“Phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng”
Ngay từ những ngày đầu đợt dịch mới bùng phát, người dân TP Đà Nẵng đi đâu cũng nghe cụm từ “phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm” và cũng quen dần cách sinh hoạt này.
Ông Hoàng Công Phúc, tổ trưởng Tổ dân phố 12 (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết, ngay sau khi có ca nghi mắc COVID-19, lãnh đạo quận đã nhanh chóng triển khai lực lượng dập dịch, tiến hành phong tỏa khu dân cư. Người dân chủ động hợp tác, thực hiện cách ly, đến nay, dân cư đường An Nhơn 7 vẫn còn phong tỏa cứng.
Tổ giám sát cộng đồng giám sát ban ngày, lực lượng Công an giám sát ban đêm, không cho ai ra vào. Theo ông Hoàng Công Phúc, rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch năm trước, đợt dịch này, các lực lượng phối hợp rất nhanh, dù chưa nhìn thấy văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Đà Nẵng với những đêm trắng truy vết xét nghiệm COVID-19 |
Những nơi có nguy cơ cao cũng được thành phố nhanh chóng tiến hành xét nghiệm |
Sở Công thương, UBND các quận, huyện ở Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động 4 chợ vì các bệnh nhân mắc COVID-19 lui tới. Ngay sau khi xét nghiệm diện rộng cho kết quả âm tính với SAR-CoV-2, cả 4 chợ này đã trở lại hoạt động bình thường.
Nhiều hộ dân chợ Phước Mỹ (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) chia sẻ, họ không hề hoang mang khi nhìn thấy tinh thần chống dịch quyết liệt nhưng không cứng nhắc như năm ngoái. So với 2 đợt dịch trước, lần này, Đà Nẵng bình tĩnh hơn, không phong tỏa diện rộng và dài ngày một cách tràn lan, hạn chế gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của người dân. Cũng vì thế, người dân rất tin tưởng Đà Nẵng sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, lập lại kỳ tích chống dịch như đã từng.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ngay từ đầu đợt dịch mới, ông đã chỉ đạo, khi phát hiện ca dương tính với SAR-CoV-2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng nhắn tin cho 4 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố và Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện nơi xuất hiện ca nghi mắc COVID-19. Không cần đợi văn bản hay chỉ đạo của cấp trên, không đợi Bộ Y tế công bố chính thức ca mắc COVID-19, lãnh đạo địa phương lập tức khoanh vùng, cách ly y tế, phong tỏa mềm toàn bộ khu dân cư, tiến hành khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân cư trong khu vực.
Bên cạnh đó, khi có kết quả điều tra dịch tễ, những nơi bệnh nhân nghi mắc COVID-19 từng đến cũng kịp thời được phong tỏa mềm, lấy kết quả xét nghiệm diện rộng. Sau khi có kết quả âm tính lần 1 đối với toàn bộ những người liên quan, chính quyền cho phép tháo dỡ hàng rào tạm để khu vực đó trở lại sinh hoạt bình thường.
16h hàng ngày, tập thể lãnh đạo thành phố, các thành viên BCĐ Phòng chống dịch họp trực tuyến với các quận huyện, sở ngành để chỉ đạo cụ thể công việc phát sinh... |
16h hàng ngày, tập thể lãnh đạo thành phố và các thành viên trong Ban Chỉ đạo đều họp trực tuyến với các quận, huyện, sở ngành liên quan nghe báo cáo, chỉ đạo cụ thể từng công việc phát sinh trong phòng chống dịch. Tại những cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đều có ý kiến chỉ đạo với từng công việc cụ thể, ủy quyền mạnh mẽ cho địa phương, sở ngành chủ động quyết định trong thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công, đảm bảo tính kịp thời khẩn trương của công tác phòng chống dịch.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, quan điểm của Đà Nẵng là lấy mẫu xét nghiệm diện rộng nhưng phong tỏa diện hẹp để hạn chế thấp nhất đời sống sinh hoạt của người dân. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu nhanh chóng dập dịch nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế, thu nhập của người dân.
