Về phía VNCH, có nhiều nhân vật quân sự cao cấp thường hay được hai tác giả trích dẫn, nhất là trích dẫn nhiều lần tuyên bố của tướng Cao Văn Viên. Điều đặc biệt khác là tham mưu trưởng của tướng Phạm Văn Phú, Đại tá Lê Khắc Lý, cũng được nhắc tới nhiều không kém.
Quên cả Địa phương quân
Dưới đây là nhận xét của hai tác giả nói trên về lệnh và sự chuẩn bị cuộc triệt thoái. Theo đó thì tướng Phú lựa liên tỉnh lộ 7B để triệt thoái từ cao nguyên về Tuy Hòa vì ông ta tin là Quân Giải phóng (QGP) không ngờ rằng cả một quân đoàn với cả mấy ngàn chiếc quân xa lớn nhỏ, với cả trăm ngàn binh sĩ lại dám lựa một lộ trình táo bạo như vậy. Liên tỉnh lộ này đã bị bỏ hoang từ nhiều năm.
Đó chỉ là sự ước tính lạc quan của tướng Phú. Thực tế thì đã có sẵn nhiều trở ngại. Ví dụ không có một ai trong Bộ Tham mưu của Quân đoàn 2 biết rõ tình trạng của liên tỉnh lộ 7 tồi tệ đến mức nào. Người ta chỉ được biết là một cây cầu lớn trên sông Ba đã bị phá hủy, và rằng 30km số đường trước khi đến Tuy Hòa đã bị quân lực Đại Hàn đặt mìn trong thời kì quân Đại Hàn tham chiến tại Nam Việt Nam.
Tuy vậy tướng Phú tin rằng nếu Bộ Tổng Tham mưu cung cấp đủ phương tiện để vượt sông thì ông ta tin là có thể an toàn đưa Quân đoàn 2 ra khỏi vùng Cao nguyên, trong khi Địa phương quân (ĐPQ) chặn đối phương tại Pleiku và dọc lộ trình rút lui.
Điều kỳ lạ nhất là khi thiết lập vội vàng kế hoạch triệt thoái, Quân đoàn 2 đã quên hẳn các đơn vị ĐPQ. Quân đoàn không cho ĐPQ biết gì về cuộc rút quân nhưng lại tin tưởng là ĐPQ sẽ đắc lực yểm trợ cuộc rút quân ấy.
Nói một cách khác, Quân đoàn muốn ĐPQ phải bảo vệ cuộc rút quân tuy rằng ĐPQ không hề biết chút nào về việc rút quân ấy. Có thể đây là một trong những điều kỳ quái nhất và đáng xấu hổ nhất của lịch sử lãnh đạo chính trị và quân sự VNCH.
Tướng Phú chỉ chú ý tới có một điều là làm sao triệt thoái cho thật mau. Do đó, bộ tham mưu của ông ta chỉ có đúng hai ngày để lập kế hoạch. Và ông ta dự trù chỉ cần bốn ngày là triệt thoái xong. Một ngày sẽ có một quân đoàn xa khoảng 250 chiếc ra khỏi Pleiku để theo liên tỉnh lộ 7 tiến xuống Tuy Hòa.
Liên đoàn 21 công binh chiến đấu sẽ dẫn đầu đoàn quân xa thứ nhất để khai quang và sửa chữa cầu cống, đường xá. Tướng Phú ước lượng rằng công binh chỉ cần hai ngày là có thể làm cho quãng đường 200km từ ngoại ô Pleiku tới Tuy Hòa dùng tốt rồi. Và sự phân chia thứ tự triệt thoái theo tướng Phú là công binh chiến đấu đi trước.
Đoàn xe và người hướng về phía Tuy Hòa |
Ở khúc giữa là pháo binh, quân y, bộ tham mưu Quân đoàn và các đơn vị còn lại của sư đoàn 23 Bộ binh. Hai bên sườn được Trung đoàn 21 Thiết giáp bảo vệ. Ở đoạn hậu của quân đoàn xa triệt thoái là các đơn vị của tướng Phạm Duy Tất. Các đơn vị chỉ nhận được lệnh khởi hành một giờ trước khi lên đường.
