Cụ ông 96 tuổi chỉ mơ mỗi bữa ăn có chút dầu mỡ

(PLO) - Đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng cụ Ngô Hữu Mạo (96 tuổi, trú tại thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn phải cố làm chỗ dựa cho người vợ dại, đứa con gái tâm thần và hai cháu nhỏ mắc chứng bệnh nan y. 

Cụ ông 96 tuổi chỉ mơ mỗi bữa ăn có chút dầu mỡ
Cả đời không thoát khỏi đói nghèo
Khi chúng tôi đến, cụ Mạo đang loay hoay trong gian bếp lụp xụp, nhóm lửa thổi cơm trưa cho cả gia đình. Một tay cầm nồi, một tay chống gậy, cụ dò dẫm từng bước ra bể lấy nước, rửa rau rồi lại lật đật trở vào. Giữa trưa nắng gắt, chiếc bóng nhỏ bé của cụ in trên nền sân rêu mốc, nơi đã bao nhiêu năm chứng kiến cảnh cụ dãi nắng dầm mưa, đấu tranh với đói nghèo.
Ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ nằm lọt thỏm cuối thôn. Cổng dẫn vào nhà cỏ dại mọc đầy lối đi, bốn bức tường xung quanh thủng lỗ chỗ, ngói lợp chẳng còn mấy viên lành. Cụ móm mém bảo, đó là ngôi nhà  được xã trợ giúp xây cho 10 năm nay. Còn trước đây, nhà cụ là “lều tranh vách lá”, không có cửa, phải dùng một đống bao tải, tấm bạt để chắn gió. Ấy vậy mà “túp lều” cũng là chỗ che mưa che nắng cho cả gia đình suốt hơn 50 năm qua.
Trong câu chuyện, cụ Mạo không hề nhắc đến sự vất vả, nhọc nhằn khi phải gánh vác cả gia đình bệnh tật. Cụ chỉ nói về những nỗi đau mất con, mất vợ rồi chứng kiến cảnh những đứa cháu khóc ngằn ngặt khi bị hành hạ bởi căn bệnh nan y. Kể về đời mình, đôi lúc ông lão gần trăm tuổi ấy, tưởng đã trải qua bao sóng gió phải rất cứng rắn, vẫn bật khóc ngon lành như đứa trẻ.
Trước khi nhập ngũ, cụ Mạo đã lấy vợ và có hai người con. Sau hơn 10 năm chinh chiến ở chiến trường Luông Pha- băng (Lào), trở về thương tật đầy mình, cụ đau đớn khi biết hai người con của mình đều đã chết vì bệnh hiểm nghèo. Vợ chồng cụ nỗ lực vượt qua nỗi đau, tiếp tục vun đắp cho mái nhà hở gió. Nhưng sau khi sinh người con thứ tư chưa đầy hai tháng, có lẽ do quá vất vả, không đủ sức khỏe, người vợ lại “bỏ” cụ mà đi.
Ôm đứa con trai chưa đầy hai tháng khóc tới tím người vì khát sữa, cụ Mạo nén nỗi đau mất vợ, đi khắp làng xin cho con bú chực. Suốt 5 tháng trời, người dân Hoàng Dương chứng kiến cảnh người đàn ông chân đất, một tay ôm trẻ sơ sinh, một tay dắt đứa con đang lẫm chẫm, đi gõ cửa từng nhà có sản phụ để xin sữa. Nhìn hai đứa con bị sài đẹn, mặt lúc nào cũng lấm lem bùn đất do thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, cụ Mạo thắt lòng.
Suốt 8 năm trời ròng rã “gà trống nuôi con”, mãi đến đầu năm 1960, cụ mới đi bước nữa với một người phụ nữ cùng làng. Từ đó, ngôi nhà nhỏ của ba bố con mới bớt phần hiu quạnh. Nào ngờ hạnh phúc chẳng tày gang, trong ba đứa con sinh cùng bà vợ hai, người con gái cả mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt; người con trai thứ hai sau khi lấy vợ, sinh được hai cô con gái cũng mất vì suy thận ở tuổi 24. Cậu con trai út lành lặn, khỏe mạnh thì đã vào miền Nam từ 25 năm trước, vẫn biệt tăm không về. Nghiệt ngã hơn, người vợ thứ hai sau một tai nạn nghiêm trọng cũng đã thành ngớ ngẩn, nằm liệt một chỗ suốt 20 năm nay. 
Cả đời chống chọi với cuộc sống đói nghèo, kiệt quệ, những tưởng hai cô cháu nội là tài sản quý giá nhất nhưng rồi vận xui cũng chẳng tha. Cháu gái thứ nhất tên Ngô Thị Ly (15 tuổi) sinh ra mạnh khỏe, nhưng đến năm lên bảy thì tóc rụng dần, rồi không mọc lại được nữa. Cháu gái thứ hai tên Ngô Thị Lan Anh (12 tuổi), sinh ra đã bị phù thận, suốt 12 năm nay phải sống trong sự đau đớn bởi căn bệnh hành hạ.
Nhìn hai cháu nhỏ đang nô đùa với người bác ngớ ngần ngoài hiên, cụ trào nước mắt: “Cái Ly rụng tóc nhưng còn khỏe mạnh, chứ cái Anh mỗi tháng lại phù mặt một lần rồi toàn thân đau đớn. Mẹ nó đi làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà, lương không đủ tiền ăn và mua thuốc cho con. Những lúc nhìn chúng nó đói hay khóc vì đau, tôi không cầm lòng được”.
