'Đại gia' hống hách chuyên cho vay 'cắt cổ' đất Bến Tre một thời

(PLO) - Sự giàu có của ông ta là mồ hôi nước mắt của dân chúng, tá điền nghèo khổ bất hạnh đóng góp. Khi cho vay lúa, ông cho đong bằng cái giạ non, khi gạt mặt, còn hổng một lỗ trên mặt. Đến mùa góp lúa ruộng, ông đem theo cái giạ già thêm mấy lít, và gạt miệng vun chùn. 
Cuộc gặp gỡ của một nhóm “đại gia” xưa
Cuộc gặp gỡ của một nhóm “đại gia” xưa

Nhiều lần đi thâu lúa ruộng tại sân lúa tá điền, sau khi đong đủ lúa cho ông thì người mướn ruộng chỉ còn… cầm cây chổi quét sân mà nước mắt tuôn dòng. Làm ruộng được bao nhiêu đã đong hết cho ông vì đã mượn nợ, trả tiền lời, tiền mướn ruộng, không còn một giạ để ăn, nhưng ông không động lòng. 

Gia đình bốn đời giàu có

Những năm 1940, những ai có dịp ngồi xe trên đường trải đá từ Cái Nhúm, Cái Mơn, Mỏ Cày ra tới bến Bắc Hàm Luông (Bến Tre), chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên vì ở đây có nhiều ngôi nhà lầu nhà trệt đồ sộ, cất trên nền đúc cao tới ngực, chẳng khác dinh Tham biện (Tỉnh trưởng) hay toà Đốc lý các thành phố lớn. 

Người giàu nhất ở đây là ông Hương Liêm, tên thật Huỳnh Ngọc Khiêm. Theo lời kể thì hồi nhỏ, gia đình Hương Liêm sống nghèo khổ, làm lụng vất vả hàng ngày nhưng không đủ ăn. Thân phụ ông Liêm là người tính tình cần mẫn, lam lũ nhưng biết tiện tặn, lại siêng năng. Những thập niên cuối thế kỷ 19, làng Đại Điền còn nhiều ruộng đất hoang, nhiều gò đống, cây cối um tùm.

Dưới con mắt của người dân quê, những chỗ đó có nhiều ma quái. Đêm đêm người ta cho rằng “những bóng ma chập chờn”, nên ít ai dám cất nhà chỗ xa xôi vắng vẻ, chỉ trừ những người quá nghèo, liều mạng. 

Dịp may một gia đình phú hộ muốn bán một trong những miếng đất hoang đầy “yêu ma phá quấy” đó với giá rẻ mạt. Ông Liêm tìm tới mua chịu, chỉ trả một số tiền nhỏ, nhưng chủ đất vui vẻ bán và còn nói với người trong nhà:

- Thằng cha Liêm này muốn chết thay cho mình.

Cất nhà xong, đêm đêm ông Liêm cho rằng thường thấy có hai con quỷ bưng chảo lửa trước sân, nhưng ông không sợ. Không ngờ rằng đó là một cuộc đất quý, một loại quý điền. Mấy năm liền, ông Liêm làm ruộng trúng mùa liên tiếp. Người ở trong đất này làm ăn phát đạt như diều gặp gió. Có tiền, ông Liêm mua thêm ruộng đất, làm ăn gặp may mắn luôn, không bị ma quỷ như lời đồn.

Người đời thường nói “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Gia đình ông Hương Liêm vượt ra ngoài thông lệ đó. Con cháu ông vẫn giữ các chức Hội đồng, Cai tổng, Tri huyện cha truyền con nối đến 4 thế hệ. Vốn tính kiệm ước, giàu nhưng không khoe khoang, xài phí, ăn chơi xa xỉ, ông Hương Liêm sống rất giản dị. 

Ngôi nhà của một cự phú tại miền Nam xưa
Ngôi nhà của một cự phú tại miền Nam xưa

Nhà của ông là loại nhà tiêu biểu cho thế hệ giao thời cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là một căn nhà lớn, gồm 48 cột bằng căm xe, đen mun, bóng láng. Mỗi cây cột một người ôm không xuể. Nguyên bộ sườn nhà không dùng một cây đinh. Nếu còn nguyên vẹn, ngày nay ngôi nhà của ông Hương Liêm có thể coi như một công trình kiến trúc độc đáo của Nam Kỳ thuở trước.

