Hàng chục lần ghé thăm Đà Lạt, chúng tôi từng hỏi nhiều người về câu chuyện về ngôi nhà “có ma” đầu đèo Prenn. Thường thì người Đà Lạt nào cũng lắc đầu: “Làm gì có ma”. Thế nhưng căn nhà đó vẫn “dặt dẹo” hơn nửa thế kỷ, lúc âm u rêu phong, khi được một công ty “cả gan” sửa sang thành điểm “du lịch tâm linh”.
Ba giờ sáng, leo sắp hết đèo Prenn để vào thành phố Đà Lạt, chúng tôi quyết tâm giải nỗi băn khoăn bao lâu nay vẫn giữ trong lòng: Thử thăm viếng căn nhà “ma” lúc giữa đêm xem sao?. Lối vào ngôi nhà ngay bên phải đường đèo. Ngôi nhà nằm trên một sườn đồi, biệt lập cách lối vào thành phố khoảng 2km. Trước đèn xe sương phủ la đà, con đường mờ ảo vắng lặng.
Lạnh gáy với khung cảnh “nhà ma”
Phải đậu xe ngay bên cạnh đường đèo vì con đường bê tông rộng chỉ chừng 2m, thoai thoải dốc, chỉ đủ cho người đi bộ hay xe gắn máy. Hai bên lối đi, một vài chiếc ghế đá như người ngồi trầm mặc trong bóng đêm. Ánh đêm còn đen đặc, một chút ánh sáng le lói của ngọn đèn pin quét qua lại khiến du khách nhận ra “nhà ma” là một biệt thự hai tầng, không ra kiểu Pháp, cũng không ra kiểu Á Đông, ẩn mình dưới tán rừng thông đại thụ.
Người ta từng kể nhiều giai thoại về ngôi nhà này, mỗi người một kiểu. Người nói rằng nguyên thủy đó là nơi một viên sĩ quan Pháp từng ở với một nhân tình người Việt. Viên sĩ quan này sau đó đã bắn chết cô nhân tình vì một lý do gì đó. “Oan hồn” người phụ nữ sau đó vất vưởng ở lại ngôi nhà định mệnh, nửa đêm khi than khóc, khi “hiện hồn” la đà bay dọc đường than vãn với người nào qua lại giữa đêm.
Có người lại nói nơi đây từng có thời gian một toán lính Pháp đã từng trú lại. Chúng thường bắt các thiếu nữ qua đường vào nhà cưỡng bức, sát hại rồi ném xác xuống chiếc giếng bên hông nhà. Oán khí tích tụ thành ma quỷ. Ngôi nhà không ở được nữa. Sau này người ta phải xây ngôi đền “trấn yểm” miệng giếng, đặt lên đó các bức tượng tượng trưng, để các vong hồn khỏi vất vưởng dọa nạt người qua lại.
Căn nhà sau đó vô số lần đổi chủ, và không ai ở được lâu. Có người thì cho rằng căn nhà này chính là nơi mà nhà văn nổi tiếng Việt Nam, nhà văn Nhất Linh, đã từng ở, trước khi về Sài Gòn và uống thuốc độc tự sát vào đầu những năm 1960. Trong hồi ký “Nhất Linh, cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết, chúng tôi chỉ thấy có đoạn ông Thiết viết như sau: “Mấy bố con tôi dọn qua một căn nhà mới do một người bạn chơi phong lan của cha tôi để lại… Căn biệt thự nằm biệt lập trên một triền đồi nhìn xuống một thung lũng thông trùng điệp. Tại đây Nhất Linh đã biến căn biệt thự thành một trại lan nhỏ với đủ các loại hoa trồng khắp từ trong ra đến tận ngoài nhà”. Không rõ có phải căn nhà này không?
Cũng vẫn theo hồi ký nêu trên: “Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. Những khi giật mình tỉnh giấc nửa đêm tôi thường thấy, qua khe cửa, đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lồm cồm bò dậy vì có tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần không kìm hãm được. Lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Sau này tôi biết ông đã khóc âm thầm nhiều đêm vào những dịp khác. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi cũng không thể nào biết được. Nhưng sự khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ, rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ.
Ngoài ra những giấc mơ kì lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm. Có buổi sáng thức dậy ông đã hỏi người chị họ tôi có dạo chơi piano bản nhạc nào đó không, vì ông hoang mang không biết chính ông đã nghe chị tôi thực sự dạo bản nhạc đó hay tất cả chỉ do ông tưởng tượng ra trong giấc mơ của ông”.
Đoạn miêu tả này không biết có liên quan đến thời gian Nhất Linh sống ở ngôi nhà này không? Và có liên quan gì đến vụ tự sát tức tưởi cuối đời của ông hay không.
Từ sau thời điểm đó, dường như không còn xác định được có ai sống cố định ở đây nữa hay không. Chỉ có một vài bài báo nói về chuyện từng có một vài ông già “lập dị” nào đó thỉnh thoảng trông coi ngôi nhà, có người dựng mộ giả lên không rõ làm gì. Rồi gần đây có một công ty du lịch mua lại căn nhà làm điểm “du lịch tâm linh”. Và đêm nay chúng tôi viếng thăm.
Càng tìm hiểu, càng… băn khoăn
Từ đầu đường vào nhà, con đường dãi cỡ 50m. Từ xa, trong bóng đêm, phía căn nhà le lói một thứ ánh sáng đỏ lòe, huyền bí, ma quái. Càng đến gần, thấy trước hiên căn nhà nơi tầng trệt một thân hình trắng toát được ánh sáng đỏ từ bộ đèn phản chiếu khiến người ta không khỏi lạnh gáy cứ như hiện ra trước mắt một oan hồn thiếu nữ áo trắng, có khuôn mặt đỏ vẫn đêm đêm hiện về nơi đèo dốc, vẫy tay xin đi nhờ.