Cả cuộc đời cụ Mạo cứ lầm lũi chăm sóc vợ ốm, con đau, cháu bệnh tật. Đau đớn nào hơn khi vừa lo ma chay cho con trai xong, chưa kịp khô nước mắt, cụ đã phải vội vã đưa vợ vào viện vì xuất huyết dạ dày. Hết tai họa này đến tai họa khác, cụ chạy vạy khắp nơi lo tiền ăn, tiền viện, chẳng còn thời gian nào nghĩ đến chuyện làm ăn kinh tế. Trầm ngâm một lúc lâu, cụ Mạo chợt thở dài: “Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường, bom đạn không làm tôi run sợ, vậy mà giờ phải chùn bước trước cái nghèo”. Gánh nặng mưu sinh làm còng lưng người lính già gần trăm tuổi. Khuôn mặt cụ Mạo chỉ có một chút rạng rỡ lúc nhớ về những trận đánh hào hùng và oanh liệt đã trải qua.
Đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Mạo vẫn phải lọ mọ thổi cơm cho cả gia đình.
Đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Mạo vẫn phải lọ mọ thổi cơm cho cả gia đình. 
“Chỉ thèm dầu mỡ”
Nhắc đến gia cảnh cụ Mạo, người dân trong thôn đều thương cảm, nói họ là “những người sinh ra để khổ”. Suốt bao năm nay, cứ thi thoảng họ lại nghe thấy tiếng khóc vẳng lên từ nhà cụ Mạo, bởi cái đói, cái chết, cái đau đớn bủa vây. Thảng có lúc nào đó nghe tiếng cười, thì đó lại là tiếng cười man dại của hai mẹ con ngớ ngẩn. 
Trong gian bếp lụp xụp, thứ gia vị duy nhất cụ Mạo dùng là muối trắng. Bữa ăn hàng ngày chủ yếu là cơm và rau luộc, thi thoảng lắm mới có vài miếng đậu phụ. Cụ ngậm ngùi: “Tôi hỏi mấy đứa cháu thích ăn gì, chúng nói chỉ thèm dầu mỡ. Nhưng đó là thứ đắt đỏ, cả tháng tôi mới dám mua một, hai lần, mỗi lần dùng chỉ dám chấm đũa một ít. Nhưng như vậy còn khá lắm rồi, trước đây có những lúc ra vào viện, bố con không có cơm ăn, phải uống nước cầm chừng”.
Gia đình cụ Mạo đã được xét hộ nghèo nhiều năm nay, được trợ cấp một khoản tiền cố định hàng năm. Cụ vẫn thường dành dụm số tiền đó để giỗ vợ, giỗ con nhưng có khi đột ngột con đau, cháu ốm, cụ lại phải lấy tiền đó mua thuốc. Những lúc ấy, trên ban thờ ngày giỗ chỉ có nén nhang và chén nước trắng. 
Cụ Mạo cho biết, tất cả tiền lương, trợ cấp của cả gia đình mỗi tháng là 1,5 triệu đồng. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” bởi phải nuôi 5 miệng ăn trong nhà, chưa kể tiền thuốc thang. Cách đây vài năm, cụ Mạo còn cố gắng đan lát nong nia kiếm thêm chút tiền mắm muối. Còn bây giờ, khi đã gần trăm tuổi, chân tay đã run, cụ không còn làm được nữa.
Mấy sào ruộng vì không có người làm, cụ đành để lại cho người làng làm giúp, đến mùa lấy ít thóc ăn. Người con gái cả có sức vóc nhưng lại tâm thần nên thi thoảng lắm mới giúp đỡ được chút ít việc nhà. Đã gần trăm tuổi, cụ Mạo vẫn phải lọ mọ thổi cơm, giặt quần áo, lo liệu mọi chuyện nhà cửa. Tấm lưng nhỏ thó của cụ còng gập theo thời gian bởi gánh nặng gia đình.
Cụ Mạo vẫn làm đủ việc dù tuổi cao sức yếu.
Cụ Mạo vẫn làm đủ việc dù tuổi cao sức yếu. 
Ước mơ lớn nhất của cụ Mạo không phải là nhà cao, cửa rộng hay thứ gì to tát mà chỉ là chút mật trăn cho đứa cháu gái phù thận. Cụ bảo: “Tôi nghe người ta nói mật trăn chữa trị rất tốt cho những người bị thận, nhưng lại không có tiền mua. Chỉ mong có nhà hảo tâm nào đó cho cháu ít mật trăn để cháu bớt đau đớn”.
Niềm trăn trở về cuộc sống vẫn từng phút, từng giờ thường trực trong tâm khảm ông lão cả cuộc đời đấu tranh với đói nghèo. Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi để con cháu chăm lo, phụng dưỡng thì cụ Mạo vẫn phải lần mò chạy từng bữa cơm nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Câu chuyện phải tạm dừng khi cái nắng gay gắt chiếu vào tận hiên nhà, cô con gái ngớ ngẩn và hai đứa cháu bệnh tật đã thôi đùa nghịch, vào tựa vai ông kêu đói… 

Đọc thêm