Tôn vinh người đàn ông trồng hoa

(PLO) - Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó nhất thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị, có lẽ chàng trai Trần Ngọc Nhân không ngờ có một ngày mình được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ từ những thành tích miệt mài bên ruộng vườn quê hương. 
Anh Trần Ngọc Nhân
Anh Trần Ngọc Nhân

Đã nhiều năm sau niềm vinh dự ấy, Nhân vẫn tiếp tục bám ruộng, bám quê hương, làm giàu cho mình và giúp bà con ở vùng đất bạc màu Quảng Trị có cuộc sống ổn định hơn. 

Đổi đời từ ý tưởng táo bạo...

Kể về ngày nhận được Bằng khen của Thủ tướng, anh bảo cũng bất ngờ thật. Bởi anh quan niệm rằng, mình cứ cố gắng hết sức với ruộng vườn thì sẽ đạt được thành quả thôi. Thiên nhiên khắc nghiệt đến mấy cũng sẽ phải khắc phục được. Nói rồi anh trầm ngâm kể lại quãng đường khốn khó khi xưa. 

Năm 1997, khi mới 15 tuổi Nhân đã bỏ học vì bố mẹ không thể tiếp tục lo cho Nhân đến trường. Nhà có đàn bò, vài sào lúa, Nhân tiếp quản công việc để mẹ cha được nghỉ ngơi. Nhưng cày cấy, chăn bò mãi mà cuộc sống vẫn không khấm khá hơn. Bản thân Nhân chăm chỉ làm lụng quần quật bên ruộng lúa cũng chỉ đủ để cả nhà có chút gạo ăn. 

18 tuổi, chàng thanh niên nghèo đã nảy ra ý định mua máy tuốt lúa khi thấy người dân vẫn dùng máy đạp bằng chân để tuốt lúa. Anh vay mượn người thân, người nửa phân vàng, người cả chỉ, gom góp cả xóm được 10,5 triệu đồng để mua một chiếc máy tuốt lúa. Với chiếc máy này, mỗi khi đến vụ mùa, Nhân rong ruổi khắp làng trên xóm dưới để phục vụ bà con. 

Nhờ siêng năng, chu đáo trong công việc, anh đã được rất nhiều người dân trong làng, trong xã thuê tuốt lúa nên đã có được thu nhập ổn định. Thấy máy móc có thể giúp nhà nông bớt vất vả, Nhân tiếp tục đầu tư để mua thêm máy xẻ gỗ, máy bào, mô tơ phát điện trong thời gian lưới điện quốc gia chưa về đến thôn Hà Trung của mình. 

Rồi chứng kiến người dân cày quá vất vả anh đã quyết tâm vay mượn ngân hàng mua máy cày về phục vụ bà con. Một cái máy cày của anh phải hoạt động 24h/24h mới đủ để phục vụ bà con. Nhân làm ban ngày còn những người anh em ruột của anh thay nhau cày đêm. Máy cày làm việc hết công suất đến mức đổ dầu vào cũng không tắt máy.

Khi điều kiện kinh tế ổn định khiến Nhân nhớ đến đam mê chơi hoa từ thuở nhỏ. Anh kể, năm 2005 anh ra chợ Đông Hà chơi, nhặt được một cành hoa cúc mang về trồng thử. Thấy cây hoa mọc lên xanh tốt,  màu  hoa vàng ươm, chứng tỏ mảnh đất miền Trung vốn nổi tiếng với bom vùi trong lòng đất thì bây giờ cũng có thể là nơi để cây hoa bung nở.

Không ai bảo nhưng người nông dân này cũng đã biết đo kích thước bông hoa để thấy rằng, bông hoa nở ra tương đương với những bông hoa được trồng ở những vùng đất thịt màu mỡ khác. Thế là anh quyết tâm trồng hoa. Mang ý định này bàn bạc với mọi người trong nhà nhưng không được ủng hộ vì mọi người đều cho rằng với thời tiết quá khắc nghiệt như ở Quảng Trị thì trồng hoa là nghề quá rủi ro. 

Đưa máy móc vào phục vụ nông nghiệp là bước ngoặt cuộc đời của anh Nhân
Đưa máy móc vào phục vụ nông nghiệp là bước ngoặt cuộc đời của anh Nhân

Hoa đã nở trên vùng đất khô cằn...