Vì chỉ có hai ngày để thi hành mệnh lệnh cho nên Sư đoàn Không quân tại Pleiku không thể lo cung cấp sự yểm trợ cho đoàn quân xa sắp rút. Các đơn vị Không quân còn phải lo chuyển máy bay, nhân viên và gia đình binh sĩ ra khỏi Cao nguyên. Sự việc này là một bất lợi và nguy hiểm lớn cho các đoàn quân xa nếu QGP chặn đánh trên lộ trình rút lui.
Tướng Phú chỉ định đại tá Lý đi theo các quân đoàn xa. Ông ta nói với đại tá Lý: “Chúng sẽ từ Nha Trang lập kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột”.
Khi đại tá Lý hỏi về kế hoạch rút các đơn vị ĐPQ ra khỏi Pleiku thì tướng Phú trả lời: “Hãy quên họ đi. Nếu ông nói cho họ biết về cuộc triệt thoái thì ông sẽ không kiểm soát được họ và ông sẽ không thể tới được Tuy Hòa vì sẽ có hỗn loạn”.
Tướng Phạm Duy Tất chỉ huy đoàn quân triệt thoái. Đại tá Lý chỉ huy Bộ tham mưu của Quân đoàn và các đơn vị tiếp cận. Nhưng tướng Phú lại còn chỉ định phụ tá hành quân của ông ta là tướng Trần Văn Cẩm làm “giám sát” cuộc triệt thoái. Mọi người, kể cả tướng Cẩm, đều không ai hiểu rõ ý định của tướng Phú về cơ cấu điều khiển cuộc rút quân này.
Thấy phải chia sẻ quyền chỉ huy với tướng Tất, tướng Cẩm giận dữ và sau khi tướng Phú đi khỏi Pleiku, tướng Cẩm lẳng lặng dúng máy bay về Tuy Hòa.
Khi liên lạc với tướng Tất để nhận lệnh thì đại tá Lý được nhân viên của tướng Tất trả lời rằng tướng Tất còn đang lo điều động để rút các đơn vị Biệt động quân ra khỏi Pleiku và chuẩn bị cuộc triệt thoái. Rồi tướng Tất ra lệnh cho đại tá Lý lập kế hoạch rút quân. Đại tá Lý tuân hành nhưng các đơn vị sắp rút không được bảo vệ trước khi rút vì lẽ giản dị là ĐPQ không được thông báo về cuộc triệt thoái.
Tỉnh trưởng cũng… không biết tin
Tin về cuộc rút lui lan truyền đến mọi cấp chỉ huy, và từ đó, mọi người đều chỉ biết lo cho sự rút lui của chính bản thân. Viên Tỉnh trưởng Kontum chỉ được biết có cuộc triệt thoái khi ông ta thấy có đơn vị Biệt động quân ở gần đó rút đi. Ông ta vội nhảy lên một xe Jeep và nhập được vào đoạn cuối của đoàn quan xa.
Nhưng ông ta đã tử trận trước khi tới Pleiku vì đoàn xe lọt vào một ổ phục kích. Khi cấp chỉ huy của ĐPQ phải tháo chạy như vậy thì các đơn vị ĐPQ không còn ai điều khiển nữa, và không thể nào chờ đợi rằng các đơn vị ĐPQ sẽ đánh cầm chân quân đối phương để các đơn vị chính quy của VNCH rút lui an toàn.
Trong giới hạn khả năng của mình lúc ấy, đại tá Lý cố gắng loan báo cuộc triệt thoái. Ông ta thông báo cho các cơ quan của Mỹ và các tổ chức khác tại Pleiku. Đại tá Lý nói rằng: “Thoạt đầu, họ không tin lời của tôi là có cuộc rút lui thật nhưng tôi bảo họ cứ là đi đi và đừng nói nữa”.
