng tha thiết muốn vợ về nước để chăm sóc chồng con.

Thế nhưng, khi gia đình ông Huấn lên công ty Vietcom đặt vấn đề xin cho chị Xoan về nước trước hạn thì công ty này lần lữa không giải quyết.

“Gia đình tôi gửi đơn kêu cứu tới Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Sau đó, gần tết nguyên đán vừa rồi, ông Lê Văn Quyền, Tổng giám đốc công ty Vietcom mới gọi tôi lên làm việc và gợi ý gia đình tôi nộp 40 triệu đồng cho ông để ông đưa con dâu tôi về nước”, ông Huấn kể lại.

Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng ông Huấn vẫn cố chạy vạy 40 triệu để lo cho con dâu về nước. Lạ lùng là ông Quyền gọi cho ông Huấn gửi tiền vào tài khoản của cá nhân mình chứ không phải của công ty Vietcom. Thắc mắc nhưng nghĩ miễn con về được, ông Huấn vẫn gửi đủ số tiền cho ông Quyền vào ngày 11/2/2015.

Những tưởng sau khi gửi tiền, chị Xoan sẽ được về, nào ngờ ngày nọ nối tiếp tháng kia, cho tới nay (tháng 6/2015) công ty Vietcom và ông Lê Văn Quyền vẫn không đưa được chị Xoan về nước. 

“Gia đình tôi rất hoang mang, lên công ty tìm ông Quyền nhiều lần, gửi đơn đi khắp nơi nhưng con tôi vẫn không được về nước. Họ còn nói với tôi kiểu như con tôi đã bước chân đi, cấm kỳ trở lại vậy. Đã hai tháng nay gia đình tôi lên công ty Vietcom và tìm ông giám đốc nhưng không gặp”, ông Huấn nói và cho biết gia đình ông vô cùng hoang mang và lo lắng cho con dâu, chỉ sợ cô con dâu "có chuyện chẳng lành” ở xứ người.
Người nhà lao động Xoan đã phải vay mượn khắp nơi, nộp 40 triệu đồng vào tài khoản cá nhân ông Lê Văn Quyền, giám đốc Vietcom nhưng 6 tháng trôi qua công ty này vẫn chưa đưa được chị Xoan về nước.
Người nhà lao động Xoan đã phải vay mượn khắp nơi, nộp 40 triệu đồng vào tài khoản cá nhân ông Lê Văn Quyền, giám đốc Vietcom nhưng 6 tháng trôi qua công ty này vẫn chưa đưa được chị Xoan về nước. 
Công ty Vietcom bỏ mặc người lao động 

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Lê Văn Quyền – Giám đốc Công ty cung ứng nguồn nhân lực và lao động VietCom thừa nhận việc gia đình ông Huấn có nguyện vọng cho con dâu về nước trước hạn và công ty đã tích cực giải quyết. Vậy vì sao người lao động 6 tháng vẫn chưa được trở về, dù đã phải nộp cả tiền để xin được về nước trước hạn? Ông Quyền loanh quanh lý do và “đổ lỗi” do chủ sử dụng lao động không đồng ý “trả người” nên chưa thể đưa lao động về nước.

Về việc người nhà lao động lo lắng vì không liên lạc được với công ty và người lao động, ông Quyền giải thích do Vietcom mới chuyển địa chỉ về Trung Hoà Nhân Chính nên khi ông Huấn xuống địa chỉ cũ thì không liên lạc được với ai.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng thừa nhận đã 2 tháng nay không liên lạc được với lao động Xoan. Công ty đã làm công văn lên Đại sứ quán Ả Rập Xê Út và nhờ sứ quán can thiệp để đưa lao động về nước nhưng hiện cũng chưa có…kết quả.

Đáng lưu ý, trong một báo cáo công ty Vietcom gửi tới Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út do ông Lê Văn Quyền ký, công ty này cho biết đã nhiều lần gọi cho ông Salman, là chủ nhà của lao động Xoan nhưng ông Salman không hợp tác và vẫn giữ lao động ở lại. 

Trường hợp "mắc kẹt" của lao động Mai Thị Xoan không phải là hy hữu. Thời gian qua nhiều lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út bị bạc đãi, vắt kiệt sức lao động cũng đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. 
Trả lời báo giới về vấn đề này, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết năm 2014 có khoảng 50 vụ việc khiếu nại của lao động. Trong đó khoảng 80% vụ việc liên quan tới người lao động làm giúp việc gia đình.  Còn vụ việc trong năm 2015, Cục này đang xác minh. 
Để tránh tình trạng người lao động không muốn làm việc cho chủ nhưng không được về nước vì những tranh chấp về trách nhiệm với doanh nghiệp phái cử, Cục QLLĐNN đã yêu cầu các doanh nghiệp phái cử phải ứng tiền ra để làm các thủ tục cho lao động về nước. 
Sau khi người lao động về nước, các bên sẽ căn cứ vào quy định pháp luật và hợp đồng để xác định trách nhiệm cụ thể và tiến hành thanh lý hợp đồng.
Thế nhưng công ty Vietcom đã không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, thậm chí nhận tiền của gia đình người lao động gần 6 tháng vẫn không thể đưa được lao động về nước cho thấy công ty này vô trách nhiệm, "đem con bỏ chợ".
Hiện người nhà lao động Xoan vô cùng lo lắng và chỉ biết chờ đợi trong vô vọng. Trong khi đó, qua các cuộc làm việc với công ty Vietcom, phóng viên PLVN phát hiện nhiều bất thường trong quy trình tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của công ty này.
Thiết nghĩ, Bộ LĐTBXH và Cục QLLĐNN không thể "làm ngơ" trước sự việc này, cần có giải pháp yêu cầu doanh nghiệp giải quyết dứt điểm sự việc, thanh kiểm tra doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng đưa người lao động về đoàn tụ với gia đình.

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Đọc thêm