Cuộc đoàn tụ cảm động sau 46 năm thất lạc vợ con

(PLO) - “Có những lúc tưởng chừng chúng tôi gặp nhau nhưng lại ngược hướng. Tôi vào Nam tìm vợ con, còn hai đứa con lại ngược về miền Trung tìm tôi. Nhưng con chim nào rồi cũng tìm được về tổ…
Tấm hình chụp từ năm 1969, kỷ vật duy nhất còn sót lại
Tấm hình chụp từ năm 1969, kỷ vật duy nhất còn sót lại
Chiến tranh ác liệt, bom đạn triền miên, gia đình ông Nguyễn Minh Tú (SN 1930, ngụ thôn Phước Hà, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thất lạc nhau từ năm 1970. 
Trong suốt 46 năm, ông Tú đi tìm vợ là bà Nguyễn Thị Loan (SN 1942, ngụ ấp Vườn Ngô, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và ba đứa con trai.  
Ly tán 
Chiều cuối năm, ông Tú vẫn còn nấn ná lại cùng vợ con ở ấp Vườn Ngô, cả nhà mới chỉ đoàn tụ được gần hai tháng nên quyến luyến không rời. Ông Tú trầm ngâm ôn lại chuyện đời:
“Năm 1956, tôi vào Sài Gòn sinh sống. Đến năm 1958 thì đi lính cho chế độ Sài Gòn và cưới bà Loan, khi đó ở Củ Chi. Rồi tôi được điều chuyển về huyện Trảng Bom (trước đây là quận Đức Tu thuộc tỉnh Biên Hòa). Tôi sinh được ba người con là Nguyễn Văn Tuấn (SN 1962), Nguyễn Văn Nhân (SN 1966) và Nguyễn Văn Đức (SN 1968). Sau đó, tôi được điều chuyển về tỉnh Quảng Tín (nay là huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)”.
Những năm 1968 – 1970, chiến trường miền Trung vô cùng khốc liệt, bom đạn Mỹ rải thảm suốt ngày đêm. Cùng với đó là những cuộc giao tranh ác liệt. Ông Tú đưa ra quyết định khiến gia đình ly tán suốt nửa thế kỷ: 
“Tôi bảo vợ con về lại Biên Hòa, dù gì ở trong đó bom đạn ít hơn, không nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1970, vợ tôi đưa ba đứa con vào Nam. Năm 1971, tôi  có vào thăm một lần. Năm 1972, tôi tiếp tục vào thăm một lần nữa rồi trở lại Quảng Nam. Chính năm đó, tôi bị thương ở chân phải nằm nhà thương Huế điều trị hết sáu tháng. Sau đó tôi đi học cho đến ngày giải phóng”.
Từ ngày ông Tú bị thương, mọi liên lạc với vợ con trong Nam gần như bị cắt đứt. Còn bà Loan ở miền Nam không thấy chồng vào thăm, nghĩ rằng chồng đã chết. 
Ông Tú hồi ức lại quãng thời gian lang thang khắp nơi tìm kiếm vợ con
 Ông Tú hồi ức lại quãng thời gian lang thang khắp nơi tìm kiếm vợ con
Rồi ông Tú vào hợp tác xã, lấy thêm người vợ khác, sinh thêm ba người con. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, thiếu ăn, phương tiện đi lại không dễ dàng. Mải lo cho những con của người vợ sau nhưng trong tâm trí ông Tú lúc nào cũng nhớ đến vợ và ba người con trước. Càng lớn tuổi, mong muốn tìm được vợ con càng nung nấu.
Kiếm tìm
Gần 80 tuổi, khi vợ sau mất, các con trưởng thành, nhà có cái ăn cái để, ông Tú lại khăn gói xuôi Nam tìm kiếm. 
Ông bắt đầu cuộc tìm kiếm từ năm 2008. Với những ký ức còn sót lại, ông tìm đến chợ Bến Thành, nơi gia đình ông từng sống và có một vài người quen. 
Những chuyến đi dài hàng tháng trời, ông dạo khắp chợ Trảng Bom mong tìm được người thân của gia đình vợ. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng, không ai biết, không ai hay. Bệnh nặng, ông vẫn miệt mài tìm kiếm, mong gặp lại vợ con trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Trong tay ông chỉ là một ít thông tin về tên vợ, con và một tấm hình bạc màu chụp cả gia đình vào năm 1969 trước khi chia tay. Có hai tấm hình, một tấm ông giữ, một tấm bà Loan giữ. 
