Hai luồng quan điểm
Mới đây, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang (35 tuổi, thường trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về tội hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự. Đối tượng Quang có vợ là chị N.T.V. (31 tuổi, thường trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình). Do mâu thuẫn gia đình, tháng 8/2019, chị V. viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ sinh sống.
Để vợ từ bỏ ý định ly hôn và quay về chung sống, Lý Văn Quang đã nhiều lần đến nhà vợ để níu kéo nhưng bất thành. Vào 18h ngày 5/2/2020, Quang điều khiển xe mô tô đến gặp vợ, thấy chị V. ở nhà một mình, Quang đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn với chị V. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, Công an huyện Lộc Bình đã xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang.
Dù gây xôn xao dư luận nhưng đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến vấn đề “chồng hiếp dâm vợ”. Ngày 21/11/2014, một người phụ nữ đã dũng cảm trực tiếp lên sóng truyền hình chia sẻ về câu chuyện cuộc đời đầy bi kịch của mình khi bị chính người chồng bạo hành tình dục ngay cả khi ốm đau, khi sức khoẻ không đảm bảo và bản thân chị không tự nguyện khiến khán giả bức xúc lẫn xót thương.
Tương tự là trường hợp một phụ nữ 54 tuổi từng phải 5 năm trời chịu đựng để chồng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, dẫn đến hậu môn bị nhiễm bệnh lây qua đường tình dục. Nhiều khi đau đớn quá, bà quỳ xuống xin chồng tha nhưng ông chồng không nghe.
Trước đó, ngày 10/9/2009 tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra sự việc đối tượng Hoàng Sơn Linh cầm dao uy hiếp buộc vợ về nhà để đánh đập và tuyên bố giết vợ rồi tự sát. Khi được thuyết phục, vận động thì Linh có hành vi cưỡng hiếp vợ ngay giữa nhà…
Đối diện với những vụ việc trên, có hai luồng quan điểm tranh cãi. Một bên cho rằng một khi đã còn quan hệ vợ chồng theo pháp luật thì không thể coi đó là hành vi hiếp dâm. Ngược lại, quan điểm đối lập lại nhấn mạnh tội danh hiếp dâm không quy định chủ thể đặc biệt nên không thể loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng mà chỉ quan tâm đến hành vi “giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân”.
Vụ việc Lý Văn Quang có hành vi hiếp dâm vợ không phải vụ đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành vi này cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đơn cử như vụ đối tượng Hoàng Sơn Linh lột quần áo, hiếp dâm vợ ở Bình Thuận, đối tượng này sau đó cũng chỉ bị xử lý hành chính theo hướng dẫn của các văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.
Có cơ sở khởi tố
Cách đây 5 năm, tại buổi hội thảo “Định kiến giới và tiếp cận công lý của phụ nữ trong những vụ án bạo lực trên cơ sở giới” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác tư pháp nhằm góp phần hoàn thiện 2 Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự do Bộ Tư pháp phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức vào đầu tháng 4/2015, quan điểm của các diễn giả cho thấy, theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì pháp luật không loại trừ hành vi hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Cụ thể, từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn duy trì quan điểm là đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục để bảo vệ nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, chưa bao giờ pháp luật Việt Nam quy định loại trừ trách nhiệm hình sự khi vợ và chồng giao cấu trái ý muốn.
Quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ luôn được pháp luật đề cao, trong đó có quyền tự do tình dục. Hành vi xâm hại tình dục cấu thành tội danh nào (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu...) thì xử lý về tội danh đó, bất kể mối quan hệ giữa nạn nhân và đối tượng gây án như thế nào.
Phân tích hành vi hiếp dâm vợ từ góc độ pháp luật về hôn nhân, gia đình và pháp luật về hình sự, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Công an huyện Lộc Bình khởi tố Lý Văn Quang về hành vi hiếp dâm là có căn cứ pháp luật.
Cụ thể, theo luật sư, hành vi hiếp dâm theo quy định pháp luật là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.
