Cuộc giải cứu động trời em bé bên miệng huyệt mộ

(PLO) - “Nếu không có ông ấy dám bước qua lời nguyền ma quái, người Ma Coong mình ngày nay vẫn đắm chìm trong những hủ tục man rợ đến rợn người. Ông ấy không chỉ cứu sống một đứa bé vô tội, mà đã cứu tộc người Ma Coong thoát khỏi mông muội” - già làng Đinh Xon nói về ông Nguyễn Xuân Diệu, người mà cách đây 20 năm đã cứu một đứa bé bên miệng huyệt khi dân bản chuẩn bị chôn sống theo mẹ.
Ông bà Diệu, Nhoan rất tự hào khi nói về Nguyễn Văn Vinh (cu Đường).
Ông bà Diệu, Nhoan rất tự hào khi nói về Nguyễn Văn Vinh (cu Đường).
Nên duyên từ ân nghĩa
Sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, ngôi nhà nhỏ xinh xắn của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Diệu và bà Y Nhoan nằm bên dòng suối Cấm, chảy qua trung tâm xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Bên cốc nước nấu từ lá rừng bốc hơi nghi ngút trong một buổi sáng chớm lạnh đầu đông, ông Diệu rưng rưng kể về một thời trai trẻ, về số phận đưa đẩy ông là người Kinh đầu tiên làm rể của tộc người Ma Coong, về những ngày tháng nghiệt ngã khi ông dám can dự vào những hủ tục man rợ của người bản địa...
Ông Diệu xuất thân trong gia đình chuyên đóng giày ở thôn Vĩ Dạ, huyện Hương Phú, TP Huế. Năm 1990, mới 21 tuổi, ông gom hết vốn liếng theo bạn bè ra chốn rừng thiêng nước độc miền Tây Quảng Bình buôn phế liệu chiến tranh. Sau những ngày tháng luồn rừng, ông bị sốt rét ác tính. Quân y của đồn Biên phòng Cà Roòng ngày ấy đành bó tay, còn nếu chuyển ông về xuôi thì không kịp vì đi bộ mất 3 ngày, 3 đêm. Khi gần như cầm chắc cái chết, ông may mắn gặp được chủ đất Đinh Keo.
Đinh Keo đã cõng ông về nhà, không quản nắng mưa, vượt núi, xuyên rừng tìm lá thuốc bí truyền về giải bệnh. Chỉ trong vòng 3 ngày, ông đã cắt được sốt, người dần tỉnh lại. Thời điểm đó, cũng là lúc Y Nhoan, con gái của Đinh Keo ôm 2 đứa con thơ dại từ nhà chồng về, vì không chịu nổi những trận đòn roi vô cớ của chồng. 
Là một phụ nữ đảm đang, hằng ngày Y Nhoan xuống suối bắt cá, bẫy thú nấu cháo bồi dưỡng cho ông. Được cứu sống từ tay thần chết, cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của hai cha con, ông Diệu quyết định ở lại đại ngàn Trường Sơn, xây dựng gia đình cùng Y Nhoan.
Cuộc giải cứu động trời
Một ngày mùa hè năm 1995, cũng như bao lần khác, tộc người Ma Coong đau xót tiễn đưa một phụ nữ tâm thân bị chết vì băng huyết sau sinh và bé trai vừa mới lọt lòng. Có mặt trong đám tang, chứng kiến cảnh đứa bé khóc ngặt nghẽo, sâu thẳm trong ý nghĩ của ông, cần phải cứu đứa bé này. 
Sau 5 năm có mặt ở Ma Coong, ông đã nhiều lần chứng kiến cái cách mà người ta chôn sống đứa bé theo mẹ. Mỗi lần như thế, tiếng khóc ré của đứa trẻ trước khi vĩnh biệt cuộc đời cứ ám ảnh ông không dứt.
Ông bí mật lôi bố vợ ra một góc, nói nhỏ về ý định của mình. Đinh Keo vừa nghe qua câu chuyện, mặt đã tái nhợt, lắp bắp: “Không được đâu con ơi, đây là tục lệ từ xưa để lại rồi, không làm khác được. Nếu con làm liều, con ma rừng sẽ về quấy phá dân bản, con gánh không nổi đâu. Con biết không, nếu nuôi nó không sống được, con phải nộp phạt cho dân bản 12 con trâu, 12 con bò, 12 con heo và 12 con gà. Chưa kể dân bản ai đau ốm con phải bỏ tiền thuê thầy mo, mất mùa con phải đền, khái (hổ) mà ăn mất trâu bò, con cũng phải đền...”.