Nhưng tin vào bàn tay mình, vào quyết tâm và ý chí của mình, Nhân vẫn quyết khăn gói ra Hà Nội học nghề trồng hoa. Hơn một tháng lăn lộn ở Viện Rau củ quả, quà thầy cô dành cho Nhân là 10 cây hoa đồng tiền, 10 cây hoa cẩm chướng, 5000 cây cúc với 12 loại giống khác nhau. 

Nhân mang hoa về mà lòng vẫn mông lung bởi thời điểm ấy, công việc nhà nông đã lấy hết thời gian làm việc của anh, không thể bỏ tất cả máy móc để dồn sức cho cây hoa được. Thế là ban ngày anh vẫn mang máy đi phục vụ ruộng đồng, tối về mới bắt đầu làm việc với hoa. 

Nhưng năm đầu tiên, vì thời tiết nắng to quá nên lứa hoa của anh nở sớm trước vụ Tết hẳn 1 tháng. Nhìn cánh đồng hoa phải thu hoạch sớm mà anh xót xa. Anh lại tìm cách  hạn chế ánh sáng, “hãm” số hoa còn lại để phục vụ đúng dịp Tết bằng cách mua 1,2 tạ lưới đen về phủ quanh 2 sào hoa. Năm ấy, tiền thu được từ bán hoa, cây giống trừ công cán, nguyên vật liệu, Nhân bị lỗ 2-3 triệu. Anh kể lại: “Ngày ấy lỗ nhưng vẫn mừng vì có thể tin tưởng rằng vùng đất khô cằn của mình cũng có thể là đất trồng hoa”. 

Năm thứ hai trồng hoa, thời tiết lại rét đậm rét hại, rét đến mức cây mạ lên vàng khè, trâu bò năm ấy cũng chết nhiều. Hoa lại ra muộn gần 1 tháng, vẫn bán hết hoa nhưng lãi gần như bằng không. Trắc trở là thế nhưng Nhân không nản lòng bởi anh tin, trời không thể phụ mãi công người. 

Năm thứ ba thì anh bắt đầu thu hoạch lớn. Và đây cũng là lúc anh nảy ra ý định trồng thêm hoa ly, loại hoa mà người ta vẫn coi là “đế vương của các loài hoa”. Trồng ly rất khó, đòi hỏi thời gian chăm sóc và vốn liếng để mua củ hoa ly nhiều nên Nhân cũng phải nghĩ nhiều lắm. Được vợ động viên, anh bán 1,5 tạ tiêu và 4 tấn lúa mới có 40 triệu để mua giống hoa ly. 

Năm đầu tiên trồng thêm ly do thời tiết không thuận lợi nên năm ấy hoa bị “mù” nhiều. Đến năm thứ hai trồng ly thì gặp mưa bão. Gió giật lên đến cấp 8, hoa bị gió bão quật tơi bời. Nhân ngồi trong nhà nhìn ra vườn hoa, vừa sốt ruột vì không che chở được cho hoa lại lo lắng vì mái nhà trồng hoa thì bị lật hẳn một bên. 

Cơn bão ấy đã khiến Nhân nghĩ vụ hoa này có thể bị lỗ đến 50 triệu nhưng anh không đầu hàng. Nhân nghĩ “làm được thì chịu được”. Hết bão, anh dành mọi thời gian có thể cho hoa ly. Ngày tưới hoa 2 lượt, tự tay anh phải chăm những cây hoa bởi trồng hoa phải có đam mê, phải chăm chút, cẩn thận với nó như với con mọn. Cuối cùng cây cũng không phụ lòng người, không những không  bị lỗ như dự định mà cây hoa ly còn mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh trong năm ấy. 

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, Trần Ngọc Nhân còn luôn quan tâm đến những phận đời khó khăn ở địa phương. Anh bảo, thu nhập có được hàng năm, ngoài phần gửi tiết kiệm, anh còn để dành để ai cần là có thể cho mượn. Ngoài ra anh còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình khó khăn nợ tiền công dịch vụ nông nghiệp để họ có tiền tái đầu tư và chăm lo cho con cái học hành. 

Rời ngôi nhà khang trang của anh ở thôn Hà Trung, nhìn những bước chân chạy cho kịp để chỉ bảo người nhà rải phân cho cây trồng khiến chúng tôi càng phục người nông dân này. Anh đã kiên trì bám ruộng, bám quê hương, làm giàu cho mình, cho thôn xóm để khẳng định chân lý “dù ở đâu, làm gì, cứ có chí hướng phấn đấu, chắc chắn người nông dân sẽ thành công”. 

Đọc thêm