Biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn được bà giúp đỡ đã trưởng thành. Biết bao nhiêu vụ lớn tiếng, xô xát giữa hàng xóm, giữa vợ chồng được bà hòa giải. Nhưng bà bảo, điều mà bà thấy hạnh phúc nhất chính là những việc làm ấy đã khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn…
Bà Thanh với thú vui đọc sách hàng ngày |
Từ tuổi thơ vất vả…
Chúng tôi tìm đến nhà bà vào gần giờ trưa. Cửa mở toang nhưng bấm chuông không thấy người lên tiếng. Bất thình lình, một người hàng xóm nhà bà ngó sang bảo: “Không thấy có chiếc xe đạp màu xanh ở nhà, chắc bà ấy đi chùa rồi. Gần trưa bà sẽ về. Tốt nhất là trưa cô đến, nếu không 3h chiều bà lại đi tiếp đấy. Khi thì lên chùa, lúc lại ra phường, có hôm còn phải đi trực ở thư viện của Hội khuyến học đấy”.
Chỉ một lời nhắn ấy thôi đủ biết hàng xóm nắm lịch của bà rõ đến thế nào. Chỉ một lời nhắc nhở ấy đủ để thấy ở khu phố của bà, chuyện “nhà nhà đóng cửa, không ai biết ai” hình như chưa từng xuất hiện, dù khu vực ấy cũng là một vùng nội đô sầm uất. Đúng như lời nhắc, gần trưa bà về đến nhà. Dáng người nhỏ xíu, đôi tay gầy guộc, run run. Thế nhưng, bên trong hình ảnh ấy là một trái tim yêu thương vô bờ bến với những đứa trẻ mồ côi, với những đứa trẻ bất hạnh, với những mảnh đời khó khăn bên cạnh.
Bà tâm sự, hơn ai hết bà thấu hiểu hoàn cảnh của những trẻ mồ côi bởi bản thân bà mất mẹ từ năm 2 tuổi, 11 tuổi lại mất cha. Phải sống nhờ người thân nhưng bà luôn biết thân biết phận, luôn hoàn thành hết công việc nhà. Một mình bà phải nấu cơm cho đại gia đình 20 người ăn. Chỉ được tranh thủ học bài tại lớp. Nếu có bài nào chưa thuộc thì cũng phải chờ đến khi mọi người đã đi ngủ bà mới dám rón rén đến dưới bóng đèn ngoài phố để học tiếp. Nhắc lại những ngày tháng khó khăn tủi thân ấy bà bật khóc.
Khó khăn đã hun đúc cho bà một ý chí kiên cường sắt đá. Học đâu đỗ đấy, thậm chí đỗ đầu, thủ khoa liên tục tại các trường trung cấp và các khóa thi dành cho cán bộ đi học nước ngoài. Năm 1969, bà được cử đi học ở Nga đào tạo về chuyên ngành tâm lý xã hội. Với tấm bằng suất sắc, năm 1974 bà chuyển về Viện Khoa học Giáo dục công tác.
Năm 1987, Tổ chức SOS Quốc tế và UBND TP Hà Nội thành lập dự án xây dựng Làng trẻ em SOS trên địa bàn Hà Nội, bà được cử đích danh làm Giám đốc của Làng. Tất bật với việc giám sát xây dựng, tuyển chọn các bà mẹ SOS trên khắp Hà Nội và tìm các cháu mồ côi đưa về trung tâm, cộng thêm việc phải chăm sóc chồng bị xuất huyết não không thể tự chăm sóc mình … Bà làm từng ấy việc một lúc. Nhưng người phụ nữ bé nhỏ ấy vẫn hoàn thành công việc một cách xuất sắc cho đến khi về nghỉ hưu.
… đến nhân rộng yêu thương
Trong thời gian đầu nghỉ hưu, bà dành toàn thời gian chăm sóc chồng, bù đắp cho khoảng thời gian bà phải tập trung 24/24 cho Làng trẻ em SOS khi xưa. Bà bảo, chồng bà đau ốm nhưng rất hiểu chuyện, chính ông giúp bà trong công tác giám sát xây dựng trường, chính ông động viên bà toàn tâm toàn ý với những ngôi nhà Hoa Hồng, Hoa Mẫu đơn, Hoa Sen của Làng. Thế nên bà mới yên tâm công tác. Do đó, khi về hưu, bà chỉ muốn được ở bên ông.
Nhưng chưa đầy một năm sau, người dân khu phố tín nhiệm, tích cực vận động bà tham gia hoạt động địa phương. Lại một lần nữa bà được chồng khích lệ tham gia công tác dân cư. Bà cho biết, phải từ chối mãi bà mới “nhậm chức” Phó Chủ tịch Hội khuyến học của phường Dịch Vọng Hậu. Nhưng dù đứng sau, bà vẫn tích cực các hoạt động quyên góp cho bọn trẻ đến trường.
Bà tâm sự, những đứa trẻ gợi cho bà phần kí ức khó khăn của thời thơ ấu. Bà muốn chúng được an vui tới trường mà không phải lo lắng bất kỳ điều gì. Bà mong chúng được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của những người không phải là người thân của mình. Do đó, bà tự nguyện gom góp, dành dụm để từng tháng, từng năm có chút quà gửi tặng nhằm giúp trẻ vơi bớt những thiệt thòi, thiếu thốn.
Và bà tiết kiệm hàng ngày để dành tiền làm từ thiện. Phụ cấp lương Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư Chi bộ, chế độ hội họp và từ nguồn lương hưu, bà gom lại để mua sách vở, giấy bút, xe đạp tặng cho các cháu học sinh nghèo hiếu học. Bà quả quyết, bà sẽ làm việc này cho đến khi bà nhắm mắt xuôi tay. Hiện tại bà đang đỡ đầu 15 cháu nhỏ mồ côi và nhận giúp đỡ 2 cháu có bố đang công tác tại hải đảo xa xôi.
Không chỉ tự mình giúp đỡ các trẻ em nghèo, bà còn tích cực tham gia công tác vận động các cá nhân, tổ chức trên địa bàn phường chung tay cùng. Bà kể, mỗi lần thấy bà đạp xe đến nơi là người ta biết bà đến làm việc gì. Nhiều người còn chưa chờ bà ngỏ lời đã vui vẻ ủng hộ. Nhưng cũng có những địa chỉ bà đi lại 4-5 lần mà vẫn chưa một lần nhận được tấm lòng của họ. Bà buồn nhưng không nản bởi như thế mới là xã hội, bởi như thế mới cần những người không nề hà việc gì để góp quỹ cho các cháu.
Từ khoản trợ cấp ban đầu là 5-6 trăm nghìn đồng/cháu/năm, qua 18 năm, số tiền bà dành tặng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng tăng dần lên, hiện giờ đang ở mức 1,2 triệu đồng mỗi cháu. Dù thế bà vẫn chưa hài lòng bởi bà muốn mang đến cho bọn trẻ nhiều hơn thế nhưng sức người có hạn.
Nghe bà tâm sự mà giọng nghẹn lại, chúng tôi hiểu, có lẽ bà đang nhớ đến những tháng ngày khó khăn, khổ sở khi còn đang tuổi cắp sách đến trường của mình. Có lẽ bà mong muốn sẽ không còn một đứa trẻ nào phải gồng mình lên giữa cuộc đời khi đang còn ở tuổi ăn tuổi chơi như bà khi xưa…