"Cuộc chiến" ngầm âm ỉ của mẹ chồng - nàng dâu

(PLO) - Kể từ ngày về làm dâu, chưa bao giờ không khí trong gia đình chị Hòa (ở Đống Đa, Hà Nội) lại nặng nề đến thế. Mà chuyện có gì đâu, cũng chỉ ba vấn đề xoay quanh việc ăn dặm của bé Thỏ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Mẹ bảo ngồi, bà bế đi
“Thỏ nhà mình tháng này lại không tăng được lạng nào. Khổ, nhìn con ngày càng còi đi mà thấy xót quá. Trước khi đi làm mình đã cẩn thận dậy sớm đi chợ mua đồ rồi nấu sẵn cháo cho con rồi, ông bà ở nhà chỉ việc lấy ra hâm nóng lại cho con ăn là xong. Thế mà hôm nào đi làm về cũng thấy nồi cháo còn y nguyên. 
Hỏi bà, bà bảo Thỏ không chịu ăn cháo mình nấu, bà phải đi nấu nồi cháo khác. Mình định đi quấy bột thì bà lại bảo không cần, nãy vừa cho Thỏ ăn rồi, cũng đừng cho bú không lại no quá. Kệ bà nói, lựa lúc bà ra ngoài mình vạch ti cho con bú thì thấy Thỏ bú ngon lành lắm, chứng tỏ nó đói. Nhưng bà về thấy thế thì lại giận mình ra mặt” - chị Hòa cho hay.
Là một bà mẹ hiện đại nên khi chuẩn bị cho con ăn dặm, chị Hòa đã lên mạng và tìm hiểu rất kỹ càng. Chị đầu tư sắm cho con một chiếc ghế tập ăn bột, với mong muốn con được rèn nếp ăn tập trung, độc lập, đúng giờ. 
Nhưng trái với tâm lý hồ hởi của con dâu, mẹ chồng chị khi nhìn thấy chiếc ghế ăn bột chỉ thốt lên: “Ôi dào. Phí cả tiền. Thà mua chiếc xe đẩy còn có ích hơn”. 
Nghe mẹ nói chị Hòa buồn lắm, nhưng vẫn cố lựa lời giải thích cho mẹ hiểu. Nhưng dường như mẹ chồng chị Hòa không để tâm tới, đến giờ cho cháu ăn bà lại một tay ôm cháu, một tay cầm chén cháo đi rong rẩy khắp xóm. Hoặc khi nào mỏi quá thì bà lại bảo ông lấy trống gõ ầm ĩ để cháu ngồi yên mà đút cháo. 
Chị Hòa khổ sở: “Mình đã giải thích rất nhiều lần cho bà hiểu rằng bế đi ăn rong vừa mệt bà mà lại khiến Thỏ lười ăn thêm vì ăn không tập trung, con sẽ không có cảm giác ngon miệng dễ sinh chán ăn nhưng bà không nghe. Giờ thì đúng là chiếc ghế thành vô dụng thật”.
Chuyện đâu dừng lại ở đó, Thỏ ngày càng lười ăn, mỗi lần cho ăn như đánh vật. Mẹ chồng chị cứ đút muỗng bột vào là cô bé lại phun phì phì văng ra hết quần áo, tay chân. Ban đầu, bà nội còn dỗ dành, nói ngọt, sau thì bà dọa nạt cố ép cháu ăn bằng được. 
“Mình vô tình nghe bà kể rằng hôm nay Thỏ lại không chịu ăn, bà phải bóp miệng ra đút cháo rồi bắt Thỏ nuốt hết mới bỏ tay ra. Mình trong tình huống ấy còn chẳng ăn được nữa là trẻ con. Nó sợ thì ăn sao nổi nữa” - chị Hòa rơm rớm nước mắt.
Thỏ ngày càng lười ăn, ba tháng không lên một lạng nào. So trong bảng tiêu chuẩn cân nặng của trẻ, Thỏ ở mức dọa suy dinh dưỡng cấp độ 2. Nhìn con như vậy, chị Hòa “như ngồi trên đống lửa”. Con đã lười ăn, mẹ lại bận đi làm nên dinh dưỡng của Thỏ chỉ phụ thuộc vào việc bú sữa công thức. 
Nhưng thay vì pha 60ml sữa phải cho hai muỗng bột thì mẹ chồng chị lại chỉ cho một muỗng bột. Mẹ chồng chị giải thích: “Pha loãng ra cho dễ uống, lại đỡ hại thận”. 
“Dầu” chồng châm “lửa” lớn 
Chị Hòa không hài lòng với lời giải thích của mẹ chồng nhưng chị cũng không dám nói lại vì sợ mẹ chồng tự ái. Tối đến, đợi chồng đi làm về chị mới nhẹ nhàng thủ thỉ. 
Nhưng thay vì an ủi, động viên vợ thì chồng chị Hòa lại bảo: “Em mặc kệ mẹ đi. Mẹ có cách chăm con của mẹ. Mẹ cũng nuôi sáu đứa con rồi chứ có phải chưa nuôi bao giờ đâu. Kinh nghiệm của mình chắc gì đã bằng mẹ”.
Nghe chồng nói, chị Hòa càng cảm thấy ấm ức nhưng vẫn cố kiềm chế. Cách đây hai tuần, chị Hòa đau bụng nên xin sếp cho về nghỉ sớm. Đang nằm ở trong phòng chị nghe tiếng mẹ chồng thất thanh. Thì ra bé Thỏ đang tắm bị nôn hết cháo ra người. Chị Hòa chạy vội ra, nhìn con mặt tái mét, khóc thét lên vì sợ. 
Xót con, chị không kiềm chế được nên đã nói lớn: “Sao vừa cho ăn cháo xong mẹ đã cho cháu đi tắm ngay, làm thế sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, làm cháu bị nôn ngay”. 
Nghe chị nói, mẹ chồng chị không bảo gì đi luôn vào phòng. 
Tối đến chồng chị đi làm về, chưa hỏi han vợ đau bụng thế nào đã lớn tiếng hỏi: “Em có thành kiến gì với mẹ à mà mẹ làm gì em cũng không vừa lòng?”. Chị Hòa đứng sững nhìn chồng. 
Bị chồng trách mắng vô cớ cộng với mệt mỏi trong người khiến chị trở lên mất kiềm chế. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại ầm ĩ. 
Có lẽ mâu thuẫn trên không chỉ xuất hiện trong gia đình chị Hòa mà còn xuất hiện ở rất nhiều gia đình khác. Nó vốn chỉ là những vụn vặt của cuộc sống, nhưng nếu không được can thiệp và giải quyết khéo léo thì cũng đủ làm hạnh phúc của gia đình một phen chao đảo. 
Người chồng của chị Hòa, thay vì trách móc vợ thì nên là cầu nối tình cảm giữa mẹ và vợ, càng không nên bên nhẹ, bên nặng để rồi khiến nhà cửa thêm sóng gió. 
Bản thân chị Hòa, càng không nên cố nín nhịn, tránh để ấm ức trong lòng mỗi khi mẹ chồng làm sai mà nên lựa lúc thích hợp, nhắc khéo cho mẹ hiểu. Có như vậy, nhà cửa mới yên bình, lửa hạnh phúc mới bền lâu.

Đọc thêm