Đến 10h sáng ngày 15/3/1975 thì tin về cuộc triệt thoái đã được người Mỹ tại Pleiku chuyển về Sài Gòn. Và đến buổi trưa cùng ngày thì sứ quán Mỹ ra lệnh cho mọi người Mỹ phải ra khỏi vùng cao nguyên. Trong vòng bốn giờ rưỡi, 450 nhân viên (Mỹ và người Việt làm việc cho cơ quan Mỹ tại Pleiku) đã được các máy bay của Air America (là hãng máy bay phục vụ cho cơ quan tình báo CIA của Mỹ tại Việt Nam) chở ra khỏi Pleiku.
Trực thăng bốc các đơn vị quân Sài Gòn rời khỏi nơi đóng quân |
Mặc dù sứ quán Mỹ và chính quyền Mỹ tại Washington bị bất ngờ về cuộc triệt thoái này, nhưng trước đó ít ngày, chính quyền Thiệu đã thăm dò ý người Mỹ về vụ rút quân này. Được biết vào ngày 11/3/1975, Thiệu cho Tổng trưởng Kinh tế tới gặp cố vấn sứ quán Mỹ là Dan Ellerman để hỏi xem đại sứ Mỹ “có tán thành một cuộc giảm bớt lãnh thổ của VNCH không?”.
Vì lúc ấy đại sứ Mỹ Graham Martin không có mặt tại Sài Gòn cho nên Ellerman và thường vụ sứ quán Mỹ là Wolfgang Lehmann trả lời rằng quyết định cắt bớt lãnh thổ phải là quyết định của VNCH chứ không thể là quyết định của đại sứ Mỹ.
Ngày 16/3/1975, khi tin tức về cuộc triệt thoái truyền tới Washington, phụ tá cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ là Brent Scowcròt tiếp xúc với đại sứ Mỹ Graham Martin lúc ấy đang chữa răng tại nhà riêng thuộc tiểu bang North Carilina. Martin nói rằng trước đây khi rời Sài Gòn thì ông ta có được thông báo rằng Quân đoàn 2 phải di chuyển tới vùng bờ biển nhưng ông ta nói rằng chỉ biết có bấy nhiêu thôi.
Tin Ban Mê Thuột lọt vào tay QGP đến với ngoại trưởng Mỹ Kissingers lúc đang ở trên một chuyến bay tới vùng Trung Đông. Vì không có ý kiến của đại sứ Mỹ Martin, Kissingers quyết định tuyên bố rằng sự thất thủ ấy không phải là cuộc khủng hoảng thật sự. Kissingers nói với các phụ tá cho rằng đây là bước đầu tiên của Thiệu để củng cố lực lượng để chuẩn bị một tuyến phòng thủ vững chắc hơn.
Mãi tới hai ngày sau, phía Mỹ mới được biết cái lập luận của VNCH. Buổi tối ngày 17/3/1975, trong bữa ăn tại nhà riêng của trùm CIA tại Sài Gòn là Thomas Polgar, với sự có mặt của một số nhân vật Việt và Mỹ, cố vấn an ninh của Thiệu là tướng Đặng Văn Quang đã mang lịch sử ra để giải thích quyết định rút lui của Thiệu.
Quang nói rằng “cũng giống như khi người Nga đã tiêu diệt quân của Napoleon năm 1812 bằng cách đổi lãnh thổ lấy thời gian, VNCH cũng sẽ đánh bại QGP. Có lẽ mùa mưa cũng sẽ giúp chúng tôi, cũng như mùa đông đã giúp người Nga khi trước”.
Đại tá chỉ huy phải bỏ xe đi bộ
Nhưng ở vùng cao nguyên, người ta không chờ những lời biện bạch của Quang và của Thiệu, họ chỉ biết hành động dựa theo thực tế. Khi thấy các đơn vị quân đội VNCH bắt đầu rút khỏi các vị trí ở Pleiku, và khi thấy các máy bay thay nhau chuyên chở binh sĩ làm nhiều đợt suốt ngày đêm thì người dân bảo nhau rằng đã đến lúc rút lui theo quân đội.
