Ba phụ nữ phụ lễ cho thầy cúng.
Ba phụ nữ phụ lễ cho thầy cúng.

Đặc sắc tục kéo si ngày đầu xuân của người Mường

(PLVN) - Đối với người Mường, họ quan niệm rằng cây si cây đa, cây gạo đều là những cây thần, đại diện cho sức sống trường tồn của bản làng. Bởi vậy vào những ngày đầu xuân năm mới, người Mường thường tổ chức tục kéo si để câu mong dân làng no ấm, người trẻ khỏe mạnh, người già trường thọ. 

Khám phá phong tục kéo si

Trong bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” hay còn gọi là “Mo Mường” các ông thầy Mo thường nhắc đến cây si bởi đó là một biểu tượng tâm linh đại diện cho sức sống trường tồn. Cũng vì cây si là biểu tượng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, nên mới có phong tục kéo si.

Theo các cụ ở bản Mường, cây si là biểu tượng sống, mang linh hồn để che chở cho con người. Người Mường họ tin rằng các cụ cũng phải sống trường thọ y như cây si, cây đa và phong tục này chính là nét đẹp độc đáo. 

Theo một lão thầy cúng ở xóm Nghẹn xã Thành Minh huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), tục kéo si đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào hàng nghìn năm. Người Mường cho rằng cây si là nơi hội tụ tinh hoa của trời đất, thể hiện cho sự hài hòa giữa con người và vũ trụ. Vì cây si chịu được khí hậu khắc nghiệt nên mới sống khỏe.

Trên thực tế, người Mường luôn biết ơn cây si, bởi cây si thường mọc ở gần hang động, đó là nơi trú ẩn, che mưa che nắng cho đồng bào. Với những quan niệm này, cây si sẽ tiếp thêm động lực để các cụ có một cuộc sống mạnh khỏe.

Cành si được kéo lên, nó tượng trưng cho sức sống lâu bền, vững chãi.
Cành si được kéo lên, nó tượng trưng cho sức sống lâu bền, vững chãi.  

Ngày nay phong tục kéo si không chỉ dành riềng cho người già mệt mỏi mà nó còn được tổ chức để chúc thọ. Thầy cúng sẽ thay lời con cháu, đọc lời thình cầu của gia đình đến với thần linh. Và con cháu sẽ cầu chúc cho các cụ không bị đau ốm, bệnh tật…

Thầy cúng Bùi Văn Tẻo cho biết: “Đối với người Mường, cây si chính là vị thần sinh ra đầu tiên và có sức sống kỳ diệu. Người Mường cho rằng mỗi một nhánh, một cành của cây si tượng trưng cho một bản Mường. Chính vì lẽ đó nên đồng bào dân tộc Mường chúng tôi tin rằng cây si sẽ truyền sức sống mạnh mẽ, kỳ diệu cho ông, bà, cha mẹ, hoặc những người cao tuổi trong dòng họ mình. Bởi sau khi làm vía kéo si thì ông bà cha mẹ sẽ thoát khỏi ốm đau, bệnh tật để sống lâu, trường thọ ý như cây cối”. 

Ngoài các nghi lễ, hiện nay biểu tượng cây si còn được lưu truyên qua những câu hát dân ca, thấm đẫm và in sâu vào lòng người. Cụ thể đó là những bài hát giao duyên. Người Mường ở đây dùng hình ảnh cây si để bày tỏ tình cảm của mình, nói hộ nỗi lòng của chàng trai với cô gái, vì nó mang ý nghĩa của sự trường tồn, bền vững. 

Nét độc đáo trong phong tục kéo si

Vào các ngày đầu xuân, lễ thức kéo si lại được tổ chức. Sau khi gia chủ đã chọn được ngày lành tháng tốt, người con dâu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc phụng sự gia đình nhà chồng để đi xin gạo. Người con dâu này đầu sẽ phải đội nón, tay cầm “ớp” (một dụng cụ để đựng các loại hạt), tùy thuộc vào số ngày âm lịch, như ngày mồng 5 thì xin gạo của 5 nhà, còn ngày mồng 7 thì xin của 7 nhà…

Số gạo đi xin về sẽ được đổ ra một cái nia, phía trên xếp gối lên một bó lúa. Dù giàu hay nghèo nhưng cứ gia đình nào làm lễ thức kéo si cũng đều phải thực hiện nghi thức này để cảm ơn sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con làng xóm. Đó chính là nét đẹp thể hiện cho sự đùm bọc, tình làng nghĩa xóm của cư dân bản Mường.

Thầy cúng đọc bài tế lễ để chúc thọ cho người già, và cầu mong mọi nhà đều mạnh khỏe, ấm no.
Thầy cúng đọc bài tế lễ để chúc thọ cho người già, và cầu mong mọi nhà đều mạnh khỏe, ấm no. 