Không hy vọng đồng thuận của bố vợ, ông lại kéo vợ ra một góc để thuyết phục, vợ ông chối đây đẩy. Nhưng sau một hồi năn nỉ, vợ ông đồng ý và bí mật lên kế hoạch giải cứu đứa bé. “Đến giờ tui vẫn không tin mình lại làm được chuyện động trời như thế. Khi tui nói không được, thấy ông ấy thất vọng, mặt buồn như con nai mẹ mất con. Thương ông ấy quá, tui đánh liều đồng ý và chấp nhận đón chờ một sự trừng phạt ghê gớm từ con ma rừng và dân bản”, bà Y Nhoang tâm sự.
Trở lại câu chuyện, khi dân bản đặt người mẹ vào trong huyệt, một người bế đứa bé trao cho già làng để đặt lên bụng mẹ trước khi lấp đất, ông nhanh nhảu chìa tay bế giúp. Mọi người không mảy may cảnh giác, bất ngờ ông ôm đứa bé chạy thục mạng vào rừng. Sau giây lát ngớ người, dân làng hè nhau đuổi theo ông để bắt đứa bé trở lại huyệt. Nhờ có chuẩn bị từ trước, bà Y Nhoan đã có mặt bên bờ suối, dẫn ông vào một cái hang ẩn náu.
Tìm đến tối không thấy tăm hơi của ông, dân bản mới lục đục kéo về. Ông để vợ và đứa bé ở lại trong hang, còn mình bí mật luồn rừng tìm đến đồn Biên phòng báo cáo sự việc và xin cái ăn cho đứa bé. Ngặt nỗi, lính Biên phòng thời đó cũng rất khó khăn, dốc hết hộp đường cũng chỉ được vài thìa. Không có sữa, những người lính Biên phòng đành lấy gạo nấu thành nước, trộn với đường để ông mang về. Trốn ở hang hơn 1 tuần, khi dân bản đã bớt phẫn nộ, ông cùng vợ lén lút mang đứa bé về bản.
Chuyện cu Đường
Ông Diệu nhớ lại: Vì sinh thiếu tháng, lại không có sữa mẹ, đứa bé ngày càng quắt queo, chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay người lớn. Ông phải cậy nhờ những người lính Biên phòng.
Để có được gạo nấu cháo và đường cho đứa bé, những người lính Biên phòng phải “báo ốm”. Mỗi suất “ốm” được cấp thêm 1kg gạo, 1 lạng đường nhưng vẫn không đủ cho bé. Họ đành phải báo ốm liên tục, thậm chí một lúc vài ba người ốm. Cấp trên thấy lạ, lên kiểm tra mới vỡ lẽ, về báo lại với huyện, lúc đó đứa bé mới có thêm 1 tháng 28.000 đồng tiền trợ cấp và nhiều tổ chức, cá nhân trợ giúp thêm. 
Góc học tập của Nguyễn Văn Vinh (cu Đường) ở ký túc xá.
Góc học tập của Nguyễn Văn Vinh (cu Đường) ở ký túc xá. 
“Nếu không có gạo với đường của Biên phòng thì nó không thể nào sống nổi, nên tui đặt tên ở nhà là cu Đường để nhớ ơn bộ đội Biên phòng, còn tên khai sinh của nó là Nguyễn Văn Vinh”, ông Diệu kể.
Bà Y Nhoan nhớ lại: “Hơn 3 tháng trời tui không đêm nào ngủ, nó khóc ngặt nghẽo nên tui cứ phải ngồi bế. Vì ăn quá nhiều đường nó bị đau bụng, cứ ăn vô đằng trước là ra đằng sau. May nhà có thuốc gia truyền nên cầm cự được, ai đến cũng nói không thể nuôi được. Rứa mà sau 3 tháng 10 ngày, nó lớn nhanh như thổi”.