Đến đêm Chủ nhật, đoàn quân xa đầu tiên ra khỏi Pleiku, đèn xe nào cũng mở rất sáng. Một bài báo ghi rằng người bên ngoài nhìn đoàn xe di chuyển cách ấy sẽ nghĩ rằng “đây là một đoàn xe đi nghỉ cuối tuần trở về”. Ở phía sau của đoàn xe là những tiếng nổ lớn vang dội, đánh dấu cuộc phá hủy đạn dược của quân VNCH và bầu trời nồng nặc mùi nhiên liệu của các kho xăng bị quân VNCH đốt trước khi rút.
Theo sau đoàn quân xa cát bụi ngập trời là một đoàn người dân dài tưởng như bất tận, theo sát. Trong vòng ba ngày đầu (từ 16 - 18/3/1975), cuộc triệt thoái diễn ra tốt đẹp, đến nỗi từ Sài Gòn chính quyền Thiệu đánh điện khen Quân đoàn 2. Từng đoàn xe nối đuôi nhau ra khỏi Pleiku và các đoàn xe dân sự cũng nối đuôi nhau đi xen kẽ vào các đoàn quân xa. Nhưng sự yên tĩnh ấy chỉ là sự báo trước đại họa sắp đến.
Súng đạn quân VNCH ném lại trên đường phố |
Đến nửa đường từ cao nguyên đến Tuy Hòa thì đoàn người và xe dài uốn khúc như một con rắn khổng lồ bị khựng lại vì phải chờ công binh Quân đoàn 2 hoàn tất một cây cầu bắc ngang con song Eapa ở cách Cheo Reo vài cây số về phía Đông Nam. Cheo Reo còn gọi là Hậu Bổn, là tỉnh lị của tỉnh Phú Bổn (trước 1975 VNCH chia Pleiku ra hai tỉnh Pleiku và Phú Bổn.
Từ năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắk Lắk, sau đó phần lớn diện tích lại được nhập sang tỉnh Gia Lai - Kon Tum - NV). Như vậy là tướng Phú đã quá lạc quan khi ông ta tiên đoán rằng mọi sự sửa chữa trên liên tỉnh lộ 7 chỉ cần hai ngày. Bây giờ, lo được một cây cầu lớn đầu tiên trên liên tỉnh lộ sinh tử ấy đã mất hết 3 ngày.
Đến tối ngày 18/3/1975, sau ba ngày di chuyển thật mệt mỏi, đoàn người và quân xa chen chúc đã tự động ngưng lại ở quanh Cheo Reo, một thị trấn quá nhỏ để có thể chứa hàng chục nghìn binh sĩ, thường dân và xe cộ đủ loại.
Ngoài những sự rối loạn không tránh được trong một tình thế phức tạp như lúc ấy điều nguy hiểm nhất là đám dân chúng hoang mang, sợ sệt, cố bám lấy cái sống một cách tuyệt vọng đã là cản trở lớn nhất, khiến cho các đơn vị quân lực VNCH không thể thiết lập được một sự bố trí hữu hiệu để bảo vệ ngay chính những thường dân ấy.
Trong tình thế nguy kịch lúc ấy của Cheo Reo, nhu cầu khẩn cấp là phải có cấp chỉ huy để tổ chức cuộc phòng thủ tối thiểu. Nhưng người chỉ huy tổng quát là tướng Phạm Duy Tất còn kẹt ở phía sau để lo cho các đoàn Biệt động quân của ông ta, đồng thời, ông ta còn giữ nhiệm vụ nặng nề là bảo vệ đoạn hậu của cuộc triệt thoái. Các loại xe nằm ngổn ngang làm nghẽn lối, khiến cho đại tá Lê Khắc Lý phải bỏ quân xa, xuống xe đi bộ để tới đài chỉ huy đặt tại Cheo Reo.
