Cuộc họp “nhạy cảm”
15 giờ ngày 15/12, tại hội trường UBND tỉnh Kiên Giang, Đoàn công tác liên ngành Chính phủ gồm đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc nhằm “kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg và Công điện 1329/CĐ-TTg”.
Tuy nhiên, nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh vụ 4 tàu cá và 61 ngư dân Kiên Giang bị Indonesia bắt giữ. Hai chủ tàu, ông Trương Văn Ngữ và ông Trần Văn Hon cùng 4 thuyền trưởng của 4 chiếc tàu bị bán sang Indonesia được mời tham dự.
Trước đó, liên tục từ đầu tháng 12 đến nay, PLVN đã có loạt bài phản ánh vụ 4 tàu cá của ngư dân Kiên Giang bị ông Đỗ Anh Dũng - Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Đại Dương (Cty Đại Dương) lừa bán cho Cty Papua Fishery Indonesia (Cty Papua) do ông Nguyễn Trấn Biên làm đại diện tại Việt Nam. Sau khi báo phát hành, dư luận hết sức quan tâm đến vụ việc nghiêm trọng này.
Thông tin Thứ trưởng Tám cùng Đoàn công tác liên ngành đến làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, trong đó nội dung liên quan đến vụ việc lập tức được phóng viên nhiều cơ quan báo chí, truyền hình “săn đón”.
Từ đầu giờ chiều 15/12, các phóng viên đã có mặt tại hội trường UBND tỉnh. Nhưng khi vừa bước vào hội trường, thấy báo giới thì hai vị chủ tọa là Thứ trưởng Tám và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đã trao đổi với nhau và quyết định mời tất cả giới truyền thông ra khỏi hội trường, lý do: “Vì đây là buổi làm việc có tính chất nhạy cảm”!?
Lãnh hội ý kiến từ lãnh đạo, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã lịch sự mời cánh nhà báo ra ngoài. Thấy vô lý, cánh nhà báo vẫn ngồi lại thì Phó Chủ tịch Nhịn lên tiếng: “Mời anh chị nhà báo ra ngoài, cuối buổi họp, đại diện của chính quyền địa phương và Đoàn công tác liên ngành Chính phủ sẽ có họp báo với anh chị”. Sau lời phát biểu đó thì buổi làm việc mới được bắt đầu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nội dung kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg và Công điện 1329/CĐ-TTg được đại diện Sở NN&PTNN tỉnh Kiên Giang báo cáo nhanh gọn. Và vấn đề thứ hai trở thành nội dung chính, đại diện Sở NN&PTNN báo cáo toàn bộ diễn biến câu chuyện Cty Đại Dương đến Kiên Giang để ký kết hợp đồng hợp tác với chủ tàu và những thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện để ngư dân đưa tàu ra đánh bắt cá tại vùng biển nước ngoài.
Báo cáo này bị gián đoạn bởi bên ngoài hội trường cánh nhà báo vẫn tác nghiệp, máy quay, máy ghi âm nhét qua khe cửa. Không may bị phát hiện và được báo cáo lên hai vị chủ tọa nên “chỉ thị” được phát ra, tất cả cả rèm cửa hội trường được kéo lên để bên trong nhìn thấy bên ngoài.
Trong hội trường, một nhà báo đã nhét vào túi một chủ tàu chiếc máy ghi âm, ông này không biết sử dụng nên máy cứ vô tư phát ra tiếng kêu rẹt rẹt. Hành vi của chủ tàu với máy ghi âm của nhà báo cũng không qua được mắt Đoàn kiểm tra liên ngành Chính phủ. Lại báo cáo hai chủ tọa, lập tức tất cả micro trong hội trường đều bị tắt và đại biểu chỉ phát biểu... vừa đủ nghe.
Đại diện Sở NN&PTNN tiếp tục phát biểu về trách nhiệm của các bên liên quan. Theo Sở này, Cty Đại Dương chưa thực hiện đúng qui định của nước Indonesia khi đưa tàu sang hoạt động khai thác (chưa có giấy phép đánh bắt, nghề khai thác không phù hợp, khai thác sai khu vực cho phép) và không thực hiện đúng hợp đồng hợp tác với chủ tàu.
Về phía chủ tàu, khi chưa được Indonesia cấp phép khai thác nhưng vẫn tự ý đưa tàu đi khai thác tại vùng biển Indonesia. Cuối cùng là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan và địa phương chưa cao trong việc tìm giải pháp cũng như cách giải quyết để sớm đưa 4 tàu cá và 61 ngư dân về nước.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Kiên Giang phát biểu: “Thủ tục đưa tàu đi, Sở nhận được gần 30 văn bản khác nhau nhưng chúng tôi không thấy Cty Đại Dương nộp giấy phép của Indonesia cho phép tàu Cty Đại Dương được khai thác tại vùng biển của họ... Chúng tôi kết hợp Cơ quan CSĐT gửi công hàm yêu cầu phía Đại sứ quán Indonesia cung cấp hồ sơ pháp lý của Cty Papua nhưng đến nay vẫn chưa có. Từ đó phía Việt Nam không biết Cty Papua này có giấy phép đánh bắt thủy sản hay không mà đi ký hợp đồng với Cty Đại Dương đánh bắt thủy sản tại vùng biển Indonesia”.
Từ ý kiến trên, vị này đặt ra câu hỏi: Cty Đại Dương có giấy phép đánh bắt thủy sản tại vùng biển Indonesia hay không mà Tổng cục Thủy sản cấp phép cho Cty này được phép đi đánh bắt ngoài vùng biển Việt Nam? Câu hỏi này không được đại diện của Tổng cục Thủy sản trả lời và chứng minh bằng văn bản cụ thể.
Như vậy, vấn đề pháp lý đặt ra là, Cty Đại Dương có hay không giấy phép của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cấp phép cho tàu của Cty này được phép đánh bắt tại vùng biển Indonesia? Tổng cục Thủy sản dựa trên cơ sở nào cấp phép cho Cty Đại Dương đưa tàu đi đánh bắt thủy sản tại vùng biển Indonesia?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.