“Các quận huyện, cơ sở, các sở ngành bắt tay ngay vào thần tốc truy vết. Các quận, huyện, sở ngành đã có sáng kiến rất tốt. Chúng ta cũng đã thành lập các nhóm zalo, ví dụ như các nhóm zalo của Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy để chia sẻ thông tin. Khi chúng ta phát hiện một ca nào đó, chúng ta đều nhanh chóng xử lý. CDC Đà Nẵng cũng có sáng kiến làm sơ đồ dịch tễ để chúng ta hình dung được mối quan hệ giữa các bệnh nhân để kịp thời tham mưu cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố”, ông Chinh cho biết thêm.
Xác định KCN là nơi trọng yếu để vào cuộc!
Ngày 12/5 có lẽ được xem là đáng nhớ với Đà Nẵng trong đợt dịch mới này, khi địa phương ghi nhận thêm 35 ca mắc COVID-19, con số được cho là “kỷ lục” và nguy hiểm vì nằm ngay trong khu công nghiệp và mất dấu nguồn lây. Xác định khu công nghiệp (KCN) là một nơi hết sức trọng yếu, ngay lập tức cả hệ thống chính trị của thành phố, lực lượng Y tế, Công an tuyến đầu đã khẩn cấp vào cuộc.
Trắng đêm 11 và ngày 12/5, chỉ chưa đầy 24 giờ, Đà Nẵng đã thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho 660 mẫu tại 4 cụm dân cư xung quanh khu công nghiệp An Đồn nơi phát hiện các ca bệnh, lấy mẫu và xét nghiệm cho gần 4.500 trường hợp liên quan tại 34 chốt kiểm soát tại khu dân cư liên quan, tiến hành lấy mẫu cho toàn bộ hơn 8.000 công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp An Đồn; thiết lập thêm 1 khu cách ly tập trung F1 tại quận Sơn Trà với 155 giường để kịp thời đáp ứng tập trung F1.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân khu công nghiệp những ngày qua |
Hiện, 100% công nhân tại 6 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 |
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng nhận định, kiểm soát được bệnh tật nhưng không thể chủ quan, đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các KCN của một số tỉnh thành phía Bắc, cụ thể có Bắc Giang. Do đó, trong 3 ngày (từ 24 đến 26/5), ngành Y tế Đà Nẵng đã phối hợp Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR theo phương pháp gộp (10 người/mẫu gộp) cho gần 20.000 lao động làm việc tại các KCN Hoà Cầm, Hòa Khánh.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Đà Nẵng có 6 KCN và 1 Khu Công nghệ cao, với tổng số lao động đang làm việc 65.444 người. Từ ngày 12 đến 17/5, toàn bộ người lao động làm việc tại KCN An Đồn, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2.
Và nay, Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 52.322 người lao động đang làm việc tại Khu Công nghệ cao và 4 KCN còn lại. Hiện tại đã có 153 doanh nghiệp trong KCN nộp báo cáo cam kết thực hiện các biện pháp PCD và 14.405 công nhân tại đây đã được xét nghiệm COVID-19. Qua vận động, có 33 doanh nghiệp đồng ý chi trả chi phí xét nghiệm cho công nhân của mình; một số đề nghị xét nghiệm theo xác suất 50% -70% số công nhân; 33 doanh nghiệp đề nghị TP hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCD COVID-19 TP Đà Nẵng mới nhất, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định rõ, việc tổ chức xét nghiệm cho công nhân chính là trách nhiệm của đơn vị mình và đây là yêu cầu cần thiết và cấp bách. TP có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bằng cách tạm ứng trước kinh phí và sau đó doanh nghiệp phải chi trả phí xét nghiệm. Để bảo đảm công bằng, thể hiện chính sách khuyến khích xét nghiệm, thành phố thống nhất hỗ trợ theo mức bình quân cho các mẫu xét nghiệm của doanh nghiệp; cả những doanh nghiệp đã đăng ký và sẵn sàng chi trả 100% phí xét nghiệm cũng được hỗ trợ kinh phí xét nghiệm.
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng chia sẻ, phương pháp xét nghiệm gộp được thành phố triển khai trong thời gian qua đã giúp tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực.
Với phương pháp xét nghiệm mẫu gộp, Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm diện rộng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên các hãng taxi, tài xế công nghệ, tiểu thương, các khu dân cư trên địa bàn Thành phố. Trong 4 ngày trước bầu cử toàn dân, ngành y tế TP Đà Nẵng đã xét nghiệm cho hơn 65.000 hộ gia đình để vừa sàng lọc nguy cơ, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh nguy cơ lây nhiễm.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"