Trong suốt thời gian cuộc chiến tranh này diễn ra, Mỹ và các đồng minh đã rải tới 2,5 tỉ tờ truyền đơn xuống các khu vực của quân đội Triều Tiên. Nhưng dù đổ tiền đổ của, đổ công sức vào việc thiết kế, in ấn và rải truyền đơn, song hiệu quả thu được chẳng đáng là bao. Những báo cáo sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc cho thấy, các sĩ quan chỉ huy của Mỹ cũng tự thấy thất vọng với những gì mình đã làm.
Những tờ truyền đơn đậm tính … nghệ thuật
Bắt đầu vào năm 1951, quân đội Mỹ đã huy động đội ngũ thiết kế để tạo ra hàng tá hình mẫu truyền đơn rải xuống Triều Tiên. Những phiên dịch sau đó phải chuyển tải thông điệp đó thành tiếng Triều Tiên và Trung Quốc, bởi Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc chiến này kể từ tháng 10/1950. Sau khi các chỉ huy của Mỹ thông qua thiết kế của các tờ truyền đơn, họ chuyển chúng cho các đơn vị tình báo quân đội.
Các điệp viên sau đó mang những tờ truyền đơn này tới các trại giam giữ tù binh chiến tranh nhằm thu thập phản ứng từ những người lính của kẻ thù. Nếu họ đủ thuyết phục bởi những tờ truyền đơn này, những nhà in ở Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu tung ra hàng nghìn tờ truyền đơn dưới dạng tờ rơi. Cuối cùng, các đơn vị quân đội Mỹ sẽ chính thức vận hành bộ máy in ấn khổng lồ của mình.
Trong khoảng thời gian diễn ra chiến tranh, hầu hết các tờ rơi đều có nội dung thúc giục binh sĩ đối phương đầu hàng và lưu ý rằng họ sẽ được đối xử một cách nhân đạo. Một số tờ rơi khác tuyên bố rằng Triều Tiên và những nhà lãnh đạo của nước này đang gửi binh sĩ vào một con đường dại dột. Các nhà thiết kế thường thêm vào các bức ảnh, truyện tranh theo phong cách đầy tính nghệ thuật.
Bản dịch của một tờ tuyên truyền điển hình sẽ là như thế này: "Nhiều người lính đang vui vẻ đầu hàng. Quân đội đồng minh chắc chắn phải đối xử với họ rất tốt ", hay là: "Vâng! Quân đội đồng minh đảm bảo cuộc sống của những người lính đầu hàng" kèm theo hình ảnh theo kiểu hoạt hình mô tả các binh sĩ Triều Tiên với các tờ rơi trong tay chạy về phía một người lính phương Tây xin đầu hàng.
Hay trong một tờ rơi khác là dòng chữ: “Tại sao tôi lại phải chịu chết trong cuộc tấn công tiếp theo?”, với hình ảnh một người lính đang bị bịt mắt và đi theo tiếng gọi của Thần Chết, để lại đứa con thơ đang gào khóc phía sau. “Tại sao tôi không thể sống sót và trở về với những người yêu thương tôi?”
Công đoạn chuẩn bị truyền đơn |
Đầu tư “khủng”, hiệu quả thấp
Sau khi xuất bản hàng triệu tờ rơi mỗi đợt, nhiệm vụ tiếp theo của quân đội Mỹ là làm thế nào để những tờ truyền đơn này tới được tay các binh sĩ Triều Tiên. Ban đầu, Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng những chiếc máy bay ném bom F-51 hay máy bay trinh thám T-6, và chỉ đơn giản thả những tờ truyền đơn theo từng bó từ buồng lái của họ. Sau đó, quân đội Mỹ và Hàn Quốc huy động tới cả máy bay vận tải C-47 vào việc rải truyền đơn.
Vào tháng 6/1951, các phi đội bay bắt đầu thả “bom truyền đơn” với mật danh "M-105". Mỗi “quả bom” M-105 có thể chứa hơn 35.000 tờ truyền đơn và sẽ tung ra trong không khí giống như bom chùm. Không giống như các bó truyền đơn trước đó, phi công trong máy bay ném bom F-51s và B-26 có khả năng cao hơn trong việc phát tán các tờ truyền đơn này tới đúng mục tiêu. Thêm vào đó, các binh sĩ trên mặt đất có thể bắn cầu vồng vào các bó truyền đơn bằng đạn pháo đặc biệt. Giống như các quả bom, sau khi trúng đạn, các bó truyền đơn sẽ bung ra trong không khí và phát tán các tờ rơi.
Tính từ tháng 1 đến tháng 6/1951, Quân đội Mỹ đã in tới 27 triệu tờ rơi. Trong 6 tháng tiếp theo, số lượng tờ rơi in ra tăng gấp đôi. Trong năm tiếp theo, số lượng tờ rơi đạt mức đỉnh điểm là 12,5 triệu tờ trong một tháng. Trong tháng 8/1952, riêng các đơn bị mặt đất đã phát tán khoảng 20 triệu tờ rơi. Nhưng sau Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1953, Lầu Năm Góc mới phát hiện ra rằng hầu như số truyền đơn đó chẳng được mấy binh sĩ Triều Tiên đọc, chưa nói đến việc hiểu những thông điệp trong đó.
