Bé gái còn mẹ mà như “mồ côi”, vào chùa xin gạo nuôi cha

(PLO) - Từ bốn năm nay, cô bé Trần Thị Huyền Linh (SN 2004, ngụ khu 1, ấp Hiệp Nhất, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã ngày ngày cáng đáng việc chăm sóc bố bị tai nạn lao động nằm liệt giường. Trong khi đó mẹ của Linh rất khỏe mạnh lại ở chung nhà nhưng không đỡ đần, hỏi han con dù chỉ một lời. Để có miếng cơm lót dạ cho hai bố con, hàng tháng bé Linh vào chùa xin gạo. 
 Bé Linh từ 6 tuổi đã biết lo cơm nước, tắm rửa cho bố
Bé Linh từ 6 tuổi đã biết lo cơm nước, tắm rửa cho bố
Chồng gặp nạn, vợ thay lòng
Thiếu bàn tay chăm bẵm của bố mẹ, Linh bước vào cái tuổi thứ 10 nhưng thân hình vẫn nhỏ thó, gầy guộc. Sau những giờ lên lớp Linh chỉ biết lủi thủi ở nhà với người cha là Trần Đình Chung (SN 1971) bị tai nạn lao động dẫn đến nằm liệt giường. Gần đây, mẹ của Linh (SN 1981) và bà ngoại muốn bán nhà đi nơi khác nên Linh và bố sắp có nguy cơ “màn trời chiếu đất”. 
Trở mình khó nhọc trên chiếc giường sắt cũ kỹ kê giữa nhà, anh Chung tâm sự: “Năm 2009 trong một lần đi dỡ nhà cũ thuê, tôi không may dẫm phải cây đòn tay mục nên ngã từ trên cao xuống, trọng thương. Để có tiền đi bệnh viện chữa trị, vợ chồng quyết định bán hết của cải và căn nhà vừa mới xây với giá 35 triệu đồng. 
Sau gần 2 tháng nằm nhà thương từ Đồng Nai đến TP.HCM, các bác sỹ vẫn không cứu được đôi chân và các cơ quan trong hệ bài tiết. Từ đó, tôi trở thành người tàn phế suốt ngày nằm một chỗ trên giường. Ban đầu, vợ vẫn chăm sóc từng chén cơm, thau nước tắm; nhưng nửa năm sau cô ấy bỏ mặc tôi cho bé Linh một tay tự lo liệu”.
Năm 1993, anh Chung rời quê Quảng Ninh vào Định Quán hành nghề lái xe. Tại đây, anh gặp được vợ và đi đến kết hôn. Do còn trẻ tuổi lại có sức khỏe, vợ chồng góp tiền mua được đất xây nhà, ổn định cuộc sống. Rồi bé Linh chào đời làm cho tình cảm vợ chồng càng thêm gắn kết. Nhận thấy làm nghề lái xe mãi cũng nguy hiểm, tai nạn giao thông liên tục, anh bỏ ngang về làm việc phụ hồ. Nào ngờ, trong lúc đang dỡ nhà cũ, chẳng may gặp nạn. Ban đầu, cha mẹ và anh chị em ở ngoài quê khuyên vợ chồng anh Chung về Quảng Ninh sinh sống. Tuy nhiên mẹ vợ không muốn xa con gái bèn bảo hai con về sống cùng.
Là trụ cột của gia đình, bỗng chốc phải nằm một chỗ, đôi khi vì sự mặc cảm và ức chế, anh Chung có nặng lời với vợ, lúc “hạ hỏa” lại chủ động xin lỗi, an ủi vợ vượt qua khó khăn. 
Nhưng từ ngày đi làm công nhân, người vợ tính tình thay đổi hẳn. Anh kể chị quay sang lăng mạ, chửi rủa chồng không tiếc lời. Mặt khác, mẹ vợ cậy thế chàng rể đang ở nhờ nhà cũng “góp dầu vào lửa” khiến tình cảm con gái – con rể càng rạn nứt. 
“Biết con gái không còn mặn mà, mẹ vợ tìm mọi cách đuổi cha con tôi đi, trong khi căn nhà của mẹ vợ xây kiên cố như hiện nay một phần nhờ vào khoản tiền làm thuê, làm mướn của tôi lúc chân tay còn lành lặn”, anh Chung nói. 
Có mẹ cũng như không
Anh Chung xót xa kể tiếp: “Chứng kiến bé Linh chăm chút tôi, vợ tôi tỏ thái độ tức giận rồi buông lời chửi bới cả hai cha con. Tệ hơn, cô ấy viện lý do khó ngủ để đuổi bé Linh ra khỏi giường. Đồ ăn thức uống cô ấy chỉ nấu đủ cho bản thân sử dụng, chồng con đói no thế nào cũng mặc kệ. 
