Người dân cần bình tĩnh
Ngay sau khi công bố ca Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội tối 6/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung kêu gọi người dân Thủ đô bình tĩnh, nhưng vẫn không lơ là. Đồng thời mong người dân nhận thức được nguy cơ lây nhiễm, hiểu mức độ nguy hiểm của dịch.
Khi ở nước ngoài về thì phải tự cách ly, thông báo cho cơ quan y tế, tránh kéo dài mất thời gian vàng cách ly kiểm soát dịch. Ông Chung nhận định Hà Nội có nguy cơ cao nhất phát sinh các ca nhiễm Covid-19 do công dân của gần 90 quốc gia có người nhiễm đang lưu trú hoặc sinh sống trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ với lo lắng của người dân Thủ đô khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng kêu gọi người dân không tích trữ thực phẩm vì TP đủ khả năng cung cấp.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế, không hoang mang theo các thông tin đồn thổi để chung sức chống dịch bệnh.
Thứ trưởng cho rằng, các thông tin như kêu gọi tích trữ lương thực, thậm chí cả vàng là những điều không đúng đắn và nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống còn mạnh hơn thời dịch SARS năm 2003. Việt Nam sẽ kiểm soát được Covid-19 và hiện đủ năng lực để chống dịch bệnh viêm phổi.
Theo lý giải của các chuyên gia y tế, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc có số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Mãi về sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã là quá muộn... đã có nhiều người phải ra đi... Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên.
Tự chăm sóc nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình. Theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh hoang mang. Vắc xin hiệu quả nhất lúc này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình. Người dân tin ở y tế, cơ quan chức năng, tạo niềm tin và động lực cho ngành y tế chống dịch hiệu quả.
Và bản lĩnh Lạc Hồng
Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên thế giới, tuần qua tại Hà Nội, các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế tổ chức ra mắt 2 ứng dụng (app) gồm: Ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: Trước đây, trong giai đoạn kháng chiến, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết, cùng nhau chiến thắng. Giờ đây, đúng với tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chống dịch như chống giặc”, toàn dân ta lại tập trung chống dịch Covid-19 và đã đạt được kết quả bước đầu.
Hiện Việt Nam đang bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến. Dịch Covid-19 đã vào Việt Nam từ nhiều phía, vì vậy chúng ta cần cảnh giác, quyết tâm, tự tin hơn. Tự tin bởi giai đoạn một chúng ta đã có kinh nghiệm, lường trước mọi tình huống với sự tham gia của người dân. Ở đâu có dịch, ở đó có người dân tham gia phòng, chống.
Chúng ta có hệ thống chính trị điều hành thống nhất, dưới sự điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ... Chúng ta có lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh; có lực lượng thầy thuốc với nhiều chuyên gia giỏi; hợp tác quốc tế rộng khắp - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống dịch Covid -19, người dân có thể tham gia bằng nhiều việc làm, nhiều hình thức, trong đó có việc tham gia cung cấp thông tin, tương tác hai chiều với cơ quan quản lý về sức khỏe… “Khi có giặc, có khó khăn, người Việt Nam sẽ nắm chặt tay nhau cùng vượt qua…”.
Trước đó, trong 1 clip dài 8 phút, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông tin là chúng ta sẽ tiếp tục thành công nếu toàn dân đồng lòng.
“Từ hơn 2 ngày nay, chúng ta bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 này khó hơn giai đoạn 1 nhiều. Bởi lẽ, dịch bệnh bây giờ đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn dịch bệnh từ hơn 100 ngả thay vì vài ngả như trước đây. Và thực tế là con virus này đã vào trong chúng ta rồi, đang âm thầm mai phục, nếu chúng ta không làm tốt thì trong đánh ra, ngoài đánh vào.
Khó khăn là thế nhưng chúng ta đã lường trước mọi tình huống. Chúng ta có kịch bản và sẵn sàng ứng phó, ngay kể cả khi có hàng ngàn người bị nhiễm. Cho nên một vài ngày tới đây, nếu có một vài chục, thậm chí hàng trăm ca nhiễm thì cũng hoàn toàn không có gì bất ngờ.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì các nguyên tắc cơ bản của chống dịch. Đấy là ngăn chặn. Đấy là phát hiện. Đấy là cách ly. Đấy là khoanh vùng. Và đấy là dập. Khi con virus đã nằm trong Việt Nam chúng ta rồi thì phát hiện sớm, phát hiện ngay là vô cùng quan trọng.