Điều động kiểu… chặt đầu rắn
Sự việc diễn ra sau đó cho thấy rằng, trong ba ngày đầu của cuộc triệt thoái, sự dự đoán của tướng Phú đúng. Nghĩa là quả thật phía QGP không thể ngờ rằng Quân đoàn 2 của VNCH dám dùng một liên tỉnh lộ bỏ hoang từ nhiều năm để rút về phía bờ biển.
Nhưng QGP đã không bỏ qua một cơ hội để tìm cách loại khỏi vòng chiến đấu cả một quân đoàn của VNCH. Do đó, sự yên tĩnh của đoàn quân triệt thoái chỉ kéo dài được có ba ngày.
Phía quân lực VNCH thì vẫn hi vọng rằng sẽ được thêm vài ngày nữa để được tới Tuy Hòa. Nhưng đến chiều tối ngày 18/3/1975, QGP bắt đầu tấn công vào đoàn quân xa đang ứ đọng trên liên tỉnh lộ 7. Đường triệt thoái của quân Sài Gòn không còn là một điều bí mật đối với QGP nữa.
Những đơn vị tiên phong của Sư đoàn 320 QGP đuổi kịp được Quân đoàn 2 VNCH trong đêm 18/3/1975 tại Cheo Reo. Cũng trong ngày này, các đơn vị khác của QGP đã đuổi kịp và tấn công Biệt động quân VNCH tại thị trấn Thanh An nằm giao điểm quốc lộ 14 và tỉnh lộ 7B.
Lệnh triệt thoái của quân Sài Gòn bị đánh giá là vội vàng, thiếu chuẩn bị, thiếu phối hợp |
Cặm cụi đi bộ theo đoàn người di chuyển, rốt cuộc đại tá Lý cũng về được đài chỉ huy tại Cheo Reo vừa kịp để giúp Liên đoàn 23 Biệt động quân bố trí định chặn cuộc tấn công của QGP đang nhắm vào đèo Ban Bleik ở phía Tây của Cheo Reo.
Trong khi đó, QGP bắn vào đoàn quân xe, lúc ấy nằm trải dài ra rất xa, đến nỗi có những xe chỉ mới rời Pleiku vài cây số. Quân xa đủ loại bị hư hại hoặc bị bỏ lại trên đường. Một phi công trực thăng của VNCH kể: “Khi tôi bay xuống thấp, tôi nhìn thấy rõ ngổn ngang những chiếc quân xa bốc cháy trên đường”.
Tuy rằng QGP đã chiếm được sân bay của tỉnh Phú Bổn nhưng Liên đoàn 23 Biệt động quân VNCH vẫn còn kiểm soát được ngọn đèo và rồi công binh của Quân đoàn 2 VNCH cũng đã làm xong cây cầu ở phía đông nam của tỉnh lỵ.
Khi chiếc cầu được hoàn thành thì đoàn quân VNCH cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Đại tá Lý và các viên tiểu đoàn trưởng quanh ông ta lại cố gắng cho đoàn quân xa lên đường, mặc dù lúc ấy có tới 2000 chếc xe ứ đọng.
Nhưng đoạn xe bẳt đầu chuyển bánh thì tướng Phạm Văn Phú đột nhiên ra lệnh cho đại tá Lý phải dùng trực thăng gấp rút ra khỏi Cheo Reo. Trong khi đó, tướng Tất vẫn còn đang lo điều khiển cuộc triệt thoái. Từ 19/3/1975 trở đi chỉ còn trưởng và tiểu đoàn trưởng cố gắng điều khiển các binh sĩ nào còn chịu tuân theo mệnh lệnh của họ.
(Còn tiếp)
Khi quân VNCH bắt đầu vào liên tỉnh lộ 7 để rút về bờ biển thì phía QGP, tướng Văn Tiến Dũng vẫn còn tìm hiểu ý định của VNCH trong cuộc chuyển quân. Tướng Dũng đã nhiều lần hỏi Tư lệnh Sư đoàn 320 xem những con đường nào có thể được các đơn vị VNCH dùng tới.
