Ước mơ cuối đời của ông lão ăn xin nuôi con tâm thần

(PLO) - Mang danh sống ở giữa lòng Thủ đô đã hàng chục năm qua, nhưng có lẽ ông lại là một trong những lớp người đói khổ, cùng cực nhất của xã hội. Giờ đây, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, khi sức đã cùng, lực đã kiệt, ông cùng người con trai bị bệnh tâm thần đang vật lộn mưu sinh trong túp lều rách nát.
Ước mơ cuối đời của ông lão ăn xin nuôi con tâm thần
Đã nghèo lại mắc cái eo
Đối diện ngõ 107 Lĩnh Nam có một con hẻm nhỏ song song với bờ sông Gạo (người dân thường gọi con sông này là “cống thối”) thuộc tổ 30, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội là túp lều rách nát của hai cha con ông Nguyễn Văn Sắn (75 tuổi, quê gốc ở Bắc Ninh). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, anh chị em lại ly tán nên ông Sắn đã sớm phải bỏ quê, một mình lên Hà Nội kiếm sống. 
Trong suốt cả quãng đời trai trẻ, quanh năm làm thuê, làm mướn ông chẳng nề hà, từ công việc nhẹ đến việc nặng đều rất cố gắng chăm chỉ nhưng chỉ đủ nuôi miệng ăn.
May mắn cũng đã mỉm cười khi ông gặp và kết hôn với bà Nguyễn Thị Gái. Có thể nói đây là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời ông khi hai vợ chồng sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng chẳng bao lâu bà Gái mắc bệnh qua đời, để lại ông “gà trống nuôi con”. 
Cậu con trai thứ hai sau đó cũng bỗng nhiên phát bệnh tâm thần, sống với ông đến tận bây giờ. Người con trai cả đã trưởng thành và lập gia đình, nhưng hoàn cảnh nghèo khó cũng chẳng có điều kiện thăm nom, giúp đỡ ông. Ông Sắn buồn bã kể: “Họa hoằn lắm nó mới đến cho chai mắm, gói muối thôi…”. 
Ước mơ cuối đời 
Nhìn ông Sắn hom hem, chân tay run run chỉ còn da bọc xương với vẻ mặt hốc hác lộ rõ vẻ khắc khổ một đời, vẫn đang cặm cụi chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho cậu con trai đã hơn 40 tuổi nhưng trí óc chỉ như cậu bé 3 tuổi khiến ai cũng phải chạnh lòng. 
Gia tài đáng giá của hai cha con cũng chỉ còn chiếc giường mục nát, một cái chăn bẩn, ẩm mốc, bốc mùi và thêm dăm ba chiếc nồi cũ thủng của những bà đồng nát mang đến cho. Hàng ngày không chỉ sống cạnh con sông ô nhiễm, bốc mùi nồng nặc, ông Sắn còn phải dùng nước sông để rửa ráy, sinh hoạt. 
Nhìn xuống dòng nước sông chảy xiết, ông nói: “Cách đây mấy hôm, đang lúc rửa nồi, không may tuột tay nước cuốn trôi nồi, tôi không kịp lấy lại, vậy là mất luôn cái nồi lành lặn duy nhất để nấu nướng...”. 
Túp lều tồi tàn của ông Sắn.
Túp lều tồi tàn của ông Sắn. 
Sống hơn chục năm nay trong túp lều rách đó, ông lão đã rất nhiều lần phải đi xin ăn hay ra bãi rác bới kiếm manh áo cũ khoác tạm lên người để hai cha con có thể chống chọi qua nổi mùa đông giá buốt. Nhiều người dân nơi đây nhìn thấy cảnh đời khổ cực, bần cùng của cha con ông Sắn cũng tỏ ra cảm thương sâu sắc. Nhưng họ cũng chẳng giúp gì được nhiều cho hai cha con bởi hoàn cảnh cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. 
Cô Hà - một người bán nước gần đó tâm sự: “Tôi bán hàng nước lâu năm ở đây, nhìn hoàn cảnh hai cha con như vậy mà lắm lúc rớt nước mắt. Thỉnh thoảng nghĩ thương lại đem cho ông ấy bát gạo, con cá. Ngay cả những người dân xung quanh cũng vậy, họ thấy hoàn cảnh của hai cha con cũng nhiệt tình giúp đỡ, nhưng cùng phận nghèo nên chẳng đáng là bao. Nếu như có nhà hảo tâm nào đứng ra giúp đỡ cho quãng đời còn lại của ông ấy thì đỡ tội cho hai cha con”. 
Cuối buổi trò chuyện, với giọng run run, ông nói: “Cha con tôi sắp không còn được ở đây nữa rồi, nghe nói đến tháng 11 họ sẽ thu hồi giải tỏa khu này, không biết còn chỗ nào để hai cha con đi không nữa?”. 

Đọc thêm