Cuộc săn lùng phù thủy ở châu Âu của những kẻ nhân danh Tân giáo (Kỳ cuối)

(PLVN) - Cho rằng phù thủy, nhất là phù thủy nữ là mọi nguồn cơn gây ra những phiền toái trong cuộc sống, là dị giáo, đi ngược lại những quan niệm của đạo Cơ đốc, trong vòng 300 năm dưới chế độ phong kiến châu Âu, những cuộc săn lùng phù thủy đã gây ra hàng vạn cái chết oan uổng, những cuộc tàn sát kinh hoàng... 
Họa hình cảnh một nữ phù thủy châu Âu bị đưa lên đoạn đầu đài.
Họa hình cảnh một nữ phù thủy châu Âu bị đưa lên đoạn đầu đài.

Cuộc săn lùng phù thủy được xem là một tấn bi kịch đẫm máu trong lịch sử nhân loại; trở thành vết nhơ khó gột rửa được của chế độ phong kiến châu Âu thế kỷ XIV đến tận đầu thế kỷ XVII.

Khi thẩm vấn và hành quyết phù thủy nữ, Tòa án châu Âu đã tỏ ra hết sức tàn bạo. Thời kỳ này, thiêu sống là cách trừng phạt đối với các phần tử bị coi là dị đoan. Dàn thiêu thường bố trí ở trung tâm thành phố, trên quảng trường. Các tử tù bất kể nam hay nữ đến bị lột hết quần áo.

Trên đường dẫn ra pháp trường họ bị quân lính và người đi xem đánh đập dã man. Trước khi bị thiêu, nếu tội nhân thành khẩn ăn năn hối lỗi với cha cố thì được khoan hồng bằng cách được chết trước khi lửa bén cháy toàn thân. Tại Anh, một danh tiếng hiển hách chuyên săn lùng phù thủy nữ tên là Mathew Hopkins đã tạo ra vụ khủng bố kinh hoàng nàm 1645-1647.

Hopkins vốn là một luật sư nhưng chưa được cấp phép và làm ăn hợp pháp. Tự nhiên y nảy ra sáng kiến kiếm ăn bằng con đường sản lùng phù thủy nữ, coi đó là một sứ mệnh suốt đời. Năm 1542, Hoàng đế Henry VIII đã ban bố pháp lệnh trừng trị các thầy phù thủy. Nước Anh có một phong trào săn lùng phù thủy rầm rộ.

Trong vòng 200 năm có khoảng 1.000 người bị hành hình do bị khép tội làm phù thủy, trong số đó phẩm lớn là phụ nữ. Ở Scotland có khoảng 4.000 người bị khép tội phù thủy nữ.  Năm 1645, Hopkins bắt đầu làm công việc độc ác này ngay tại quê hương mình. Y tố cáo 7 phụ nữ dùng phép phù thủy tạo ra ma quỷ để mưu sát mình. Y còn nói đã nghe thấy thầy phù thủy nữ nói chuyện với ma quỷ. Tiếp đó y còn phát hiện thêm 30 phù thủy nữ nữa ở khu vực đó. Hắn triển khai một cuộc săn lùng rộng lớn ở miền Đông nước Anh.

 

Thời đó tiền công lao động một ngày bình quân là 2 penny (2 xu), riêng Hopkins có thể kiếm được 20 shilling nếu bắt được một phù thủy nữ. Hơn nữa việc làm của Hopkins được chính quyền ủng hộ. Lúc này ở Anh có luật cấm tra tấn nhục hình phạm nhân. Hopkins đã nghĩ ra biện pháp khác để buộc bị cáo phải nhận tội. Y bắt bị cáo ngồi ngay ngắn trên ghế 24 giờ liền không được ngủ.

Đồng thời y cho người canh gác chặt chẽ, để phòng ma quỷ xuất hiện. Nhiều phụ nữ chịu không nổi buộc phải nhận tội dâm loạn với ma quỷ. Y còn dùng một liệu pháp nữa hiệu quả hơn. Y đổ nước vào miệng bị cáo, bị cáo chết ngạt là vô tội, sống là có tội và sẽ bị treo cổ.  Trong vòng 2 năm, Hopkins hành hình 200 phụ nữ bị nghi phù thủy (phần lớn là đàn bà góa và gái chưa chồng). Họ bị tố cáo có hành vi giống ma quỷ.