Các báo cáo về cuộc chiến sau đó thừa nhận, Lầu Năm Góc đã không nghiên cứu những địa điểm tốt nhất để rải truyền đơn, và phương pháp “phát tán rộng rãi” trên một phạm vi rộng hoàn toàn không hiệu quả. Khi thả xuống từ trên cao để tránh hỏa lực của kẻ thù, các phi đội rải truyền đơn có rất ít khả năng kiểm soát về vị trí các bó truyền đơn rơi xuống, và việc chế tạo các bó truyền đơn có khả năng bung ra như bom bi cũng không hiệu quả hơn là mấy.
Sau này, khi nói chuyện với các tù binh chiến tranh, các sĩ quan quân đội Mỹ mới biết rằng rất nhiều người trong số họ chưa bao giờ nhìn vào một tờ truyền đơn nào. Các sĩ quan chỉ huy trong quân đội Mỹ sau đó thừa nhận, các lực lượng của Mỹ vốn được huấn luyện các kỹ năng chiến đấu và sinh tồn, và đơn giản là học không quen với hình thức chiến tranh tuyên truyền. “Chiến tranh tuyên truyền khi đó vẫn còn tương đối mới mẻ với quân đội Mỹ” – một sĩ quan của Mỹ sau này đã giải thích trong một báo cáo được viết sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết 4 tháng.
Phi công Mỹ chuẩn bị thực hiện rải truyền đơn |
Truyền đơn đọc cũng … không hiểu!
Không chỉ thiếu kinh nghiệm trong việc rải truyền đơn đúng chỗ, chính những thông điệp mang nặng tính nghệ thuật đã dẫn đến thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh tuyên truyền tại Triều Tiên. Thời điểm diễn ra Chiến tranh Triều Tiên, binh sĩ Mỹ vẫn coi việc chiến đấu với kẻ thù là nhiệm vụ quan trọng nhất, còn viết lách hay giao tiếp chữ nghĩa với kẻ thù bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Với sự nhận thức mơ hồ về toàn bộ chiến dịch, các đơn vị thực hiện chiến tranh tuyên truyền có rất ít nguồn lực về mặt ngôn ngữ cũng như đào tạo cốt lõi khác. Về phần mình, các dịch giả người Trung Quốc và Triều Tiên thường gặp khó khăn trong việc chuyển tải tinh thần của thông điệp thông qua việc sử dụng các từ và cụm từ phù hợp với văn hóa của Triều Tiên và Trung Quốc.
Bản báo cáo năm 1953 về chiến dịch tuyên truyền này ghi nhận: “Toàn bố số lượng chủ đề của truyền đơn mang đều khó hiểu, khiến cho đối phương không biết cách nào mà phản ứng, mà thay vào đó là bị “quay mòng mòng”. Vấn đề lớn hơn là ngôn ngữ trên các tờ rơi và trên loa phát thanh thường quá phức tạp đối với các binh sĩ Triều Tiên và Trung Quốc, bởi nhiều người trong số họ thất học, không biết đọc cũng không biết viết. Nói chung ngôn ngữ ẩn í là quá cao siêu đối với họ.
Sự trợ giúp của đồng minh Hàn Quốc cũng không mang lại tác dụng hơn là mấy. Quân đội Mỹ phàn nàn rằng các nhà thiết kế của Hàn Quốc quá tập trung vào các mối quan tâm chính trị của mình, ví dụ như tuyên bố sự ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực từ sau Thế chiến II, thay vì tập trung vào cuộc xung đột hiện tại giữa hai miền Triều Tiên.
Bản báo cáo về chiến tranh tuyên truyền của Mỹ tại Triều Tiên đã nhìn nhận về sự thất bại của chiến dịch này, đồng thời đề ra phương hướng đào tạo cho các cuộc chiến trong tương lai, đặc biệt chú trọng đến yếu tố cảm quan văn hóa ở những địa bàn khác nhau. Ngoài ra, khía cạnh kỹ thuật của một cuộc chiến tuyên truyền cũng được đề cập. Năm 1961, Tập đoàn Chiến tranh Tâm lý số 7 của Quân đội Mỹ đã xuất bản một cuốn sổ tay về cách thả tờ rơi từ trên không.
Cuốn cẩm nang chứa các đề xuất về những đường bay và các biểu đồ chi tiết về mức độ truyền đơn có thể trôi dạt trong gió ở các độ cao nhất định. Dù vậy, thật không may, Quân đội Mỹ vẫn gặp phải khó khăn tương tự trong Chiến tranh Việt Nam, chủ yếu là do thiếu hiểu biết về văn hoá và bối cảnh lịch sử.
Tuy nhiên, tờ rơi đến nay vẫn là một công cụ trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Vào ngày 15/11/2015, các phi đội của Không quân Mỹ đã thả các tờ truyền đơn bằng tiếng Arab gần Abu Kamal ở Syria như là một phần của cuộc chiến chống lại nền công nghiệp dầu mỏ của Nhà nước Hồi giáo (IS). Phía Mỹ vẫn hy vọng rằng những tờ truyền đơn của Lầu Năm Góc có hiệu quả hơn ở Iraq so với ở Hàn Quốc và Việt Nam, dù rằng điều này sẽ cần có thời gian để kiểm chứng.../.