Anh Lê Đức Anh cho biết: “Ngày 20/8, tôi đi từ Phú Túc về TP.Biên Hòa, đi qua khu dân cư tôi có chạy quá tốc độ là 54km/h và bị công an bắt giữ, bị phạt 300 ngàn đồng. Tôi chấp nhận phạt tại chỗ để được đi tiếp. Thấy các anh công an ghi biên lai tôi cũng không để ý các anh viết gì trong đó, vừa ký tên xong và giao tiền, tôi đề nghị được xem biên lai, nhưng họ nhất quyết không cho với lý do "muốn nhận lại giấy tờ luôn hay muốn bị giữ lại giấy tờ"? Nhìn thoáng tôi thấy hình như biên lai có ghi tên tôi, nhưng không ghi lỗi vi phạm và số tiền vi phạm. Không hiểu họ làm vậy đúng hay sai?
Thắc mắc của anh Đức Anh, Luật sư Công ty Luật NewVision cho biết: Theo Điều 6 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện xe gắn máy khi đi qua khu dân cư không được chạy quá 40km/h (nếu không có biển báo tốc độ trên đoạn đường đó). Như vậy, anh Đức Anh chạy xe gắn máy qua khu dân cư với tốc độ 54km (chạy quá tốc độ 14km so với quy định). Với hành vi vi phạm giao thông này, anh Đức Anh sẽ bị xử phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng theo Điểm c Khoản 4 Điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 34/2010/NĐ-CP có quy định: “Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt”. Như vậy, việc cảnh sát giao thông (CSGT) phạt anh Đức Anh 300.000đ là đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hành vi không minh bạch khi viết biên lai nộp phạt và thu tiền nộp phạt của CSGT đối với anh Đức Anh: Khoản 3 Điều 57 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm”. Nếu anh Đức Anh không nộp phạt thì CSGT có quyền giữ giấy tờ xe, giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Theo Điều 57 Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 thì việc phạt tiền từ 200.000đ trở lên phải lập thành văn bản và người vi phạm nộp phạt có quyền được nhận biên lai thu tiền nộp phạt. Việc CSGT không cho xem biên bản phạt vi phạm giao thông và không giao cho anh Đức Anh biên bản là hoàn toàn trái luật. Mặt khác, Khoản 1 Điều 49 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định: “1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 200.000 đồng”. Việc anh CSGT phạt như trường hợp nói trên là vượt quá quyền hạn của chiến sĩ CSGT. Như vậy, hành động xử phạt 300.000đ không giao biên lai phạt vi phạm và dùng những câu nói thiếu lịch sự với anh Đức Anh của CSGT trong trường hợp trên là hoàn toàn trái phát luật.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com