“Vô cảm” trước mất mát của ngư dân
Trở lại thời gian trước khi hai chủ tàu (ông Ngữ và ông Hon - thuộc Hội Nghề cá TP.Rạch Giá - Kiên Giang) gặp ông Đỗ Anh Dũng (Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư Phát triển Đại Dương - Cty Đại Dương) và ông Nguyễn Trần Biên (đại diện Cty Papua, Indonesia), có thể thấy vai trò quản lý nhà nước của tỉnh Kiên Giang trong vụ việc này rất quan trọng.
PLVN đã liện hệ với ông Trần Chí Diễn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thời điểm đó (nay là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) - người trực tiếp tổ chức Hội thảo “Một ngư trường ngoài vùng biển Việt Nam cho các chủ tàu đánh cá xa bờ”. Nội dung PLVN cần làm rõ như sau: Có hay không công văn, thư ngỏ của Bộ NN&PTNT gửi Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang về việc tổ chức hội thảo, kết nối ngư dân gặp Cty Đại Dương? Nếu có, cụ thể là công văn của Bộ hay công văn, thư ngỏ của Tổng cục Thủy sản? Trên cơ sở nào mà ông Diễn đề xuất với UBND tỉnh cho phép tổ chức hội thảo? Kinh phí hội thảo do ai chịu, ngư dân hay Cty Đại Dương, hay là ngân sách của UBND tỉnh Kiên Giang?… Rất tiếc, ông Diễn trả lời: “Tôi đã chuyển công tác khác nên nhà báo muốn biết thì liên hệ với Sở NN&PTNT”.
Ngày hôm sau (3/12), ông Diễn chủ động liên lạc với PLVN và nói: “Bây giờ là 13 giờ 30, tôi rảnh đến 15 giờ, anh (tức phóng viên) cần gì thì đến gặp tôi, sau giờ đó là tôi bận”. Lúc này phóng viên đang trên đường đi công tác tại địa bàn khác nên không gặp ông Diễn được. Những nghi vấn mà dư luận đặt ra đến nay vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền tỉnh Kiên Giang trả lời thấu đáo. Nếu không có cuộc hội thảo do Sở NN&PTNT tổ chức, có sự hiện diện của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Sa, thì chưa chắc ngư dân đã tin tưởng để rồi “gửi trứng cho ác” đối với Cty Đại Dương. Thế nhưng cho đến nay, không một cơ quan thẩm quyền nào của tỉnh Kiên Giang có động thái gì với ngư dân dù chỉ một lời chia sẻ, thăm hỏi an ủi…
Tiếp sau buổi hội thảo là lễ đưa tiễn 8 chiếc tàu của ông Ngữ và ông Hon lên đường ra khơi được tổ chức long trọng, có sự góp mặt của đại diện Cty Đại Dương, Cty Papua, hai chủ tàu cùng một số cơ quan, ban, ngành liên quan của tỉnh Kiên Giang, cũng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Sa chủ trì và phát lệnh cho tàu ra khơi. Thế mà khi 4 chiếc tàu bị bắt ngoài khơi Indonesia, gần như chỉ ngư dân tự cứu lấy mình và giải cứu cho 61 thủy thủ đoàn. Không biết bám víu vào đâu, hai chủ tàu tự lặn lội qua Indonesia thuê luật sư để tự giải quyết mọi việc.
Hai chủ tàu thuê luật sư tại Indonesia chỉ 5 ngày mà phải trả đến 333.000USD. Hợp đồng này buộc hai chủ tàu phải trả trước 50%, tương đương 165.000 USD. Sau 5 ngày làm việc của luật sư thì chủ Cty Papua xuất hiện và chứng minh 4 chiếc tàu này đã được Cty Papua mua nên không thể trả lại cho chủ tàu Việt Nam. “Tiền mất, tật mang”, hai chủ tàu đành lủi thủi ra sân bay quay về Việt Nam mặc cho 4 con tàu của mình ở lại nơi đất khách quê người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang ở đâu?
Hiện tại, hai chủ tàu đang bị các thủy thủ đoàn gửi đơn kiện lên Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang. 61 thủy thủ đoàn đang đòi hai chủ tàu bồi thường cho mình gần 2 tỷ đồng tiền công trong 9 tháng (3 tháng đánh bắt và 6 tháng ngồi tù tại Indonesia). Trong khi đó, 4 chiếc tàu của ông Hon và ông Ngữ bị Cty Đại Dương lừa bán cho Cty Papua hiện đã gây thiệt hại cho hai ông này 40 tỷ đồng. Ngư dân thiệt đơn thiệt kép như vậy nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục cụ thể nào được đưa ra từ phía chính quyền địa phương cho đến các bộ, ngành Trung ương.
Theo nguồn tin của PLVN, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang vừa mới có thông báo kết quả giải quyết tố giác - tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố về vụ việc này. Theo đó, kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết đơn tố giác tội phạm của ông Hon và ông Ngữ đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Đỗ Anh Dũng - Giám đốc Cty Đại Dương cho thấy, ông Đỗ Anh Dũng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố vụ án hình sự và điều tra theo luật định.
Vụ việc đến đây xem như đã có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Thế nhưng, để thu hồi tài sản và khắc phục thiệt hại cho ngư dân, các cơ quan Trung ương như Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần sớm vào cuộc, xem xét và thực hiện thẩm quyền quản lý nhà nước của mình để bảo vệ công dân Việt Nam trước những thủ đoạn lừa đảo mang tầm quốc tế.