Đáng nói, việc chế biến mỡ bẩn sử dụng hóa chất, theo nhận định của lực lượng chức năng, có thể là nguyên nhân gây ra ung thư.
Chế biến mỡ bẩn tẩm hóa chất Trung Quốc
Ngày 13/5, nhận tin báo từ cơ sở, PC 49 phối hợp với các đơn vị liên quan, bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở chế biến mỡ, nội tạng động vật do ông Nguyễn Quế Huy (ngụ tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) làm chủ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 350kg nội tạng sống, chủ yếu là lòng bò, heo tươi để trên xe tải, đang đợi chế biến.
Ngoài ra, còn có thêm 5.600kg nội tạng, phần lớn là lòng lợn trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối. Trong đó, 12 bao mỡ đã qua sơ chế, có trọng lượng khoảng 480kg. Qua làm việc, ông Huy không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số hàng này.
Hỏi về nguồn gốc số mỡ, nội tạng nói trên, ông Huy cho biết, chủ yếu thu gom từ một số lò mồ nằm tại địa bàn phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với giá 3.000 đồng/kg. Trung bình một ngày cơ sở của ông Huy chế biến được khoảng gần 400kg mỡ, lòng heo bẩn.
Cũng theo ông Huy, hiện tại, do nguồn hàng “khan hiếm” nên trong tháng vừa rồi, cơ sở của ông chỉ chế biến được khoảng 5-6 tấn mỡ, lòng heo bẩn. Sau đó, ông đóng xe chuyển ra Thái Bình cho bạn hàng. Lúc này, mỗi kilôgam mỡ, lòng bẩn được tiêu thụ với giá 7.000-10.000 đồng
Ban đầu ông Huy khai, số mỡ, lòng heo bẩn sau khi sơ chế sẽ được bán làm thức ăn cho cá. Thế nhưng, trước sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, ông Huy mới thừa nhận, mỡ, lòng heo bẩn bán ra được sử dụng làm nguồn thực phẩm trong ăn uống hàng ngày.
Cũng trong quá trình kiểm tra cơ sở chế biến này, các điều tra viên PC49 còn phát hiện một bao hóa chất chứa bột màu trắng có ghi chữ Trung Quốc, trọng lượng 40kg, đã được chủ cơ sở sử dụng gần hết. Ông Huy mô tả, số bột trắng dùng để tăng lượng mỡ nhằm kiếm lời. Khi mỡ đưa vào lò nấu, ông cho nhân viên bỏ thêm chất bột trắng vào. Chế biến xong, vớt ra và ngâm nước, mỡ sẽ nở và nặng thêm.
Từ lời khai của ông Huy, các lực lượng chức năng yêu cầu một nhân viên chuyên nấu mỡ thực nghiệm trở lại. Quá trình được tiến hành cho thấy 1,4 kg mỡ tươi nấu không bỏ hóa chất và 1,4kg mỡ tươi nấu bỏ hóa chất cho hai kết quả khác nhau. Theo đó, chế biến 1,4kg mỡ tươi thu được 1kg thành phẩm; phần còn lại tẩm hóa chất màu trắng ghi chữ Trung Quốc thu được 1,6kg.
Tuy nhiên, về nguồn gốc chất bột trắng trên, ông Huy và cả nhân viên nấu mỡ lại không biết. Ông Huy cho rằng, mình được chính bạn hàng ở Thái Bình cung cấp, “khi nào hết thì họ gửi thêm vào chứ không phải do ông mua”.
Toàn bộ số mỡ bẩn trên sau đó được lực lượng PC49 và Chi cục Thú y TP Đà Nẵng tịch thu đem đi tiêu hủy, đồng thời tiến hành niêm phong cơ sở. Ngoài ra, PC49 còn lấy mẫu nước thải mà cơ sở này xả thải ra môi trường để xét nghiệm.
|
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng khen thưởng Phòng PC49 Công an TP Đà Nẵng có thành tích phát hiện, triệt phá được cơ sở sản xuất chế biến mỡ, nội tạng bẩn |
Các chỉ số đều nguy hại cho sức khỏe
Ngay sau khi thông tin về sự việc trên được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân càng tỏ ra hoang mang, lo lắng hơn trước ma trận thực phẩm bẩn. Đặc biệt, cơ sở chế biến mỡ, nội tạng do ông Huy làm chủ đã hoạt động từ rất lâu.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩn Đà Nẵng, những lo lắng của người tiêu dùng hoàn toàn có căn cứ. Lý giải cho nhận định của mình, BS Tiến cho hay, hiện nay, để tiết kiệm chi phí nên rất nhiều người vô tư sử dụng các loại mỡ bẩn không rõ nguồn gốc trong quá trình chế biến đồ ăn bán cho khách. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Thực tế, trong mỡ bẩn ôi thiu chứa rất nhiều chất nguy hiểm gây hại đến sức khỏe của con người. Trong khi đó việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ heo bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường (nhiệt độ khoảng 180-2000 độ C) không thể loại trừ hết các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, trong quá trình chế biến mỡ ở nhiệt độ cao cũng gây nguy hiểm nếu hít phải. Ngoài ra, chúng tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm như: andehit, chất oxy hóa…
Những độc tố này có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, hệ thần kinh, tim mạch.... Ngoài ra, do khả năng bảo quản kém, nấm mốc có thể tồn tại trong sản phẩm, gây ngộ độc cho người sử dụng. “Mặt khác, mỡ bẩn nếu tái sử dụng sẽ tạo ra nhiều cặn lẫn chung vào mỡ. Nếu ăn phải, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thở khó… còn nặng sẽ bị trụy tim, huyết áp tăng cao”, BS Tiến nói thêm.
Theo kết quả mới công bố của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 Đà Nẵng vào ngày 27/5, về kiểm tra chỉ số nước thải và thành phần chất ghi chữ Trung Quốc cho thấy, chỉ số COD (oxy sinh học trong nước) vượt 4,5 lần, TSS (chất rắn lơ lửng) vượt 2,1 lần và chỉ số Coliform (chỉ tiêu thông dụng được dùng để đánh giá mức an toàn vệ sinh trong nước) vượt 9.200 lần.
BS Tiến khuyến cáo, các chỉ số này đều nguy hại đến sức khỏe. Vì thế người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm để sử dụng trong gia đình mình phải hết sức chú ý. Không sử dụng những loại dầu mỡ đóng can, đóng chai, được bán theo kiểu cân một.
Đặc biệt, gói chất bột có chữ Trung Quốc không rõ xuất xứ được bỏ vào nấu cùng nội tạng để tăng trọng lượng, qua kiểm tra xác định phụ gia dùng để tẩy rửa công nghiệp, có đặc tính ngậm nước, có hại cho sức khoẻ con người. Thậm chí, việc dùng nhiều mỡ bẩn có tẩm hóa chất có thể là nguyên nhân gây ung thư.