Đến năm 1647 mọi người bắt đầu chán ghét trò chơi giết người của Hopkins, một số làng mạc cấm cửa hắn. Hắn trở về quê cũ và năm 1647 bị chết vì bệnh phổi. Cao trào săn lùng phù thủy chủ yếu diễn ra vào thế kỉ XV-XVII. Từ thế kỉ XVIII, quần chúng phản đối mãnh liệt nên các nước châu Âu bắt đầu hạn chế. Tuy nhiên vẫn có nhiều án oan, giết hại người vô tội. Đến năm 1780 sau khi thầy phù thủy nữ cuối cùng Anna bị sát hại, phong trào này cơ bản kết thúc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại châu Âu từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV có khoảng 50.000 phù thủy nữ bị hành hình. Từ đầu thế kỉ XVII phong trào phản đối giết hại người vô tội tại các nước châu Âu ngày càng sôi nổi.

Năm 1614, Tòa án dị đoan Tây Ban Nha căn cứ báo cáo thẩm phán khu Bắc Bộ kết luận: mọi ý kiến nói về sự tồn tại của các thầy phù thủy là bịa đặt vô căn cứ, các lời buộc tội thiếu xác thực. Cơ quan Tư pháp của Giáo hội chủ ý tăng cường quản lí, không tiếp thu những lời cáo buộc thầy phù thủy. Năm 1650, Tây Ban Nha cơ bản đã đình chỉ các vụ xét xử phù thủy.

Tại Pháp năm 1682, Vua Louis XIV ra lệnh đình chỉ mọi cuộc xét xử các thầy phù thủy, phân biệt khái niệm làm phép phù thủy với tội lừa đảo, tội coi thường tôn giáo, tội giết người bằng thuốc độc. Đi đôi với phong trào Phục hưng văn nghệ, tư tưởng triết học duy vật được truyền bá rộng rãi.

Tính lý trí và tính hợp pháp trong kiến giải của cá nhân được công nhận. Dưới áp lực của phong trào Ánh sáng, các nước châu Âu ra lệnh cấm xét xử phù thủy nữ. Năm 1714, Quốc vương nước Phổ là Phillipe William I ban bố chiếu chỉ cấm lạm dụng tư pháp làm hại phù thủy nữ. Mọi hình phạt và xét xử đều phải thông qua Hoàng đế.

Đồng thời phân biệt địa vị giới tự nhiên và quốc gia với thẩn quyển của thượng đế. Nhận thức và sự giải thích của học giả, các nhà khoa học, nhà Triết học không ngừng nâng cao làm cho sự mê tín ma pháp và thuật phù thủy tự nhiên bị giảm sút. Văn minh đã chiến thắng man rợ.  

Đằng sau phong trào săn lùng phù thủy là những ý đồ mờ ám. Hồ sơ còn lại đến ngày nay cho thấy, họ cáo buộc một phụ nữ làm phù thủy, rồi bắt và thẩm vấn. Quá trình thẩm vấn, xét xử rất khác thường. Thẩm phán phê chuẩn việc dùng nhục hình để bức cung và truy hỏi tên các thầy phù thủy khác. Người thứ nhất bị nhục hình sẽ phải nhận tội rồi khai thêm một người khác nữa.

Cứ thế rất nhiều người bị cuốn vào vòng oan uổng. Đáng căm giận hơn, một khi đã bị thẩm vấn thì có nhận tội hay không rút cục vẫn bị hành hình. Chối tội hay chủ động khai báo đều bị nhục hình. Các câu hỏi củá người thẩm vấn rất vô lý. Họ hỏi những câu ngớ ngẩn đại loại chị làm phù thủy từ bao giờ? Tại sao chị làm phù thủy? Làm thế nào để trở thành phù thủy? Đã làm những phép phù thủy gì? Ai là kẻ đồng mưu với chị? Làm thế nào chị bay được trên cái chổi? Chị dùng lời thấn chú gì?... 

