Trước đó, trong tham luận của một lãnh đạo UBKTTW tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, cơ quan này đã dẫn ra nhiều số liệu đáng lưu ý: Trong nhiệm kỳ vừa qua, UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên, tập trung vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, trong đó có lĩnh vực tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong quyết định chủ trương, chính sách và công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công...
Trong số đó có nhiều việc mới, có việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương… Tất cả đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. UBKT các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số kết luận của UBKTTW đã tạo tiền đề cho các ngành chức năng xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật như các vụ án liên quan Vũ “Nhôm”, Út “Trọc”, vụ AVG, vụ BIDV...
Trong cuộc họp báo, nhắc lại câu chuyện từng nói ở Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng hồi tháng 12/2020, Tổng Bí thư cho biết vừa rồi có người hối lộ, xách valy tiền đến UBKTTW để biếu xén, lấp liếm. Ông yêu cầu cán bộ UBKTTW mở ra xem là cái gì. "Mở valy ra thì thấy đó là tiền đô la. Tôi yêu cầu khóa lại, lập biên bản, yêu cầu ký vào”, Tổng Bí thư kể và tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không kể người đó là ai, không có vùng cấm: “Trước đây có lúc thấy tôi yếu, có người lo chùng xuống, rồi có người hỏi sắp đến Đại hội có làm không? Tôi nói mai Đại hội mà hôm nay đến ngày xử thì vẫn đưa ra tòa xử”. Tổng Bí thư dẫn chứng thực tế gần Đại hội vừa qua vẫn xử nhiều vụ, cả Ủy viên Bộ Chính trị, cả lãnh đạo TP lớn như Hà Nội, TP HCM… Sát Đại hội mấy ngày vẫn khởi tố đối tượng tham nhũng.
Cuộc phát động đấu tranh chống tham nhũng bắt đầu từ năm 2013 - khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Từ đó đến nay, rất nhiều vụ với nhiều Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đã được mang ra xét xử, thu hồi tài sản hàng triệu đôla, mức mà Tổng Bí thư cho rằng “không thể tưởng tượng được”.
“Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn đến như thế, nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính sẽ không làm được, dễ mắc lắm, vì ai chả thích của, thích tiền”, Tổng Bí thư khẳng định.
Ông nhấn mạnh lại danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Chết cũng không mang tiền theo được.
Theo Tổng Bí thư, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn, không chỉ nước ta mà nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, chỉ nhiều hay ít, rộng hay hẹp. Và Tổng Bí thư nhấn mạnh, làm việc này không phải vì trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn vì nhân văn, nhân đạo. Như Bác Hồ nói, phải cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây; xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. “Hôm nay các đồng chí hỏi lại tham nhũng, tôi xin khẳng định đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt, vừa qua mới chỉ là hạn chế, ngăn ngừa bước đầu, còn gian nan lắm”, Tổng Bí thư kết luận.
Những khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ khiến dư luận tin tưởng hơn vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, là lời cảnh tỉnh những đối tượng có ý định sai phạm, mà còn là lời khích lệ toàn dân tăng cường vai trò giám sát, để chống tham nhũng phải là động thái thường nhật, là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.