Quá khứ lầm lỡ
Xóm Bàn Bàng còn có tên gọi “xóm hoàn lương”, nơi trú ngụ của hàng chục phụ nữ ở nhiều miền quê khác nhau, nằm cạnh Trung tâm Giáo dục, Dạy nghề 05 -06 TP. Đà Nẵng. Làng có từ năm 1985, do những con người một thời lầm lỡ được đưa về giáo dưỡng tại Trung tâm như chị Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957, quê Quảng Nam) lập nên.
Cũng chính sự “gói gọn” có mấy mươi hộ trong 1 xóm, mà hỏi đến tên chị Minh Nguyệt, người chỉ đường còn tường tận nêu cả giờ giấc chị làm gì, ở đâu... Và cũng một loáng sau, chị Nguyệt đã biết có khách tìm mình, vội vàng vác củi về tiếp chuyện.
Chị Nguyệt kể, mình sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Lúc chị mới chập chững tập đi, không may mẹ vì lao lực, bạo bệnh rồi qua đời. Ngay sau đó, cha chị cũng bỏ lại đứa con gái chưa được 2 tuổi, biệt tích.
Thành đứa trẻ mồ côi, chị Nguyệt được bà ngoại đón về chăm bẵm. Bà cháu rau cháo nuôi nhau, đến cái ăn cũng khó nên chị Nguyệt chưa một ngày được đến lớp. Năm 13 tuổi, chị Nguyệt nuốt ngược nước mắt nhìn ngoại trút hơi thở cuối cùng.
Bà mất, chị sống một mình trong căn nhà rách nát, hằng ngày đi đốn củi mang về bán nuôi thân. Tuy nhiên, với một đứa trẻ còn cần nhiều sự bao bọc của người thân, chị Nguyệt tìm đến nhà chú ruột bấu víu. Nhưng ở đây, mỗi ngày chị phải đổi hai bữa cơm bằng những lời chì chiết, chửi mắng của thím nên cuối cùng đã quyết định ra đi. Nguyệt phó mặt cuộc đời mình cho số phận.
Lang thang, bước chân vô định đưa chị Nguyệt đến những quán bar tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam, nơi Mỹ xây dựng căn cứ thời chiến tranh loạn lạc) tìm việc làm. Bên ánh đèn mờ, những điệu nhảy của các bà đầm, các trò chơi nhố nhăng từ giới thượng lưu khiến chị ao ước có tiền và trở thành kẻ trung gian giao ma túy chuyên nghiệp.
Làm công việc này một thời gian, thông qua cơ hội tiếp xúc cộng với nhan sắc trời cho, chị Nguyệt trở thành đích ngắm của bọn lính Mỹ. Dù biết rõ thân phận mình, nhưng cuối cùng, chị Nguyệt cũng xiêu lòng trước lời ong bướm của một viên Trung úy đẹp trai.
Chị Nguyệt mang thai, song đã bị người tình chối bỏ, năm lần bảy lượt ép uống các loại thuốc phá. Cố giữ con đến tháng thứ 7, đứa trẻ chết lưu trong bụng mẹ. “Trở về từ Bệnh viện, hận đời, hận tình đầu, tôi lao vào các cuộc chè chén và yêu không ngừng nghỉ. Dần dà, quen nhiều, qua lại với nhiều đàn ông, tôi trở thành một gái “bán hoa” thứ thiệt. Mỗi đêm, tôi có thể thu nhập đến hàng chỉ vàng nhưng đều mang nướng hết vào rượu và đánh bạc”, chị nhớ lại.
Năm 1972, lính Mỹ rút về nước, các quán bar ở gần sân bay Chu Lai đóng cửa. Vốn quen cuộc sống phóng túng, lúc này chị Nguyệt phải tự ra đường đón khách làng chơi. Năm 1982, trong một lần đứng đợi khách, chị Nguyệt bị công an bắt đưa đi phục hồi nhân phẩm ở Trung tâm Bàn Bàng (nay đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề 05- 06 và ở K91 (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) lao động cải tạo.
Năm 1984, chị Nguyệt ra trại. Tuy nhiên, vì không nhà cửa, không người thân, không nơi bám víu, chị xin trụ lại Trung tâm làm việc nhưng bị từ chối. Cùng lúc, ở quê nhà, người thân, hàng xóm bàn ra tán vào xa lánh, buộc chị lại tìm đến nghiệp cũ. Một năm sau, chị lại bị bắt, đưa trở về Trung tâm.