Trong những năm tháng đen tối đó, muốn làm hại một cô gái chỉ cần tố cáo chị ta là phù thủy. Người tố cáo còn được hưởng lợi, được giữ bí mật và miễn tội. Do đó người ta rất dễ làm hại nhau. Đặc biệt, cô gái nào xinh đẹp sẽ dễ bị ganh ghét và bị vu cáo. Cô nào kiêu căng, đanh đá, làm mất lòng người khác càng dễ chết, chỉ cần một tờ giấy tố cáo.

Một người trước khi bị bắt năm 1576 khai báo, y đã tố cáo hàng vạn phù thủy nữ trong số đó 3.000 người đã phải chết oan.  Các nhà tâm lí học Xã hội qua phân tích nhận thấy, nấp sau ngọn cờ bảo vệ đạo Cơ đốc có nhiều động cơ mờ ám. Đa số người tố cáo là nam giới. Động cơ thứ nhất của họ là thoả mãn dục vọng.

Họ ép buộc các cô gái thỏa mãn thú nhục dục của mình để tránh bị tố cáo. Trong khi bị thẩm vấn, các cô gái cũng phải sẵn sàng chiều lòng người thẩm vấn để được miễn tội. Người ta đi xem các cô gái bị hành hình đông như trảy hội. Các cô bị lột trần truồng, thân thể trinh nữ lõa lồ.

Năm 1681, một tờ báo viết: “Người ta bắt được 5 phù thủy nữ, ném 2 người xuống sông, còn 3 người cũng sẽ bị hành hình đau đơn. Rất đông người đến xem...”.  Bản thân cuộc thẩm vấn phù thủy nữ là một trò chơi độc ác, vô nhân đạo.

Trong phòng thẩm vấn, trần nhà treo lủng lẳng nhiều sợi dây dùng để trói người, nền đất đặt nhiều cột, trên bàn hỏi cung có búa, kìm và dụng cụ tra khảo. Phạm nhân nữ bị lột hết quần áo và trói vào chân bàn bằng dây thép. Người thẩm vấn dùng kim chọc vào khắp người cô để tìm dấu vết của ma quỷ. Nếu cô cảm thấy đau thì cô chính la phù thủy và sẽ bị định tội. 

Kỳ quặc hơn nữa, chính những kẻ đang hỏi cung thấy phù thủy lại cũng dùng phép phù thủy để thẩm vấn. Ví dụ trước khi tra tấn nạn nhân họ cũng đọc thần chủ hoặc cầu nguyện, rồi họ vẩy nước thánh vào bụng nạn nhân. Động cơ khác là chạy theo quyền lợi vật chất. Ở nhiều nước châu Âu hồi đó, tài sản của người chịu án tử hình bị tịch thu rồi chia cho những người liên quan.

Một số quốc gia còn bắt người bị tử hình phải trả án phí (tiền chi cho việc thấm vấn, giam giữ và hành hình). Số tiền này trên thực tế rơi vào túi bọn chức quyền. Có nơi chỉ nhằm tố cáo và bắt bớ người giàu có để kiếm được nhiều tiền. 

Một số nhân sĩ dũng cảm, trọng chính nghĩa đã mạnh dạn vạch trần bản chất sâu xa của tấn bi kịch lịch sử này. Một mục sư của Đức được nghe lời sám hối của một tử tù vì tội làm phù thủy, năm 1631, ông đã viết cuốn sách “Đề phòng tố cáo giả”, tố cáo giáo hội và quốc hội câu kết với nhau làm hại dân lành. Ông chết vì bệnh dịch nên giáo hội không thể trừng phạt.

Dưới đây xin trích một đoạn như sau: “Việc làm của quan tòa là kéo dài quá trình xét xử. Nạn nhân bị tra tấn sẽ nhận hết tội. Ngay cả những kẻ tố cáo cũng có khả năng dính vào vòng tội phạm. Như vậy là thượng đế đã rất công bằng, người trừng phạt cả những kẻ vu oan giá họa cho đồng loại làm cho biết bao nhiêu người vô tội đã phải lên dàn thiêu...”.

Những người dám mạo hiểm dứng lên chống lại việc sát hại các thầy phù thủy vô tội như vậy không phải là ít. Họ đều đã trực tiếp chứng kiến các giáo sĩ đạo Thiên Chúa và Tân giáo gây ra tội ác khủng khiếp đó. Chính nhờ tác động của họ mà phong trào săn lùng phù thủy ở châu Âu sau này mới chấm dứt.

Đọc thêm