Nhịp sống chậm rãi, từ tốn của Huế giúp con người trầm tư, chiêm nghiệm, không vội vàng chạy theo cái mới, giúp họ giữ những nét đẹp xưa. Vì vậy, “nhỏ nhẹ” trong lời nói, ứng xử là một phong thái của người dân sống ở xứ đẹp và thơ.
Vốn dĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt, từ đứa trẻ lên ba bi bô tập nói đến những người dù đã trưởng thành vẫn còn ghi trong tâm tiếng "dạ" , tiếng "thưa” khi trò chuyện với bậc trên. Thế nhưng vì sao khi nhắc đến hai tiếng thân thương ấy, người ta lại hầu hết nghĩ đến Huế, nghĩ về bóng dáng người con của đất Cố đô.
Ngay cả Thi sĩ Bùi Giáng một lần ghé Huế cũng đã thốt lên một câu lục bát rất đúng “kiểu Huế”:
“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Người Huế sống trong không gian văn hóa đậm chất kinh kỳ nên nề nếp, lễ nghĩa, nhìn trước ngó sau. Với khách lần đầu gặp mặt, bao giờ người Huế cũng từ tốn và kín đáo trong giao tiếp, không lạnh lùng nhưng cũng không vồn vã. Vì vậy, khi bạn đến Huế, đừng chào theo kiểu bắt tay với người lớn tuổi hơn mình và phụ nữ, nhất là với người già.
Không ít người Huế xem đó là vô lễ. Nên đặt chéo hai tay trước bụng mà thưa thì nhiều người Huế lớn tuổi gật gù trong bụng ngay: "Răng mà hắn lễ phép rứa" . Nếu thêm chữ “dạ” vào câu “dạ thưa ông”, “dạ thưa bà”, “dạ thưa bác”,… thì "chuẩn cơm mạ nấu"!
Những ai đã đến Huế, đã nói chuyện với người dân nơi đây hẳn sẽ thấy ngay được ở họ sự thân thiện, mến khách và rất nhiệt thành. Mặc cho thời gian có qua đi nhưng nghe tiếng “dạ”, tiếng “thưa” nhẹ nhàng, lễ phép thì ai cũng có thể nhận ra giọng Huế - người Huế như lời bài hát “Tình yêu từ chiếc nón Bài Thơ, từ giọng nói ấm trầm sâu lắng lạ”.
Trong mắt nhiều người ở các vùng miền khác, đôi khi chính giọng Huế cũng trở thành một tiêu chuẩn, rằng đã nói giọng Huế thì phải là người có lối hành xử, đi đứng, nói năng đẹp. Thế cho nên có những người con Huế xa quê mấy mươi năm, gần hết cả cuộc đời vẫn giữ nguyên giọng Huế.
Nhung - Một người bạn của tôi, xa quê vào làm dâu Sài Gòn đã hơn 20 năm, vậy mà vẫn khư khư ôm lấy giọng Huế ướt rượt, nhất định không đánh đổi, không pha trộn, đến độ người dân ở gần nhà vẫn quen gọi tên Nhung và thêm chữ Huế. Chất giọng trọ trẹ của miền Trung, là những từ “chi, mô, răng, rứa”, “dạ, thưa” khiến ai đi xa cũng nhớ mãi. Có lẽ vì thế, giọng Huế luôn ăn sâu trong tâm người con Huế.
Đặc biệt, thế hệ trẻ gia đình gốc Huế sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nếu còn nói được tiếng Việt thì tiếng “dạ… thưa” vẫn còn được kế thừa như một gia sản chưa nỡ bị đánh mất hay đi vào quên lãng.
Lâu lâu anh Ngô Doãn – “cột chèo” ở Mỹ lại đưa gia đình về Huế chơi. Mặc dù ba đứa con của anh sang Mỹ từ nhỏ, nhưng các cháu đều nói được tiếng Việt và luôn sử dụng hai từ "dạ, thưa" mỗi khi trò chuyện với người lớn. Anh ấy nói với tôi rằng: Giáo dục các con như vậy để chúng hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, hiểu sự tôn trọng bắt buộc trong bất cứ môi trường nào.
“Dạy cho con trẻ biết nói lời dạ, thưa khi giao tiếp với người lớn tuổi, có thể không khiến con trở nên lấp lánh, rực rỡ hơn so với những thành tích cụ thể nào đó mà con đạt được trong quá trình học tập. Tuy nhiên, khi con biết lễ phép trong cách nói năng với người đối diện, đó lại là nền móng cần phải có của nhận thức và trưởng thành. Và đó mới là những thứ quan trọng nhất trong hành trình giáo dục con trẻ”.
Bản thân anh ấy cũng luôn sử dụng từ "dạ, thưa" khi trò chuyện với người cùng xứ, ngay cả người nhỏ tuổi hơn mình. Anh Doãn quan niệm người ta nói năng với nhau không thể trống không. Muốn nhờ ai giúp việc gì đó, bắt đầu câu bằng chữ "dạ, thưa" hay kết thúc bằng từ "cảm ơn" nghe rất dễ chịu.
Ngày nay, ngay giữa chốn thành thị náo nhiệt này, dù có đi tới ngóc ngách ngõ hẻm nào, vẫn cứ nghe vang lên đâu đó tiếng “dạ” ngọt ngào. Mặc dù vạn sự đổi thay, nhiều điều nay đã khác trước, duy chỉ có một thứ “cũ” đầy mới mẻ, một kí ức “xa xưa” nhưng gần gũi, không hề tiêu biến đi, ấy là hai tiếng “dạ - thưa”. Chẳng ai biết nét đẹp văn hóa ấy thấm vào con người nơi đây từ bao giờ, cũng chẳng ai hay vì lý do gì mà sau bao nhiêu năm tháng, hai tiếng "dạ" và "thưa" vẫn là “miếng trầu mở đầu câu chuyện”.