Cho đến lúc ấy tướng Dũng vẫn chưa kết luận rằng cuộc chuyển quân quy mô của Quân đoàn 2 VNCH là một hành động thế thủ (rút) hay để tăng cường rồi phản công để chiếm lại Ban Mê Thuột.
Cũng cần nhắc lại là ngay từ khi còn họp tại Hà Nội những tuần lễ cuối của năm 1974, chính tướng Văn Tiến Dũng đã tỏ thái độ dè dặt khi bàn về kế hoạch giải phóng miền Nam. Trong hồi ký “Đại thắng mùa Xuân”, tướng Văn Tiến Dũng kể lại kế hoạch đề ra rất thận trọng, không coi thường phản ứng của quân lực VNCH.
Đầu tiên, khi được cấp dưới đoán rằng liên tỉnh lộ 7 không thể dùng được, tướng Dũng nhận định con đường ấy không thể là đường rút lui hoặc là đường tăng cường của quân lực VNCH.
Nhưng tướng Dũng đã có một cái nhìn khác sau khi tình báo QGP thu lượm tin tức từ các nguồn tin báo chí, truyền hình Tây phương, kể cả tin tức do các đơn vị dò hỏi được từ các thường dân. Tình báo QGP cũng nghe được các mẩu đối thoại vô tuyến truyền tin trong các đơn vị VNCH về các chuyến bay đi từ Pleiku đi Nha Trang.
Rồi đến ngày 16/3/1975, tướng Dũng được mật điện từ Hà Nội gửi vào, xác nhận Bộ Tham mưu và bản doanh của Quân đoàn 2 VNCH đã chuyển từ cao nguyên về vùng bờ biển. Từ khi ấy, tướng Dũng nghĩ đến sự rút lui của quân VNCH khỏi cao nguyên và dự đoán xem các đơn vị quân VNCH sẽ rút theo ngả nào.
Đến 4h chiều ngày 16/3/1975, tình báo QGP báo tin đã phát hiện được một đoàn quân xa rất dài từ Pleiku di chuyển về phía nam hướng về Ban Mê Thuột. QGP lại giải đoán mục tiêu của cuộc di chuyển này. Câu hỏi vẫn là quân Sài Gòn sẽ rút lui hay là sẽ phản công?
Sau đó thì QGP tìm được câu trả lời khi tình báo báo cáo là quân VNCH đã phá hủy các kho đạn và kho xăng ở Pleiku, và đoàn xe dài đã tách khỏi quốc lộ để quẹo về liên tỉnh lộ 7B, hướng về tỉnh Phú Bổn.
Trong đêm hôm ấy, Bộ tham mưu của tướng Văn Tiến Dũng làm việc thâu đêm để tìm các ngả đường chặn cuộc rút lui. Trong hồi ký, tướng Văn Tiến Dũng viết rằng đã suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa chiến lược của sự rút bỏ cao nguyên: “Khi cả một quân đoàn của VNCH với súng đạn và đồ trang bị tối tân mà rút khỏi một vùng chiến lược quan trọng thì việc ấy sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền có thể lan tới cả nước Mỹ nữa”.
Tướng Dũng ra lệnh cho Sư đoàn 320 đang hoạt động dọc quốc lộ 14 tiến về phía đông bắc cùng với pháo và xe tăng để tấn công vào bên sườn của đoàn quân xa VNCH trên liên tỉnh lộ 17.
Sư đoàn 320 có nhiệm vụ làm chậm lại cuộc rút quân của nam VN, trong khi sư đoàn 968 sẽ ra khỏi Pleiku để đánh vào phía sau của đoàn quân VNCH đang triệt thoái. Sau cùng, tướng Dũng ra lệnh cho các đơn vị ở gần bờ biển tìm cách chặn không cho các đơn vị quân đội VNCH tiến được tới Tuy Hòa.