Để hai cha con có miếng cơm vào dạ, tôi quan sát hàng xóm đi chợ mới nhờ gửi mua ít đồ ăn. Bé Linh đi học về chưa kịp thay quần áo, rửa mặt đã phải xách bếp ga mini ra giữa nhà bảo bố chỉ cách thức làm chín thực phẩm”.
Chị Nguyễn Thị Yến (43 tuổi, đối diện nhà anh Chung) thường xuyên mua đồ ăn thức uống cho hai bố con Linh lên tiếng: “Mẹ bé Linh đi làm công ty sáng 5 giờ đã rời khỏi nhà đến 20 giờ mới về. Từ ngày anh Chung không còn sức khỏe lao động, cô ấy xem chồng như không có mặt trên đời. Suốt ngày anh nằm một chỗ, ngay cả việc đại tiện, tắm rửa cũng phải nhờ đến bé Linh.
Con bé nhỏ nhắn, ốm yếu vậy đó mà phải oằn vai ra đảm nhiệm việc nhà, việc chăm sóc cho bố bệnh tật như một người trưởng thành. Tôi phải công nhận trong ấp này chẳng có đứa trẻ nào giỏi giang như bé Linh. Nhiều khi đi ngang thấy hai bố con èo uột, co ro ôm nhau ngủ còn rớt nước mắt”. 
Anh Chung mất sức khỏe sau ngày gặp nạn
 Anh Chung mất sức khỏe sau ngày gặp nạn
Mỗi lúc nhớ mẹ, bé Linh chỉ dám nhìn mẹ từ xa. Thi thoảng thấy mẹ mua đồ ăn ngon, cô bé tiến đến gần với mong muốn được mẹ sẻ chia thường bị mẹ trao cho cái nhìn khó chịu. Bé Linh kể lại những khoảnh khắc buồn: “Lâu lắm rồi cháu chưa được mẹ ôm vào lòng cưng nựng. Cuối năm học, cháu được phần thưởng đem về khoe, mẹ chẳng bao giờ cười. Sợ mẹ rầy la, cháu đợi mẹ ngủ say mới dám lên giường nằm chung. Tỉnh giấc, mẹ thấy cháu liền bảo “Con bé này suốt ngày làm phiền, ra ngoài cho tao nghỉ ngơi”. 
Lúc nào cũng phải để mắt tới người bố bệnh tật, song Linh rất biết biết cân đối giữa việc học và việc nhà. Từ lớp 1 đến lớp 5, cô bé vẫn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. 
Cô bé thủ thỉ: “Trước kia mẹ bảo con học giỏi, mẹ sẽ yêu thương và mua đồ đẹp cho mặc. Nhưng nay tại sao mẹ thấy con lại gần là đuổi ra ngoài. Chắc mẹ ghét con rồi?”.
Cũng may là biết được hoàn cảnh của gia đình, năm nào giáo viên chủ nhiệm cũng xin nhà trường miễn giảm học phí cho bé Linh. Mẹ bé Linh đi làm công nhân ở huyện Trảng Bom 3 năm nay, mỗi tháng cho con gái 100 -200 ngàn. Số tiền ít ỏi đó không đủ để Linh mua các dụng cụ học tập. Đồng cảm với sự eo hẹp của hai bố con, một số người có tấm lòng thiện nguyện đã dẫn bé Linh vào chùa xin gạo ăn hàng tháng. Còn khoản trợ cấp 700 ngàn/tháng do Hội bảo trợ xã hội tỉnh Đồng Nai hỗ trợ, anh Chung trích ra một nửa mua thuốc, nửa còn lại gửi hàng xóm đi chợ giúp.
Bà Nguyễn Thị Quy, Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Định Quán ái ngại: “May có bé Linh biết lo trước tuổi nên khi đi học về là lao vào phụ giúp bố từ việc bé đến lớn. Thấy hai bố con quá vất vả, tôi đã đề xuất Hội chữ thập đỏ địa phương và các ban ngành khác hỗ trợ Linh chiếc xe đạp để đi học. Đồng thời, hàng tháng có đoàn từ thiện nào về Định Quán tôi đều xin một suất cho bố con anh Chung. 
Hi vọng, những phần quà dù là ít ỏi phần nào xoa dịu nỗi đau tinh thần cho anh Chung và bé Linh. Tôi đã đến nhà anh Chung nhiều lần với mong muốn gặp cô vợ thuyết phục, hòa giải, nhưng chị ấy đi làm từ sớm đến tối mịt mới về nên chưa có cơ hội tiếp xúc”./.

Đọc thêm