Nhọc nhằn “bến đỗ”
Hai lần qua sông Cu Đê gội rửa quá khứ, chị Nguyệt hiểu ra, lỗi lầm trong cuộc đời mình cần dừng lại. Tuy nhiên, cũng như nhiều chị em khác, tất cả đều không muốn về quê vì mặc cảm, không muốn xuống đồng bằng bởi sợ “ngựa quen đường cũ” nên nghĩ ra cách, bám trụ lại mảnh đất giúp mình “xóa vết nhơ” bên cạnh Trung tâm lập nghiệp.
|
Chị Nguyệt trong căn nhà tường gạch loang lổ |
Xóm hoàn lương ra đời từ đó. Theo chị Nguyệt, bây giờ ngôi làng đã “thay da đổi thịt” nhiều, có thêm căn nhà ngói đỏ và con đường bê tông chạy xuyên suốt. Còn trước kia, vùng này hoang vu, chỉ thấy rừng với rừng nên không biết trồng gì, nuôi con gì.
Cuộc sống ngày đầu hoàn lương của những người một thời từng làm gái bán hoa, nghiện ma túy... ngập chìm trong khó khăn. Nhưng bằng lòng quyết tâm xây dựng lại cuộc đời, chị Nguyệt cùng các chị em lên rừng kiếm gỗ, lá cây, tự giúp nhau dựng căn nhà.
Có được chỗ ở, họ tính đến chuyện mưu sinh. “Từ sáng sớm, mọi người dậy hò kéo nhau đi đốn củi. Đến tối, ai nấy lại lũ lượt vượt qua sông Cu Đê, gánh “thành phẩm” hơn 3 cây số về trung tâm xã để bán. “Tôi nhớ mỗi bó củi thời điểm đó được khoảng 3 - 4 ngàn đồng”, chị Nguyệt tâm sự.
Con đường về nẻo thiện dần tươi sáng. Ngoài nỗ lực của chính người lầm lỡ mong muốn hoàn lương, năm 2006, các cấp chính quyền cũng quan tâm, tạo điều kiện cấp đất để các chị xây dựng nhà ở. Nhiều chị em khác ổn định và tính đến chuyện xây dựng gia đình cho riêng mình.
Còn riêng chị Nguyệt, giấu khát vọng bằng nụ cưừi chua chát: “Cũng vì mối tình đầu cay đắng, vì nạo thai chết lưu mà tôi mất đi quyền làm mẹ. Biết mình vậy, tôi từ chối mọi lời yêu thương để khỏi làm khổ đến ai”.
Bất hạnh vẫn chưa dừng lại, đầu năm 2012 chị Nguyệt phát hiện bị ung thư vú, phải mổ gấp. “Tôi làm chi có tiền, dành dụm trong mấy năm trời mới được 400 ngàn đồng, nhưng vừa lo tu sửa nhà, thành ra trong người không một đồng dính túi. Người thân cũng không có để nhờ vả, lúc đó tôi đành nhờ chị Trần Thị Phúc (SN 1953, hàng xóm, người ra trại hoàn lương cùng đợt với chị Nguyệt - PV) về bán căn nhà của mình”, chị kể.
Căn bệnh được cứu vãn, nhưng lúc quay lại quê hương thứ hai, chị Nguyệt không còn nhà để về. Thấy chị ôm quần áo ngồi khóc giữa đường, chị Phúc giang rộng vòng tay đón đến ở chung.
“Cứ tưởng ông trời trêu cô Nguyệt đã đủ, tôi khuyên cô cố gắng làm lụng, dành dụm tiền bạc để phòng thân. Ai dè, tháng 8/2013, cô ấy bị đau ở ngực tiếp, chở đi khám, bác sĩ bảo bị phù tim. Thời gian sau này, tay phải của cô Nguyệt không hoạt động được. Do đó, đi lấy củi kiếm tiền mua thuốc, cô ấy toàn dùng tay trái, gắng gượng lắm mới mong được 20 ngàn đồng. Có tiền, hằng tháng, cô Nguyệt đi nhờ xe cán bộ Trung tâm 05-06 xuống Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng mua thuốc uống. Cực vậy chứ biết nhờ ai…”, chị Phúc xót xa nói thêm về người hàng xóm.
Cũng không biết cười hay khóc, nghe chị Phúc nói về mình, chị Nguyệt vội xua tay phân bua: “Cuộc đời tôi nhiều lầm lỡ rồi, chừ được sự quan tâm của anh chị em, hàng xóm như ri đã quá đủ. Còn đi lại được, tôi sẽ cố gắng lo bản thân để khỏi phiền hà mọi người. Khi về già, tôi tính xin vào Trung tâm bảo trợ người neo đơn, cơ nhỡ, hi vọng qua đời có người chôn cất”. Nghe câu nói chao nghiêng tận dáy lòng chị Nguyệt, trên đường về bên dòng Cu Đê, khách không khỏi bùi ngùi thương cảm...