Tội danh này không quy định chủ thể đặc biệt, không loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng, bởi vậy cứ đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực hành vi dân sự mà thực hiện hành vi như trên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm.
Bộ luật Hình sự có quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự như: phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết... nhưng không có điều luật nào quy định trường hợp vợ chồng giao cấu trái ý muốn (hiếp dâm) thì được loại trừ trách nhiệm hình sự nên nếu vợ hoặc chồng thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Khoảng trống pháp luật?
Tuy nhiên, với nền văn hóa Á Đông truyền thống thì khi thực thi pháp luật, những quy định về tội danh hiếp dâm, cưỡng dâm ở nhiều trường hợp “mặc nhiên” được hiểu là không bao gồm trường hợp hiếp dâm hoặc cưỡng dâm trong quan hệ hôn nhân.
Thực tiễn một số địa phương cũng như phản ánh của các kênh thông tin, truyền thông cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Có điều, nhiều người vẫn cho rằng, nếu có xảy ra việc xâm hại tình dục trong hôn nhân thì đây là vấn đề của bạo lực gia đình chứ không phải tội phạm hình sự.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng chia sẻ với truyền thông, cách hiểu chủ thể của tội hiếp dâm “người nào” theo Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 2015 không bao gồm trong quan hệ vợ chồng đã được điều chỉnh theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Luật sư này phân tích, quan hệ vợ chồng đã được pháp luật công nhận dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Do đó, trong quan hệ vợ chồng chung sống trong một nhà thì việc quan hệ tình dục là sự mặc nhiên được pháp luật và xã hội thừa nhận. Đó là một nhu cầu tất yếu của vợ chồng nhằm duy trì quan hệ hôn nhân để phát triển xã hội.
Nếu vợ hoặc chồng đòi hỏi nhưng đối tác không đáp ứng nhu cầu tình dục và sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục đích quan hệ thì cũng không thể coi đó là hành vi hiếp dâm. Mà đó chỉ là hành vi phạm nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ/chồng theo Điều 21 Luật Hôn nhân và Gia đình “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau”.
Nếu người vợ, chồng thường xuyên dùng vũ lực, đe dọa ép buộc nhau quan hệ tình dục trái ý muốn hoặc hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần thì một bên có thể xin ly hôn. Nếu có đơn đề nghị xử lý thì hành vi này có chăng sẽ cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Như vậy, có thể thấy, vẫn còn có rất nhiều đáp án cho câu hỏi “Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân – vô tội hay không tội”. Và nguồn cơn của những đáp án khác nhau này không đến từ quy định pháp luật mà đến từ cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau của các chủ thể, cá nhân. Có thể xem đây là “khoảng trống” của pháp luật và là một trong những nguyên nhân làm cho các vụ bạo lực tình dục trong quan hệ vợ chồng chưa được xử lý nghiêm.
Vợ chồng – quan hệ bình đẳng hay phục tùng?
Người Việt Nam thường soi chiếu người phụ nữ bằng thuyết “tam tòng, tứ đức”. Cũng từ đó mà trong nhiều thế hệ người Việt đã hình thành một quan niệm rằng người vợ trong gia đình phải phục tùng người chồng tuyệt đối “thuyền theo lái, gái theo chồng”.
Chữ “tuyệt đối” ở đây có thể hiểu ở rất nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh về tình dục như: Đã là vợ chồng thì phải có nghĩa vụ quan hệ tình dục, phải phục vụ nhu cầu tình dục của nhau, phải sinh con dù muốn hay không.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật về quyền con người nói chung và pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân gia đình nói riêng thì suy nghĩ này là suy nghĩ hoàn toàn chủ quan, mang tính cá nhân và không đúng với quy định của pháp luật. Với luật pháp, một nguyên tắc rất quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan hệ mệnh lệnh phục tùng.
Bên cạnh những quy định như vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…, thì một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt các quy định pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau.
Từ đó, có thể thấy, trong cuộc sống vợ chồng, hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau (trong đó có hành vi xâm hại tình dục) là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, mà hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.