Ông Hương Liêm có nhiều người con, nhưng không nhớ rõ có bao nhiêu. Chỉ biết ông có hai người con đều làm Hội đồng. Người thứ nhất là Hội đồng Hổ, không con. Người thứ hai là Hội đồng Cử. Về sau, một người con của Hội đồng Cử làm Cai tổng, dân địa phương quen gọi là Cao tổng Thiến. Về phần con gái, chỉ nhó có hai bà: Bà thứ 10 gọi là Mười Tán, có chồng làm Thông biện ở Bến Tre. Bà kế là Nhứt Thịnh, có chồng là Cai tổng Trị, sanh được hai người con là Hai Xiêm và Ba Tây.

Trong số các con ông Hương Liêm, có người làm sui với ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm ở Gò Công.

Cự phú hống hách “vua một cõi”

Một người giàu có nổi tiếng khác ở làng Đại Điền xưa (Bến Tre) là ông Hội đồng Hoài, dân chúng quen gọi ông Phó Hoài, vì trước khi làm Hội đồng, ông có làm Phó tổng. 

Ông Hội đồng Hoài nổi tiếng hống hách, ai cũng sợ như ông vua một cõi. Ông coi dân chúng trong làng như tôi tớ, kẻ ăn người ở trong nhà, muốn bắt ai làm gì cũng được, không ai dám lừ chối, trốn tránh hay chống đối. Câu “phép vua thua lệ làng” ở đây chưa đúng nghĩa vì làng xã cũng phải sợ ông.

Ông làm Phó tổng, trên làng. Về sau, ông làm Hội đồng coi như “cha mẹ” cả quận. Nhà ông Hội đồng Hoài ngói lợp nhà sau 15 năm vẫn còn đỏ au như mới. Ở xa nhìn thấy toàn thể ngôi nhà, lẫm lúa, tường cao, hàng rào sắt như một dinh cơ đồ sộ trong truyện thần tiên. 

Dân Bến Tre và dân chúng sống hai bên bờ sông Tiền Giang như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, đâu đâu cũng nghe tiếng ông. Không ai dám nói đến tên ông là “Hoài”. Mỗi khi cần nhắc đến chữ ấy, người ta phải nói trại ra như sau:

- Đi đâu mà đi “hười” vậy?

- Sao cứ ăn “hười”, không chịu làm?

Có một giai thoại kể lại rằng, để dằn mặt ông Hội đồng phách lối, có một võ sư, giả làm người không biết uy quyền của ông, tìm cách gây sự, nếu cần, đánh một trận cho bõ ghét. Theo người hiểu chuyện kể lại rằng ông võ sư ấy thuộc hàng cháu chắt của hai viên tướng dưới thời Tây Sơn.

Một hôm võ sư ấy cưỡi ngựa đi ngang qua trước nhà ông Hội đồng Hoài. Cái lục lạc đeo ở cổ con ngựa cứ lắc lia, kêu lớn như khiêu khích. Mấy đứa gia nhân đều chạy ra đường coi ai dám cả gan trêu chọc ông Phó. Một đứa hất hàm hỏi:

- Bộ không biết đây là nhà của ai sao? Tại sao không xuống ngựa, lại làm cái lục lạc kêu lớn không để ông ngủ?

- Bẩm, tôi không biết. – Võ sư trả lời.

- Ừ! Để tôi vô mời ông tôi ra cho biết.

Nói xong tên đầy tớ liền chạy vô nhà thưa lại. Ông Hội đồng Hoài ung dung, hách dịch bước ra hỏi:

- Ê! Tên kia, làm gì lắc cái lục lạc kêu lớn quá vậy, không để ai ngủ hả?

- Dạ, tôi đâu biết. Đây là đường di, tôi cứ đi. Còn con ngựa tôi lắc cái lục lạc là tại nó, chớ đâu phải tại tôi.

Thấy cách trả lời cứng cỏi, không khép nép sợ sệt, Hội đồng Hoài tức giận:

- Xuống đây biểu?