Cả hai tấm hình đều có chung một bài thơ: “Em về Sài Gòn, anh ở đây/ Vắng bóng em đi, anh buồn thảm/ Nhớ nhau em giữ, vẹn lời thề/ Ngày mai anh về phép gặp em”. Ngoài ra còn ghi ước nguyện “Hạnh phúc bên nhau, mãi mãi trọng đời”, viết ngày 9/4/1969.
Ông Tú không biết rằng khi ông vào Nam tìm vợ con thì hai đứa con trai đầu của ông cũng ngược đường ra miền Trung tìm cha. Bà Loan kể: “Từ ngày thất lạc chồng, không có tung tích gì, lại nghe tình hình chiến sự ngoài đó ác liệt, tôi cứ nghĩ ổng đã chết. Thế nên hằng năm tôi chọn một ngày trong tháng 11, nhằm tháng 11/1972, lần cuối cùng ông về thăm, làm ngày giỗ. Nhưng con chim phải tìm về tổ, dù cha đã chết thì các con cũng phải tìm về tổ tiên, gia tộc. Thế nên tôi hối thúc mấy đứa con đi tìm”.
Bản thân bà Loan sau năm 1975 cũng kết duyên với người đàn ông khác và có thêm mấy người con. Và sau đó người chồng mới mất, một mình bà Loan lo toan cho những đứa con có gia đình riêng, không giàu có nhưng ai cũng có đồng ra đồng vào.
Nhớ lại những ngày tìm kiếm, bà Loan nói: “Cuộc đời đôi lúc thật trớ trêu. Khi ông Tú lang thang ở chợ Trảng Bom để tìm vợ con thì ở gần đó, thằng Tuấn với thằng Nhân cũng xách ba lô đón xe ra Quảng Nam. Vì ra ngoài đó sống có một một năm trong khu tạm trú ở Tam Kỳ nên tôi không nhớ được cụ thể là chỗ nào. Hai đứa con tìm đến nơi, người ta bảo các hộ đều đã chuyển về quê cũ từ sau giải phóng”.
Mất vài lần tìm cha mà không thấy tung tích ở đâu, thời gian sau anh Nhân đổ bệnh rồi mất, cuộc tìm kiếm quê cha đất tổ phải tạm dừng.  
Đoàn tụ  
Trở về quê sau nhiều cuộc tìm kiếm bất thành, ông Tú buộc lòng phải nhờ tới báo đài. Ông viết thư đến một chương trình chuyên tìm kiếm người thân, cung cấp thông tin nhờ tìm kiếm vợ con giúp mình. Ông Tú kể: “Chương trình có đội ngũ tìm kiếm chuyên nghiệp. Họ kaij có đủ giấy tờ tiếp cận thông tin từ phía công an hoặc hồ sơ lưu trữ ở cấp tỉnh. Tôi nghĩ rằng chỉ có họ mới giúp được nên làm đơn”.
Đôi vợ chồng đoàn viên sau 46 năm lưu lạc
 Đôi vợ chồng đoàn viên sau 46 năm lưu lạc
Viết thư cho chương trình xong, ông ngày đêm mong chờ cuộc gọi điện thoại báo tin. Một năm trời chờ đợi cuộc điện thoại của chương trình với ông Tú dài như thế kỷ. “Bất ngờ ngày 4/11 chương trình gọi điện bảo tôi vào Sài Gòn ghi hình vào ngày 7/11. Ban đầu họ chỉ bảo ghi hình để tìm kiếm. Nhưng tôi biết chắc họ đã tìm được vợ con tôi. Ngay lập tức tôi cùng ba đứa con của người vợ sau và 10 người cháu đón xe đi ngay”, ông nhớ lại.
Phút gặp lại vợ con ở trường quay, ông Tú gần như ngất đi vì sung sướng, vì được đoàn tụ sau 46 năm chia cách. Ông chia sẻ: “Tôi hạnh phúc lắm. Năm nay đã 86 tuổi, nếu như chậm thêm vài năm nữa, không biết còn sống để gặp được vợ con hay không”.
Ông Tú kéo cả nhà từ quê Quảng Nam về Trảng Bom để thăm vợ con. Bỏ qua câu chuyện con chung con riêng, đại gia đình họp mặt trong niềm vui sướng./.

Đọc thêm