Làm tốt những điều khuyến cáo kèm theo việc điều trị. Cứ ai bị nhiễm thì chúng ta điều trị khỏi bệnh. Dù có nhiều ca nhiễm. Dù con virus này đáng sợ ở đâu thì với Việt Nam ta, chúng cũng không làm gì được. Tôi muốn nói cuối cùng, nếu chúng ta đồng lòng, toàn bộ người dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch thì Việt Nam sẽ chiến thắng như dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần chiến thắng”.
Và với bệnh nhân thứ 32, Tiên Nguyễn - bệnh nhân được người nhà thuê máy bay riêng, có phòng cách ly trên máy bay, đưa bệnh nhân bay từ Anh về Việt Nam, hạ cánh lúc 08h15 tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9/3/2020. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-Time RT-PCR lúc 19h30 ngày 09/3/2020. Hiện bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi…
Lý do cô trở về khi đã phát bệnh là bởi, ở Anh cô được khuyến cáo chỉ cách ly tại nhà. Tiên Nguyễn viết trên trang cá nhân: “Vì sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, ba thu xếp máy bay riêng đưa tôi về Việt Nam sáng nay. Tôi đã tuân thủ quy định cách ly của Việt Nam. Xin cảm ơn vì tất cả”…
Trên trang cá nhân, không ít cộng đồng mạng chia sẻ niềm tin tưởng: “Cứu nhân như cứu hoả. Và việc Anh chậm xét nghiệm cho F1, trong khi Việt Nam xác định “chống dịch như chống giặc” cho thấy ngành y tế Việt Nam và Chính phủ đang làm tốt như thế nào”...
Cùng với đó, bày tỏ niềm tin yêu, cộng đồng mạng cũng chia sẻ không ít những bài thơ xúc động:
“Bản lĩnh dân tộc có từ thuở cờ lau
Từ hồng hoang đã cùng nhau dựng nước
Triệu trái tim cùng hướng về phía trước
Dòng máu Lạc Hồng dẫn bước chúng ta đi
Bản lĩnh dân tộc chiến đấu với Cô-vi
Lại sáng lên như những gì trước đó
Bởi kẻ thù không dễ nhìn thấy nó
Sức mạnh đại đoàn sẽ soi tỏ cho ta
Bản lĩnh Lạc Hồng là hãy nắm tay nhau
Trọn niềm tin cùng con tàu vượt ải
Thà mất đi muôn vạn phần của cải
Ta không thể nào bỏ ai lại phía sau”...
(Bản lĩnh Lạc Hồng - 8/3/2020)
Vắc xin của người Việt là tinh thần vượt khó
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ luôn nắm rõ mọi tình hình, vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, có phương án, kịch bản chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan để hành động. Sẵn sàng hi sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân.
“Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ, sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân gia đình, bảo vệ cộng đồng…
Tâm lý lo sợ của người dân còn nguy hiểm hơn là bệnh dịch. “Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch bệnh trong thời gian tới”. Tất cả người dân, mỗi cán bộ công chức, các lực lượng vũ trang cần có những biện pháp phù hợp, tự bảo vệ mình, gia đình mình, coi vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ, lành mạnh như thói quen hằng ngày, ăn ở lành mạnh và lạc quan, tránh tụ tập đông người, hạn chế hội họp, giao lưu không cần thiết.
Bình tĩnh nhưng không duy ý chí, không được chủ quan, cố gắng duy trì thói quen tốt của người dân như tập luyện thể dục thể thao và những hoạt động giữ gìn sức khỏe...
Nhắc lại phương châm “vắc xin có sẵn của người Việt Nam là tinh thần vượt khó, đoàn kết, sự kiên cường, càng khó càng mạnh mẽ, càng tiến lên”, Thủ tướng nêu rõ, trận chiến chống dịch bệnh có thể kéo dài nhưng dân tộc chúng ta là dân tộc bền chí, càng đánh càng giỏi, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà là thắng lợi kép..