Như chỉ đợi dịp này, ông võ sư nhảy phóc xuống ngựa, tiến tới ông Hội đồng Hoài không chút khúm núm, lo sợ. Đang cơn nóng giận, ông Hội đồng Hoài liền tát người ấy một bạt tay.

Tá điền chăn trâu khoảng năm 1930
Tá điền chăn trâu khoảng năm 1930

Không ngờ, võ sư né qua một bên, mà còn sử dụng miếng võ độc hiểm, quật ông Hội đồng té nhào. Biết gặp phải người có võ nghệ cao cường, Hội đồng Hoài vẫn còn giữ chút liêm sỉ của người có học võ, chắp tay xá:

- Tôi xin chịu thua ông. Xin mời ông vào nhà để tôi tạ lỗi, và nhờ ông chỉ dạy thêm cho tôi.

Võ sư ấy vội vàng lên ngựa, miệng còn lẩm bẩm:

- Ai thèm dạy thứ phách lối như mày.

Một giai thoại khác cũng được dân chúng truyền tụng với sự khoái chí vì đã làm mất mặt ông Hội đồng Hoài. Số là một ông cũng giỏi võ, mai danh ẩn tích từ lâu, chỉ làm ruộng rẫy, tên là Ba Khoan, dân Mỏ Cày ai ai cũng nghe tiếng. Một người bạn của Ba Khoan, ở cách nhà của Hội đồng Hoài một cánh đồng, có tát đìa, bắt được hai con cua đinh, nhắn ông Ba Khoan xuống, tặng một con đem về nhậu chơi.

Được tin đó, Ba Khoan xuống chơi và khi về có xách theo con cua đinh tòn ten, mục đích để bọn gia nô của ông Hội đồng Hoài thấy, đòi tịch thâu. Ba Khoan dùng một tàu dừa lớn, chặt làm đòn gánh để gánh một đầu, tay vịn một đầu. Khi Ba Khoan đi ngang nhà ông Hội đồng Hoài, bọn gia nhân thấy, liền kêu lại và nói:

- Lâu nay ông tôi thèm cua đinh. Chú để con cua đinh này cho ông tôi nhậu chơi, được không?

- Cua đinh của tôi, tại sao phải để cho ông nhậu?

- Chú ở đâu, không biết ông tôi à?

- Tôi quê mùa, không biết?

Nghe tiếng cãi cọ ngoài cửa, Hội đồng Hoài bước ra, tự tiện gỡ con cua đinh của Ba Khoan, mà không nói năng gì cả.

Bất thần, Ba Khoan dùng tàu dừa ấy, đánh bọn gia nô chạy tán loạn. Hội đồng Hoài bị một đá văng xuống mương, ướt như chuột lột. Xấu hổ, thầy trò ông Hội đồng Hoài bỏ vô nhà, không nhìn lại. Theo lời dân chúng địa phương, từ đó ông Hội đồng Hoài bớt hống hách.

Biệt thự trên khu đất 6000m2

Ông Phủ Kiểng là một cự phú khác ở Giồng Luông, quận Mỏ Cày. Các con đều học tới nơi tới chốn. Phủ Kiểng là nhà giàu lớn, tiếng tăm khắp Nam Kỳ, ai ai cũng nghe danh. Dân chúng địa phương chỉ biết ông là “Phủ Kiểng” chứ ít ai biết tên thật của ông là Nguyễn Duy Hinh (1874-1945).

Theo tài liệu do phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội ấn hành năm 1943: “Ông Nguyễn Duy Hinh sinh năm 1874 tại làng Đại Điền, Mỏ Cày, Bến Tre. Lúc trẻ làm Biện lại (1893), rồi Phó thôn (1894), Hương thơ (1895), Hương Văn (1896-97), Biện tống (1898), Xã trưởng (1901-1902), Hương chánh (1903), Hương sư (1904), Bang biện (1904-1913), Cai tổng (1913 – 1916). Ông được thăng Huyện hàm năm 1923, rồi Phủ hàm 1930 và Đốc phủ sứ năm 1939”.  