Bên cạnh việc người con dâu đi xin gạo thì người con trai trưởng (tức chồng cô dâu, sẽ phải có trách nhiệm hương hoả cho gia đình). Người chồng sẽ mang từ trong rừng về một cành si xanh tốt. Khi buổi lễ bắt đầu, ba cô gái mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình bưng ra 3 mâm cỗ. Người phụ lễ bưng theo sau một mâm gạo và các vật dụng, được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên sàn nhà, nơi tổ chức nghi thức. Hai nam thanh niên bưng hũ rượu cần đặt ở phía dưới mâm cỗ, ở giữa là thầy cúng (Mo), dưới thầy cúng là họ hàng nội, ngoại cùng bà con làng xóm. 

Thông thường cỗ cúng được sắp từ ba đến năm mâm, trên mỗi mâm đều có xôi rượu, nia đựng gạo, cành si và các vật dụng làm lễ khác như: cuốc, nón, quần áo… Mâm bên phải ông Mo sẽ cúng âm hồn họ nội, mâm bên trái cúng âm hồn họ ngoại. Họ hàng con cháu nội ngoại sẽ chia nhau ngồi sang hai phía.

Cây si được dựng vững chãi trên sàng gạo. Sau khi chuẩn bị lễ song, ai nấy đều cảm thấy tinh thần sảng khoái và thư thái trong lòng. Tiếp đó, thầy cúng sẽ làm các nghi thức cúng lễ với bài tế, cầu mong cho cây si trường thọ, cũng có nghĩa là cầu mong cho người già trong gia đình có thêm sinh khí để chiến thắng bệnh tật, sống khỏe, sống lâu…

Sau nghi lễ, con cháu và xóm làng sẽ cùng uống rượu cần để chúc thọ.

Sau nghi lễ, con cháu và xóm làng sẽ cùng uống rượu cần để chúc thọ.

Lời bài cúng như sau: “Cây si ra đời khi đất trời còn bạc lạc, bời lời. Mặt trời đánh rơi hạt mưa nuôi nấng cây si. Lấm tấm con si mới mọc. Thóc tróc con si mọc lên. Buổi sáng to bằng cán chày. Trưa ngày to bằng cái cối. Buổi tối mọc ra 40 cành ngang. Sáng ngày mọc ra 30 cành đứng. Phải năm có sâu đen cắn cành.

Phải năm có sâu đen cắn gốc. Đổ cây si xuống. Dậy dậy si hỡi. Dậy hết 40 cành chà. Dậy hết 30 cành đứng. Hứng nước mưa trên trời cho êm. Đất mềm cây si đã mọc. Vun gốc cho cây si mọc nhanh. Không còn sâu đen cắn cành. Không còn sâu xanh cắn gốc. Lộc si mọc ra xanh non. Ngọn si mọc ra tốt lành. Tươi hết lá cành, xanh lá gốc, lá ngọn…”.

Sau bài khấn, người con trai cả trong gia đình thay mặt bố mẹ cảm tạ ông Mo. Ông Mo lại thay mặt thân chủ, bà con làng xóm mời rượu tạ ơn thần linh. Mo tuyên bố: “Kéo si đã lành, xanh lá gốc, lá ngọn. Con cháu hãy lại đây cùng mời ông bà uống rượu, ăn uống no say. Con cháu lạy người. Sống lâu nghìn năm. Sống lâu trăm tuổi!”. Trong không khí hân hoan của bà con và gia đình làm lễ, ông Mo cho phép mọi người uống rượu cần để hưởng lộc của thần linh. Tiếng cồng chiêng vang lên. Già, trẻ, gái, trai cùng nhau múa hát xoay quanh bình rượu cần. Và lễ Kéo si kết thúc. 

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho rằng: “Người Mường thường truyền miệng rất nhiều nhân vật, rất nhiều sự kiện liên quan đến cây cối. Người Mường quan niệm rằng cây chu đồng là cây thần, hay con gọi là cây vũ trụ, nó phản ánh thế giới con người và thế giới trời đất. Ngoài ra còn có cây si thần, cây đa và cây gạo. Trong đó cây si có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cư dân bản Mường. Chính vì vậy mà phong tục tập quán về cây cối cũng là một nét đẹp văn hóa trong đời sống hiện nay”. 

Có thể nói rằng, nghi lễ kéo si của đồng bào Mường thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa thiên nhiên và con người. Con người vun đắp cho cuộc sống, cho thiên nhiên thêm tươi thêm đẹp, tạo ra môi trường sống trong lành, đem lại nguồn sinh lực, sức khoẻ dồi dào để chúng ta vui sống, lao động tích cực và xây dựng bản Mường no ấm.

Đọc thêm