TS Trần Long, Giảng viên khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, theo phong tục, cúng tất niên sẽ được cúng trng đêm giao thừa.
Thông thường sau khi dọn nhà cửa tươm tất thì người Việt bắt đầu cúng tất niên để mời ông bà về ăn tết. Đây được xem là mỹ tục trong văn hóa, phong tục của người Việt để thể hiện sự biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Ngày tết không chỉ có người sống ăn tết mà người đã chết cùng ăn tết nên mới có tục mời ông bà về ăn tết.
Theo TS Long, ngày nay đời sống duy tâm dần dần bị phai nhạt để đi vào phục vụ cuộc sống đời thường hơn. Do vậy, nhiều gia đình cúng tất niên đi theo hướng thực tế và thực dụng hơn. Đây lại được xem là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhìn lại một năm đã qua để chuẩn bị chào đón năm mới.
Mâm cúng của người miền Nam thường có món khổ qua, với mong muốn mọi khổ cực gì đều qua hết trong năm cũ |
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho biết theo phong tục của người Việt, cúng tất niên tức là cúng ngày cuối năm, vào ngày 30 tháng Chạp.
Ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn với các món ăn truyền thống để mời ông bà về ăn bữa cơm cuối năm với gia đình. Dịp này, các thành viên trong gia đình dù có đi làm ăn xa, bận rộn thế nào cũng đều phải quay về với gia đình mình.
Sau khi cúng tổ tiên xong, con cháu quây quần bên mâm cơm ôn lại chuyện của năm qua, mọi giận hờn của năm cũ đều được bỏ qua để hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Bữa cơm tất niên thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, coi trọng ông bà.
Do vậy, ngày 30 tết là phải về nhà cùng nhau ăn bữa cơm tất niên để giao hòa giữa thế giới trần và thế giới tâm linh, tổ tiên để cảm nhận công ơn của ông bà mình, đó là truyền thống văn hóa của dân tộc: uống nước nhớ nguồn.
Ông Lộc cho biết thêm, ở miền Nam, cúng tất niên không chỉ cúng trong phạm vi phòng khách mà nhiều gia đình còn bày thêm một mâm cúng ở ngoài sân để cúng cho những người siêu mộ lạc mả, những người chiến sĩ, đồng bào tử vong, để cho những người này cũng có mâm cơm ấm lòng ngày tết.
Thịt kho tàu có hình vuông tròn, mang biểu tượng âm dương |
Mâm cúng giao thừa của người miền Nam thường có bánh tét, mứt gừng. Miền bắc thì có xôi gấc, gà luộc, mâm quả, trà bánh rồi cúng đúng vào thời khắc giao thừa để đón năm mới, thắp hương trời phật, ông bà tổ tiên để cùng đón năm mới an khang thịnh vượng.
“Miền Bắc thường không cúng tất niên mà đêm giao thừa mới cúng bái bàn thờ tổ tiên rồi đón ông bà luôn, miền nam mới có tất niên. Tất niên miền Nam cúng buổi sáng khoảng lúc 9, 10 giờ rồi trưa ăn. Cúng tất niên theo truyền thống là bữa cơm cuối năm nên cúng những món ăn truyền thống, ví dụ thịt kho tàu, khổ qua, bánh tét, bánh phồng, mứt, gà luộc”, ông Lộc cho hay.
Những món cúng của người miền Nam thường mang ý nghĩa biểu tượng, như thịt kho tàu có hình vuông tròn, mang biểu tượng âm dương, khổ qua là khổ đã qua, cái gì buồn bực của năm cũ là bỏ qua hết; bánh tét là nói trại từ bánh tết mà qua, hình dáng tròn trịa, ú nù thể hiện sự dư dả, phồn vinh trong gia đình.
Ngày 30 Tết mâm cúng tất niên phải có cơm trắng, cúng ông bà xong thì con cháu mới được ăn. Theo quan niệm, người sống, người chết cùng ăn Tết, không chỉ mình ăn, mà tổ tiên cũng về ăn nên ngày Tết là dịp con người giao hòa với thế giới tâm linh, tổ tiên mình, hướng về tổ tiên, cội nguồn. Tết mà không có cúng kiếng tổ tiên thì không phải ngày Tết.
Ông Lộc cũng cho biết, ngày trước cúng kiếng tổ tiên các cụ chuẩn bị rất kỹ, cúng từ 30 tới mùng 3 Tết. Trong đó, ngày 30 là mâm cơm tất niên mời ông bà về ăn Tết, sum họp với con cái, tối 30 cúng giao thừa mừng năm mới, một ngày cúng từ 2 - 3 lần, ăn gì cúng nấy. Nhưng trên mâm cúng vẫn phải có bánh tét, khổ qua, thịt kho tàu, nhiều gia đình mùng 1 ăn chay nên cúng chay cho ông bà. Mùng 2 thì cúng heo quay bánh hỏi, mùng 3 cúng tất, tức là cúng hết Tết, ngày này còn món gì trong nhà là dọn cúng ông bà hết, đặc biệt là phải có con gà luộc coi như xong Tết tiễn ông bà đi.
Đêm giao thừa - Lễ trừ tịch
Đêm giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Trong Đất lề quê thói, Nhất Thanh cho biết trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa, lừa lúc cũ mới giao tiếp. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch; đêm 30 Tết lúc này là giao thừa, người ta làm lễ trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận.
Xưa ta tin rằng mỗi năm có một vị thần Hành khiển coi việc nhân gian, mỗi vị có tên riêng với vương hiệu và cũng gọi là Đương niên chi thần. Mỗi vị hành khiển có một vị phụ tá gọi là phán quan.
Có 12 vị Hành khiển luân phiên kể từ năm Tý đến năm Hợi là mười hai năm, hết lượt quay trở lại năm Tý với vị Hành khiển của năm ấy.
Hành khiển có ông thiện ông ác. Có năm trời ra tai hạn hán lụt lội mất mùa đói kém, hay dịch tễ chết hại là do sớ tấu của Hành khiển, trừng phạt vua quan không có nhân chính hay dân ăn ở càn rỡ.
Lễ trừ tịch tiễn và đón các vị Hành khiển, Phán quan của năm cũ năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản cảnh Thành hoàng và Thổ địa Thần kỳ.