Đặc trưng sông nước và rừng dừa ở Bến Tre từ những năm 1920
Đặc trưng sông nước và rừng dừa ở Bến Tre từ những năm 1920

Thuở hàn vi, Nguyễn Duy Hinh sinh trong một gia đình nghèo. Cha mẹ cậu làm lụng đầu tắt mặt tối nhưng không đủ ăn. Hàng ngày, Hinh phải phụ cha mẹ trong việc ruộng rẫy. Ngoài ra, còn làm mướn cho cho các gia đình khá giả để kiếm thêm tiền giúp đỡ cha mẹ. Hồi trước, khi cho con đi ở đợ (làm mướn), cha mẹ được lãnh tiền trước. Khi tới tuổi lấy vợ, cha mẹ Hinh cất một nhà nhỏ cho vợ chồng ở riêng. 

Cũng như nhiều lực điền khác, ngoài công việc làm ruộng, cha Hinh còn đặt lò, đặt trùm, cắm câu kiếm ăn. Một hôm, người cha đặt lờ (dụng cụ bắt cá) ở Cái Răng, có bắt được một con rắn hổ. Trong lúc lui cui bắt con rắn ra khỏi lờ, không may, bị con rắn hổ mổ chết. Nhà nghèo quá, không có hòm để tẩm liệm, nên người lối xóm tới phụ bó chiếu đem chôn.

Đám ma chỉ có mấy người đưa đến huyệt. Đi được nửa đường, cái thây ma bó chiếu bị đứt dây rớt xuống ruộng. Thấy vậy, họ đào luôn cái huyệt rồi chôn tại đó. Đây là một điều ngoại lệ từ xưa tới nay rất kiêng cữ, nhất là các gia đình khá giả, không bao giờ làm như vậy. Đào huyệt xong phải chôn, chứ không được bỏ trống để đào cái khác. Nhưng gia đình quá nghèo, không cần kiêng cữ cho mất công. 

Không ngờ, đêm ấy trời mưa giông dữ dội. Sáng ra, người ta thấy chỗ cái mả mới chôn, đùn lên một gò mối lớn. Về sau theo một “thầy” địa lý, đây là ngôi mộ thiên táng, dành cho người phước đức. Ai có hài cốt cha mẹ táng vào đó con cái sẽ phát quan, giàu sang tột bực. 

Quả nhiên, từ đó bà mẹ Hinh giàu có nhờ làm ruộng trúng mùa liên tiếp, mua thêm ruộng đất, phát tài, lên như diều gặp gió. Đồng thời ông Hinh được bổ làm Biện lại khi tuổi vừa 19. Khi đã giàu có, nhà ông Phủ Kiểng là nơi các Tham biện, Chủ tỉnh, Thống đốc, Hội đồng… tới lui, tiệc tùng liên miên.

Nhà ông Phủ Kiểng như dinh Tham biện (Tỉnh trưởng), thậm chí khang trang hơn, cao 3 tầng, nằm trên một khu đất rộng tới 6.000 m2, cạnh con đường cái. Quanh nhà có tường gạch kiên cố như bức thành. Trước sân nhà, có những cột đèn ốp đá cẩm thạch, cùng nhiều hình tượng và phù điêu đắp nổi. Tại tiền sảnh là nơi đãi tiệc tùng các quan khách từ Sài Gòn xuống hay các chủ tỉnh, chủ quận các tỉnh lân cận. 

Đường phố Bến Tre xưa
Đường phố Bến Tre xưa

Nhà cất trên một nền đúc cao tới cổ, cẩn đá qúy. Ngói lợp mua từ bên Tây chở về. Cột gỗ bằng cây căm xe, mua từ bên Campuchia, rồi đóng bè thả trôi theo sông Cửu Long chở về. Trên bè có cất nhà chòi để bạn chèo ăn ngủ. Mỗi khi bè cây sắp đi ngang qua những hàng cột đáy, tức thì bạn chèo trên bè đánh mõ hồi một, tức là báo động, để chủ kéo đáy lên, tránh vô bờ.

Trong nhà bàn ghế bằng cẩm thạch Vân Nam, chén đã mua từ bên Tây hay đồ sứ của Trung Hoa. Cất nhà xong, rước thợ chạm từ miền Trung vào ăn ở luôn trong nhà mấy năm liền, để chạm trổ sa lông, trường kỷ, tủ thờ.