Nín thở đi tiếp, nhận ra ngay chính diện, dưới mái hiên tầng trệt là tượng quan âm bồ tát to lớn, cao chừng 2m, áo choàng xanh phủ tận chân, tay cầm bình cam lồ, tay bắt quyết. Bức tượng đặt trên bệ bê tông. Đóa cúc vàng trong bình hoa còn tươi rói, bát chân nhang còn mới như còn vất vưởng bóng ai vừa thoáng qua. Phải chăng do nơi đây những oan hồn còn chưa siêu thoát, đêm đêm ai oán kêu than nên người ta đặt tượng quan âm dẫn lối chỉ đường cho họ sớm siêu thoát.
Chưa đi vào nhà ngay, chúng tôi vòng về bên hông phải ngôi nhà, qua một lối nhỏ có vài bậc tam cấp. Con đường chỉ đủ vừa lọt người đi. Bên đường là một ngôi mộ mang tên Nguyễn Lương Di ghi ngày mất 15/03/2015, không rõ tuổi. Trên ngôi mộ một vài vật dụng đồ chơi mới tinh. Có lẽ đây là mộ trẻ em. Nhưng ai chôn? Tại sao chôn ở đây?
Bên cạnh ngôi mộ là ngôi miếu nhỏ hiện ra, lập lòe ánh đèn xanh đỏ. Ngôi miếu nhỏ bên trong đặt những bức tượng những cô gái trên một cái bệ với đủ nhang khói, bông hoa. Người ta đồn rằng ngôi miếu này được xây trên miệng giếng năm xưa. Những bức tượng tượng trưng cho những cô gái đã bị cưỡng bức, sát hại và vứt xuống giếng phi tang. Vì oan khí nặng nề, sự hận thù của những nạn nhân không hóa giải được, người ta mới lấp giếng, xây ngôi miếu, lập tượng để trấn yểm, cầu mong các oan hồn nguôi ngoai, không phiền đến người sống trên nhân gian.
Khoảng giữa ngôi miếu và ngôi mộ là một cột bê tông gãy đổ, trên viết một chữ tượng hình không rõ nghĩa. Phải chăng đây chính là dấu vết cuộc “trấn yểm các oan hồn thiếu nữ”.
Một người trong đoàn chợt lập cập đề nghị mọi người dừng cuộc khám phá. Bởi mới bên ngoài, “nhà ma” đã rùng rợn. Vậy bên trong còn bao nhiêu chuyện kinh hãi hơn? Biết đâu trong nhà lại thấy bóng ai đó lướt nhẹ chân không chạm đất với giọng cười lanh lảnh ám ảnh?
Cả nhóm cuối cùng bỏ qua đề nghị đó, tiếp tục đi vào ngôi nhà. Đúng như thông tin trên báo chí gần đây, căn nhà đang được tu sửa lại, nhưng không một bóng người trông coi, bỏ lại toàn bộ xi măng sắt thép vật liệu xây dựng ngồn ngang một nơi. Căn nhà thiết kế khá kỳ dị, trước lò sưởi lạnh tanh trong phòng khách là chiếc ghế bành ai đó đã bày sẵn. Bên cạnh là chiếc bàn tròn kiểu mới vẫn còn ly tách. Cầu thang nhỏ dẫn lối lên tầng hai, bên cạnh lò sưởi và căn phòng ngủ nho nhỏ, nhìn vào còn thấy chiếc giường phủ bụi màu đen bí ẩn. Chiếc giường của đoàn làm phim ma nào đó bỏ lại, hay của ai?
Tầng 2 bí ẩn hơn. Cầu thang dẫn lên một hành lang nhỏ hẹp chỉ đủ một người đi. Và hành lang này vừa có lối dẫn vào các phòng nhỏ trên lầu, vừa là đường xuống hông ngôi nhà. Trong một căn phòng, có một chiếc bàn ở góc, bên trên là bát nhang nhỏ. Các phòng đều không có cửa, thông thống, và đều có bát nhang. Ánh đèn pin rọi vào phòng thứ nhất, một chiếc giường với tấm đệm bẩn thỉu, tấm ra nhăn nhúm như vừa mới trải qua một cuộc vật lộn. Căn phòng thứ 2, vẫn chiếc giường nhưng tấm đệm màu đỏ như màu máu. Khắp tầng 2, một quãng lại gặp bát nhang, lại bình hoa tươi.
Có người chợt rùng mình sợ hãi ghì người khác lại khi thấy một căn phòng với hai bức trướng rủ thấp như một đàn cúng tế. Nén sợ hãi đi ra cánh cửa thứ hai trong phòng này, người ta thấy phía trước dãy phòng là hành lang thênh thang khác với một bức tượng phật ngồi nhìn ra phía trước mênh mông rừng núi trập trùng. Căn nhà hóa ra thiết kế hình thù kỳ dị, không ra Tây, không ra ta, như một cái vòng tay khum khum muốn ôm níu điều gì đó mông lung.
Kết thúc hành trình khám phá một vòng “nhà ma”, đồng hồ điểm hơn 4h sáng. Sương mù dày đặc. Xe lao nhanh vào Đà Lạt; rồi tận đến khi chìm vào giấc ngủ bù, ai cũng đều băn khoăn những câu hỏi vì sao và vì sao?.