Cu Đường lớn lên trong vòng tay của ông bà Diệu, Nhoan và những người lính Biên phòng, còn dân bản thì lạnh nhạt, họ cho rằng cu Đường không phải là người mà là ma. Những năm đầu đi học, cu Đường gặp không ít cảnh trớ trêu, tủi nhục nhưng em đã vượt qua tất cả để khẳng định mình. Thế rồi, cu Đường học hành tấn tới và thi đậu vào Đại học Quảng Bình.
Nhắc đến cu Đường, cả ông Diệu bà Nhoan rất tự hào: “Nó ngoan và hiền lắm. Đi học đại học rồi nhưng mỗi lần về nhà là giặt áo quần cho cha mẹ, hái củi cất trữ để mẹ dùng. Giờ cả bản ai cũng kính trọng vì nó là người học cao nhất. Mỗi lần nó về nhà, từ lớn đến bé trong bản đều tụ tập đầy nhà, nghe nó kể chuyện thành phố. Có việc nặng trong nhà, nó chỉ ới một tiếng là cả chục người đến giúp”, ông Diệu tự hào kể.
Đưa cái chữ về bản để xóa nghèo
Hiện Nguyễn Văn Vinh (cu Đường) đã là sinh viên năm thứ hai của lớp Đại học tiểu học K56, Trường Đại học Quảng Bình. Không còn là một cậu bé nhút nhát, rụt rè như hồi đầu mới vào nhập học, giờ Vinh là một cây văn nghệ xuất sắc của lớp, giọng hát em âm vang, trầm ấm như lời ru của núi rừng Trường Sơn.
Biết được hoàn cảnh khó khăn, éo le của em nên các thầy cô giáo và bạn bè rất thương và nhiệt tình giúp đỡ. Thầy Vương Kim Thành, Trưởng phòng Công tác Sinh viên cho biết: “Em Nguyễn Văn Vinh là trường hợp đặc biệt về hoàn cảnh và cả nghị lực vươn lên, là một sinh viên gương mẫu nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để cho em hoàn thành ước mơ của mình”.
Từ lúc nhập học, Vinh luôn tìm tòi và học hỏi các bạn, các anh chị đi trước những môn học khó “Em luyện tiếng Việt chưa được tốt nên hồi mới vào đây, em ngại nhất là môn tiếng Anh. Nhưng không sao anh ơi, bựa ni em không sợ hắn nữa rồi”. Vinh nhoẻn miệng cười khi kể về những khó khăn ngày đầu. Được biết, em đang làm thủ tục để thi Toeic, đề thi tiếng Anh dành cho sinh viên năm cuối.
“Ước mơ của em là được làm giáo viên, em muốn đưa cái chữ về cho bà con dân bản, xóa đi sự nghèo khổ cùng cực, giúp bà con dân bản vươn lên, thoát cảnh sống dựa vào núi rừng. Em đã được ba mẹ em cướp về từ bàn tay tử thần và em muốn làm những việc tốt để em sống có ý nghĩa và không phụ công nuôi dưỡng của mẹ cha”, Vinh háo hức nói về ước mơ của mình.
Vinh được miễn học phí và tiền ở ký túc xá, em còn được Ban quản lý ký túc xá đặc cách cho nấu ăn tại phòng, nhưng không vì thế mà Vinh tỏ ra ỷ lại. Vinh đăng ký làm nhân viên giữ xe cho trường trong những giờ rảnh và làm thêm ở quán ăn để tạo thêm thu nhập, chi trả những khoản tiền học thêm.
Lớp Vinh có hơn 55 thành viên nhưng chỉ có 3 bạn nam và Vinh là chỗ dựa cho tập thể lớp, luôn đi đầu trong các phong trào đoàn, hội. Khi tôi gặp em cũng là lúc em đang cất cao giọng hát để tập cho chương trình văn nghệ chào mừng ngày phụ nữ 20/10. Giọng hát em như xóa tan mọi khoảng cách, làm lu mờ những khó khăn em đã trải qua và hiện rõ trên khuôn mặt em là một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười cho ngày mai sáng tươi.
Cô Hoàng Thị Lê, giáo viên phụ trách lớp Đại học tiểu học K56 cho biết “Vinh là một học sinh ngoan, cần cù và biết lắng nghe, có tinh thần học hỏi. Khi mới biết hoàn cảnh của em, ai cũng tỏ ra ái ngại nhưng đến nay thì Vinh đã khẳng định được em sẽ là một giáo viên trong tương lai”.

Đọc thêm