Theo lời kể, mấy đầu cột nhà ông Phủ Kiểng có dát vàng 2 tấc, sáng loáng. Một chuyên gia lịch sử kiến trúc và thẩm mỹ cắt nghĩa: Các đầu cội chạm trổ và dát vàng theo lối Ionic, Emprie… xuất hiện và thịnh hành ở Âu Châu vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Phủ Kiểng có đi Tây mua ngói lợp nhà, đồ gia dụng, chắc bắt chước một trong các kiểu ấy, đầu cột dát vàng khi cất nhà. 

“Đại gia” chuyên cho vay cắt cổ

Đất Mỏ Cày còn nổi tiếng với hai cha con ông Huyện Minh và Hội đồng Quá. Ông Hội đồng Quá người quận Mỏ Cày, giàu có nhưng hay tính công tiếc việc với kẻ ăn người ở trong nhà, và cả dân làng. Ông Quá nổi tiếng khi góp lúa ruộng dùng cái giạ già (đơn vị đong lường, nhưng nhiều hơn 40 lít) và khi cho vay thì dùng cái giạ non (kém hơn 40 lít). Ngoài ra, ông còn là người cho vay cắt cổ. Sự giàu có của ông là mồ hôi nước mắt của dân chúng, tá điền nghèo khổ bất hạnh đóng góp.

Khi cho vay lúa, ông cho đong bằng cái giạ non, khi gạt mặt, còn hổng một lỗ trên mặt. Đến mùa góp lúa ruộng, ông đem theo cái giạ già thêm mấy lít, và gạt miệng vun chùn. Nhiều lần đi thâu lúa ruộng tại sân lúa tá điền, sau khi đong đủ lúa cho ông thì người mướn ruộng chỉ còn… cầm cây chổi quét sân mà nước mắt tuôn dòng. Làm ruộng được bao nhiêu đã đong hết cho ông vì đã mượn nợ, trả tiền lời, tiền mướn ruộng, không còn một giạ để ăn, nhưng ông không động lòng. 

Một “đại gia” ở Bến Tre khi ra đường phố
Một “đại gia” ở Bến Tre khi ra đường phố

Có một lần, một tá điền gạt lúa cộ về nhà đập xong, giẽ sạch, phơi khô rồi đong hết cho ông, nhưng cũng chưa đủ. Bà vợ ông Hội đồng Quá bèn hỏi tá điền:

- Mấy có mấy đứa con?

Tưởng bà nhân đức, hỏi gia cảnh để châm chước cho mình, cho lại vài ba giạ để các con ăn đỡ đói, người tá điền lễ phép thưa:

- Bẩm bà tôi có 5 đứa!

Bà Hội đồng Quá nói:

- Biểu một đứa con của mày vào ngồi trong cái giạ, rồi gạt cho tao.

Tá điền khốn khổ nước mắt rưng rưng, không nói thêm một lời.

Tuy giàu có, nhưng vẫn tham lam, đó là tại bản tánh ích kỷ của một số điền chủ ở Nam Kỳ ngày trước. Nhà Hội đồng Quá lúc nào cũng có nuôi 5 con heo nái, khoảng một chục heo lứa và hàng mấy chục heo con. Tôi tớ hàng chục nhưng đầu tắt mặt tối làm không hết việc.

Hễ ai muốn vay mượn, nhờ vả điều gì khi tới nhà ông Hội đồng Quá, trước tiên là phải làm việc nhà như tôi tớ. Đàn ông thì quết chuối cho heo ăn. Có người phải giã trắng một hai cối gạo, rồi mới khép nép hỏi chuyện vay mượn. Đàn bà tới nhà phải xắt chuối cho heo ăn, ít nhất cũng phải hai cây chuối. Còn việc vay mượn được hay không là chuyện khác.

Cả tổng Minh Quái hầu như ai cũng có dịp giã gạo hoặc xắt chuối trong nhà Hội đồng Quá. Ông hà khắc với tất cả mọi người không phân biệt thân sơ, già trẻ, đến nỗi thân phụ ông là ông Huyện Minh, cũng bất bình. Theo lời dân địa phương, trong tổng Minh Quái, có đến 1/4 đất ruộng thuộc về Hội đồng Quá.

Đọc thêm